23/05/2018, 15:39

Thiên nhiên là nguồn cảm hứng cho chậu cảnh non bộ

Chậu cảnh non bộ thường tái hiện các cảnh núi non hùng vĩ, hoặc hiểm trở, cheo leo cảnh non xanh nước biếc, kì sơn dị động, v.v… Nói cách khác, phong cảnh thiên nhiên là nguồn cảm hứng, là mạch ngầm vô tận cho người chế tác chậu cảnh non bộ (miền Nam thường gọi là giả sơn) Chậu cảnh non bộ ...

Chậu cảnh non bộ thường tái hiện các cảnh núi non hùng vĩ, hoặc hiểm trở, cheo leo cảnh non xanh nước biếc, kì sơn dị động, v.v… Nói cách khác, phong cảnh thiên nhiên là nguồn cảm hứng, là mạch ngầm vô tận cho người chế tác chậu cảnh non bộ (miền Nam thường gọi là giả sơn)

Chậu cảnh non bộ lấy đá và nước là nguyên liệu chính để tạo cảnh. Ngoài ra còn có thể phối trí thêm cây cỏ và các phối kiện khác như chùa, tháp, động vật v.v… để tạo thành một cảnh sắc tự nhiên, hình thành một bức tranh lập thể. Vì thế để chế tác chậu cảnh non bộ cần phải tìm hiểu núi non, sông ngòi, ao, hồ, v.v… để có thể tái hiện nó một cách sinh động. Đất nước ta phong cảnh đa dạng, có tới trên 3000 km bờ biển từ mũi Ngọc đến mũi Cà Mau. Dọc bờ biển có nhiều quần đảo đẹp như quần đảo Hạ Long được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Trên đất liền có núi non hùng vĩ, từ Việt Bắc đến Tây Bắc, Tây Nguyên đều có nhiều hang động chùa chiền nổi tiếng như chùa Hương Tích, chùa Yên Tử, núi Ngũ Hành Sơn, động Phong Nha v.v… và rất nhiều chùa, động khác. Thiên nhiên nhiệt đới cũng cho ta nhiều phong cảnh đẹp như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt, thác Bản Dốc v.v… Phong cảnh ấy đã đi vào thơ ca rất nhiều:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Hay:

“ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng’

(Nguyễn Du)

Đó là những chất liệu sống, là nguồn cảm hứng vô tận cho người sáng tác non bộ.

Sơn thanh, thuỷ tú là đề tài vĩnh hằng cho thơ, ca, cho văn học, cũng là nguồn cảm hứng vĩnh hằng cho người chế tác non bộ. Non và nước là cảnh sắc tự nhiên nhưng lại nói lên mối tình keo sơn, biện chứng của tạo vật, của tình người như bài thơ “ Thề Non Nước” của Tản Đà đã diễn tả:

“Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa”.

Nguyên liệu chủ yếu của non bộ là đá và nước, nhưng khi đã tạo thành cảnh thì đá không phải là đá, mà đã có hơi thở cuộc sống trong đó. Đồng bào miền núi Lạng Sơn có câu: “Đá mang về nhà hồn núi về theo”.

Người có hiểu biết tự nhiên mới thưởng thức được cái hay, cái đẹp của non bộ. Người chế tác non bộ lại càng cần hiểu biết tự nhiên một cách sâu sắc hơn, có như vậy tác phẩm tạo ra mới bắt nguồn từ thực tiễn, sống động mà không khó khăn.

Như vậy để có vốn cho sáng tác cần du sơn, ngoạn thuỷ trên các nẻo đường đất nước. Sản phẩm tạo ra là cảnh sắc tự nhiên được rút gọn mà tác giả gửi gắm tâm tư của mình vào đó.

Non bộ là bức tranh sơn thuỷ, nhưng là bức tranh lập thể. Vì vậy đòi hỏi người chế tác phải biết một số kiến thức về hội hoạ, điêu khắc, nghệ thuật tạo hình để vận dụng trong chế tác.

Thơ, hoạ không những gợi ý mà còn là nguồn cảm hứng cho nghệ nhân trong sáng tạo vẻ đẹp của non bộ.

0