23/05/2018, 15:32

Quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá thát lát

Cá thát lát có phẩm chất thịt ngon, có thể chế biến được nhiều món ăn phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, là mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Do bị khai thác quá mức, thiếu các biện pháp bảo vệ nguồn lợi, nên sản lượng cá thát lát khai thác tự nhiên ngày càng giảm, và kích cỡ cá khai ...

Cá thát lát có phẩm chất thịt ngon, có thể chế biến được nhiều món ăn phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, là mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Do bị khai thác quá mức, thiếu các biện pháp bảo vệ nguồn lợi, nên sản lượng cá thát lát khai thác tự nhiên ngày càng giảm, và kích cỡ cá khai thác ngày càng nhỏ, giảm nguồn lợi cá thát lát trong tự nhiên có nguy cơ sụt giảm.

Cá thát lát có thể sống được ờ các ao nước tĩnh, chịu được môi trường chật hẹp, nước có hàm lượng oxy hòa tan thấp, pH thấp nên có thể nuôi trong ao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, giảm việc khai thác quá mức, phục hồi và phát triển nguồn lợi trong tự nhiên. Tuy nhiên, cá giống thát lát đến năm 1998 vẫn hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên. Để chủ động sản xuất giống đáp ứng nhu cầu nuôi, việc nghiên cứu một số đặc tính sinh học sinh sản các loài cá có giá trị kinh tế sẵn có ở địa phương, trong đó có cá thát lát nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lợi cá trong tự nhiên là yêu cầu cấp thiết. Đề tài nghiên cứu khoa học “Sinh sản cá thát lát” đo Sở Khoa học Công nghệ – Môi trường tỉnh Cần Thơ đầu tư, Chi cục Bảo vệ & Phát triển nguồn lợi Thủy sản Cần Thơ thực hiện từ tháng 6/1998 đến tháng 12/1999, đã nghiên cứu thành công việc cho cá thát lát sinh sản nhân tạo được đánh giá xuất sắc, là nền tảng ban đầu cho các nghiên cứu tiếp theo sâu hơn.

Một số đặc điểm sinh học chủ yếu của cá thát lát

Phân bố

Cá thát lát có tên khoa học là Notopterus notopterus (Pallas, 1767) sống ở các vùng cửa sông, kênh, rạch, ao hồ, đồng ruộng. Cá chịu được môi trưownfg nước có hàm lượng oxy và pH thấp. Cá có thể sống được ở các đầm nước lợ ven biển…

Trên thế giới, cá thát lát phân bố ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Malayxia, Indonexia, Ấn Độ… Ở Việt Nam cá thát lát xuất hiện từ Quảng Bình trở vào phía Nam. Tất cả các thủy vực ở ĐBSCL đều có cá thát lát phân bố.

Một số đặc điểm hình thái, phân loại cá thát lát

Đặc điểm hình thái

– Cá có thân dẹp hai bên, lườn bụng sắc

– Vảy nhỏ phủ toàn thân, vảy ở vùng đầu lớn hơn vảy ở thân và bám vào da rất chắc.

– Đường bên hoàn toàn.

– Vi lưng nhỏ nằm lệch về phía sau; vi bụng rất nhỏ; vi hậu môn rất dài từ hậu môn nối liền đến đuôi; vi ngực bình thường; vi đuôi là một thùy tròn.

– Cá có lưng màu xám đậm, hông và bụng có màu trắng bạc.

– Miệng không co rút, rạch miệng xiên kéo dài đến đường thẳng đứng kẻ qua giữa mắt.

– Mắt lớn vừa, nằm lệch về mặt lưng của đầu, gần chót mỏm.

Phân loại

Cá thát lát thuộc: Bộ: Osteoglossiformes Họ: Notopteridae Giống: Notopterus Loài: Notopterus notopterus (Pallas, 1767)

Dinh dưỡng

Cá thát lát là loài cá ăn tạp, thiên về thức ăn động vật như: giáp xác, nhuyển thể, cá con, phiêu sinh vật và cả rễ cây thủy sinh trong nước…

Đặc điểm sinh trưởng

Ngoài tự nhiên, cá một năm tuổi có chiều dài trung bình 16cm, nặng 40 – 60g/con, khi cá đạt kích cỡ này đã được khai thác bán thương phẩm. Trong ao, sau 12 tháng nuôi cá đạt cỡ 80 – 100g/con.

