Lợi ích của phương pháp học hợp tác trong lớp học tiếng Anh
(ĐHVH HN) - Học hợp tác (Cooperative Learning) là phương pháp dạy học tiên tiến được áp dụng rộng rãi trong việc dạy ngôn ngữ trên thế giới. Phương pháp này góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, không chỉ giúp cho người học nắm vững kiến thức mà còn phát triển năng lực giao tiếp và ...
(ĐHVH HN) - Học hợp tác (Cooperative Learning) là phương pháp dạy học tiên tiến được áp dụng rộng rãi trong việc dạy ngôn ngữ trên thế giới. Phương pháp này góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, không chỉ giúp cho người học nắm vững kiến thức mà còn phát triển năng lực giao tiếp và khả năng hợp tác – một trong những phẩm chất quan trọng của con người mới trong giai đoạn hiện nay. Trong bài viết này, tác giả sẽ đưa ra các lợi ích của phương pháp học tập hợp tác và nguyên tắc cần chú ý khi áp dụng phương pháp này.
Mở đầu
Trong thời kỳ hội nhập và với xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, nhu cầu sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khả năng giao tiếp tiếng Anh của phần lớn sinh viên Việt Nam còn hạn chế. Hiện nay ở Việt Nam, nhiều phương pháp giảng dạy đang được áp dụng nhằm nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho sinh viên, nổi bật là phương pháp Giảng dạy ngôn ngữ theo hướng giao tiếp. Thực tế, ở phần lớn các trường đại học Việt Nam, số lượng sinh viên trong một lớp học tiếng Anh thường rất đông, dao động từ 40- 70 sinh viên. Ngoài ra, sinh viên ở các lớp như thế này hầu hết không đồng nhất về trình độ, khác nhau về hoàn cảnh sống, xuất xứ vùng miền, tính cách, sở thích...
Theo Ueda (2005), trong bối cảnh lớp học tiếng Anh đông và không đồng nhất như vậy, nếu áp dụng Giảng dạy ngôn ngữ theo hướng giao tiếp thì dường như nhiều lúc gặp trở ngại, bởi vì giáo viên rất khó khăn để bố trí và phân phối thời lượng giao tiếp đồng đều cho toàn bộ sinh viên, do cơ hội để cho từng sinh viên có thể giao tiếp đối diện trực tiếp với giáo viên là hạn chế. Vì vây, phương pháp học hợp tác có thể được xem là giải pháp khi có thể đưa đến nhiều cơ hội tương tác và học hỏi giữa sinh viên với nhau, cho phép họ dễ dàng nhận ra những điểm yếu của mình, học hỏi và hình thành kiến thức của chính họ.
Olsen và Kagan (1992) cũng khẳng định rằng cặp và nhóm hợp tác với nhau cung cấp cho người học nhiều cơ hội giao tiếp và tương tác với nhau, và với giáo viên. Nếu được tổ chức học hợp tác, sinh viên sẽ quan tâm, chú ý lẫn nhau, và giúp đỡ ủng hộ nhau trong học tập, bởi vì một đặc tính cơ bản của phương pháp này là tính chịu trách nhiệm tham gia hoạt động của mọi thành viên. Đồng thời, học hợp tác nhằm khích lệ việc học của tất cả mọi thành viên trong nhóm, phát huy vai trò hoạt động của mỗi cá nhân
1. Khái niệm học hợp tác
John Dewey, nhà giáo dục theo xu hướng thực dụng Mỹ, được coi là người đầu tiên khởi xướng ra xu thế dạy học hợp tác vào đầu những năm 1900. Nếu như trước đây người ta quan niệm giáo dục là quá trình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, hoặc một quá trình khai sáng giúp cho con người sử dụng có hiệu quả vốn kiến thức của mình; thì John Dewey lại có một quan niệm khá độc đáo: giáo dục là chính bản thân cuộc sống của mỗi người (Education is life itself). Ông luôn nhấn mạnh vai trò của giáo dục và coi giáo dục như là một phương tiện dạy cho con người cách sống hợp tác trong một xã hội dân chủ.
