25/05/2018, 17:56

Sự kiện du lịch - một hướng đi mới trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của thủ đô Hà Nội

SỰ KIỆN DU LỊCH - MỘT HƯỚNG ĐI MỚI TRONG XÂY DỰNG SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1. Sự kiện Trong truyền thống, sự kiện vốn là các hình thức hoạt động văn hóa ...

SỰ KIỆN DU LỊCH - MỘT HƯỚNG ĐI MỚI TRONG XÂY DỰNG
SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI
                                                                 
                  
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Sự kiện

Trong truyền thống, sự kiện vốn là các hình thức hoạt động văn hóa chủ yếu đáp ứng những nhu cầu về phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, kỷ niệm và nhắc nhở những thời điểm quan trọng đã diễn ra, ghi dấu những bước chuyển đổi trong lịch sử của cộng đồng, nhóm hay cá nhân.

 Ngày nay, sự kiện được coi như một hoạt động văn hóa tổng hợp, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí của cá nhân, cộng đồng; vừa mở ra cơ hội giao thương, hợp tác, đầu tư, quảng bá về điểm đến; vừa là chiến lược thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Tác giả Phạm Duy Khuê đưa ra khái niệm về sự kiện: “Là sự việc xảy ra ở bất cứ lĩnh vực nào, vào thời điểm nào trong đời sống thường nhật (đời sống tự nhiên, xã hội và tư duy con người), và nó có thể đem lại lợi ích to lớn và có tác dụng tích cực nhất, định, hay nó có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm, thiệt hại cho con người kể cả người và của. Sự kiện là tên gọi chung của mọi sự việc diễn ra trong đời sống dẫu nhân tạo hay thiên tạo khi chúng có tác động chi phối (tốt hay xấu) đến bất cứ khía cạnh nào của đời sống con người.” (PGS.TS Phạm Duy Khuê (2009), Lý luận sân khấu hóa, Nxb Sân khấu Hà Nội).

Như vậy, có thể hiểu: Sự kiện là các hoạt động xã hội trong lĩnh vực thương mại, kinh doanh, giải trí, thể thao, hội thảo, hội nghị, giao tiếp xã hội, các trò chơi cộng đồng và các hoạt động khác liên quan đến lễ hội, văn hóa, phong tục- tập quán...
Trong các loại sự kiện thì sự kiện du lịch có khả năng thu hút khách du lịch rất lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo thu nhập và việc làm cho cộng đồng cư dân bản địa.

2. Sự kiện du lịch, đặc điểm và vai trò của sự kiện du lịch

a. Sự kiện du lịch:
Sự kiện du lịch là loại hình sự kiện mang tính phổ hợp, tồn tại ở nhiều nền văn hóa và nhiều quốc gia. Loại hình sự kiện này rất phong phú, đa dạng, mang đậm sắc thái địa phương và trở thành nét đặc trưng của mỗi nền văn hóa. 

Các sự kiện du lịch được tổ chức nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, tham quan, giải trí, nâng cao văn hóa; nâng cao chất lượng cuộc sống; tôn vinh những giá trị văn hóa, hun đúc thêm lòng yêu quê hương, đất nước trong mỗi người. Qua đó quảng bá về điểm đến, hình ảnh đất nước, con người. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những giá trị về kinh tế mà các sự kiện du lịch đem lại. Các sự kiện văn hóa - nghệ thuật và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tạo ra các hoạt động kinh doanh, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương.

b. Đặc điểm của sự kiện du lịch
Sự kiện du lịch cũng giống như một loại hàng hóa được tạo ra để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của con người. Tuy nhiên nó là một loại sản phẩm đặc biệt, mang những đặc điểm sau:

- Đặc điểm về sản phẩm của sự kiện du lịch:
+ Sản phẩm của sự kiện du lịch không lưu kho - cất trữ, không vận chuyển được
+ Thời gian sản xuất và thời gian tiêu dùng thường trùng nhau. Đánh giá thành công của sự kiện du lịch chỉ có thể thực hiện chính xác sau khi sự kiện đã được tiến hành
+ Khách thường mua sản phẩm sự kiện du lịch trước khi nhìn thấy nó
+ Sản phẩm sự kiện du lịch không bao giờ lặp đi lặp lại, mỗi sản phẩm gắn với thời gian, không gian nhất định; gắn liền với nhà tổ chức sự kiện và nhà đầu tư sự kiện trong việc phối hợp tạo ra nó.

