23/05/2018, 15:39

Cách trồng su hào

Đặc điểm cây su hào Su hào là cây ưa khí hậu mát, cây có nguồn gốc Địa Trung Hải, được trồng nhiều ở Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc. Nên chỉ trồng được ở những vùng có khí hậu lạnh như miền Bắc nước ta. Cây su hào có tên khoa học (Brassica oleracera var gongylodes) loài rau ăn thân hai năm, họ cải ...

Đặc điểm cây su hào

Su hào là cây ưa khí hậu mát, cây có nguồn gốc Địa Trung Hải, được trồng nhiều ở Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc. Nên chỉ trồng được ở những vùng có khí hậu lạnh như miền Bắc nước ta.

Cây su hào có tên khoa học (Brassica oleracera var gongylodes) loài rau ăn thân hai năm, họ cải (Brassicaceae). Lá trơn, phẳng, màu lục đậm, cuống lá dài. Thân phình to tạo thành “củ”. Ra hoa, đậu quả năm thứ 2 với nhiệt độ 12 – 25°c.

Có 3 chủng su hào đang được trồng ở Việt Nam.

а. Su hào dọc tăm (còn gọi su hào trứng), củ nhỏ, vỏ mỏng, hình tròn, năng suất thấp nhưng ăn ngon.

b. Su hào dọc nhỡ, dọc trung bình.

c. Su hào dọc đại (su hào trâu, su hào bánh xe, su hào bình vôi), củ to, vỏ dày, trồng 120 – 150 ngày mới có củ.

Trong 100g su hào có 67,7g nước; 2,2g protein; 4,9g gluxit; 35,9mg canxi; 39,0mg photpho; 31mg vitamin c.

Muốn trồng su hào có năng suất cao cần lưu ý:

Thời vụ: ở miền Bắc Việt Nam, mỗi năm có 3 vụ su hào. Vụ sớm gieo hạt từ tháng 7 – 8, trồng tháng 8 – 9.

Vụ chính gieo hạt tháng 9 – 10, trồng tháng 10 – 11.

Vụ muộn gieo vào tháng 11 trồng tháng 12.

Vườn ươm

Su hào trồng bằng cây con. Cây con được ươm trong vườn cao ráo, dễ thoát nước, đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha. Đất làm thật nhỏ, trộn đều với 1,5 – 2kg phân chuồng/m2. Nếu không có phân chuồng thì thay bằng phân hữu cơ vi sinh 0,3kg/m2. Lên luống cao 30cm; rãnh rộng 30cm, mặt luống rộng 90 – 100cm. Hạt su hào trộn với tro bếp, vãi đều trên mặt luống với lượng 1,2 – 1,5g/m2. Vãi xong phủ lên một lớp trấu hoặc rơm rạ, tưới nước giữ ẩm ngày 1 lần bằng bình ozoa. Khi cây mọc, bóc bỏ rơm rạ, tưới thường xuyên cho cây. Dùng phân lân hay nước giải pha loãng, tưới thúc cho cây. Không dùng phân đạm để bón trong vườn ươm. Trước khi nhổ cây, phải tưới ẩm để hạn chế đứt rễ.

Cách trồng

Chọn đất cao ráo, dễ thoát nước, đất thịt nhẹ và được luân canh với cây khác họ, có độ pH = 5,5 – 6,5 để trồng su hào. Đất phải cày bừa kỹ, đập nhỏ, lên luống cao 30cm, rãnh rộng 30cm; mặt luống rộng 80 – 90cm.

Dùng toàn bộ phân chuồng, phân lân và 50% phân kali và 30% phân đạm trộn đều với đất, rồi san phẳng mặt luống. Cấy cây dọc theo luống với khoảng cách 30 x 40cm. Nên trồng su hào vào buổi chiều, tưới nước đủ ẩm ngày một lần đến khi cây hồi xanh, sau đó 2 – 3 ngày tưới một lần.

Bón phân, chăm sóc

Bón lót bằng phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh, phân rác (lượng bằng 1/3 phân chuồng) với phân lân, phân kali.

Bón thúc bằng lượng phân hóa học còn lại, chia làm 3 đợt: sau khi trồng 7 – 10 ngày dùng 15% đạm và 10% kali; 20 – 25 ngày dùng 25% phân đạm và 20% kali; 35 – 40 ngày bón nốt số phân còn lại. Ngoài những đợt bón thúc có thể dùng phân bón lá sinh học phun đều vào giữa các đợt bón thúc.

Lượng phân bón cho một vụ su hào

Tổng lượng phân Loại phân (kg nguyên 1 chất/ sào) Bón lót (%) Bón thúc (%)
1 2 3
Phân chuồng 720 100
Phân đạm 7 – 8,5 30 15 25 30
Phân lân 20-25 100
Phân kali 7-8,5 50 10 20 20

Tưới nước

Dùng nước phù sa hay nước giếng khoan tưới cho rau. Bộ rễ su hào ăn nông nên cần rất nhiều nước. Có thể tưới vào rãnh khi đủ ẩm phải tháo ngay nước. Sau mỗi lần bón thúc nên xới xáo, vun gốc 2 – 3 lần trong một vụ. Thường xuyên nhổ cỏ dại, bỏ lá vàng. Không được tưới nước vào củ lúc củ đang độ lớn, dễ làm củ nứt.

Thu hoạch su hào

Căn cứ vào thòi gian sinh trưởng của từng giống, từng thời vụ, theo dõi sự sinh trưởng của lá non, sự hình thành củ để định thời gian thu hoạch. Củ thu phải không có xơ, không sâu bệnh, da phẳng; không giập nứt, cho vào bao bì sạch mang đến nơi tiêu thụ.

Sâu, bệnh của cây su hào

Su hào hay bị sâu tơ, sâu xanh, rệp, sâu xầm… gây hại và bị bệnh thối nhũn, thối bẹ lá…

Để phòng trừ cần áp dụng triệt để biện pháp phòng trừ tổng hợp; thường xuyên vệ sinh đồng ruộng; cày lật đất để diệt sâu non, nhộng; luân canh với lúa nước, hành tỏi, đậu tương ở những vùng chuyên canh; sớm phát hiện sâu để kịp thời phòng trừ.

Sau khi trồng 15 – 20 ngày nếu sâu to phát triển rộ cần phun 1 – 2 lần thuốc BT. Nếu sâu có khả năng phát thành dịch thì dùng các loại thuốc hóa học cho phép và dùng theo đúng chỉ dẫn, thời gian cách ly thuốc 10 – 15 ngày trước khi thu hoạch.

0