Hai nhà tâm lý học David và Roger Johnson , đồng thời là các nhà giáo dục học nổi tiếng, những người đã có những đóng góp lớn trong việc nghiên cứu và phát triển phương pháp này đã đưa ra định nghĩa về học tập hợp tác như sau:
“Học tập hợp tác là một loại hình cụ thể của học tập tích cực, là một phương pháp giảng dạy chính thức, trong đó học sinh làm việc cùng nhau trong các nhóm nhỏ để đạt được một mục tiêu học tập chung.”
2. Lợi ích của phương pháp học hợp tác
Phát huy tính tích cực tự giác và khả năng tự học cho sinh viên là một vấn đề cấp thiết đang được đặt ra cho các trường Đại học. Dạy học hợp tác tạo điều kiện cho người học chuyển từ vị trí thụ động tiếp thu kiến thức sang chủ động tìm tòi, khám phá kiến thức. Người học sẽ làm việc tích cực hơn, cố gắng cao hơn bình thường. Chính vì thế, phương pháp này sẽ đem lại kết quả nhiều hơn và lớn hơn những mô hình dạy học khác nhờ nó phát huy được tính tích cực, mặt mạnh của mỗi cá nhân và trí tuệ của tập thể. Mỗi người đều có điểm mạnh riêng trong một lĩnh vực nào đó, nếu phối hợp lại với nhau thì sẽ đem lại những kết quả lớn hơn bình thường. Ngoài ra, dạy học hợp tác còn giúp cho người học có khả năng giao tiếp và nhiều phẩm chất nhân cách khác.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thành tựu lớn lao thu được liên quan đến sự nỗ lực chung của cả tập thể chứ không phải là kết quả của một cá nhân tạo lập. Cùng với những người khác, người học có thể làm nhiều hơn và thu được nhiều hơn mức họ làm một mình. Theo Vygotsky: "Điều người học có thể làm qua hợp tác hôm nay thì họ có thể làm một mình ngày mai" và học tập cùng nhau có thể phát triển được kỹ năng nhận thức và xã hội.
Cụ thể trong giảng dạy ngôn ngữ, học hợp tác mang lại nhiều lợi ích như sau:
· Tăng độ lưu loát và phong phú của việc thực hành ngoại ngữ thông qua giao tiếp và tương tác lẫn nhau.
· Giúp phát triển nhận thức của người học về ngôn ngữ đang học và đang sử dụng.
· Tạo môi trường lý tưởng cho người học phát triển kĩ năng giao tiếp và khả năng hợp tác. Các phương pháp dạy học cá nhân không thể có được khả năng quan trọng này. Khi tham gia dạy học hợp tác người học phải sử dụng nhiều kĩ năng giao tiếp xã hội, vì vậy các kĩ năng này sẽ được rèn luyện, củng cố và phát triển.
· Phát triển khả năng sử dụng những kĩ năng giao tiếp thông thường ngoài việc dùng lời nói cho sinh viên (như cử chỉ, điệu bộ)
· Giúp sinh viên lĩnh hội và đồng hóa những ý tưởng và thông tin mới.
· Những thành viên có khả năng ngoại ngữ tốt hơn trong hoạt động học hợp tác cùng nhau có thể trở thành “hình mẫu” cho các sinh viên khác noi gương và học theo để phát huy kĩ năng nói và giao tiếp.
· Tạo ra môi trường và mục đích thực sự để sinh viên tiến hành giao tiếp và sử dụng tiếng Anh, có người cùng học để trao đổi, đàm thoại, bàn bạc thông tin.
· Tất cả sinh viên tham gia học hợp tác có thể học và gia tăng ngôn ngữ dần dần khi sử dụng nó, nói và nghe người khác nói.
Như vậy, trong quá trình học hợp tác, sinh viên có thể trao đổi, thảo luận thông tin, và điều chỉnh ngôn ngữ đang sử dụng lẫn nhau. Phương pháp này giúp người học trở thành những người giao tiếp thành công vì họ có yêu cầu và mục đích giao tiếp thực sự. Ngoài ra, phương pháp học tập này còn tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ và quan điểm của sinh viên về các mối quan hệ trong xã hội. Trong quá trình làm việc cùng nhau theo cặp hoặc nhóm, sinh viên sẽ nhận ra để giải quyết một vấn đề có thể có nhiều câu trả lời hay nhiều ý kiến quan điểm khác nhau và ý kiến tập thể bao giờ cũng tốt hơn ý kiến cá nhân.
