23/05/2018, 15:32

Quy trình công nghệ sản xuất giống cá lóc

Một số đặc điểm sinh học cá lóc Phân loại và tập tính sống của cá lóc Cá lóc nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thuộc: Lớp: Osteichthys; Bộ Cá lóc: Ophicephaliformes Họ Cá lóc: Ophicephalidae; Giống Cá lóc: Ohphicephalus; Loài Cá lóc: Ophicephalus striatus (Bloch, 1793) Cá lóc sống được ...

Một số đặc điểm sinh học cá lóc

Phân loại và tập tính sống của cá lóc

Cá lóc nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thuộc: Lớp: Osteichthys; Bộ Cá lóc: Ophicephaliformes Họ Cá lóc: Ophicephalidae; Giống Cá lóc: Ohphicephalus; Loài Cá lóc: Ophicephalus striatus (Bloch, 1793)

Cá lóc sống được trong nhiều loại hình thủy vực như ao, hồ, kênh mương, vùng ruộng trũng, vùng ngập sâu. Nơi cá lóc sinh sống thường có dòng chảy yếu hay nước tĩnh, ven bờ cỏ, thích hợp với tập tính rình bắt mồi của chúng.

Do có khả năng hô hấp phụ nên chúng có thể sống rất lâu trên cạn, với điều kiện chỉ cần ẩm ướt toàn thân. Cá sống chủ yếu ở nước ngọt, nhưng cũng gặp ờ nơi nước lợ có độ mặn 5 – 7‰.

Đặc điểm dinh dưỡng

Cá mới nở vẫn còn sử dụng dinh dưỡng từ khối noãn hoàng. Từ ngày thứ 4  – 5, khi noãn hoàng đã hết, cá bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. Lúc này cá bột ăn được các loài động vật phù du vừa cỡ miệng chúng như luân trùng, trứng nước.

Khi cá dài cỡ 5 – 6 cm chúng đã có thể rượt bắt các loại tép và cá có kích thước nhỏ hơn chúng. Khi cơ thể đạt chiều dài trên 10 cm, cá đã có tập tính ăn như cá trưởng thành.

Đặc điểm sinh trưởng

Ở giai đoạn nhỏ, cá tăng chủ yếu về chiều dài. Cá càng lớn thì sự tăng trọng lượng càng nhanh hơn. Trong tự nhiên, sức lớn của cá không đều, phụ thuộc vào điều kiện thức ăn sẵn có trong vực nước. Do vậy tỷ lệ sống trong tự nhiên của cá khá thấp. Trong điều kiện nuôi có thức ăn và chăm sóc tốt, cá có thể đạt từ 0,5 – 0,8kg trong một năm và đạt được tỷ lệ sống cao và ổn định.

Đặc điểm sinh sản

Cá dễ thành thục và thành thục sinh dục sớm, từ lúc 10 – 12 tháng tuổi. Mùa vụ sinh sản trong tự nhiên từ tháng 3 – 4 và kéo dài tới tháng 9 – 10. Chúng đẻ rộ vào những tháng đầu mùa mưa lớn, tập trung nhất từ tháng 5 đến tháng 7. Hệ số thành thục trung bình từ 0,5 – 1,5%, số trứng của buồng trứng cá cái có thể đạt 5.000 – 20.000 trứng.

Cá đực và cái tự ghép đôi khi thành thục và đẻ. Cá đực thường có kích thước nhỏ hơn cá cái cùng lứa. Cá thường chọn nơi có cây cỏ thủy sinh kín đáo nhưng thoáng để đẻ trứng và thụ tinh. Trứng cá lóc màu vàng sậm, có chứa hạt dầu nên nổi được trên mặt nước. Sau khi đẻ, cá đực và cái cùng canh giữ tổ trứng và cá con cho đến khi cá con bắt đầu có thể sinh sống độc lập.

