25/05/2018, 17:56

Một vài giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu ngôi đình làng Việt ở xứ Quảng

1. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH (ĐHHV)-Từ cuối thế kỷ 14, xứ Quảng nằm ở phía Nam đèo Hải Vân (Quảng Nam - Đà Nẵng) đã trở thành một bộ phận của Quốc gia Đại Việt - Việt Nam. Cùng với sự hình thành của làng xã trên bước đường khẩn hoang là một loạt các thiết chế văn hóa tinh thần như đình, ...

1. VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

(ĐHHV)-Từ cuối thế kỷ 14, xứ Quảng nằm ở phía Nam đèo Hải Vân (Quảng Nam - Đà Nẵng) đã trở thành một bộ phận của Quốc gia Đại Việt - Việt Nam. Cùng với sự hình thành của làng xã trên bước đường khẩn hoang là một loạt các thiết chế văn hóa tinh thần như đình, đền, chùa, nhà thờ họ... được xây dựng và đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã được ra đời trong hoàn cảnh như thế. Ngôi đình làng ở đây vừa mang nét chung về cảnh quan, kiến trúc của đình làng Việt, vừa có những nét riêng mang sắc thái vùng miền...

Thời gian khởi dựng ngôi đình phụ thuộc vào quá trình di dân, di cư hay quá trình an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Theo truyền thuyết tại các địa phương thì thời gian khởi dựng của những ngôi đình ở vùng đất này cũng khá sớm, như: đình Chiên Đàn (Phú Ninh, Quảng Nam) được xây dựng vào khoảng năm 1471 - 1473, đình Không Chái (Đại Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) tương truyền được xây dựng vào thời vua Lê Thánh Tông (1471), đình làng Thanh Quýt (Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) được xây dựng vào đầu thế kỷ 16, đình Long Xuyên (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) được xây dựng vào năm 1749, đình Hương Trà (phường Hòa Hương, Tam Kỳ, Quảng Nam) được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 18, đình Thái Đông (Bình Nam, Thăng Bình, Quảng Nam) được xây dựng vào năm 1778, v.v.  Cùng với tư liệu truyền thuyết, một số đình làng còn giữ được các sắc phong, như: đình Đại La (Hòa Vang, Đà Nẵng) có sắc Minh Mạng thứ 2 (1821), đình Phú Hạ có sắc Minh Mạng thứ 3 (1822), đình Tuý Loan (Hoà Phong- Hoà Vang, Đà Nẵng) hiện còn lưu giữ được 20 sắc phong trong đó có sắc phong vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Ngoài ra, bản khoán ước của làng Phước Sơn (nay đặt tại đình Phước Thuận thuộc xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) được lập vào năm Gia Long thứ 7 (1808), có đoạn “chúng tôi là viên chức lớn nhỏ trong xã, thuộc xã Phước Sơn, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hoà Vang, phủ Điện Bàn. Nay lập đồng ưng định cử ông cựu cai tên Đàm lên làm chức trùm cả để chăm sóc các việc trong đình, chùa… Từ nay những nam phụ, lão, ấu trong xã và những người ngụ cư, nhóm họp tại đình, tưởng niệm các bậc tiền hiền đều phaỉ giữ vững đúng phép tắc…”[1]

Toàn cảnh đình Đại La

Qua những tư liệu đã nêu trên cho thấy ít nhất vào đầu thế kỷ 19, đình làng đã là một thiết chế văn hóa của làng xã ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, do nằm ở vùng đất luôn chịu nhiều thiên tai, chiến tranh nên dấu vết kiến trúc sớm nhất hiện còn ở các ngôi đình thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng cũng mới chỉ tìm thấy từ nửa sau thế kỷ 19. Ví dụ: đình làng Trung Nghĩa (Liên Chiểu - Đà Nẵng) mặc dù có sắc phong từ thời Minh Mạng, nhưng kiến trúc hiện nay là mới được dựng lại từ năm Thành Thái 12 (1900); đình làng Bồ Bản (Hòa Vang - Đà Nẵng) dù tương truyền được dựng từ cuối thế kỷ 15, nhưng kiến trúc hiện nay là sản phẩm của lần trùng tu năm Thành Thái 18 (1906); đình Thanh Hà (Hội An - Quảng Nam) dựng lại năm 1953; đình Ngũ Xã (Duy Xuyên - Quảng Nam) dựng lại năm 1955...