- Đặc điểm về lao động:
+ Đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao. Lao động trong tổ chức sự kiện nói chung và sự kiện du lịch nói riêng là lao động dịch vụ đặc thù, rất khó tự động hoá và cơ giới hoá.
+ Tính tổ chức, khả năng phối hợp công việc của các bộ phận trong một sự kiện đòi hỏi phải đồng bộ, nhịp nhàng nhằm đảm bảo các mục tiêu của sự kiện.
+ Cường độ làm việc tương đối nặng (về mặt trí óc), mang tính sự vụ, phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ, kế hoạch của sự kiện.
+ Phải chịu sức ép tâm lý tương đối lớn; sức ép tiến độ kế hoạch; phải giao tiếp với rất nhiều đối tượng khác nhau, luôn phải có thái độ chuẩn mực trong công việc.

- Đặc điểm về vị trí và cơ sở vật chất kỹ thuật: Vị trí và cơ sở vật chất kỹ thuật trong tổ chức sự kiện du lịch rất đa dạng phong phú, tùy vào quy mô và đặc trưng của sự kiện đó.

c. Vai trò của sự kiện du lịch với tư cách là một sản phẩm du lịch đặc thù:

Việc tổ chức các sự kiện du lịch, đặc biệt các sự kiện du lịch lớn có quy mô quốc gia, quốc tế sẽ có những tác động đến nền kinh tế của cộng đồng chủ nhà. Các sự kiện du lịch thúc đẩy du khách chi tiêu cho dịch vụ lữ hành, lưu trú, mua sắm và các dịch vụ khác. Chi phí này có thể có một tác động đáng kể đến việc lưu thông nền kinh tế địa phương.

Sự kiện du lịch có lợi thế tạo ra sức hút về khách du lịch, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tính thời vụ trong du lịch. Tại những điểm du lịch chịu ảnh hưởng lớn về tính thời vụ (Chẳng hạn du lịch biển) vào thời điểm ngoài vụ nếu có thể tổ chức các sự kiện du lịch như lễ hội, MICE…sẽ tiếp tục khai thác được lượng khách du lịch.

Thông qua các sự kiện du lịch cùng với việc quảng bá của các phương tiện thông tin đại chúng và sự quảng bá trực tiếp từ lượng khách đến tham gia sự kiện có thể tạo nên hình ảnh tốt đẹp về nơi diễn ra sự kiện như một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Bằng cách kích thích các hoạt động mua bán, chi tiêu vào các sự kiện, các sự kiện du lịch có thể có tác động tích cực và tạo ra nhiều hơn nữa các cơ hội việc làm cho cộng đồng.

Sự kiện du lịch có thể nâng cao cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đặc biệt với các sự kiện lớn tầm quốc gia, quốc tế, chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước sẽ có những đầu tư cho nơi tổ chức sự kiện xây dựng, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở cung ứng du lịch. Ngoài ra, khi sự kiện sắp diễn ra, do kỳ vọng lượng khách đến tham dự sự kiện và do những tác động tích cực của việc tổ chức sự kiện đến xúc tiến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch sẽ tiến hành đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của mình.

II. THỰC TRẠNG SỰ KIỆN DU LỊCH TẠI THỦ ĐÔ HÀ NỘI TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY

1. Một số sự kiện du lịch đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ năm 2000 đến nay

Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam, với diện tích lớn nhất cả nước (sau đợt mở rộng địa giới hành chính năm 2008) là 3328.9km2, dân số (tính đến năm 2015) là 7500000 người. Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi chứa đựng nhiều danh lam thắng cảnh và công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa - lịch sử. Với lợi thế về lịch sử - văn hóa, môi trường, cảnh quan, sự ổn định về chính trị - xã hội, nguồn nhân lực du lịch dồi dào… du lịch Hà Nội đã khai thác tận dụng rất nhiều những tiềm năng sẵn có để phát triển các sự kiên du lịch tại Thủ đô. Hà Nội cũng là thành phố hàng đầu Việt Nam phát triển sản phẩm du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo), bởi nơi này có nhiều địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ. Chẳng hạn: Trung tâm Hội nghị Quốc gia – được đánh giá hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay, khách sạn Melia, khách sạn Metropole…Từ năm 2000 đến nay, chúng ta đã tổ chức thành công một số sự kiện du lịch tại Hà Nội như:

- Hội nghị cấp cao Á - Âu ASEM 5 với chủ đề "Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động và thực chất hơn": Được tổ chức vào năm 2004, chào đón 39 đoàn đại biểu thành viên đến từ khắp các nước trên Thế giới.

- Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEM (FMM9): Được tổ chức vào năm 2009 với sự tham gia của các Bộ trưởng và 45 trưởng đoàn thành viên ASEM. Bên lề sự kiện này là một loạt các sự kiện có ý nghĩa như tổ chức Tọa đàm doanh nghiệp ASEM, Liên hoan phim ASEM, Hội thảo các nhà báo Á - Âu, Triển lãm ảnh của các nhiếp ảnh gia trẻ Á - Âu…

- Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF): Được tổ chức vào năm 2009 tại Hà Nội. Đây là hoạt động quan trọng và có quy mô lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN với sự tham gia của 1500 đại biểu quốc tế và 400 hãng lữ hành đến từ các thị trường mục tiêu như Bắc Mỹ, Châu Âu, Australia, Đông Bắc Á… tham dự ATF là cầu nối giúp Việt Nam quảng bá, giới thiệu rộng rãi về đất nước, con người và du lịch Việt Nam tới các bạn bè, đối tác quốc tế . ATF cũng là cơ hội  để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tiếp xúc, tìm hiểu, thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam.

- Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc lần thứ 5 (Vesak): Được tổ chức vào năm 2008 tại Hà Nội, Đại lễ đã quy tụ khoảng 100 quốc gia với 600 đoàn Phật giáo và hơn 5000 người tham dự. Ngoài những buổi hội thảo chính, trong những ngày diễn ra Đại lễ còn có những hoạt động văn hoá văn hoá như triển lãm nghệ thuật, triển lãm thực phẩm và biểu diễn các đoàn xe hoa, lễ thả bong bóng…

- Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Được tổ chức từ ngày 01/10 đến ngày 10/10/2010 với tâm điểm là Thủ đô Hà Nội, trong đó một chuỗi các sự kiện đã được tiến hành như: thể dục thể thao; liên hoan du lịch, hành trình di sản và lễ hội làng nghề, phố nghề; các hoạt động khởi công, khánh thành, gắn biển, triển lãm các công trình, đón nhận các danh hiệu nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ ra mắt Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" và công bố kết quả Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”, Lễ hội đăng quang vua Lý Thái Tổ, Lễ diễu binh, diễu hành, đỉnh điểm là đêm Đại lễ, Đại nhạc hội và trình diễn pháo hoa 10/10.

- Lễ hội phố hoa: Được chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn của người dân nhân dịp Tết Nguyên đán; đồng thời quảng bá các sản phẩm hoa, cây cảnh, các sản phẩm thủ công truyền thống và xúc tiến du lịch Thủ đô.

- Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM: Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012, tính đến nay đã 4 năm liên tiếp gặt hái nhiều thành công và là một trong các sự kiện văn hóa – du lịch để lại dấu ấn tốt đẹp. Các hoạt động chính trong các ngày hội chợ gồm tư vấn tour du lịch, giảm giá vé máy bay, giảm giá phòng khách sạn, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, tặng quà khuyến mãi, bán tour giảm giá...

2. Thành tựu

Qua một vài ví dụ kể trên, có thể thấy sự kiện du lịch tuy mới phát triển, những đã gặt hái được những thành công nhất định. Các sự kiện du lịch đã được tổ chức khá đa dạng về quy mô, tầm mức, chủ đề và nội dung. Sự xuất hiện các sự kiện du lịch vừa góp phần làm cho đời sống phong phú, sôi động hơn, vừa làm vinh danh những nét đặc trưng về cảnh quan, lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội. Thông qua các sự kiện du lịch này, chúng ta đã quảng bá được hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tới bạn bè khu vực và quốc tế, nâng cao hình ảnh thương hiệu điểm đến của Việt Nam. Chẳng hạn:
Việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hà Nội năm 2006 là một trong những sự kiện  đưa Việt Nam trở thành một trong 10 điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm đó.

Từ Diễn đàn du lịch ASEAN 2009 (ATF) mà Việt Nam là nước chủ nhà, chúng ta đã quảng bá, giới thiệu rộng rãi về đất nước, con người và du lịch Việt Nam tới các bạn bè, đối tác quốc tế. ATF cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tiếp xúc, tìm hiểu, thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam.

Sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thu hút 2 triệu lượt khách đến Hà Nội, trong đó có khoảng 1 triệu lượt khách đến dịp 10 ngày Đại lễ tham dự các hoạt động và tham quan. Cơ sở  vật chất – kỹ thuật của Thủ đô được củng cố, nhiều công trình lớn (Con đường gốm sứ ven sông Hồng, Bảo tàng Hà Nội…) được hoàn thành để chào đón sự kiện. Việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh và nâng cao vị thế uy tín của Thủ đô và đất nước; đồng thời cho thấy khả năng Thủ đô chúng ta có thể tổ chức đăng cai được những sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế.