Quy trình sản xuất giống cá lóc

Kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ và cho đẻ

Ao nuôi vỗ cá bố mẹ

Ao nuôi bằng đất hoặc xây gạch có diện tích vừa phải khoảng 300 – 500 m2 và độ sâu 0,8 – 1,0m. Đặc biệt phải chú ý xây bờ cao và chắc chắn để tránh cá đi mất; có thể rào xung quanh bằng lưới chắn với chiều cao 0,6 – 0,8m. Ao có cống cấp thoát nước chắn lưới kỹ. Trong ao nên cắm chà hoặc thả lục bình (khoảng 20% diện tích ao).

Trước khi thả cá nuôi cần phải tát cạn ao, dọn và phơi đáy. Sau đó cấp nước vào ao qua lưới lọc.

Chọn cá bố mẹ nuôi vỗ

Chọn cá có độ tuổi 12 tháng trở lên, nặng từ 0,6 – 0,8 kg. Cá tuyển chọn phải khỏe mạnh, không bị xây xát, vây vẩy hoàn chỉnh. Đặc biệt chú ý khi chọn lựa phải nắm vững nguồn gốc đàn cá, nhất là cá thu bắt ngoài tự nhiên (dễ gặp phải đàn cá do sử dụng điện để đánh bắt, cá rất yếu và dễ bệnh, dễ chết).

ca loc bo me

Trước khi thả xuống ao, cá được tắm nước muối 2 – 2,5% trong khoảng 10 phút để diệt các loại kí sinh trùng bám trên cá và cá cũng nhanh chóng lành các vết xây xát trên thân.

Mật độ thả nuôi vỗ từ 2 – 3 kg/10m2 ao, tỷ lệ đực/cái từ 1/1 đến 2/1.

Mùa vụ bắt đầu nuôi yỏ từ tháng 10-11 hàng năm, hoặc 2 – 3 tháng trước mùa sinh sản.

Thức ăn và quản lý chăm sóc

Cá có tập tính bắt mồi sống, Nhưng khi chọn cá nuôi vỗ, nếu là cá được nuôi nhân tạo, quen với các thức ăn là mồi chết thì thuận lợi cho nuôi vỗ, Nếu cá thu từ tự nhiên, cần phải tập cho cá ăn được mồi chết.

Thức ăn chủ yếu cho nuôi vỗ cá bố mẹ là cá tạp, vụn, tép, và các phụ phẩm lò mổ gia súc gia cầm, v.v… Thức ăn được đưa vào sàn ăn và đặt sâu cách mặt nước 0,15 – 0,2m. Cho cá ăn mỗi ngày 3 – 4 lần, không nên để thức ăn ươn thối. Mồi ăn có kích thước lớn phải cắt nhỏ cho vừa cỡ miệng của cá.

Khẩu phần ãn trong 1 ngày từ 3 – 4% khối lượng đàn cá nuôi. Thường xuyên theo dõi mức độ ăn của cá để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Thường xuyên thay nước cho ao, giữ cho nước không bị ô nhiễm do thức ăn dư thừa phân huỷ và chất thải của cá.

Kỹ thuật cho cá đẻ

Phân biệt cá đực, cái

Với cá đực thành thục, các vạch màu sậm trên thân từ vây ngực đến lỗ sinh dục, thể hiện rõ hơn cá cái. Thân cá đực thon, dài, bụng nhỏ và cứng, lỗ sinh dục hẹp nhỏ và hơi lõm vào, tách xa lỗ hậu môn. Cá đực lớn trên 1 kg có thể vuốt lườn bụng để kiểm tra tinh dịch chảy ra nhung có rất ít.

Với cá cái thành thục có thân ngắn mập và bụng lớn, mềm. Các vằn đen không hiện rõ từ vây ngực đến lỗ sinh dục như cá đực. Lỗ sinh dục tròn và hơi hồng, nằm sát với lỗ hậu môn. Trứng cá thành thục có đường kính 1,4 – 1,8 mm, màu vàng sậm, nổi trên mặt nước.