Xét về niên đại kiến trúc, hiện ở Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn còn một số ngôi đình có dòng niên đại ghi trên cấu kiện cho ta biết thời gian xây dựng công trình, như: trên xà cò đình Phong Lệ Bắc (Hòa Vang - Đà Nẵng) còn dòng chữ "Tự Đức bát niên, tuế thứ Ất Mão, tứ nguyệt, cát nhật bản xã phụng tạo" (Ngày tốt tháng tư năm Ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855) bản xã vâng lệnh tạo đình); đình Xuân Mỹ (Hội An - Quảng Nam), trên thượng lương còn dòng chữ "Thành Thái thập ngũ niên, tuế thứ Quý Mão, thu nguyệt cát nhật, bản xã đồng tân tạo" (Ngày tốt mùa thu năm Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903), bản xã cùng tạo mới (ngôi đình); thượng lương đình miếu Nam Diêu (Hội An - Quảng Nam) còn dòng chữ ghi rõ công trình được kiến tạo ngày 19 tháng 11 năm Thành Thái Ất Tỵ (1905), trùng tu năm Bảo Đại thứ 8 (1933),v.v... Tuy nhiên, có thể thấy không nhiều ngôi đình còn dòng niên đại tuyệt đối ghi trên kiến trúc, hơn nữa chúng đều chỉ có niên đại khoảng từ nửa sau thế kỷ 19 trở lại

Đình Thanh Hà

Bằng những tư liệu có được, cũng như dựa vào hiện trạng kết quả khảo sát, có thể nói, đến trước năm 1945, gần như các làng xã đều có đình làng, nhưng do thiên tai như lũ lụt, gió bão và đặc biệt do các cuộc chiến tranh tàn phá nên nhiều làng, người dân đã phải dựng lại ngôi đình (đình làng Hải Châu (Hải Châu - Đà Nẵng) bị di chuyển vị trí và dựng lại 3 lần, lần thứ 3 là năm 1904; đình làng Thanh Hà (Hội An - Quảng Nam) bị tiêu thổ kháng chiến năm 1947, dựng lại 1953.... Bởi vậy, lịch sử của làng đã có hàng mấy thế kỷ, nhưng nhiều khi niên đại kiến trúc của đình làng chỉ được khoảng mấy chục năm trở lại đây, nhiều ngôi đình được trùng tu đến bốn năm lần. Ngay trong một ngôi đình thì các đơn nguyên kiến trúc cũng có những mốc niên đại khác nhau. Thường thì Chính điện được xây dựng trước, sau đó do nhu cầu mở rộng không gian thờ tự và sinh hoạt nghi lễ, văn hóa người ta đã nối thêm phần hậu tẩm ở phía sau hoặc thay thế hiên đình bằng một nếp nhà ngang gọi là tiền đường ở phía trước...

2. MỘT VÀI GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA TIÊU BIỂU

2.1. Lịch sử của ngôi đình phản ánh lịch sử phát triển của làng xã.

Trên bước đường khẩn hoang, tạo lập cuộc sống nơi vùng đất mới, những cư dân Việt từ ngoài Bắc vào cũng đã dựng cho mình những ngôi đình để vừa thờ cúng thần linh che chở cho cuộc sống của họ, vừa làm chốn sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của cộng đồng. Như vậy, sự xuất hiện của ngôi đình đã góp phần khẳng định tính định cư vững chắc của người Việt nơi vùng đất đó. Lịch sử hình thành, phát triển của ngôi đình cũng phần nào phản ánh lịch sử của làng xã, quê hương. Nhiều ngôi đình khởi dựng chỉ là tranh tre, nứa lá, qua thời gian tồn lại mới được trùng tu, thay thế bằng những vật liệu bền chắc..., sự thay đổi đó cũng góp phần phản ánh lịch sử kinh tế của làng xã. Đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng được ra đời cùng với quá trình hình thành, ổn định và phát triển của các làng Việt. Xét về thời điểm ra đời, đình làng ở đây có niên đại muộn hơn so với hệ thống đình làng khu vực Thừa Thiên - Huế (do các làng xã người Việt ở khu vực đó được hình thành sớm hơn), nhưng cũng sớm hơn những ngôi đình vùng Nam Trung bộ (Phú Yên - Khánh Hòa). Thời điểm ra đời của ngôi đình cũng phần nào phản ánh quá trình Nam tiến của người Việt. Dù ra đời trong thời điểm nào, dù hoàn cảnh, điều kiện của mỗi làng có khác nhau thì đình làng vẫn là công trình kiến trúc có quy mô khá lớn và là sản phẩm chung của cả cộng đồng làng xã; hay chính xác hơn là công trình chung của những dòng họ khai canh, khai khẩn đầu tiên trên vùng đất mới.

