Đôi nét về chậu cảnh Việt Nam
Chậu cảnh Việt Nam có từ bao giờ là câu hỏi vẫn tồn tại. Song ta có thế đoán chắc rằng việc chơi cảnh đã có từ rất lâu đời và rất có thể cũng giống như ở Nhật là bắt nguồn từ Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước liền nhau, có sự giao lưu từ xa xưa, lại trải qua gần nghìn năm Bắc thuộc; ...
Chậu cảnh Việt Nam có từ bao giờ là câu hỏi vẫn tồn tại. Song ta có thế đoán chắc rằng việc chơi cảnh đã có từ rất lâu đời và rất có thể cũng giống như ở Nhật là bắt nguồn từ Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước liền nhau, có sự giao lưu từ xa xưa, lại trải qua gần nghìn năm Bắc thuộc; chúng ta biết tiếp thu phần tinh hoa của nền văn minh người đi chinh phục, một mặt vẫn dung hoà và bảo tồn phần nào cái hay, cái tinh túy của giống nòi (Vương Hồng Sến 1971).
Đạo phật cũng du nhập vào nước ta rất sớm. Có thể phỏng đoán chắc chắn rằng chậu cảnh xuất hiện đầu tiên ở các cung điện của vua chúa, các chùa chiền và gia đình các vương phủ.
Dưới triều nhà Lý (1010-1225), Nho giáo phát triển, Phật giáo thịnh hưng. Vào thời kì này các phật tử đã xây dựng các hòn non bộ kiểu Linh Sơn, Nam Hải để thờ phật; Non bộ chỉ có trong khuôn viên các tu viện (Võ Văn Chi và các tác gia 1994).
Như vậy chậu cảnh non bộ ở ta đã xuất hiện và được ghi chép vào thế kỉ XI. Còn chậu cảnh cây xanh cho đến nay chưa tìm thấy tư liệu hay truyền thuyết nào nói về sự ra đời của nó.
Trần Nhân Tông đã có câu vịnh Quất như sau:
“Bách bộ sinh ca, cẩm bách thiệt
Thiên hàng nô bộc, Quất thiên đầu:
(Trăm tiếng chim thành trăm giọng đàn hát
Nghìn ngọn quất thành nghìn đội quân hầu).
Chưa rõ Quất được bày từ bao giờ nhưng đã được bày trong cung đình lừ thời Trần (Hoàng Quốc Hai – Báo PNVN số ra ngày 29/01/1996).
Những năm gần đây, sau khi phát hiện di chỉ khảo cổ ở Mán Bạc đã tìm thấy hòn đá đẹp, có thể là vật thờ cúng và những đế bát (đế chậu) có đường kính 7-10-20 cm, có lỗ thủng, phải chăng người Việt cổ đã trồng cây trong chậu? (Nguyễn Cao Tấn, báo VNHS số 8-2000 và số 3-2001). Nếu giả thuyết là đúng thì tổ tiên ta đã manh nha nghệ thuật chậu cảnh từ 3500 năm trước đây.
Các hình dáng của chậu cảnh cổ thường gắn với điển tích hoặc triết lý nói lên sự mong muốn của con người tới giàu sang thịnh vượng, thanh bình, nhân hậu.
Các dáng cây thường gặp là tượng hình như tứ linh, long thăng, long giáng, lý ngư vượt vũ môn (cá hoá rồng), hươu nai, chùa tháp. Hoặc gắn với sự ước vọng như thế văn nhân, tam đa, ngũ phúc, cửu trùng; hoặc tượng trưng cho lòng nhân hậu như thế mẫu tử, phụ tử, huynh đệ đồng khoa v.v…
Ngoài dáng, thế của từng chậu cảnh, người ta còn sắp xếp theo bộ như Tứ linh gồm Long Ly Quy Phượng; Tứ quý (4 mùa) gồm Mai Lan Cúc Trúc hoặc Tùng Cúc Trúc Mai; người miền Trung (Huế làm tiêu biểu) người ta biểu hiện tứ quý bằng Sung mãn quan quý, thể hiện lòng mong muốn hạnh phúc (chữ mãn nghĩa là đầy đủ, có người đọc và viết nhầm là chữ mãng hoặc chữ mạn thì đều vô nghĩa, không đúng).
Bộ ba đông hàn tam hữu (3 người bạn trong mùa đông) thể hiện tình bạn keo sơn trước sau như một là các cây tùng, trúc, mai.
Trên đây là các cây trong chậu cảnh cổ; gần đây người ta xếp bộ 4 cây (ở miền Trung) biểu hiện tình đồng môn là sim mua tràm chổi (Lê Công Kiệt, Nguyễn Thiện Tịch 1993) và gợi ý cho chúng ta tạo chậu cảnh cây xanh bằng các loài được thảo – cây thuốc.
Tại sao người xưa lại dùng cây tùng, trúc, mai để biểu thị cho 3 người bạn trong mùa đông? Mùa đông là mùa lạnh nhất trong năm, ý nói trong khó khăn 3 người bạn vẫn không rời xa nhau. Cây tùng (thông) là cây sống lâu, xanh tốt quanh năm thế đứng vững vàng ngay cả trên đất đồi núi khô cằn, vì thế Nguyễn Công Trứ đã có câu:
Ví thử bốn mùa như xuân cả
Góc núi ai hay sức lão tùng
Tùng là biểu hiện đức tính người trượng phu cho nên được coi là “đại phu tùng”.
Trúc là cây bền bỉ dẻo dai, cương trực, thẳng thắn. Thơ cổ có câu:
Ngọc dầu tan vẻ trắng nào phai
Trúc dầu cháy đốt ngay vẫn thẳng.
Trúc biểu hiện đức tính người quân tử, được coi là quân tử Trúc.
Mai là cây ra hoa sớm nhất sau mùa đông băng giá. Thân gầy guộc (điệu gầy như mai – Truyện Kiều) nhưng hoa được coi là đẹp nhất trong các loài hoa, Bách Hoa Khôi và Cao Bá Quát chỉ có phục hoa mai mà thôi “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.
Lê Thánh Tông và các thi sĩ hội Tao đàn (1442-1497) đã có bài thơ Mai thụ, trong đó có 4 câu nội về bộ 3 này như sau:
“Tiết cứng trượng phu thông ấy bạn
Nết trong quân tử trúc là đôi
Nhà truyền thanh bạch dăng từng khối
Phỉ xứng danh thơm đệ nhất khôi”.
(đệ nhất khôi đây tức là hoa mai!)
(Hồng đức quốc âm thi tập) (Huỳnh Văn Thới – 1995).
Mai biểu hiện cho đức tính công bằng, lại khoan dung rộng lượng, ít nghĩ đến mình (thân gầy guộc nhưng lại cho hoa đẹp nhất), hoa đẹp giản dị, trắng như tuyết lại thơm nhẹ nhàng, thanh bạch, vì thế được coi là ngự sử mai, bộ ba tuyệt đẹp.
Trước đây do việc thưởng thức và sản xuất chậu cảnh của ta còn lẻ tẻ, chưa có lý thuyết nên chưa hình thành các trường phái. Sau khi thống nhất đất nước (1975) và đặc biệt là sau khi cải cách, mở cửa, tình hình giao lưu quốc tế và trong nước được mở rộng nên việc gây trồng và thưởng thức cây cảnh đã được phát triển. Trên những nét lớn đã hình thành phong cách thưởng thức và sản xuất khác nhau giữa miền Nam và miền Bắc; ở miền Nam về lĩnh vực này cũng tỏ ra năng động hơn.