Phương pháp cho đẻ tự nhiên trong ao đẻ

Ao đẻ bằng đất có diện tích từ 50 – 100 m2, hoặc ao lót bạt cao su diện tích 30 – 50 m2 hoặc bể xây xi măng. Độ sâu của ao đất từ 0,3m (chỗ nông) đến 1m (chỗ sâu). Trên mặt ao, bể có thiết kế các khung tre ở một góc và thả lục bình hoặc rong (chiếm 40 – 50% diện tích). Mật độ thả 1 cặp/2 m2 ao (cá cỡ 0,5 – 0,8 kg). Sau đó tạo dòng nước chảy nhẹ hoặc phun mưa nhân tạo để kích thích cá đẻ. Cá bắt đầu đẻ trứng sau khi kích thích được 10 – 20 giờ, tùy thuộc vào mức độ thành thục của cá. Trong khi cá đẻ thì ngưng phun nước để không làm hỏng tổ trứng.

Phương pháp kích thích đẻ trứng bằng tiêm kích dục tố

Biện pháp này nhằm làm cho đàn cá có thể đẻ đồng loạt để thu được một lượng cá bột lớn. Nhưng cũng tùy thuộc vào mức độ thành thục của cá bố mẹ và kinh nghiệm lựa chọn của các nhà kỹ thuật. Cá chọn cho đẻ phải có buồng trứng phát triển ở giai đoạn IV thì thuốc kích dục tố mới phát huy tác dụng và đẻ có hiệu quả.

Các chất kích thích sinh sản gồm có não thùy cá (chép, mè trắng, v.v…), HCG (Human Chorionic Gonadotropin).

Lượng dùng như sau:

Não thùy cá:

Liều sơ bộ: 1 – 1,5mg/kg

Liều quyết định: 6 – 8mg/kg, tiêm cách liều sơ bộ khoảng 8 – 12 giờ. .

HCG :

Liều sơ bộ: 500 UI/kg

Liều quyết định: 2.500 UI/kg, tiêm cách liều sơ bộ từ 12 – 24 giờ.

Có thế kết hợp tiêm não thùy và HCG như sau:

Liều sơ bộ: 500 UI/kg

Liều quyết định: 1.200 – 1.500 Ui (HCG) + 3 – 4mg não thùy.

Cá đực chỉ sử dụng liều lượng thuốc kích dục tố bằng 1/3 của cá cái và chỉ tiêm 1 lần duy nhất khi tiêm liều quyết định cho cá cái.

Sau khi tiêm kích dục tố, tiến hành kích thích nước liên tục cho đến khi cá đẻ. Thời gian từ khi tiêm liều quyết định đến khi cá đẻ là 12 – 14 giờ, có khi cá đẻ rải rác đến 20 – 24 giờ.

Kỹ thuật ấp trứng cá

Vớt trứng cá đưa vào các dụng cụ ấp như thau nhựa, thau nhôm, bể xi măng, hồ đất (lót bạt cao su), bể vòng. Mực nước ấp từ 0,2 – 0,3m. Mặt độ từ 20.000 – 30.000 trứng/m2 mặt nước bể ấp. Một thau nhựa có đường kính 0,5m có thể ấp được 7.000 – 8.000 trứng.

Trong quá trình ấp, thay nước 4 – 6 lần một ngày đêm, hoặc có dòng nước chảy nhẹ liên tục. Vớt bỏ ngay những trứng bị ung (màu trắng đục).

Ở nhiệt độ 28 – 30°C, sau 20 – 26 giờ ấp, trứng sẽ nở thành ấu trùng. Lúc này ấu trùng còn rất yếu và nổi trên mặt nước, dinh dưỡng bằng noãn hoàng cho đến ngày thứ 3 – 4.

Kỹ thuật ương nuôi cá giống

Ương cá bột lên cá hương trong bể xi măng hoặc bể lót bạt

Bể có diện tích 4 – 10 m2, mức nước sâu 0,5 – 0,6m, mật độ ương khoảng 1000 – 1500 con/m2.

