Giáo dục văn hoá nghề cho sinh viên ngành khoa học thư viện và thông tin học
(ĐHVH HN) - Văn hóa nghề hiện nay được nhắc đến nhiều trong các lĩnh vực. Được coi là cơ sở cho tính chủ động sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới, văn hóa nghề và việc nâng cao văn hóa nghề cho người lao động đặc biệt là thanh thiếu niên đã và đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Bài viết phân tích ...
(ĐHVH HN) - Văn hóa nghề hiện nay được nhắc đến nhiều trong các lĩnh vực. Được coi là cơ sở cho tính chủ động sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới, văn hóa nghề và việc nâng cao văn hóa nghề cho người lao động đặc biệt là thanh thiếu niên đã và đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Bài viết phân tích về sự hình thành của văn hóa nghề, khẳng định sự tồn tại của văn hóa nghề thư viện và vai trò của giáo dục văn hóa nghề đối với cán bộ thư viện, trên cơ sở đó đề xuất một số phương pháp nhằm nâng cao văn hóa cho đội ngũ cán bộ thư viện, cán bộ thông tin tương lai – sinh viên ngành thư viện và thông tin học.
1. Khái niệm và nội hàm của văn hóa nghề
Văn hóa nghề được hình thành trên cơ sở khái niệm văn hóa. Ở đây, văn hóa là hiện thực của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Xét từ góc độ con người, văn hóa là do con người sáng tạo ra, là nhân hóa, là con người trong thiên nhiên, là thiên nhiên mang tính con người. Văn hóa được xem xét ở sự vận động không ngừng, tức là trong những hoạt động lao động sản xuất, cảm thụ và sáng tạo. văn hóa chỉ có thể tồn tại trong bối cảnh đồng hành với cuộc sống lao động không ngừng nghỉ của con người. Hoạt động lao động sản xuất của con người vừa nuôi dưỡng con người, vừa sáng tạo ra con người và văn hóa. Khác với những bản năng của mọi giống loài sinh vật, trong hành vi lao động sản xuât của mình, con người là một thực thể văn hóa. Điều này có nghĩa hoạt động nghề nghiệp của con người là hoạt động văn hóa, có ý nghĩa văn hóa từ đây nảy sinh khái niệm văn hóa nghề. Mức độ ứng xử có văn hóa của con người đối với hoạt động lao động nghề nghiệp là thước đo tính người trong chính hoạt động đó, là cơ sở để nhận thức đúng về bản chất, vị trí, vai trò của văn hóa nghề trong hoạt động lao động sản xuất của con người. Vậy văn hóa nghề là gì?
Văn hóa nghề là cụm từ chỉ tổng hợp các khái niệm nhận thức nghề, thái độ đối với nghề, hành vi ứng xử của con người cùng với nghề trong quá trình lao động sản xuất, quan hệ người – người trong quá trình tổ chức lao động xã hội, cốt lõi của văn hóa nghề là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Trong nội hàm đó, các yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau: người lao động phải có nhận thức đầy đủ về nghề thì mới có thể thực hiện được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và ngược lại có tuân thủ đạo đức nghề nghiệp người lao động mới được công nhận là người lao động có văn hóa. Sự tiến bộ xã hội đòi hỏi người hành nghề trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cơ bản.những người hành nghề đều dựa vào đặc thù và nguyên tắc chuẩn mực cơ bản ảnh hưởng trọng yếu đến nghề nghiệp để làm nền tảng xây dựng đạo đức nhằm đảm bảo cho nghề nghiệp và sản phẩm của ngành nghề được xã hội tôn vinh. Không có đạo đức nghề nghiệp đồng nghĩa với việc chất lượng và sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho xã hội sẽ không được đảm bảo giá trị.
Văn hóa nghề là thước đo trình độ nhận thức của người lao động đối với nghề nghiệp, đòi hỏi người lao động trong một nghề phải nhận thức đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ củ nghề đó, có những hiểu biết sâu sắc về hành vi nghề nghiệp, các quy chuẩn trong công tác.
Văn hóa nghề là cơ sở để điều chỉnh hành vi nghề nghiệp trong công tác, người lao động phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của công việc trong quá trình lao động. Ở đây, chức năng thực tiễn của văn hóa nghề là khiến người lao động trở thành người làm việc có kỷ luật, có sáng tạo, làm việc có hiệu quả, có chất lượng với năng suất lao động cao.