Sinh sản

– Mùa vụ sinh sản tập trung từ tháng 6 – 8 hàng năm, có thể kéo dài đến giữa tháng 11.

– Tuổi và kích thước thành thục: cá thát lát ngoài tự nhiên thành thục lúc cá được hơn một năm tuổi, cá đạt kích thước 18 – 20cm. Khi thành thục sinh dục và vào mùa sinh sản cá có đặc điểm:

+ Cá đực mình thon dài, gai sinh dục phần đầu nhọn. Tuyến sinh dục cá thát lát đực có dạng tuyến đơn, hình túi.

+ Cá cái khi thành thục bụng to, gai sinh dục phần đầu tù. Trứng cá thành thục có màu vàng, to tròn, đường kính từ 2,5 – 3,5mm.

– Sức sinh sản tương đối của cá cái từ 13.000 – 20.000 trứng/kg. Số lượng trứng trong buồng trứng vào mùa sinh sản dao động từ 700 – 1800 trứng tùy kích cỡ cá cái và trứng ở nhiều giai đoạn khác nhau. Cá đẻ nhiều lần trong năm.

– Trứng cá thuộc loại bám đáy được đẻ vào tổ và được cá đực bảo vệ, cá bố mẹ dùng đuôi đảo cho nước vận động tạo điều kiện cho việc trao đổi khí của trứng, giúp cho trứng phát triển.

Kỹ thuật sản xuất giống cá thát lát

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Ao nuôi vỗ

– Ao nuôi vỗ có kích thước từ 100 – 400m2.

– Bờ ao phải chắc chắn, không hang hốc hoặc rò rỉ.

– Đáy ao bằng phẳng, lớp bùn đáy 0,1 – 0,2m.

– Ao phải có điều kiện cấp và thoát nước chủ động.

– Nước ao có pH từ 7-8 ; oxy hòa tan lớn hơn 3mg/l.

Cải tạo ao nuôi

Trước khi thả cá một tuần, tiến hành cải tạo ao nuôi:

– Tát cạn nước, diệt bắt cá tạp.

– Sên vét lớp bùn đáy ao.

– Kiểm tra bờ ao, lấp mọi và các hang hốc quanh bờ ao.

– Bón vôi với liều lượng 7 – 8 kg/100m2

– Phơi nắng ao 2 – 3 ngày, sau đó tiến hành cho nước vào ao qua lưới lọc.

Chọn cá bỡ mẹ nuôi vỗ

– Ngoại hình: Cá không bị dị tật, dị hình, mạnh khỏe không bị xây xát.

– Khối lượng: 80g trở lên.

– Tuổi cá: Cá hơn một năm tuổi, kích thước 18 – 22cm.

– Cá bố mẹ trước khi thả vào ao phải được xử lý ngâm trong dung dịch nước muối 2 – 3% trong 15 – 30 phút. Cá được thả nuôi vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Mật độ nuôi vỗ

– Cá bố mẹ được thả nuôi với mật độ 0, 2 – 0,5 kg/m2 ao.

– Cá đực và cá cái nuôi chung với tỷ lệ từ 1:1 đến 3:1 (3 cá cái, 1 cá đực), hoặc nuôi vỗ riêng.

Thức ăn nuôi vỗ

Cá thát lát là loài ăn tạp, nghiêng về thức ăn động vật, nên có thể nuôi vỗ bằng các loại cá, tép vụn, ốc, cua… hoặc cho ăn bằng tấm, cám trộn với bột cá nhạt với tỷ lệ 50% bột cá + 50% tấm cám. Bổ sung thêm các loại vitamin bằng rau xanh hay viên vitamin trộn vào thức ăn.

Thức ăn tươi sống gồm:

Cá, tép vụn, cua ốc + chất kết dính + 2% Primix.

Thức ăn nhân tạo gồm:

50% bột cá + 50% cám + chất kết dính + 2% Primix.