Bên cạnh đó, nhiều ngôi đình không chỉ đơn thuần là những công trình tín ngưỡng mà còn gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, đặc biệt là những sự kiện biến động chính trị, xã hội cả thế kỷ 20. Nhiều ngôi đình trở thành những trang sử chân thực, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống địa phương. Đi khắp nơi trên vùng đất này, ngôi đình nào cũng ghi dấu phong trào yêu nước từ các cuộc khởi nghĩa Cần Vương, nghĩa hội Quảng Nam đến cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Có thể kể ra ở đây những sự kiện lịch sử gắn liền với một số đình làng như: Đình Mân Quang (Đà Nẵng) trong những năm đầu chống Pháp (1858 - 1860) là nơi đóng quân, làm kho chứa lương thực, súng đạn, thuốc men để Nguyễn Tri Phương kháng Pháp; từ năm 1945 – 1954, là trụ sở làm việc của Uỷ ban cách mạng lâm thời khu phố Phó Đức Chính, nơi bầu cử Quốc hội khoá I và là địa điểm liên lạc, đào hầm bí mật hoạt động của du kích khu Đông; trong kháng chiến chống Mỹ 1954 – 1975 là trụ sở Hội đồng hương chính, đồng thời là nơi hội họp, mittinh của nhân dân trong làng và ngày 29/3/1975, khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng và trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng lâm thời. Đình An Hải (Đà Nẵng) thời kỳ Cần vương cứu nước, là căn cứ của nghĩa quân thuộc Nghĩa hội Quảng Nam do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo và để nhớ công ơn những nghĩa quân đã hy sinh, người dân địa phương thờ phụng tại đình; trong phong trào chống Pháp, đuổi Nhật năm 1942 nơi đây đã nhóm lên phong trào yêu nước “Truyền bá quốc ngữ” và thành lập tổ chức “Hội thanh niên cứu quốc” sau đó đổi thành “Hội tự vệ cứu quốc” rồi “Đội tự vệ cứu quốc”; trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi tập trung lực lượng cách mạng tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch mùa xuân lịch sử 1975.[2]. Đình Phiếm Ái (Đại Lộc - Quảng Nam) là nơi khởi đầu phong trào chống sưu, thuế 1908 ở Quảng Nam và Trung Kỳ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, một số ngôi đình được tháo dỡ để phục vụ 'tiêu thổ kháng chiến' như đình làng Trung Lộc (Quế Sơn - Quảng Nam), đình làng Diêm Trường (Núi Thành - Quảng Nam). Một số ngôi đình cũng đã trở thành nơi hội họp, nơi đưa ra những chủ trương, đường lối đấu tranh cách mạng, như đình Long Xuyên (Duy Xuyên - Quảng Nam) đã từng được Tỉnh ủy Quảng Nam sử dụng làm nơi hội họp vào những năm 1939-1940[3]; đình Nại Nam (Đà Nẵng) trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, được dùng làm nơi trú ẩn bí mật hoạt động cách mạng; vào thời kháng chiến chống Mỹ, đình trở thành căn cứ hoạt động bí mật, giai đoạn năm 1960 - 1965, đình là trạm giao liên, liên lạc ra vào thành phố. Đình Bồ Bản (Hòa Vang - Đà Nẵng), trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 là nơi tập hợp quần chúng đấu tranh giành chính quyền; đồng thời đây cũng là nơi thành lập Uỷ ban Hành chính Kháng chiến của xã, nơi thường xuyên diễn ra những buổi tiếp xúc giữa dân và cán bộ của chính quyền cách mạng thời kỳ đầu còn non trẻ; là nơi lập hòm phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; là nơi tổ chức các cuộc họp bàn chủ trương, biện pháp diệt ác, trừ gian[4]. Đình làng Thái Đông (Thăng Bình - Quảng Nam) trong những năm kháng chiến chống Pháp là nơi dạy học và tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào chống Pháp; nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã, nơi mở lớp Sư phạm của tỉnh Quảng Nam và là nơi mở lớp huấn luyện quân sự trong vùng[5]

