23/05/2018, 15:31

Quy trình công nghệ sản xuất giống cá sặc rằn

Cá sặc rằn là loài cá bản địa của đồng bằng Sông Cửu Long. Từ những năm 1985 – 1990 cá sặc rằn đã là đối tượng nuôi trong cơ cấu đàn cá nuôi của 1 số tỉnh tại ĐBSCL. Con giống thả nuôi được đánh bắt ngoài tự nhiên. Từ nãm 2000 được sự hỗ trợ của dự án khuyến ngư, cá sặc rằn đã được nghiên cứu ...

Cá sặc rằn là loài cá bản địa của đồng bằng Sông Cửu Long. Từ những năm 1985 – 1990 cá sặc rằn đã là đối tượng nuôi trong cơ cấu đàn cá nuôi của 1 số tỉnh tại ĐBSCL. Con giống thả nuôi được đánh bắt ngoài tự nhiên.

Từ nãm 2000 được sự hỗ trợ của dự án khuyến ngư, cá sặc rằn đã được nghiên cứu về sinh học và đã cho đẻ nhân tạo thành công tại Tiền Giang. Trong năm 2001 – 3003, Trung tâm khuyến ngư Tiền Giang đã tiến hành huấn luyện đào tạo công nghệ sản xuất giống cá sặc rằn cho 70 hộ gia đình và đã sản xuất được hàng trăm triệu cá bột, cá giống cho người nuôi. Với sự phát triển mạnh mẽ nghề nuôi cá sặc rằn tại các tỉnh Nam Bộ, nhu cầu con giống ngày một lớn, nguồn giống thu bắt ngoài tự nhiên không thoả mãn được, bên cạnh đó công nghệ sản xuất giống cá sặc rằn đã ổn định. Vì vây việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá sặc rằn là cấp thiết và khả thi. Qui trình công nghệ sản xuất giống cá sặc rằn được xây dựng trên cơ sở tổng kết các nghiên cứu thử nghiêm và thực thi triển khai của Trung tâm Khuyến ngư Tiền Giang.

Một số đặc điểm sinh học chủ yếu của cá sặc rằn

Phân bố

Sặc rằn là loài cá nước ngọt, sống ở vùng nhiệt đới; phân bố nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long, Thái Lan, Campuchia và Lào.

Ngoài tự nhiên, cá sống ở sông, rạch, ao mương, vườn, ruộng lúa, vùng ven rừng ngập nước…Cá thích nghi với điều kiện nuôi trong ao nhỏ, cá có khả năng chịu đựng môi trường có hàm lượng oxy hoà tan thấp. Cá sống được trong môi trường nước lợ có nồng độ muối 6 – 7%.

Dinh dưỡng

Cá sặc rằn thuộc loài cá ăn tạp nhưng thiên về thức ăn là động vật bao gồm các loại côn trùng, giáp xác…Khi còn nhỏ cá ăn phiêu sinh động, thực vật và động vật đáy. Sau đó cá ăn mùn bã hữu cơ và phiêu sinh động vật, rau, bèo, phân hữu cơ.

Sinh trưởng

Cá sạc rằn thuộc loài sinh trưởng chậm, sau 7 – 10 tháng nuôi, trung bình cá đạt trọng lượng 50 – 100g/con. Ca cái lớn nhanh hơn cá đực.

Sinh sản

– Trong tự nhiên, cá thành thục sinh dục và tham gia sinh sản lần đầu ở 6 tháng tuổi. Cá đẻ trong ao và ruộng, mùa vụ sinh sản ngoài tự nhiên từ tháng 4 đến tháng 10.

– Sức sinh sản khoảng 200.000 – 300.000 trứng/kg cá cái.

– Thời gian tái phát dục 25 – 30 ngày, cá có thể đẻ 3 – 4 lần/năm.

Trứng cá sặc rằn thuộc loại trứng nổi, có màu vàng nhạt.