Quản lý và chăm sóc

– Cách cho ăn:

Thức ăn được cho vào sàn ăn, đặt cố định ở 4 góc ao.

Cá được cho ăn 2 lần/ngày (vào lúc 7 giờ sáng và 17 giờ chiều). Mỗi ngày trước khi cho ăn, sàn ăn được kiểm tra để tăng hoặc giảm lượng thức ăn cung cấp.

– Chế độ cung cấp nước:

Thay nước theo chế độ thủy triều, 2 lần trong tháng vào các kỳ nước cường còn gọi là nước rong. Mỗi đợt thay nước 2 – 4 ngày, cần tháo xả bớt nước trong ao ra khi nước ròng, để nhận nước mới khi nước lớn.

– Thời gian nuôi vỗ và kiểm tra:

Bật đầu nuôi vỗ cá từ tháng 12 dương lịch hàng năm. Sau khi nuôi vỗ 2 tháng, tiến hành đánh bắt kiểm tra cá bố mẹ bằng giải phẫu tuyến sinh dục, quan sát đánh giá mức độ thành thục và chuẩn bị cho đẻ vào mùa mưa hàng năm.

Định kỳ kiểm tra, mỗi tháng đánh bắt kiểm tra 1 lần.

Kỹ thuật sinh sản

Chọn cá cho sinh sản

Do cá thát lát không thể vuốt thử tinh cũng như dùng que thăm trứng để xem, nên thường dựa vào biểu hiện hình thái bên ngoài để chọn cá cho đẻ.

Chọn cá đực to, khỏe, không xây xát, không dị hình, gai sinh dục dài, phần đầu nhọn điểm hồng.

Cá cái cơ thể mập mạp, bụng to nhô lên 2 bên hông cá, nếu dùng tay sờ vào bụng cá thì có cảm giác mềm đều, gai sinh dục lồi nhiều, phần đầu gai sinh đục to, có màu hồng đỏ.

Vào cuối mùa sinh sản (tháng 11) các biểu hiện bên ngoài khó phân biệt so với thời điểm đầu vụ.

Sau khi chọn cá đủ tiêu chuẩn cho đẻ, cá được đưa ngay vào bể nước sạch có đòng chảy nhẹ và được giữ khoảng 2 – 5 giờ trước khi tiêm kích dục tố cho đẻ.

Kích thích tố

Có thể sử dụng 3 loại kích thích tố sinh sản sau: HCG,  LH-RHa, não thùy cá chép, có thể sử dụng liều đơn hoặc hỗn hợp như sau:

– Đối với não thùy:

Liều sử dụng đơn: 5 – 10mg não thùy/kg cá cái.

Liều kết hợp: 5mg não thùy kết hợp 3.000 – 5.000UI HCG/kg cá cái.

– Đối với HCG:

Sử dụng liều từ 5.000 – 10.000 UI/kg cá cái.

– Đối với LH-RHa + Dom:

Sử dụng liều từ 100 – 150 µg LH-RHa + 5mg Dom/kg cá cái.

Phương pháp tiêm

– Cách tiêm:

Tiêm vào gốc vi ngực: Kim tiêm chệch với thân cá 45 – 60 độ, sâu 1cm.

Tiêm vào cơ lưng: Kim tiêm chệch với thân cá 20 – 25 độ, sâu 1,5cm.

– Số lần tiêm:

+ Đối với cá cái: được tiêm 02 lần.

Liều sơ bộ: với liều tiêm bằng 1/3 tổng số liều tiêm.

Liều quyết định: tiêm 2/3 liều còn lại.

+ Đối với cá đực: Tiêm 1 lần cùng thời gian với liều quyết định của cá cái.

– Liều tiêm cá đực bằng 1/2 tổng liều tiêm cá cái.

– Thời gian giữa liều sơ bộ và liều quyết định từ 12 – 24 giờ.

Các hình thức cho đẻ

Sinh sản tự nhiên trong ao nuôi vỗ

Khi tiến hành cải tạo ao để nuôi vỗ cá bố mẹ cần vét kỹ bùn đáy để cá làm tổ khi đẻ. Đặt giá thể quanh đáy ao (giá thể là cây cỏ khô), nơi gần bờ và định kỳ thăm tổ 5-7 ngày một lần, nhất là vào các ngày con nước ròng.