Ngày nay đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng còn là nơi sinh hoạt truyền thống của các tộc họ, nơi tuyên dương những gia đình văn hóa, những gương hiếu học, dâu hiền rể thảo, những công dân gương mẫu ở địa phương...

2.2. Giá trị lịch sử, văn hóa thể hiện qua hệ thống di vật hiện còn.

Mặc dù có lịch sử hình thành, phát triển muộn hơn so với hệ thống đình làng ở miền Bắc, nhưng những ngôi đình ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng lưu giữ được khá nhiều di vật có giá trị.

Đặc biệt nhất có lẽ là hệ thống di vật thuộc văn hóa Chămpa hiện còn trong khá nhiều ngôi đình, như thành bậc ở đình Hương Trà (Quảng Nam), bệ thờ Yoni ở đình Bồ Bản (Đà Nẵng), tượng voi thờ ở đình Xuân Mỹ...; ngoài ra, xung quanh đình Quá Giáng (Đà Nẵng), đình Ngũ Xã Trà Kiệu (Quảng Nam) các nhà khảo cổ học cũng phát hiện khá nhiều tượng, mảnh tháp trang trí của những kiến trúc đền tháp Chămpa cổ xưa. Nhiều di vật đó vẫn được người Việt tận dụng, tiếp thu để tái sử dụng trong các ngôi đình của mình, góp phần tạo nên sự kế thừa, giao lưu văn hóa đặc sắc.

Kiến trúc bên trong đình Đại La

Những di vật có giá trị nữa phải kể đến các bản sắc phong thần. Mặc dù do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệp, đặc biệt là qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nhiều di vật, sắc phong (thậm chí là cả ngôi đình) đã bị tàn phá nặng nề, nhưng số lượng sắc phong còn lại cũng khá lớn: đình Nam Thọ (Đà Nẵng) còn 34 đạo sắc, sớm nhất là sắc phong năm Minh Mệnh 7 (1826); đình Thạc Gián (Đà Nẵng) còn 18 đạo sắc, sớm nhất là sắc năm Minh Mệnh 7 (1826); đình Túy Loan còn giữ được 23 đạo sắc, sớm nhất là sắc năm Minh Mệnh 3 (1822)... Những sắc phong này không chỉ cho ta biết mỹ hiệu, công trạng của những vị thần được thờ mà qua đó còn cung cấp những thông tin lịch sử về sự thanh đổi địa danh hành chính qua từng thời kỳ...

Ngoài ra, một số ngôi đình còn lưu giữ những tấm bia đá ghi lại lịch sử xây dựng, tu sửa đình, cũng như ghi nhận công đức của những người đóng góp tạo dựng lên mái nhà chung của cộng đồng làng xã (bia đình Túy Loan, đình Bồ Bản, đình Thạc Gián, đình Hải Châu - Đà Nẵng) - những tấm bia này đều được tạo vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Bên cạnh đó, có đình (như đình Xuân Mỹ - Quảng Nam) lại lưu giữ tấm bia từ thế kỷ 17 "Bảo Khánh tự bi", tạo năm Chính Hòa Bính Tý (1696), mặc dù đây là tấm bia của một ngôi chùa trong làng nhưng cũng được người dân  dựng nhà che bảo vệ và trở thành một di vật có giá trị.

