Khám phá dấu ấn đa văn hóa qua những ngôi chùa nổi tiếng ở Penang-Malaysia
(ĐHVH HN) - Penang - hòn đảo ngọc nằm ở phía Tây bắc Malaysia là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất châu Á. Nơi đây không những hấp dẫn về cảnh quan mà còn nổi tiếng với kiến trúc và văn hóa, tôn giáo đa sắc tộc. Penang từng là cửa ngõ giao thương của các nước châu Âu, Ấn ...
(ĐHVH HN) - Penang - hòn đảo ngọc nằm ở phía Tây bắc Malaysia là một trong những điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất châu Á. Nơi đây không những hấp dẫn về cảnh quan mà còn nổi tiếng với kiến trúc và văn hóa, tôn giáo đa sắc tộc. Penang từng là cửa ngõ giao thương của các nước châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan. Vì lẽ đó, ở đây có sự kết hợp của nhiều sắc tộc và tín ngưỡng. Người Hoa và người Thái với tín ngưỡng thờ Phật, người Malai với đạo Hồi, người Ấn Độ thờ Hindu và người Anh với Thiên Chúa Giáo.
Đến Penang du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình tôn giáo không chỉ đẹp về kiến trúc, mang đậm màu sắc tín ngưỡng mà còn mang nét truyền thống như: nhà thờ Hồi giáo Kapitan Keling, Masjid Melayu Lebuh Acheh, Benggali, Mahamariamman, nhà thờ Đức Mẹ đồng trinh, nhà thờ Thánh George, đền Khoo Kongsi, chùa Kekloksi… Các công trình tôn giáo ở đây không đối chọi mà có sự hòa hợp nét văn hóa, tôn giáo: Hồi giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Đạo giáo. Mặc dù đa số dân ở Malaysia theo Đạo Hồi và còn có sự tồn tại của nhiều tôn giáo khác ở Penang nhưng những ngôi chùa thờ Phật ở đây cũng mang dấu ấn nhất định và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Những ngôi chùa này cũng là những điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến với Penang.
1. Chùa Kek Lok Si
Chùa Kek Lok Si còn được biết đến với tên gọi chùa Cực Lạc, là ngôi chùa thờ Phật lớn và nổi tiếng nhất tại Penang, đồng thời chùa cũng là một trong những công trình Phật giáo lớn bậc nhất Đông Nam Á. Ngôi chùa này đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Malaysia.
Toàn cảnh chùa Kekloksi
Chùa tọa lạc trên đỉnh núi, hướng mặt ra biển, bao gồm nhiều hạng mục hoành tráng như 10.000 pho tượng được chạm khắc tinh xảo, tượng Quan Âm cao hơn 30 m cùng tòa tháp 7 tầng cao sừng sững.
Tháp 7 tầng - Kekloksi
Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1890 với sự ủng hộ của đại diện lãnh sự Trung Quốc tại Penang. Đến năm 1930, tháp 7 tầng và 10.000 tượng Phật được hoàn thành. Ngôi chùa là sự kết hợp của nền bát giác kiểu Trung Hoa, tầng giữa kiểu Thái và đỉnh kiểu Mianma mang cả nét kiến trúc của Phật giáo Đại thừa và Phật giáo nguyên thủy.
Cả ngôi chùa có một phần khắc sâu vào sườn đồi tại Ari Itam, cách đồi Penang 3km. Khuôn viên chùa được chia thành 3 khu chính. Tại lối vào là các gian hàng bày bán các mặt hàng lưu niệm, tượng Phật và thức ăn phục vụ nhu cầu khách du lịch. Khu điện thờ trung tâm và khu thờ trên đỉnh núi.