Công nghệ sản xuất giống cá sặc rằn

Nuôi vỗ cá bố mẹ

ca sac ran bo me

Trước mùa vụ sinh sản 2 – 3 tháng thì tiến hành lựa chọn cá để nuôi vỗ. Chọn cá đạt các tiêu chuẩn sau:

– Chọn cá nuôi được 10 – 12 tháng tuổi.

– Cỡ cá 60 – 100/con.

– Cơ thể hoàn chỉnh, không dị hình, không bệnh tật.

Phân biệt cá đực, cá cái dựa theo một số đặc điểm sinh học bên ngoài, khi cá đã thành thục và đạt 8 tháng tuổi.

Cá đực:

– Tia vây lưng kéo dài tới hoặc vượt khỏi gốc vây đuôi.

– Các sọc màu đen xiên từ lưng xuống bụng rất rõ.

– Các sọc đen dọc thân không liên tục.

Cá cái:

– Tia vây lưng không kéo dài tới vây lưng.

– Các sọc xiên từ lưng xuống bụng không rõ.

– Các sọc đen dọc thân liên tục từ đầu đến đuôi.

Kỹ thuật nuôi vỗ

Điều kiện ao nuôi vỗ

– Ao nuôi vỗ gần sông, rạch để chủ động cấp, thoát nước

– Ao phải thông thoáng đảm bảo ánh sáng chiếu xuống ao

– Diện tích: 200 – 1000m2

– Độ sâu: 0,8 – 1,2m

Cải tạo ao nuôi vỗ

Tuần tự thực hiện các bước giống như cải tạo ao nuôi vỗ các loài cá khác như: vệ sinh ao thật kỹ, diệt cá tạp, cá dữ, bón vôi với lượng 7 – 10 kg/100m2 ao, bón phân gây màu, lấy nước vào ao qua lưới lọc, sau 7 – 10 ngày thì thả cá bô mẹ vào nuôi vỗ.

Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ

– Tỷ lệ đực: cái = 1:1

– Mật độ: 10 – 15 con/m2

Cho ăn và chăm sóc

– Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, hoặc thức ăn tự chế biến: cám gạo, bột cá, ruốc… Ngoài ra cho cá ăn thêm bèo cám, phế thải của nông nghiệp,…

Lượng thức ăn bằng 3 – 5% khối lượng cá nuôi/ngày.

Đảm bảo hàm lượng đạm chiếm từ 18 – 25%.

Kỹ thuật cho cá đẻ

Cho đẻ tự nhiên

Cho đẻ ngoài tự nhiên thì có 1 số hạn chế:

– Năng suất thấp,

– Cá đẻ không tập trung,

– Tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống thấp, không ổn định,

– Không chủ động được số lượng con giống.

Cho đẻ nhân tạo

Chuẩn bị bể đẻ

– Bể cho cá đẻ là bể xây gạch, xi măng, vải bạt, lu sành, thau, chậu…

– Diện tích bể đẻ lớn hay nhỏ tùy theo số lượng cá cho đẻ nhiều hay ít.

– Độ sâu mực nước trong bể đẻ: 30 – 40 cm.

– Dùng lá môn hoặc lá sen úp nổi trên mặt nước để cá phun bọt đẻ trứng.

– Bể đẻ cần bố trí nơi yên tĩnh để cá không sợ hãi khi sinh sản.

Chọn cá cho đẻ

– Cá cái: bụng to và mềm.

– Cá đực: khỏe, linh hoạt.

– Tỷ lệ đực: cái = 1:1

Tiêm kích dục tố

– Loại kích dục tố:

HCG

LRH-A

– Liều dùng:

Đối với cá cái:

HCG: 2.500 – 2.000 UI/kg cá cái

hoặc LRHa 0,2mg + 2 viên DOM (hoặc 2 viên Motilium)/kg cá cái.

Đối với cá đực: sử dụng với liều bằng 1/2 – 1/3 liều cá cái.