Cuối cùng, những ngôi đình ở Quảng Nam - Đà Nẵng còn lưu giữ khá nhiều hoành phi, câu đối (chủ yếu tạo tác dưới thời Nguyễn - thế kỷ 19 - 20) ca ngợi cảnh trí di tích cũng như công đức vị thần được thờ. Trong số đó, đặc biệt nhất là bức hoành phi "Cứu nhân độ thế" do chính Quốc chúa Thiên Túng đạo nhân (Nguyễn Phúc Chu) ngự đề năm 1715 hiện treo tại đình Sơn Phong (Hội An - Quảng Nam).

2.3. Giá trị văn hóa, lịch sử thể hiện qua tín ngưỡng thờ Thành hoàng và những vị thần linh khác:

Ở nước ta nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, tín ngưỡng Thành hoàng gắn bó chặt chẽ với làng xã như một thành tố, một nhu cầu tất yếu không thể thiếu vắng trong đời sống tâm linh của con người. Do vậy, tín ngưỡng Thành hoàng có ý nghĩa sâu sắc về mọi mặt. Trước hết, tín ngưỡng Thành hoàng thỏa mãn được nhu cầu tinh thần của con người, cầu cho dân an, vật thịnh, hướng con người đến một lý tưởng chân, thiện, mỹ. Thành hoàng được thờ tại đình có thể là những người có công với nước, với dân...; có thể là những bậc Tiền hiền, có công đầu trong việc lập làng, hoặc khởi xướng một ngành nghề (các vị tổ nghề); hoặc là những nhân vật huyền thoại. Thành hoàng làng đều có ngày sinh, ngày hoá, ngày khánh hạ. Đây là những ngày lễ trọng, dân chúng thường chọn một trong ba ngày đó, vào thời gian nông nhàn và mát mẻ để mở hội làng, thông thường là vào mùa xuân hoặc cuối thu sang đông. Trong những ngày hội, mọi trò diễn dân gian được dịp thăng hoa, tạo nên niềm tin và hy vọng cho một cộng đồng làng xã và cũng nhằm nuôi dưỡng và phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc. Ngoài Thành Hoàng, trong đình cũng có thể thờ những anh hùng cái thế của dân tộc, từ vua chúa đến các danh nhân, các vị tổ các dòng họ có công lập làng và những người có nhiều công đức với làng tuy không được tôn làm Thành hoàng. Tín ngưỡng Thành hoàng trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân, có tác động hết sức sâu sắc đến mọi mặt đời sống của con người, khơi dậy trong họ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống văn hóa, từ đó thúc đẩy ý thức mỗi người trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Khuôn viên đình Thạc Gián

Đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng còn có nét tương đồng trong việc lựa chọn đối tượng thờ cũng như cách bố trí không gian thờ tự với hầu hết các đình làng miền Trung. Nếu ở miền Bắc, đối tượng thờ trong đình về cơ bản là những thần linh bản địa, thì ở đây đối tượng thờ có sự kết hợp cả những thần linh người Chăm (Thiên Y A Na, Cá Ông/Voi). Gần như tất cả những ngôi đình chúng tôi khảo sát đều có ban thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền... Cũng chính vì lẽ đó, ở Đà Nẵng (đình Túy Loan, đình Thạc Gián, đình Hải Châu) ta thấy còn có nhà Tiền Hiền xây bên cạnh. Vào tới Quảng Nam, bên cạnh những ngôi đình tách riêng khỏi nhà thờ Tiền Hiền thì ở nhiều làng quê, vẫn có nhiều nơi đồng nhất hai công trình này là một, thậm chí còn gọi tên luôn là đình Tiền Hiền (đình Long Xuyên, đình Ngũ Xã Trà Kiệu -đều thuộc huyện Duy Xuyên)... Cùng với tên gọi, cách bài trí không gian thờ tự trong đình làng vùng Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, cả khu vực miền Trung nói chung vẫn còn tương đối "mở" (khác với những ngôi đình cùng niên đại, cùng thời điểm xây dựng ở miền Bắc, khi nơi thờ tự đã được tách biệt, kín đáo, thâm nghiêm...)