Tổ là một hố hình tròn, có đường kính từ 20 – 40 cm, gần bờ. Cá gom cây cỏ khô vào tổ làm vật để trứng bám.

Sau khi đẻ xong, cá đực sẽ giữ tổ để ngăn ngừa địch hại tấn công và bơi xung quanh tổ nhằm tạo sự chuyển động nước, tăng cường hàm lượng oxy trong nước để trứng phát triển tốt. Dựa vào đặc điểm này, vào mùa sinh sản, khi thấy gần bờ ao có cá lên đớp khí trời nhiều lần trong một vị trí nhất định và thỉnh thoảng có rượt đuổi cá lạ thì có khả năng có tổ cá đã đẻ để phát hiện nơi cá đẻ và thu lấy trứng đem ấp.

Đây là hình thức cho đẻ dễ thực hiện, ít tốn kém, nhưng số lượng tổ thu rải rác, không tập trung và không được số lượng nhiều các cá con đồng cỡ, chỉ thực hiện ở qui mô nhỏ tại các gia đình tự sản xuất giống để nuôi.

Sinh sản có kích thích sinh lý và sinh thái

Sau khi chọn cá bố mẹ và tiêm kích dục tố, thả từng cặp vào trong bể xi măng không có mái che. Diện tích bể khoảng 0,5 m2, mực nước sâu 0,6m, dưới đáy bể có đặt tổ, tổ được làm bằng rơm hoặc cỏ khô đan như bàn chải, mỗi cọng rơm cỏ nhô dài ra khoảng 0,3 – 0,5 cm, Tổ có diện tích 0,2 – 0,3 m2. Kích thích cá đẻ bằng cách cấp nước mới và làm mưa nhân tạo liên tục sau khi cho cá vào bể.

Sinh sản nhân tạo

Chọn cá bo mẹ cho lên vèo chứa trong bể xi măng, tiêm kích dục tố và kích thích nước liên tục.

Sau khi tiêm liều quyết định 20 – 24 giờ, vuốt thử thấy trứng rụng, tiến hành vuốt trứng cho thụ tinh nhân tạo.

Vuốt trứng vào thau sạch, sau đó mổ cá đực lấy tinh sào nghiền kỹ, rồi cho tinh dịch vào thau trứng khuấy đều để trứng thụ tinh; sau 2 – 3 phút cho nước muôi sinh lý vào với thể tích bằng 1/3 thể tích trứng; tiếp tục đảo đều đến khi trứng trương nước rồi mang trứng cho vào bể ấp.

Tinh của một cá đực có thể thụ tinh cho trứng của 6 cá cái có trọng lượng cá thể tương đương.

Sau khi cho đẻ, có thể nuôi vỗ tái phát dục cá thát lát trong ao đất, hay trong bể xi măng. Thời gian nuôi vỗ tái phát dục từ 6 – 7 tuần. Một cá cái có thể tham gia sinh sản 3 lần trong năm.

Ấp trứng

Có hai hình thức :

– Ấp trứng không khử dính: Trứng sau khi thụ tinh được rải lên mặt lưới của khung ấp đã chuẩn bị sẵn. Khung ấp làm bằng lưới mùng vải mịn, đóng trong một khung gỗ hình vuông có cạnh 30 – 50 cm, sau đó cho vào bể ấp, Bể ấp có dòng nước chảy liên tục đảm bảo ôxy để trứng phát triển tốt.

– Ấp trứng khử dính: Trứng sau khi thụ tinh được tiến hành khử dính trứng bằng dung dịch tanin nồng độ 20ppm. Thời gian, cho dung dịch tanin vào khử dính trứng là 1 – 2 phút, sau đó rửa trứng bằng nước sạch 2 – 3 lần trước khi cho vào bình ấp (Weis), khung lưới hoặc trong thau nước có sục khí để ấp.

Nguồn nước: Nước sử dụng phải được lắng lọc, pH nước = 7, ôxy hòa tan>3mg/l. Nếu sử dụng nguồn nước máy phải để lắng trong bồn chứa có sục khí nhằm làm bay hơi chất sát trùng clo.