Khi đi qua khu chợ sôi động tại lối vào đền Kek Lok Si ở Penang, du khách sẽ bị thu hút bởi những người bán hàng tại vô số quầy hàng thủ công và đồ lưu niệm. Hãy dừng chân để cho rùa ăn hoặc phóng sinh rùa xuống hồ nước, một truyền thống của người theo đạo Phật với mong ước gặp điều may mắn. Du khách dễ dàng bị choáng ngợp bởi những đại sảnh hay lối đi nhiều ngõ ngách nối tới các gian thờ Phật, các vị la hán và hộ pháp. Nhà chùa làm nhiều dây ruy băng đủ màu, bán với giá 1 RM, để khách thập phương viết lời cầu nguyện cho bản thân và gia đình.
Khuôn viên trung tâm với ngôi chùa khổng lồ và bức tượng tứ đại thiên vương được thờ trang trọng ngay tại chính điện. Mỗi vị thần được cho là cai quản một phương khác nhau theo Đông – Tây – Nam – Bắc. Và cũng từ đây, khuôn viên ngôi chùa mở rộng lên đến sườn núi. Du khách có thể di chuyển lên đến đỉnh núi bằng cách đi bộ hoặc đi bằng tàu điện gỗ lên sườn núi dốc để tận hưởng cảnh quan thành phố rộng mở từ trên cao.
KekLokSi lung linh huyền ảo
Trên đỉnh là khung cảnh bao la hùng vĩ với tượng Quan Âm cao uy nghi hơn 30m. Tượng được làm bằng đồng và hoàn thiện vào 2002. Xung quanh tượng là 16 cột đá chạm khắc rồng, với mái đồng tâm được lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà Minh giống như mái của Thiên Đàn ở Bắc Kinh.
Tượng Quan Âm-Kekloksi
Bên cạnh là hồ nước lớn với những chú cá chép koi đang tung tăng bơi lội. Phong cảnh ngôi chùa rất hữu tình, xen lẫn giữa các khu là vườn hoa sặc sỡ quanh năm. Tại đây có ao rùa, những khu vườn xanh mát, các lăng thờ và các tác phẩm điêu khắc đẹp.
Hồ cá chép
Vì là ngôi chùa thờ Phật quan trọng nhất của người Hoa tại Penang nên Kek Lok Si là nơi tổ chức một số lễ hội trong suốt cả năm. Đẹp nhất trong số đó có lẽ là lễ hội mừng Tết Nguyên Đán. Trong suốt một tháng Tết, ngôi chùa được mở của đến tận khuya để phục vụ nhu cầu lễ Phật và chiêm bái phong cảnh chùa của du khách thập phương.Vào dịp này, Kekloksi như tràn ngập trong một biển sắc màu và ánh sáng lung linh, huyền ảo bởi được trang hoàng bằng hàng trăm nghìn chiếc đèn lồng đủ loại từ đèn truyền thống đến đèn điện trang trí hiện đại.
Lễ hội Tết Nguyên đán tại KekLokSi
Chùa mở cửa hàng ngày từ 9 giờ sáng đến 6 chiều.
2. Chùa Wat Chayamangkalaram
Chùa Thái Wat Chayamangkalaram hay người dân địa phương còn gọi là Chùa Phật Nằm được đặt tại đường Lorong Burmah, Georgetown, Penang, Malaysia.
Chùa Wat Chayamangkalaram
Đây còn là ngôi chùa cao nhất ở bán đảo Malaysia,chiều cao của chùa khoảng 165 feet, có tượng lớn hình con rắn Naga huyền bí được xem là biểu tượng nối liền trái đất với thiên đường.
Tượng rắn Naga
Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1845 trên đất năm mẫu Anh do Nữ hoàng Victoria dành cho cộng đồng Phật giáo của Thái. Tương truyền ngôi chùa này xây dựng bởi một nhà sư nổi tiếng Phorthan Kuat người Thái theo dòng Phật giáo nguyên thủy. Truyền thuyết về nhà sư này cũng kể rằng ông rất thích ăn món Laksa, đặc sản của Penang vì vậy đến tận bây giờ món Laksa luôn được các phật tử dâng cúng trên điện thờ ông.
Chùa và điện thờ chính được xây dựng năm 1900. Điện thờ này được thiết kế theo lối kiến trúc Trung Hoa và 88 năm sau được trùng tu. Diện mạo hiện tại của ngôi chùa được thiết kế theo kiến trúc chùa Thái và kể từ đó tới nay chùa vẫn giữ nguyên lối kiến trúc và thiết kế ban đầu.