3. Các nguyên tắc đảm bảo khi áp dụng phương pháp học hợp tác
Có 5 yếu tố quan trọng nhất mà mỗi một giờ học hợp tác phải đảm bảo được:
· Sự phụ thuộc lẫn nhau theo hướng tích cực
Mỗi một sinh viên trong cùng một nhóm đều phải đóng góp ý kiến để cùng nhau giải quyết vấn đề chung của cả nhóm, đồng thời luôn động viên, khuyến khích, hỗ trợ và dựa vào nhau để cùng đạt được mục đích chung. Sự nỗ lực, đóng góp của từng cá nhân cần được ghi nhận, bởi vì nó là yếu tố quyết định sự thành công chung của cả nhóm.
· Ý thức trách nhiệm của từng cá nhân
Tất cả thành viên trong nhóm đều có trách nhiệm cùng chia sẻ công việc chung của cả nhóm và phải hiểu rõ nhiệm vụ công việc đó để giúp nhóm đạt được thành công.
· Sự tác động tương hỗ qua lại trực tiếp giữa các thành viên
Công việc của nhóm có thể được chia nhỏ ra cho từng thành viên trong nhóm tự giải quyết. Tuy nhiên, các thành viên phải thảo luận cùng nhau và trao đổi ý kiến cho nhau để đưa ra kết luận chung. Điều quan trọng nhất là trong quá trình làm việc, cả nhóm phải biết hướng dẫn, hỗ trợ lẫn nhau, khuyến khích và động viên nhau để hướng đến mục tiêu chung của nhóm.
· Sử dụng thích hợp các kĩ năng làm việc theo nhóm nhỏ, kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập mối quan hệ, kỹ năng hợp tác và kỹ năng xã hội.
Sinh viên được khuyến khích, giúp đỡ để phát triển và thể hiện kỹ năng lãnh đao, kỹ năng đưa ra các quyết định, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xử lý mâu thuẫn trong nhóm.
· Cách thức thành lập nhóm hoạt động
Các thành viên trong nhóm xác định rõ mục tiêu hoạt động của nhóm, hiểu rõ được hoạt động nào của mình là cần thiết, hữu ích, hoạt động nào thì không mang lại lợi ích gì. Thường xuyên đánh giá các công việc của cả nhóm để ghi nhận những việc mà các thành viên đang làm tốt để đạt được mục đích chung của nhóm. Đồng thời, biết nhận ra những thiếu sót của cả nhóm và đưa ra những thay đổi phù hợp để nhóm làm việc hiệu quả hơn ở các giờ học tiếp theo.
Kết luận
Phương pháp học tập hợp tác là một trong những phương pháp dạy học tích cưc, phát huy được tính tích cực, chủ động của sịnh viên. Qua quá trình học tập hợp tác, sinh viên còn được rèn luyện các kĩ năng làm việc độc lập trên tinh thần hợp tác để tự hoàn thiện các kiến thức và kĩ năng của mình. Việc thảo luận nhóm, trình bày các giải pháp trước tập thể - nhóm - lớp là cơ hội rèn luyện cách diễn đạt, cách giao tiếp, ứng xử và thể hiện bản lĩnh cá nhân.
Tài liệu tham khảo
1. Li, M. P. & Lam, B. H. (2013). Cooperative Learning. Available online: http://www.ied.edu.hk/aclass/Theories/cooperativelearningcoursewriting_LBH%2024June.pdf
2. David W.Johnson, Roger T.Johnson, Holubec (1994), “Cooperative Learning in The Classroom”, Association For Supervision and Curriculum Development Alexandria, Virgnia.
3. Macpherson, A. (2009). Cooperative learning group activities for college courses: a guide for instructors. Retrieved from May 26, 2013, http://www.kpu.ca/academicgrowth/resources/CoopLearningActivities.doc
Bài: Mai Lan Anh
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế
Admin3