Qua tìm hiểu tín ngưỡng Thành hoàng, chúng ta thấy rõ hơn lịch sử hình thành và phát triển làng xã ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhận diện Thành hoàng với những đặc trưng riêng của địa phương sẽ phần nào giúp ta cũng có thể thấy được tác động của tín ngưỡng Thành hoàng đối với đời sống người dân. Đặc biệt qua nghiên cứu tín ngưỡng Thành hoàng, lễ hội Thành hoàng sẽ góp phần giúp ngành du lịch có kế hoạch khai thác các giá trị văn hoá truyền thống phục vụ du lịch, mở ra một hướng mới cho ngành du lịch của thành phố, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch văn hóa, đây là hướng phát triển du lịch bền vững nhất, thu hút được nhiều khách tham quan. Phát triển theo hướng này vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có tác dụng trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.

2.4. Giá trị văn hóa được thể hiện qua các sinh hoạt và lễ hội đình

Từ bao đời nay, ngôi đình là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân nơi đây, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê qua bao thế kỷ. Ngôi đình vừa là biểu tượng của quyền lực làng xã, nhưng cũng là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung.

Một số ngôi đình còn lưu giữ được những lễ hội truyền thống khá đặc sắc: như đình Phong Lệ (Đà Nẵng) có một lễ hội lớn dành riêng cho trẻ chăn trâu - lễ hội Mục Đồng, cứ 3 năm tổ chức một lần, kéo dài suốt 3 ngày đêm. Ở hội đình Túy Loan (Đà Nẵng), dưới thời chúa Nguyễn, ngày chính tế là 15/8 hàng năm (rằm Trung thu) nhưng đến thời vua Gia Long, đổi sang ngày 12/8; bên cạnh phần lễ là những trò chơi dân gian hấp dẫn như kéo co, chọi gà và đặc biệt là hát bội (xưa kia hội Hát bội phải 3 năm mới tổ chức một lần nên thu hút rất đông người xem...); từ khi đón bằng công nhận di tích, đình Túy Loan tổ chức thêm hội xuân vào hai ngày mùng 9 và 10 tháng Giêng. Nghi thức cúng tế của hội Xuân tuy đơn giản hơn hội Thu nhưng đặc biệt hấp dẫn đông đảo mọi người tham dự bởi có cuộc đua Ghe trên sông Túy Loan, thu hút cả các thôn xã xung quanh tham dự như: Bồ Bản, Thạch Bàn, Phú Hòa. Lễ hội đình làng Trung Nghĩa (Đà Nẵng) kéo dài trong 03 ngày (từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch) và ngoài lễ hội chính còn diễn ra các lễ tiết khác như: Lễ vía bà Thiên Y- A- Na vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch. Lễ cúng “Thần Nông” cầu cho mưa thuận gió hòa bốn mùa tốt tươi diễn ra vào ngày 15 tháng 7 âm lịch. Lễ hội đình làng Hải Châu cũng diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch, gồm hai phần chính: phần lễ và phần hội. Đối với phần lễ thì có lễ Vọng, lễ tế cô hồn, lễ Chính tế…Về phần hội thì diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, hào hứng, đậm đà bản sắc dân tộc, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như múa lân, thả chim bồ câu, hội thi làm lồng đèn, cùng các môn thi đấu thể thao dân tộc như thi kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố tiếp sức, cờ tướng…

Có thể thấy, lễ hội ở đình làng mang lại niềm vui cho mọi người, mang nhiều yếu tố truyền thống, nhân văn sâu sắc. Lễ hội là nơi con cháu trong làng và các chư phái tộc tụ họp, thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân những vị tiền hiền, những thế hệ cha ông đi trước đã có công đức với làng; là nơi bà con họ hàng, làng trên xóm dưới có dịp gặp nhau để trao đổi chuyện gia đình, chuyện lao động sản xuất...; là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống, lịch sử của làng, của đình cũng như công lao, sự nghiệp của các bậc tiền nhân... Vào những ngày lễ, tết, dân làng đến đình để cầu mong Thành Hoàng và trời đất giúp cho mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Lễ hội ở đình cũng là nơi giao lưu, gìn giữ và truyền bá những làn điệu dân ca của quê hương, như hát chèo, hát bả trạo, hát bài chòi hay hát hò khoan đối đáp... Trước kia, mỗi đình làng thường có một phần ruộng Nhang đăng, được giao cho các phái tộc canh tác lấy quỹ dùng vào việc tế tự. Lễ hội đình làng vùng Quảng Nam - Đà Nẵng là dịp để nhân dân trong làng dâng cúng những sản vật tốt đẹp nhất của mình lên các Phúc thần và Tổ tiên, bày tỏ lòng báo đáp công ơn bảo hộ, che chở của thần và công ơn mở mang, khai phá làng xã của các vị khai canh, khai khẩn, cầu mong cuộc sống thịnh vượng, an lạc cho mỗi người dân trong thôn, xã.