– Vị trí tiêm: Thường tiêm ở gốc vây ngực hoặc vây lưng.

Mật độ thả cá cho đẻ trong bể

Thả 2 – 4 cặp cá bố mẹ/1 m2 ao.

Thời gian hiệu ứng: Sau khi chích (tiêm) 17 – 19 giờ.

Thời gian đẻ kéo dài 2 – 3 giờ.

Kỹ thuật

– Sau khi cá đẻ, trứng được vớt bằng lưới mịn và đem ấp trong thau.

– Trứng tốt có màu vàng nhạt, trứng hư không thụ tinh có màu trắng,

– Mật độ trứng ấp: 30.000 – 40.000 trứng/thau nhựa có đường kính 60 cm hoặc 90.000 – 100.000 trứng/1m2 bể.

– Thời gian ấp: 18 – 22 giờ thì cá nở.

Vào vụ sinh sản chính với điều kiện thuận lợi, kỹ thuật tốt thì có thể đạt được các thông số sau:

Tỷ lệ cá đẻ đạt 70 – 80%

Tỷ lệ thụ tinh đạt 80 – 90%

Tỷ lệ nở đạt 90 – 95%

Trong quá trình ấp cần vớt bỏ trứng hư và thay nước thường xuyên, đảm bảo môi trường nước ấp sạch. Nơi ấp trứng phải có mái che nắng mưa và thoáng mát.

Kỹ thuật ương cá bột lên cá giống

Chuẩn bị ao ương

Ao ương là ao đất hoặc trên ruộng, diện tích là 500 – 1000 m². Tiêu chuẩn ao, cải tạo ao, bón vôi đúng theo qui trình kỹ thuật giống như ương các loài cá khác. Nước lấy vào ao phải qua lưới lọc trước khi thả cá bột 2 – 3 ngày.

Mật độ ương

Mật độ ương: 400 – 500 con cá bột/1m2

Thức ăn

Lượng thức ăn tính cho 100.000 con cá bột/ngày như sau:

– Ngày thứ 7 – 10 ngày đầu: 3 lòng đỏ trứng + 300g bột đậu nành, chà nhuyễn, để sống hoặc nấu chín, hòa tan trong nước, tạt khắp ao, ngày 3 – 4 lần.

– Ngày thứ 10 – 20: 200 g đậu nành + 200 g cám + 200 g bột cá, để sống, rải đều khắp ao, hoặc nấu chín quấy đều trong nước tạt.

– Ngày thứ 20 – 30: 600 g cám mịn + 600 g bột cá, để sống trộn đều rải cho cá ăn, hoặc nấu chín treo rổ cho cá ăn.

– Ngày thứ 30 – 60: kiểm tra cá và cho ăn với lượng 10 – 15% trọng lượng cá trong ao/ngày (trong đó cám 50%, bột cá 50%) để sống rải đều cho cá ăn, hoặc nấu chín treo rổ cho cá ăn.

Thức ăn nên trộn thêm Vitamin C (40mg/kg thức ăn).

Thời gian ương: 50 – 60 ngày.

Tỷ lệ sống: 20 – 30%.

Cá giống đạt qui cách: 400 – 500 con/kg.

Khối lượng cá có thể đạt: 1,5 – 2,5 gram/con thì thu hoạch đem nuôi thương phẩm.

Thu hoạch và vận chuyển cá giống

Cá đạt kích cỡ 400 – 600 con/kg, trước khi thu hoạch 4 – 5 ngày phải luyện cá cho thật kỹ.

Khi đánh bắt, cần thao tác thật nhẹ nhàng, nếu không cá đễ bị xây xát sẽ chết..

Trước khi vận chuyển 2 – 3 ngày, kéo cá và luyện cá trong giai cho cá khỏe rồi mới vận chuyển bằng bao nylon có bơm oxy.

TS. Phạm Văn Khánh

Viện Nghiên cứu Nuôi trông thủy sản II

0