Tuần đầu tiên thức ăn cho cá là trứng nước (Moina), sau đó cho ăn kèm trùn chỉ (0,5 – 1 kg/10.000 cá/ngày). Từ ngày thứ 10 tập cho cá chuyển sang ăn cá tạp xay nhuyễn.

Lượng thức ăn cho ăn cần căn cứ vào sức ăn của cá để điều chỉnh cho đủ, không để dư thừa thức ăn sẽ làm cho môi trường dễ bị ô nhiễm.

Thường xuyên thay nước, vớt thức ăn dư thừa và những cá con bị chết, loại bỏ ngay những cá yếu và nhiễm bệnh.

Sau 15 ngày, chuyển cá sang ương giai đặt trong ao.

Ương cá hương thành cá giống trong giai (đặt trong ao)

Giai được đặt trong ao, giai có diện tích 2 – 4 m2. Mật độ thả 1000 con/m2. Thức ăn là cá xay (250g/1000 con), trộn thêm vitamin A, C, D, E (2g/100 kg thức ăn). Chú ý tăng dần lượng thức ăn theo mức độ ăn của cá.

Trong giai có thả một ít rau muống hay bèo lục bình (1/3 diện tích) và che mát tránh nắng gắt cho cá. Nước ao được định kỳ thay mới giữ cho môi trường sạch, sau 2 – 3 ngày vê sinh cọ rửa giai một lần. Mỗi tuần kiểm tra phân loại cá lớn trội vượt đàn và loại bỏ cá yếu.

Sau 55 – 60 ngày ương trong giai, cá có thể đạt cỡ 15 – 17g/con và được chuyển sang nuôi cá thịt.

Ương trong ao

Ao ương có diện tích 300 – 500 m2, mực aước đạt 0,8m. Ao được tát cạn và cải tạo vét lại nền đáy, bón lót phân chuồng (gà, heo, v.v…) với khối lượng 25 – 30 kg/100 m2 hoặc bột cá 10 kg/100 m2. Cấp nước từ từ vào ao, khoảng 2 – 3 ngày sau khi trong ao đã có thức ăn tự nhiên thì thả cá.

Mật độ thả ương và quản lý chăm sóc:

– Mật độ thả trung bình 100 – 150 con/m2. Cá thả trong một ao phải cùng ngày tuổi đẻ tránh tình trạng cá lớn không đều, có thể ăn thịt lẫn nhau.

– Trong 10 ngày đầu khi thả cá, ngoài thức ăn tự nhiên, cho ăn thêm lòng đỏ trứng vịt (3 ngày), số lượng 10 trứng/10.000 cá bột. Dùng Moina (trứng nước) bổ sung mỗi ngày 2 – 3 lon (200 – 300 g) cho 10.000 cá bột; từ ngày thứ 10, cho cá ăn chủ yếu là cá xay nhuyễn và tạt đều khắp ao. Khi cá 1 tháng tuổi, cho ăn thêm tép và cá vụn bằm nhuyễn. Tập dần cho cá quen ăn mồi trong sàn ăn, sàn đặt cách mặt nước 0,1 – 0,2m.

– Khi đến 1,5 tháng tuổi thì cho cá ăn hoàn toàn tép vụn và cá bằm nhỏ. Thức ăn được đưa xuống sàn để cố định trong ao.

– Có thể tập cho cá ăn thức ăn chế biến khi cá đạt kích cỡ 5 – 7 cm (1,5 tháng). Dùng các nguyên liệu như cám, bột cá, cá biển, cá vụn, v.v…trộn và nấu chín, đảm bảo hàm lượng protein từ 25 – 30%. Ngoài ra để tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh, trộn thêm Vitamin vào thức ăn hoặc tỏi giã nhỏ (200g/100 kg thức ăn).

– Sau 2,5 – 3 tháng ương, đạt cỡ cá giống với chiều dài 8 – 12 cm có thể chuyển đi nuôi cá thịt.

TS. Phạm Văn Khánh

Viện nghiên cứu NTTS II

0