Văn hóa nghề có ý nghĩa to lớn về mặt giáo dực.trong quá trình lao động con người không chỉ sản xuất ra các sản phẩm lao động mà còn sản xuất ra kiến thức lao động, tích lũy những kinh nghiệm trong lao động. trình độ văn hóa nghề cũng có khả năng giáo dục cho người lao động những đạo lý trong lao động. người lao động cần tuân thủ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực trong quan hệ lao động với cấp trên, cấp dưới và những bạn bè đồng nghiệp. văn hóa nghề cũng đòi hỏi người lao động giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong tập thể những người lao động, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Văn hóa nghề không chỉ tồn tại ở phạm vi cá nhân riêng lẻ mà ở cả một thiết chế lao động, một phạm vi rộng lớn mà các nhà xã hội học gọi là không gian văn hóa nghề. Không gian văn hóa nghề đòi hỏi không chỉ những người lao động nghề nghiệp mà còn những nhà đầu tư, nhà quản lý, nhà giáo dục đào tạo nghề đều phải có nhận thức về văn hóa nghề và ứng xử với không gian văn hóa nghề một cách có văn hóa. Việc xây dựng một không gian văn hóa nghề không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là của toàn xã hội. Ví dụ như nhà đầu tư có nhận thức văn hóa nghề không chỉ tính toán tới lợi ích kinh tế mà còn cần cân nhắc lựa chọn lĩnh vực đầu tư phát triển bền vững, không hủy hoại môi trướng, không xâm hại tới con người . nhà quản lý lao động tốt cần biết chăm lo cho đời sống của người lao động, chú ý tới phúc lợi xã hội, những vấn đề như bảo hiểm, an toàn lao động… mặc dù ở một số trường hợp, những động thái này có thể làm giảm lợi nhuận của họ; người đào tạo cũng không chỉ dựa vào nguồn thu học phí mà cần căn cứ vào nhu cầu đào tạo của xã hội và định hướng nghề nghiệp của người học.
Văn hóa nghề biểu hiện ở ba mặt chính sau:
- Trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cao
- Có sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp
- Có ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp.
Văn hóa nghề là việc nhận thức và xử lý những vấn đề nghề nghiệp sao cho có văn hóa mà vẫn đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Việc thực hiện hành vi nghề nghiệp đồng nghĩa với thực hiện một hành vi tuân thủ pháp luật. Ở khía cạnh này có thể hiểu văn hóa nghề được hiểu là việc hành nghề được coi là có văn hóa khi việc hành nghề đó không sai phạm luật pháp. Một người lao động có văn hóa nghề trong trường hợp này phải có sự hiểu biết và tuân thủ mọi quy định pháp luật về nghề.
Thời gian gần đây, có nhiều người cho rằng văn hóa nghề và đạo đức nghề nghiệp là hai khái niệm đồng nhất. Trên thực tế, văn hóa nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là hai khái niệm khác biệt nhưng rất gần gũi, gắn bó chặt chẽ với nhau. Văn hóa nghề thường được hiểu rộng hơn đạo đức nghề và là cơ sở cho đạo đức nghề.Có nhận thức đầy đủ về văn hóa nghề, người lao động mới có thể thực hiện được các chuẩn đạo đức nghề nghiệp và ngược lại có tuân thủ tốt đạo đức nghề nghiệp, người lao động mới được công nhận là có văn hóa. Nếu sự vi phạm pháp luật trong lao động nghề nghiệp sẽ bị xử phạt theo mức độ nặng nhẹ do pháp luật quy định thì sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp khiến người lao động bị lên án của chính lương tâm mình. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi người lao động phải tuân thủ các quy chuẩn nghề nghiệp một cách tự giác. Người lao động có văn hóa cũng là những người lao động trung thực, tìm thấy ở lao động các giá trị đạo đức, niềm kiêu hãnh, sự say mê và hứng thú trong công việc. Thiếu những điều đó, họ sẽ trở thành những người lao động vô cảm, cỗ máy khô cứng.
2. Văn hóa nghề thư viện và vai trò của việc giáo dục văn hóa nghề đối với cán bộ thư viện.
Theo Liên hiệp Hội Thư viện thế giới (International Federration of Library Associations - IFLA), nghề thư viện xét về bản chất là hoạt động đạo đức thể hiện một phương pháp tiếp cận mang đậm giá trịcông việc chuyên môn liên quan tới thông tin. Ở Việt Nam trong các tài liệu nghiên cứu, các nhà khoa học thư viện và thông tin cũng khẳng định có tồn tại nghề thư viện. Nghề thư viện (theo những nhà khoa học này) được hình thành khá sớm (thời kỳ cổ đại) cùng với sư phát triển của các thiết chế thư viện. Cùng với thời gian và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nghề thư viện có sự thay đổi mạnh mẽ tuy nhiên sự thay đối ấy không làm giảm đi tính chất nghề nghiệp và vai trò của nghề thư viện đối với xã hội: là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng.