Có 3 cách ấp khác nhau:

Ấp trong thau

Vật liệu: Dùng thau nhựa có thể tích 30 – 50 lít nước.

Mật độ ấp: 50 trứng/lít.

Cách ấp: Trứng sau khi thụ tinh được để vào các thau nhựa có sục khí liên tục, định kỳ 12 giờ thay nước một lần, mỗi lần thay 1/3 đến 2/3 nước trong thau.

Thường xuyên kiểm tra vớt trứng không thụ tinh, tránh trường hợp trứng không thụ tinh bị hư thối ảnh hưởng đến sự phát triển phôi.

Ấp trong khung lưới mịn

Vật liệu: Khung làm bằng gỗ hình chữ nhật, đã được ngâm rửa sạch, kích thước 30cm x 50cm x 5cm, được bao bằng lưới mùng vải mịn.

Mật độ ấp: 200 trứng/dm2.

Cách ấp: Trứng cá sau khi thụ tinh được rải đều lên mặt lưới (trứng khử dính hoặc không khử dính). Đặt các khung có trứng vào bể xi măng cho dòng nước nhẹ chảy liên tục. Định kỳ kiểm tra và vớt trứng hư ra.

Ấp trứng cá bằng bình ấp (bình weis)

Vật liệu: Bình ấp được làm bằng nhựa, thuỷ tinh hoặc tôn có cấu tạo để cho nước cấp đi từ dưới lên và thoát ra ở phía trên.

Mật độ ấp: 300 trứng/lít. Các giai đoạn phát triển của phôi cá thát látCác giai đoạn phát triển của phôi cá thát lát

Cách  ấp: Trứng sau khi thụ tinh và khử dính được cho vào bình ấp cá dòng nước chảy qua bình. Quan sát thấy trứng trong bình được dòng nước xáo trộn nhẹ không được vượt 1/2 chiều cao bình. Khi thấy cá bắt đẩu nò cho dòng nước chảy nhẹ, tỷ lệ sống sẽ cao hơn.

Sau khi ấp khoảng 6 – 7 ngày cá nở, thời gian ấp khoảng 140 – 160 giờ tùy nhiệt độ. ấp và thời tiết. Trong điều kiện nhiệt độ trung bình 29,5°c, các giai đoạn phát triển của phôi cá thát lát như sau:

Tùy phương pháp cho đẻ, hình thức ấp, chất lượng cá bố mẹ, thời tiết, tỷ lệ nở của cá thát lát dao động từ 47 – 99%. Kết quả ấp trứng bằng các phương pháp khác nhauKết quả ấp trứng bằng các phương pháp khác nhau

Cá mới nở có chiều dài từ 0,9 – 1 cm với khối noãn hoàng rất lớn do đó cá không bơi lội ngay, mà chỉ nằm cử động một chỗ, đến 24 giờ sau khi nở cá mới di chuyển, nhưng cũng thỉnh thoảng vận động mạnh chuyển chỗ nằm chứ không bơi lội trong nước được. Sau khi nở 3 – 4 ngày khối noãn hoàng nhỏ lạù lúc này có thể chuyển cá sang bể ương.

Kỹ thuật ương cá

Ương bể

Điều kiện bể ương:

– Bể ương có kích thước 1,5m x 2,5m x 0,5m, không bị rò rỉ thoát nước, bể không có mái che.

– Nguồn nước phải trong sạch, cấp đủ suốt thời gian ương. pH= 7-7,5.

Oxy hòa tan từ 3mg/l trở lên.

Chuẩn bị bể ương:

Trước khi cho nước vào bể ương, bể được dọn sạch và khử trùng bằng vôi với liều 0,01kg/bể, sau đó bể được phơi nắng 01 ngày, rửa sạch và cho nước vào ngập 0,4m.

Do tập tính sống ẩn nấp nên trong bể ương có thể đặt nhiều vật che tối cho cá trú ẩn ban ngày (như gạch ống, gạch tàu…).

Mật độ ương: 200con/m2.

