15/06/2018, 10:58

Cách làm giò xào ngon nhất

Giò xào là một món ăn đặc trưng của người dân Bắc Bộ, nhất là trong dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc thì đây là món ăn không thể thiếu. Trước đây vì không có cách bảo quản nên chỉ đến mùa đông lạnh giá dân ta mới làm giò xào nhưng ngày nay hầu hết mọi nhà đều có tủ lạnh nên bất cứ khi ...

cach-lam-gio-xao-ngon-nhat

Giò xào là một món ăn đặc trưng của người dân Bắc Bộ, nhất là trong dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc thì đây là món ăn không thể thiếu. Trước đây vì không có cách bảo quản nên chỉ đến mùa đông lạnh giá dân ta mới làm giò xào nhưng ngày nay hầu hết mọi nhà đều có tủ lạnh nên bất cứ khi nào các bạn muốn là có thể làm giò xào để ăn. Món giò xào được nhiều người yêu thích bởi sự sần sần của tai lợn và mộc nhĩ quyện với mùi thơm của nước mắm và hạt tiêu, ăn kèm với dưa muối nữa thì ngon tuyệt không gì bằng. Làm giò xào khá đơn giản không yêu cầu cao như giò lụa nên hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn một cách làm giò xào ngon nhất nhé:

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

Thịt chân giò: khoảng 1kg.

Thịt ba chỉ: 500g.

2 cái tai lợn.

Lưỡi lợn.

Mộc nhĩ: 200g.

Nước mắm ngon với độ đạm ít nhất là 40% (như mình đã trình bày ở bài cách làm giò lụa ngon tại nhà)

Hạt nêm, bột canh, tiêu.

Lá chuối, lạt, dây bẹ lớn.

Cách làm giò xào như sau:

Lá chuối: Các bạn rửa sạch rồi đem luộc lên, sau đó lau khô và để ráo.

Tai lợn: Các bạn rửa sạch, làm sạch lông, bạn có thể hơ qua lửa để khi cạo lông sẽ dễ hơn, rửa lại sạch với nước, phần tai lợn khá bẩn nên bạn cần làm thật kỹ nhé.

Đối với phần lưỡi lợn bạn chần qua nước sôi rồi cạo hết phần mủn trắng ở lưỡi đi sau đó rửa sạch lại với nước.

Các bạn rửa sạch thịt ba chỉ và thịt chân giò, nếu có lông thì dùng dao cạo để cạo lông nhé.

Sau đó bạn cho tất cả vào nồi luộc đến khi vừa sôi lên thì tắt bếp đi. Đợi thịt bớt nóng thì thái thịt, lưỡi và tai lợn thành các miếng dài vừa và mỏng.

Mộc nhĩ: Bạn ngâm với nước nóng cho nó nở mềm ra, rửa sạch lại với nước, sau đó thái sợi nhỏ.

Tiếp theo các bạn đem ướp thịt với 2 muỗng canh nước mắm, 1 thìa café hạt nêm, ít tiêu để trong vòng 30 phút cho thịt ngấm gia vị.

Kế đến chúng ta sẽ xào thịt, nếu thịt nhiều mỡ thì bạn không cần cho thêm dầu ăn, nhưng nếu thịt nhiều nạc thì bạn có thể cho thêm một chút dầu ăn vào nhé. Xào với lửa lớn và đảo nhanh đều tay, trong quá trình xào bạn cho thêm nước mắm vào, nếu thấy nhạt. Đến khi thịt chín đều, có màu vàng sậm của nước mắm, thịt tiết mỡ và hơi cháy cạnh thì bạn cho mộc nhĩ vào đảo chín đều, cho thêm ít tiêu nữa trộn đều lên rồi nhấc ra.

Trước đó bạn đã phải chuẩn bị lá chuối sẵn sàng để ngay khi thịt vừa nhấc ra khỏi bếp bạn phải tiến hành gói lại luôn, nếu bạn để thịt bị nguội thì các miếng thịt sẽ không kết lại được với nhau thành hình, giò sẽ bị bung bở ra.

Bạn xếp lá chuối chồng lên nhau theo chiều dọc, sau đó cho thịt vừa xào vào giữa, cuốn lá chuối lại, rồi dùng một cái lạt buộc ngang vào giữa, sau đó gấp một đầu lá lại rồi dựng đứng giò lên, dùng đũa dài nhồi thịt xuống cho giò được chắc, rồi gấp gọn đầu lá còn lại.

Các bạn phải buộc lạt và dây đay thật chặt xung quanh giò, sau đó bạn rửa bên ngoài giò qua nước lạnh, dùng khăn lau khô, rồi treo giò lên để giò róc bớt mỡ và nước, bạn có thể dùng vật nặng như thớt gỗ hay tấm ván để ép giò, làm như vậy giò sẽ chắc và ngon hơn.

Để giò khoảng 1 ngày cho thật nguội và chắc lại là bạn có thể thái ra ăn được rồi.

Làm giò xào chỉ khó nhất công đoạn gói lá, bạn có thể nhờ chồng mình nhanh tay, khỏe tay gói giúp, như vậy vợ chồng càng tình cảm hơn. Chúc bạn thành công với món giò xào truyền thống này nhé!

0