Đình Thanh Quýt

Tóm lại, lễ hội là một nét sinh hoạt văn hoá của cư dân làng xã người Việt. Lễ là sự thành kính, trang nghiêm, là sự tưởng nhớ những người có công với dân, với nước, là sự cầu mong cho những điều tốt lành, mưa thuận, gió hoà, cuộc sống an vui. Ngược với lễ, hội là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là những trò vui dân gian, giúp cho người nông dân quanh năm đầu tắt, mặt tối có được giây phút giải trí vui vẻ trước khi bắt đầu một năm lao động mới. Lễ hội là sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Trong lễ hội, mọi người cùng vui vẻ và quên đi những lo lắng đời thường. Trong đó đã đề cập tới cùng một lúc ít nhất 4 mối ứng xử của con người:

- Ứng xử giữa con người với thần linh, mà một biểu hiện là sự cúng lễ.

- Ứng xử giữa con người với cộng đồng mà trung tâm là cộng đồng làng xã.

- Ứng xử giữa con người với tông tộc và gia đình.

- Ứng xử với chính mình

   Như thế, giá trị văn hóa lớn nhất của lễ hội đình làng nói chung, lễ hội đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng không chỉ đem lại những khoảnh khắc thư giãn cho người nông dân quanh năm vất vả, mà chủ yếu là sự thanh lọc tâm hồn để con người sống tốt hơn, đẹp hơn, cũng như để cân bằng lại nhận thức và những trách nhiệm trong một không khí thiêng liêng mà thoải mái. Chính vì thế mà lễ hội là đỉnh cao của sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đầy tính truyền thống và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc...

*Lời kết

Cũng như nhiều ngôi đình làng Việt khác, những ngôi đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng không chỉ có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật mà còn có giá trị cao về lịch sử, văn hóa. Các đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng hiện còn bảo lưu nhiều lễ hội, tập quán cùng hệ thống di vật như sắc phong, văn bia, câu đối phong phú. Đặc biệt, một số đình còn giữ được những cổ vật Champa mang ảnh hưởng của Hindu giáo. Hội đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn là những nghi lễ cơ bản của cư dân nông nghiệp lúa nước, nhưng bên cạnh đó là nhiều trò diễn dân gian mang màu sắc địa phương (hát bài chòi, múa bông, hay lễ hội cầu ngư...).

Ngoài ra, trong lịch sử tồn tại, phát triển, những ngôi đình làng đó đã đồng hành cùng với những biến cố, thăng trầm của lịch sử, nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử oai hùng, bi tráng của dân tộc và ngày nay nó đã trở thành một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu... Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình làng đã có sự gắn bó với lịch sử hình thành làng xã, của tiến trình bảo vệ, giữ gìn bờ cõi. Các đình làng ở Quảng Nam - Đà Nẵng đều là một trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục.

Bài: Ths. Phạm Lê Trung- Khoa VHDL 

TS. Tạ Quốc Khánh- Viện BTDT

Admin 5



[1] Xem thêm: Quá trình hình thành làng xã và sự ra đời đình làng Đà Nẵng - nguồn: http://www.danang.gov.vn/portal/page/portal/danang/chuyen_de/dl/tq

 

[2]. Xem thêm: Giá trị văn hóa, lịch sử đình làng Đà Nẵng - nguồn http://www.danang.gov.vn/portal/page/portal/danang/chuyen_de/dl/tq

[3]. An Trường - Đình làng xư Quảng - nguồn báo nhandan.com, truy cập 19/4/2013

[4]. Nguồn danang.gov.vn

[5]. Mai Hồng Lâm - Ngôi đình cổ 230 năm tuổi ở Quảng Nam - báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 27/8/2008

0