Thức ăn

– Động vật tươi sống: gồm trùn chỉ và trứng nước (phiêu sinh động vật).

– Thức ăn nhân tạo:

  • Lòng đỏ trúng gà đã luộc chín.

Cho ăn 3 ngày đầu với liều lượng 1 trứng/vạn cá/ngày. Mỗi ngày cho ăn 3 lần vào thời gian: sáng 7 giờ, trưa 12 giờ và buổi chiều 17 giờ; lượng thức ăn buổi chiều bằng 2/3 của lượng thức ăn cả ngày.

  • Cám mịn + bột cá xay mịn:

Thức ăn trộn theo tỷ lệ 70% bột cá và 30% cám mịn. Khẩu phần cho ăn là 100g thức ăn/vạn cá/ngày, sau đó tăng dần hoặc giảm theo sự bắt mồi của cá. Mỗi ngày cho ăn 3 lần, lượng thức ăn buổi sáng là 1/5, trưa là 1/5 và chiều là 3/5 tổng lượng thức ăn cả ngày.

  • Quản lý và chăm sóc

– Cách cho ăn:

+ Thức ăn là động vật tươi sống:

  • 07 ngày đầu cho ăn trứng nước, mỗi lần cho ăn 100g/vạn cá/ngày
  • Từ ngày thứ 8 – 30 cho ăn trùn chỉ, thức ăn để trong đĩa đặt ở đáy bể và chỉ cung cấp khi quan sát thấy thức ăn trong đĩa đã hết.

+ Thức ăn nhân tạo:

  • Lòng đỏ trứng luộc chín, bóp nhuyễn hòa tan trong nước và rải đều trên mặt bể.
  • Thức ăn chế biến được nấu chín và bóp nhuyễn hòa tan trong nước. Khi cho ăn rãi đều lên mặt bể và khi cá được 8 ngày tuổi vò thành viên cho vào dĩa đặt ở đáy bể.

– Thay nước:

Trong quá trình ương, chỉ cấp nước thêm khi nước bị giảm do bốc hơi. Khi bể bị nhiễm bẩn, phải rút bớt nước trong bể còn lại 1/3 sau đó thêm nước mới vào tránh làm ảnh hưởng đến cá ương. Ương cá trong ao

  • Điều kiện ao ương

– Nguồn nước:

Ao ương phải có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, điều kiện cấp nước thuận lợi.

Nhiệt độ nước từ 26 – 30° C.

pH từ 7 – 8,5.

Hàm lượng oxy hòa tan từ 3mg/l trở lên,

Độ đục từ 20 – 30cm.

– Ao ương:

Ao hình chữ nhật, tỷ lệ chiều dài và rộng là 3:1 hoặc 4:1, có diện tích từ 100 – 400m2, độ sâu từ 0,8 – 1,2m.

Đáy ao phải bằng phẳng, lớp bùn đáy nhỏ hơn 0,1m, có độ dốc nghiêng về cống thoát.

Bờ ao phải chắc chắn, không có hang hốc để tránh thất thoát cá và dễ thu hoạch.

  • Chuẩn bị ao ương

Trước khi thả cá nuôi 1 tuần thì tiến hành cải tạo ao.

– Ao được tát cạn, vét bùn đáy, lấp hang mọi, bón vôi diệt tạp với liều lượng 7 – 10 kg vôi/100m2 ao; phơi nắng 2 – 3 ngày, dùng phân chuồng đã ủ bón lót gây nguồn thức ăn tự nhiên phù du sinh vật, liều lượng 20kg – 30kg/100m2. Phân chuồng bón đều với bùn đáy ao,sau 2 ngày cho nước vào sâu từ 0,8m – 1m, nếu thiếu nguồn phân chuồng có thể bón phân NPK bổ sung với liều lượng 2 – 4ppm/100m2.

– Đặt giá thể cho cá ẩn nấp bằng các chà. Chà được bó thành từng bó, đặt quanh ao để thuận lợi khi cho ăn và khi chăm sóc thu hoạch.

Mật độ ương ao: 150 – 200 con/m ao.