Vậy văn hóa nghề thư viện hay không? Điều này được khẳng định là có, bởi nghề nghiệp nào cũng cần tới văn hóa nghề. Tuy chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rõ văn hóa nghề thư viện là gì, nhưng trong “bản quy tắc về đạo đức nghề nghiệp của IFLA” có đề cập đến một mảng quan trọng của văn hóa nghề thư viện – đó là đạo đức nghề nghiệp. Theo đó, cán bộ thư viện cần đảm bảo những nhiệm vụ cốt lõi của mình là đảm bảo việc tiếp cận thông tin của tất cả mọi người nhằm mục dích phát triển cá nhân, giáo dục, văn hóa, giải trí, hoạt động kinh tế và được tham gia một cách chủ động vào nền dân chủ và tăng cường dân chủ. Mục đích hướng tới của cán bộ thông tin thư viện là tạo điều kiện cho người sử dụng được tiếp cận thông tin một cách công bằng, nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể hơn, quy tắc đạo đức về nghề nghiệp của IFLA đề cập chi tiết tới những điều cán bộ thư viện thông tin cần phải có và thực hiện thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp như:
1) Tiếp cận thông tin
2) Trách nhiệm đối với mỗi người dân và toàn xã hội
3) Tính riêng tư tính bảo mật và sự công khai
4) Truy cập mở và sở hữu trí tuệ
5) Sự tập trung, hội nhập và các kỹ năng chuyên môn
6) Mối quan hệ đồng nghiệp và mối quan hệ giữa chủ sở hữu lao động và người lao động
(Xem Bản quy tắc về đạo đức nghề nghiệp của IFLA)
Trong bản quy tắc này đã đề cập tới một khía cạnh rất quan trọng của văn hóa nghề thư viện, đó là đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, văn hóa nghề không chỉ bao hàm đạo đức nghề nghiệp mà còn bao gồm các yếu tố khác như: Trình độ chuyên môn, nghề nghiệp cao; Có sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp; Có ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp (như đã trình bày trong phần 1). Theo đó, văn hóa nghề thư viện được hiểu là bao hàm các nội dung sau:
*Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao: không chỉ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ thư viện mà cần luôn có tinh thần cầu tiến, học hỏi tự nâng cao trình độ chuyên môn và nghề nghiệp của mình.
Cán bộ thông tinthư viện cần đảm bảo việc tiếp cận thông tin của mọi người nhằm các mục đích khác nhau, không phân biệt, từ chối hoặc hạn chế việc tiếp cận đến các thông tin và ý tưởng.
Cán bộ thông tin thư viện cần phát huy trình độ và chuyên môn nghiệp vụ nhằm cung cấp dịch vụ cho công chúng và thực hiện các cố gắng nhằm để người dân tiếp cận tới các kho tài liệu và dịch vụ thư viện miễn phí (có chú ý tới việc quyền lợi đọc và tiếp cận thông tin của những người thiệt thòi trong xã hội).
Cán bộ thông tin thư viện cũng cần phát huy khả năng chuyên môn của mình nhằm quảng bá và phổ biến kho tài liệu, các dịch vụ thư viện để khách hang hiện tại và tiềm năng nhận biết đến sự hiện hữu của kho tài liệu và các dịch vụ này.
Cán bộ thông tin thư viện cần dựa trên cơ sở là khả năng sáng tạo và sự hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ áp dụng những phương pháp và giải pháp tiên tiến nhất, hiệu quả nhất để đưa tài liệu tới người sử dụng. đảm bảo không có bất kỳ rào cản nào trong việc tiếp cận kho tài liệu của người sử dụng.
Cán bộ thông tin thư viện cần thực hiện quản lý trình bày nội dung thông tin một cách dễ hiểu nhất để người sử dụng có thể tự chủ động trong tìm kiếm thông tin mà họ cần, cung cấp các dịch vụ nhằm phát triển kỹ năng đọc, tăng cường kiến thức thông tin cho người dùng tin, thúc đẩy việc sử dụng thông tin hợp lý, đúng đạo đức, đúng pháp luật.
Tóm lại về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đối với cán bộ thông tin thư viện có văn hóa nghề cần biết và phát huy trình độ, khả năng chuyên môn nhằm hướng tới mục tiêu: tạo điều kiện để người sử dụng có thể tiếp cận và sử dụng thông tin tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, nhanh chóng, phấn đấu để đạt đến độ hoàn hảo trong chuyên môn bằng việc duy trì, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp hướng tới mục đích đạt được chuẩn mực cao nhất trong chất lượng dịch vụ và góp phần nâng cao uy tín nghề nghiệp.