Ngôi chùa này cũng được biết đến với pho tượng Phật nằm dát vàng dài 33m. Vì thế nên đây là một trong những ngôi chùa có tượng Phật lớn nhất thế giới. Pho tượng Phật nhập Niết Bàn đại diện cho Đức Phật trước khi tới cõi Cực lạc, với tên Pra Buddhachaiya Mongkul - một biểu tượng cho một sự tĩnh tâm, xa rời trần thế. Tượng nằm nghiêng về bên phải với bàn tay phải đỡ đầu và hướng về phía Bắc, chân trái đặt trên chân phải, nét mặt bình thản.
Tượng Phật nhập Niết Bàn
Đằng sau pho tượng Phật nằm, du khách có thể thấy có rất nhiều hốc chứa di cốt hỏa táng của các phật tử. Nội thất của ngôi chùa được trang trí phủ kín với những hình ảnh của đạo Phật với nền vàng. Truyền thuyết về cuộc đời của Đức Phật được vẽ trên tường rất công phu bởi những nghệ nhân Thái hàng đầu.
Ngôi chùa Thái truyền thống tráng lệ này còn bao gồm nhiều điện nhỏ hơn thờ Phật và thần của người Thái.
Điện thờ nhỏ chùa Wat Chayamangkalaram
Trên sân chùa được trang trí cực kỳ lộng lẫy, du khách có thể nhìn thấy tượng thần Devas và nhiều nhân vật thần thoại khác được chạm trổ tinh vi và trang trí nhiều màu sắc.
Sân chùa Wat Chayamangkalaram
Sàn gian chính điện được lát đá có hình hoa sen- biểu tượng của đạo Phật. Ngôi chùa này cũng nổi tiếng với những lá số bấm tự động rất linh nghiệm. Sau khi vãn cảnh chùa, người dân và du khách thường dâng những ly nến thủy tinh kết hoa lên đức Phật để cầu nguyện sự bình an và may mắn.
Có một ngôi làng nhỏ của Thái Lan và một nghĩa trang Thái phía sau chùa.
Cộng đồng người Thái cũng tổ chức những lễ hội truyền thống của đạo Phật (Sonkran và Loy Krathong) tại chùa Wat Chayamangkalaram.
Chùa tổ chức bốn sự kiện quan trọng đó là Tết của người Thái, ngày lễ Phật Đản Wesak, Merit Making Day vào tháng 7 và lễ kỷ niệm ngày dựng tượng. Vào những dịp này rất đông phật tử tập trung tại chùa đốt gậy thần và cầu cúng.
Chùa mở cửa hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 5h30 chiều.
3. Chùa Dharmikarama Burmese
Nằm ngay đối diện với chùa Thái Wat Chayamangkalaram là ngôi chùa Phật giáo Myanmar được xây dựng năm 1803. Đây là ngôi chùa thờ Phật lâu đời nhất và duy nhất của người Myanmar ở đảo Penang.
Chùa Dharmikarama Burmese
Ngôi chùa nổi bật với những mảng màu đỏ,vàng rực rỡ và lối vào được trang trí công phu do hai bức tượng voi trắng bằng đá canh giữ thật ấn tượng. Du khách sẽ bị thu hút bởi những cột trụ bằng vàng, hàng mái vòm bằng vàng duyên dáng và các đỉnh tháp vàng hay tượng đài hình nón lấp lánh.
Mặt tiền chính diện chùa Dharmikarama Burmese
Khi bước vào trong, du khách sẽ nhìn thấy nhiều bức vẽ, bích họa và tượng, tất cả đều nhằm ca tụng lịch sử và huyền thoại về đạo Phật.
Chùa gồm gian chính điện, đại sảnh, nhà tăng, nhà khách, phòng học, thư viện và phòng giảng đạo. Điện thờ chính được một cặp sư tử thần hung dữ canh gác. Vào bên trong, du khách sẽ nhìn thấy hình ảnh của Đức Phật đứng được làm bằng vàng với lòng bàn tay lớn màu trắng hướng ra ngoài thể hiện cử chỉ hòa bình.