Sự kiện Phố hoa Hà Nội năm 2009 thu hút khoảng hơn 40000 lượt khách từ khắp các tỉnh thành đến tham quan, chiêm ngưỡng ngay trong đêm khai mạc. Hoạt động này tổ chức mang tính chuyên nghiệp cao, tạo ấn tượng về một vẻ đẹp tinh tế đã có sức quảng bá cho nghề hoa Hà Nội và các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội và bạn bè trong nước; đồng thời tôn vinh những nghệ nhân tài hoa và phong cách người Hà Nội thông qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng.

3. Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã được trình bày ở trên, công tác tổ chức, quản lý các sự kiện du lịch ở Hà Nội vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, chẳng hạn:

Có thể thấy rằng, Thủ đô Hà Nội chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển tổ chức sự kiện, đặc biệt là các sự kiện du lịch, nhưng chúng ta vẫn chưa biết khai thác và phát huy hết những giá trị đó. Số lượng các sự kiện từ năm 2000 đến nay quá khiêm tốn. Các sự kiện đơn điệu, chưa phát huy hết những giá trị vốn có. Chẳng hạn, sự kiện lễ hội Phố hoa Hà Nội vốn là sự kiện được nhiều người mong đợi, nhưng kể từ tự kiện Phố hoa đầu tiên được tổ chức năm 2009 đến nay, Phố hoa ngày càng mờ nhạt, bị đánh giá là sơ sài, thiếu ý tưởng, đơn điệu.
 
Bên cạnh đó, những hạn chế về ý thức người dân khi tham gia và sự thiếu chuyên nghiệp, bài bản trong quản lý, tổ chức của chính quyền dẫn đến các sự kiện chưa phát huy được hết ý nghĩa, tinh thần của nó. Đặc biệt phải nhắc tới ý thức của người dân khi tham gia sự kiện, do nhân thức còn thấp dẫn đến thái độ và hành vi, ứng xử chưa văn hóa đối với các sự kiện. Chỉ một ngày sau khai mạc, Phố hoa tan hoang, giập nát do nhiều người dân dẫm lên hoa, cỏ để chụp ảnh, quay phim, nhiều người lao vào lấy hoa, cây cảnh. Không những thế, đường phố trở nên phản cảm bởi nhiều người thả rác bừa bãi trong khi tham quan mặc dù ban quản lý đã trang bị các thùng rác dọc lối đi.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật của chúng ta đủ sức để tổ chức nhiều sự kiện du lịch lớn, tuy nhiên việc đưa vào sử dụng các cơ sở này còn quá ngặt nghèo về thủ tục hành chính. Chẳng hạn, trong chuỗi sự kiện APEC, nhiều doanh nghiệp lớn như HSBC, Microsoft, Tập đoàn than Việt Nam... chọn giải pháp tổ chức luôn sự kiện tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia bởi trong trung tâm có tới hàng nghìn nhà báo trong và ngoài nước, tiện cho việc quảng bá hình ảnh. Song tại thời điểm đó lại có một hạn chế là nhiều khách hàng thân thiết không đến tham dự được vì không có thẻ APEC. Chính sự quản lý hành chính cứng nhắc đó gây khó khăn cho khá nhiều doanh nghiệp tham gia sự kiện.

III. MỘT SỐ Ý TƯỞNG XÂY DỰNG SỰ KIỆN DU LỊCH TẠI THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Với địa thế và những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất - kỹ thuật, chúng ta có thể tổ chức một số loại hình sự kiện du lịch ở Hà Nội như:

1. Sự kiện văn hóa, nghệ thuật
Nghệ thuật là một trong những mặt quan trọng của đời sống tinh thần đời sống văn hóa xã hội. Hơn nữa, sự kiện nghệ thuật cũng thường được gắn kết với hoạt động du lịch nhằm tạo ra những hoạt động kinh doanh và tạo nguồn thu nhập cho cộng đồng đăng cai tổ chức.
Ví dụ:
+ Lễ hội Festival Hà Nội – nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật, giới thiệu tinh hoa nghệ thuật ẩm thực, di sản Hà Nội;
+ Sự kiện âm nhạc: Trình diễn nghệ thuật âm nhạc đương đại, trình diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống (hát chèo, chầu văn…), hòa nhạc đường phố…
+ Trình diễn thời trang
+ Lễ hội ẩm thực: Giới thiệu ẩm thực đặc trưng, phương thức, cách thức chế biến một số món ăn truyền thống của các dân tộc trên Thế giới, của người Hà Nội, Ẩm thực/ đặc sản vùng miền địa phương…

2. Sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn
Đây là loại sự kiện nhằm vào mục đích chính trị, nó thường gắn với các sự kiện lịch sử (như 2/9, 10/10, 30/4…) là những mốc son lịch sử đánh dấu một thời kỳ có ý nghĩa khẳng định những biến đổi quan trọng về vận mệnh của quốc gia, dân tộc... Những sự kiện này có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần chiến đấu hy sinh của cha ông, đồng thời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ. Các sự kiện này cũng góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch đến tham quan, thưởng thức, giải trí.
Với những sự kiện này lại đòi hỏi những cách thức tổ chức phù hợp đảm bảo tính trang nghiêm, long trọng nhưng cũng cần đảm bảo tính thẩm mỹ và tác động cảm xúc.
Ví dụ:
- Biểu diễn nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc
- Giao lưu gặp gỡ những người có công với dân tộc

3. Sự kiện văn hóa nghệ thuật, giải trí, du lịch
Những sự kiện này khai thác các thế mạnh về văn hóa, nghệ thuật, du lịch, từ đó kích cầu tiêu dùng, đem lại nguồn thu cho các doanh nghiệp địa phương.
Ví dụ:
- Triển lãm tranh, ảnh về Hà Nội
- Triển lãm phố nghề: Giới thiệu các nghề thủ công truyền thống và bán các sản phẩm thủ công truyền thống
- Triển lãm sách
- Hội chợ du lịch: nơi các doanh nghiệp quảng bá và kích cầu du lịch

4. Sự kiện văn hóa - giáo dục
Thông qua những sự kiện văn hóa – giáo dục, chúng ta có thể truyền đạt những ý tưởng mới và kêu gọi trách nhiệm cộng đồng về phương diện này.
Ví dụ: Thi thuyết minh về các điểm tham quan du lịch ở Hà Nội

5. Sự kiện thể thao
Sự kiện thể thao có khả năng hấp dẫn khách du lịch, thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và có ảnh hưởng kinh tế rất lớn. Chính vì vậy, chúng đã trở thành ưu tiên trong chiến lược sự kiện và các chương trình marketing địa điểm của hầu hết các nước. Sự kiện thể thao không chỉ đem lại lợi ích cho chính phủ các nước chủ nhà và các tổ chức thể thao mà còn đem lại lợi ích rất lớn cho người tham gia. Hơn thế nữa, sự kiện thể thao còn đem lại niềm vui và những giây phút giải trí cho khán giả.
Ví dụ:
- Đại hội thể thao, giao lưu thể thao, hội khỏe Phù Đổng
- Ngày hội thể thao
- Biểu diễn võ thuật
- Giải chạy

6. Sự kiện kinh tế - du lịch
Là những sự kiện hội chợ, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mới, khuyến mãi… nhằm tạo ra sự chú ý và thuyết phục mua sản phẩm hoặc dịch vụ từ người tham dự.
Ví dụ:
- Hội chợ du lịch
- Hội thảo quảng bá kết hợp tham quan các điểm du lịch tại Thủ đô

7. Sự kiện MICE
MICE là viết tắt của 4 từ Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Conventions (hội thảo), Exhibition (triển lãm). MICE được xem là sản phẩm du lịch tổng hợp của những sản phẩm du lịch đơn lẻ kết hợp với sự tổ chức và cơ sở hạ tầng nhất định.
Ví dụ:
- Tổ chức hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm tại các trung tâm thương mại như Tràng Tiền Plaza, Vincom, Royal City…
- Tổ chức hội thảo kết hợp tham quan làng nghề, phố nghề để giới thiệu về văn hóa – du lịch Thủ đô
 
KẾT LUẬN
Ngành công nghiệp tổ chức sự kiện nói chung và sự kiện du lịch nói riêng hiện nay vẫn còn là một mảnh đất mới mẻ nhưng cũng hết sức màu mỡ đòi hòi sự quan tâm thích đáng của Nhà nước và các doanh nghiệp. Việc khai thác các sự kiện du lịch ở Thủ đô Hà Nội – nơi hội tụ đủ nhiều điều kiện thích hợp vẫn còn nhiều hạn chế và cần được khai thác mạnh mẽ hơn nữa để xứng với những tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, việc khai thác các sự kiện du lịch ở Hà Nội cũng cần đi đôi với việc quản lý và bảo tồn các giá trị để du lịch Hà Nội phát triển bền, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Bài: ThS. Ngô Vân Quyên

 
0