23/05/2018, 15:39

Đặc trưng nghệ thuật chậu cảnh

Nghệ thuật chậu cảnh cũng như nghệ thuật lục hoá là môn khoa học gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật, có tính nghệ thuật đậm nét. Nó là kết quả của sự vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học và nghệ thuật. Khi nói nghệ thuật chậu cảnh tức là ta nghiêng về mặt nghệ thuật. Thực chất không thể xem nhẹ mặt ...

Nghệ thuật chậu cảnh cũng như nghệ thuật lục hoá là môn khoa học gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật, có tính nghệ thuật đậm nét. Nó là kết quả của sự vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học và nghệ thuật. Khi nói nghệ thuật chậu cảnh tức là ta nghiêng về mặt nghệ thuật. Thực chất không thể xem nhẹ mặt khoa học kĩ thuật vì một khi cây trong chậu sinh trưởng không theo ý muốn, thậm chí dẫn đến cây bị chết thì không có gì để nói đến tác phẩm nữa, thì ý nghĩa nghệ thuật của chậu cảnh cũng không còn. Nghệ thuật chậu cảnh là nghệ thuật có sinh mệnh, có tính tổng hợp và khái quát cao. Theo Vương Hồng Binh (1993), nghệ thuật chậu cảnh có các đặc trưng là tính tổng hợp, tính phức tạp, tính khái quát, tính sáng tạo liên tục và tính thưởng thức phong phú.

Tính tổng hợp của nghệ thuật chậu cảnh thể hiện sự vận dụng tổng hợp kiến thức khoa học và nghệ thuật. Xét về mặt nghệ thuật, chậu cảnh thuộc nghệ thuật tạo hình. Thủ pháp tạo hình ở đây bao gồm màu sắc, hình thể, diện tích, thể tích, vật liệu v.v… Ngoài ra, nó còn liên quan rất chặt chẽ đến nghệ thuật lục hoá, đến thơ, văn và âm nhạc. Bởi vì người ta còn vẽ được thư và cũng nhiều chậu cảnh được chế tác theo những bài thơ hay. Tính tổng hợp của nghệ thuật chậu cảnh còn thể hiện ở chỗ nó có mối liên hệ hữu cơ, không thể chia cắt với rất nhiều môn khoa học tự nhiên khác nhau như thực vật học, phân loại thực vật, sinh lí thực vật, sinh thái thực vật, kĩ thuật gây trồng, địa chất v.v… Thí dụ một trong những thủ pháp của nghệ thuật chậu cảnh là cắt tỉa. Việc cắt tỉa vừa phải tuân thủ nguyên tắc nghệ thuật và ý đồ sáng tác của tác giả, lại vừa phải căn cứ vào đặc tính loài cây, mùa sinh trưởng, khả năng nảy chồi của nó mạnh yếu để quyết định việc cắt như thế nào; có cây chỉ cắt tỉa một, hai lần, có cây phải cắt tỉa nhiều lần mới tạo dáng được theo ý muốn. Vì thế nói chậu cảnh là con đẻ của khoa học và nghệ thuật.

Tính phức tạp của nghệ thuật chậu cảnh thể hiện ở chỗ trong một không gian nhất định, thường là nhỏ hẹp cần diễn đạt một cảnh quan lớn, cần chú ý đến toàn bộ cấu đồ không gian lập thể và tuyến mắt, góc nhìn cho hợp lí đế đạt được hiệu quả thưởng thức lớn. Nghệ thuật chậu cảnh không chỉ yêu cầu tác phẩm là hình ảnh tự nhiên thu nhỏ lại mà còn yêu cầu tác phẩm có cả hình và thần, tức là có ý cảnh. Như vậy tác phẩm phải đạt được sự khái quát cao. Không những thế về mặt kỹ sảo cũng cần điêu luyện, tuy cắt tỉa thường xuyên nhưng lại không để lại dấu vết bàn tay con người, tác phẩm nhân tạo nhưng lại giống như thiên thành. Người Trung Quốc có câu “nhất chước tắc giang hồ vạn lí, nhất phong tắc thái hoa thiên tầm”. (Một muôi nước là sông hồ vạn dặm, một đỉnh núi là trùng điệp thái sơn).

Tính liên tục sáng tạo, đặc biệt là nghệ thuật chậu cảnh cây xanh là sản phẩm nghệ thuật có sinh mệnh. Quá trình sống của cây xanh trong chậu ta phải thường xuyên tác động như chăm bón, tưới nước, xén tỉa v.v… Nếu không chăm bón thì cây sẽ sống cằn cỗi và có thể sẽ chết, nếu không xén tỉa thì cây sẽ phát triển tự do mà mất đi giá trị thẩm mĩ. Đây là một đặc trưng khác với hội hoạ, điêu khắc. Hội hoạ, điêu khắc chỉ làm một lần là xong.

Tính thời gian của cảm mĩ, cây cối biến đổi theo mùa, theo năm tháng, thời gian khác nhau, gợi cho ta cảm mĩ khác nhau. Mùa xuân cành lá non tơ, mùa hạ xanh lục, mùa thu, thu đông một số loài lá chuyển màu vàng, màu đỏ. Hoặc như mùa xuân xem hoa, mùa hạ xem lá, màu thu xem quả, mùa đông xem cành v.v… Một bức tranh thì bốn mùa không thay đổi nhưng một tác phẩm chậu cảnh thì cho ta cảm mĩ khác nhau theo thời gian, năm tháng.

Tính thưởng thức phong phú, nghệ thuật chậu cảnh là nghệ thuật có sinh mệnh, lại là khoa học tổng hợp, nó tập trung nhiều nhân tố hình thái nghệ thuật và khoa học khác, ai cũng có thể thưởng thức, song tuỳ từng mức độ hiểu biết, trình độ cảm thụ và kinh nghiệm sống; của từng người khác nhau mà cảm thụ tác phẩm ở mức độ sâu, nông khác nhau. Tác phẩm nghệ thuật chậu cảnh được ví như một bài thơ không lời, một bức tranh lập thể bay bướm lại không thiếu sự chân thực tự nhiên. Vì thế người ta nói nó vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa khoa học vừa nghệ thuật, vừa vật chất vừa tinh thần, vừa thưởng thức vừa sử dụng.

Một tác phẩm nghệ thuật chậu cảnh nếu đạt được cả cái đẹp tự nhiên, cái đẹp xã hội, cái đẹp nghệ thuật thì là tác phẩm hoàn hảo. Cái đẹp tự nhiên (ở tác phẩm chậu cảnh) có lẽ chủ yếu do kết lao động khoa học, cái dẹp xã hội và cái đẹp nghệ thuật là kết quả lao động nghệ thuật của người chế tác.

0