Tượng phật ở gian chính diện
Tiếp theo du khách sẽ đến điện Arahant Upugatta. Với các ngọn tháp nhọn và đỉnh vàng trang trí công phu, công trình này là nơi được mọi người vô cùng sùng kính.
Điện thờ Arahant Upagutta ban đầu chỉ là gian thờ nhỏ bằng ván được xây năm 1840. Điện thờ mới được xây dựng lại trên nền cũ vào năm 1976 và tượng Arahant Upagutta được dâng cúng vào ngày 18 tháng 12 năm 1978. Thần Arahant Upagutta sở hữu quyền lực không chỉ giúp con người vượt qua mọi rắc rối, bế tắc, hoàn thiện ước nguyện trong cuộc sống mà còn xua đuổi được tà ma.(Ảnh 15)
Kiến trúc và điêu khắc ở ngôi chùa mang đậm bản sắc Myanmar này tinh tế đến từng chi tiết, hài hoà giữa màu vàng không quá chói với màu xanh của xum xuê cây lá.
Điện thờ Arahant Upagutta
Năm 1988, Chùa Dharmikarama Burmese được công nhận là một trong 15 điểm di tích lịch sử văn hóa hấp dẫn du khách nhất của bang Penang. Sân vườn chùa cùng nổi tiếng xanh, hài hòa với cảnh quan môi trường và đạt giải nhất trong chương trình làm đẹp phong cảnh của bang vào năm 1997 và 2001.
Ở sân chùa bên trái có tượng Panca- Rupa hai linh vật thần thoại với vẻ mặt hung dữ bắt chân lên quả địa cầu lớn giữ vai trò là những vị thần bảo vệ thế giới (the Guardian Protector). Hai linh vật này kết hợp những đặc tính tốt đẹp nhất như ngà và vòi voi, bốn chân nhanh nhẹn và hai tai thính của ngựa, mặt sư tử, sừng hươu, mình, đuôi cá và hai cánh quyền lực. Chính sự kết hợp sức mạnh lý tưởng này mà Panca-Rupa có thể hoàn thành vai trò bảo vệ thế giới của mình.
Vườn chùa Dharmikarama Burmese
Ngoài ra du khách sẽ bị thu hút bởi hồ ước nguyện phía trái vườn chùa. Giữa hồ có một vòng quay tự động trên đài sen có những mong muốn của con người như: sức khỏe, sự may mắn, giàu có ,thành đạt…. Du khách có thể cầu nguyện và tung đồng xu, nếu trúng vào bát có chữ nào, ước nguyện của khách sẽ trở thành hiện thực.
Tượng Panca-Rupa
Chùa Dhammikarama Burmse tổ chức một số lễ hội trong suốt cả năm. Vào tháng 2, ngôi chùa trở thành một bữa tiệc về màu sắc trong lễ hội đón Tết Nguyên Đán. Sôi động nhất là lễ hội té nước truyền thống vào tháng 4 hàng năm.
Chùa nằm tại quận Pulau Takis của Georgetown mở cửa hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều cho khách tham quan miễn phí
Nằm ngay khu phố cổ Georgetown - di sản văn hóa nổi tiếng về sự hòa hợp giữa các tôn giáo, ba ngôi chùa nổi tiếng trên là những điểm du lịch hấp dẫn mà bất kỳ du khách nào đến Penang đều muốn ghé thăm. Đến đây, khách du lịch không những có cơ hội tìm hiểu về đạo Phật, được chiêm bái để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn có thể tìm hiểu được dấu ấn đa văn hóa của Malaysia trên đất Penang.
Tài liệu tham khảo:
1. www.visitpenang.gov.my
2. www.expedia.com.vn
3. vov.vn
4. news.zing.vn
5. vnexpress.net
Tổng hợp và biên dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Khoa Văn hóa Du lịch
Admin3