* Có sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật và thực hiện đúng đắn các quy chuẩn luật pháp về nghề nghiệp và lao động nghề nghiệp bao gồm pháp luật liên quan tới quyền dân chủ, quyền tự do tiếp cận thông tin, quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo mật, quyền công khai…cán bộ thư viện thông tin cần phải biết rõ và thực hiện trách nhiệm đối với mỗi người dân và toàn xã hội. Việc xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thư viện trên cơ sở tôn trọng công bằng, dành cho mọi đối tượng, không phân biệt.
*Có ý thức nghề nghiệp tốt, tuân thủ tự giác các giá trị đạo đức nghề nghiệp và các mối quan hệ nghề nghiệp. Trong nghề nghiệp, cán bộ thư viện thông tin cần đảm bảo tính trung lập và không thiên vị, công khai, công bằng đồng thời có các biện pháp chống lại các hành vi tham nhũng, lãng phí trong hoạt động.
Đối với đồng nghiệp, cán bộ thông tin thư viện đối xử với nhau trên nguyên tắc công bằng và tôn trọng, không phân biệt đối xử trong mọi khía cạnh, chia se kinh nghiệm chuyên môn với đồng nghiệp, hướng dẫn, giúp đỡ những đồng nghiệp mới gia nhập công đồng chuyên môn và phát triển kỹ năng, không cạnh tranh phi đạo đức với đồng nghiệp.
Cán bộ TV-TT cần nỗ lực để gây dựng được danh tiếng và vị thế dựa trên sự chuyên nghiệp và hành vi đạo đức của mình.
Văn hóa nghề của mỗi cá nhân còn thể hiện ở sự nhiệt tình, say mê trong công việc, tinh thần chủ động, sáng tạo niềm mong mỏi, khát khao được công hiến cho nghề nghiệp. Để văn hóa nghề hình thành và trở thành yếu tố bản chất của mỗi người lao động không chỉ đòi hỏi có sự nghiên cứu về văn hóa nghề mà còn cần đưa ra các biện pháp nhằm giáo dục văn hóa nghề cho những người đã, đang làm nghề đặc biệt là những người sắp làm nghề (những người lao động tương lai).
3. Giải pháp nâng cao văn hóa nghề cho sinh viên ngành thư viện
Từ việc nghiên cứu văn hóa nghề nói chung và các hành vi văn hóa nghề thư viện nói riêng, có thể nhận thấy vai trò của giáo dục văn hóa nghề cho lớp cán bộ thông tin thư viện mới là rất cần thiết. Chúng ta muốn có một lớp người lao động có văn hóa thì cần lồng ghép các bài học về văn hóa nghề trong mỗi phần, mỗi môn học. Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình giảng dạy chuyên ngành thư viện thông tin, tác giả cho rằng, sự lồng ghép việc giáo dục văn hóa nghề trong các môn học giống như quá trình “mưa dầm thấm lâu”, dần dần sẽ tạo nên một lớp người lao động mới có văn hóa rất tự nhiên và thể hiện tính bền vững giống như văn hóa nghề là bản chất của họ. Điều này là rất cần thiết bởi việc giáo dục văn hóa nghề không chỉ nghe nói lý thuyết suông mà mỗi người giảng dạy cần trở thành những tấm gương thực tiễn hết sức sinh động về lòng yêu nghề.
Việc lồng ghép văn hóa nghề trong từng phần các môn học có thể được tiến hành ngay từ những môn học đầu tiên (những bài học đầu tiên) về ngành nghề. Một nhà thư viện học mà tác giả hết sức kính trọng có tới hơn 30 năm giảng dạy nghề thư viện từng nói: chúng ta (những người trong lĩnh vực đào tạo thông tin thư viện) không chỉ đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp mà việc cần hơn là tạo ra những phương pháp giảng dạy sinh động, lồng ghép lòng yêu nghề khiến sinh viên thấy hứng thú với nghề hơn, yêu nghề và nhiệt tình với nghề hơn. Để thực hiện được mong muốn này, mỗi giảng viên không chỉ giáo dục lòng yêu nghề cho sinh viên mà còn cần trở thành những tấm gương sáng về tinh thần học tập và cầu tiến, về lòng yêu nghề.
Bên cạnh đó, chương trình khung cũng cần có sự thay đổi nhằm tăng cường các kỹ năng mềm cho sinh viên: như kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, kỹ năng giải quyết tình huống….thậm chí cũng nền lồng ghép các bài học về văn hóa nghề như ý thức sống và làm việc đúng pháp luật, tính kỷ luật, tính chính xác, đạo đức nghề nghiệp.
Quá trình thực tập của sinh viên tại các cơ sở cũng là cơ hội tốt cho việc giáo dục văn hóa nghề. Trong quá trình thực tập, sinh viên không chỉ được tiếp cận với chuyên môn nghiệp vụ mà còn tiếp thu những bài học về giáo dục con người, nếp sống văn minh, văn hóa. Ví thử như sinh viên thực tập tại thư viện nào đó mà cán bộ thư viện không có văn hóa nghề, đơn cử như một hành động rất nhỏ như đi muộn, về sớm, không tuân thủ kỷ luật lao động cũng sẽ khiến sinh viên thực tập có cái nhìn không thiện cảm về nghề nghiệp; hay như thái độ không tốt của cán bộ thư viện tại cơ sở thực tập đối với bạn đọc cũng ngay lập tức trở thành tấm gương xấu, sinh viên cũng sẽ có những ứng xử tương tự khi làm việc.
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực trẻ phải được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển một ngành nghề. Để có một hoạt động hiệu quả, cần phải thống nhất được một chiến lược phát triển chung không chỉ ở những mặt kinh tế, công nghệ, hạch toán kinh doanh... mà còn phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về văn hóa nghề, khắc phục những hạn chế, nhất là những hạn chế gắn liền với các chuẩn mực và giá trị lao động nghề nghiệp cũ, phát huy được sức mạnh của tổng thể nhằm đáp ứng những yêu cầu và đỏi hỏi cần thiết của xã hội.
Điểm đáng chú ý là việc giáo dục văn hóa nghề nếu chỉ được tổ chức ở các cấp đào tạo nghề thì thực chất là đào tạo ở phần ngọn. Để văn hóa nghề trở thành một phần “máu thịt” không thể thiếu của mỗi người lao động chúng ta cần có xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách phát triển của từng loại hình nghề nghiệp, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá đối với mỗi ngành nghề, đồng thời với những nhiệm vụ đó là việc giáo dục văn hóa nghề phải bắt đầu từ những cấp học cơ sở. Chúng ta cũng chỉ có được một nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tương lai khi chúng ta có được một nền giáo dục phổ thông tốt. Phải bắt đầu việc giáo dục các chuẩn mực và định hướng giá trị lao động mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải từ các trường đào tạo nghề nghiệp mà ngay từ những giai đoạn học tập đầu tiên, từ trường phổ thông. Trong các trường học đầu tiên này, chúng ta phải chuẩn bị không chỉ các kiến thức văn hóa mà còn cả tâm thế cho những người lao động tương lai.
Trong các chương trình học phổ thông, chúng ta cần lồng ghép những chương trình học tập hướng nghiệp, đưa môn học hướng nghiệp vào ngang hàng với những môn học quan trọng khác. Phải xây dựng những chuẩn mực và định hướng giá trị, nếp sống văn hóa mới trong xã hội theo các quy chuẩn của xã hội công nghiệp, tạo dựng cho lớp trẻ quen dần với một môi trường sống công nghiệp, nhận thức, tư duy và hành động theo phong cách của người lao động công nghiệp.
Chúng ta chỉ có thể đào tạo và phát triển văn hóa nghề trong điều kiện đẩy mạnh và phát triển không ngừng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong trường hợp này, sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa sẽ vừa tạo ra những nhu cầu về nguồn nhân lực vừa tạo cơ sở thực tiễn cho việc hình thành những chuẩn mực và giá trị lao động nghề nghiệp mới. Ngược lại, chính nguồn nhân lực lao động có tri thức, có ý thức kỷ luật, yêu lao động sáng tạo, có văn hóa nghề nghiệp cao, được tổ chức chặt chẽ lại là “linh hồn” của sự phát triển công nghệ và kỹ thuật, là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển không ngừng và bền vững của sự nghiệp công nghiệp hóa. Đây chính là phép biện chứng của sự phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực trẻ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Tài liệu tham khảo:
1. Bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của IFLA (bản dịch của tác giả Ngô Hồng Điệp)
2. Nội quy văn hóa nghề thể hiện trong các nội quy, quy định của đơn vị tuyển dụng lao động
3. Văn hóa nghề và nâng cao văn hóa nghề cho thanh thiếu niên hiện nay. TC Cộng Sản
4. Vũ Dương Thúy Ngà. Thư viện học đại cương.- phần viết về nghề thư viện
Bài: Phạm Thị Phương Liên
Khoa Thư viện – Thông tin
Admin3