  • Thức ăn

– Thức ăn nhân tạo:

Lòng đỏ trứng gà đã luộc chín: Cho ăn 3 ngày đầu với liều lượng 1 trứng/vạn cá/ngày. Mỗi ngày cho ăn 3 lần: buổi sáng vào 7 giờ, buổi trưa vào 12 giờ và buổi chiều vào 17 giờ. Lượng thức ăn buổi chiều bằng 2/3 lượng thức ăn của cả ngày.

Cám mịn + bột cá xay mịn: Cho cá ăn theo tỷ lệ 70% bột cá và 30% cám mịn. Khẩu phần ăn 100g/vạn cá/ngày sau đó tăng dần hoặc giảm theo sự bắt mồi của cá. Mỗi ngày cho ăn 3 lần, sáng 1/5 và trưa 1/5 và chiều 3/5.

  • Quản lý và chăm sóc

– Cách cho ăn:

  • Lòng đỏ trứng luộc chín, bóp nhuyễn, hòa tan trong nước và rải đều quanh ao nơi đặt chà.
  • Thức ăn chế biến được nấu chín và bóp nhuyễn hòa tan trong nước. Khi cho ăn rãi quanh ao và khi cá được 8 ngày tuổi vò thành viên rải nơi đặt chà.

– Kiểm tra hoạt động của cá và ao nuôi:

Cá thường có đặc tính sống ẩn nấp thành từng nhóm nơi đặt chà. Sau khi ương 4 tuần tuổi cá bắt đầu ngoi lên mặt nước thờ khí trời.

Nếu quan sát thấy cá nổi trên mặt nước, vớt bỏ và tiến hành xử lý ao nuôi. Màu nước ao phải được theo dõi thường xuyên (màu đọt chuối là màu thích hợp cho ao nuôi), nếu ao ương bị nhiễm bẩn do tảo nở hoa phải tiến hành thay 1/3 nước mới. Khi bơm nước mới tránh làm xáo trộn ao nuôi.

Sau khi ương 30 ngày, cá đạt chiẻu dài thân 3 – 4 cm.

Tỷ lệ sống:

Tỷ lệ sống của cá Ương tùy thuộc vào chất lượng cá bột, và chất lượng thức ăn cung cấp. Tỷ lệ này đạt cao nhất trong điều kiện cho cá ăn thức ăn là động vật sống. Tỷ lệ sống của cá thát lát sau 30 ngày ươngTỷ lệ sống của cá thát lát sau 30 ngày ương

Thu hoạch và vận chuyển cá giống:

Trước khi thu hoạch để tránh hao hụt và đảm bảo sức khỏe cho cá phải thực hiện luyện cá trước khi đánh bắt 5 – 7 ngày vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Việc đánh bắt cá cần thực hiện nhẹ nhàng.

Cá sau khi đánh bắt phải được giữ trong bể hoặc giai, sau đó được tắm trong nước muối nồng độ 2 – 3% thời gian 15 – 20 phút.

Vận chuyển cá có thể bằng thùng xô có sục khí, hoặc túi nilon bơm ôxy.

Kỹ thuật nuôi cá thịt

Điều kiện ao, ruộng nuôi

– Ao gần nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, điều kiện cấp thoát nước thuận lợi.

– Chọn nơi có vùng đất không bị nhiễm phèn, thoáng mát, nhiều ánh sáng, gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ

Ao nuôi

Ao có hình chữ nhật, tỷ lệ chiều dài và chiều rộng là 2; 1 hoặc 3:1 để dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch.

Độ sâu từ 1,2 – 1,5m, đảm bảo lượng nước trong ao luôn ở mức 90 – 120 cm. Mỗi ao nên có cống cấp thoát nước riêng.

Ruộng nuôi

Ruộng nuôi thường có diện tích từ 0,5 – 2 ha, có bờ chắc chắn, không có hang hốc.

Ruộng có mương bao xung quanh, mương rộng 2 – 3m, sâu 0,8 – 1,2m, đáy phẳng dốc về phía cống thoát nước.

Mương nước cách bờ ruộng 0,5m để tránh sạt lở.

Ruộng nuôi có cống cấp, thoát nước riêng. Cống thoát nước có khẩu độ 0,3 – 0,5m nằm sát đáy mương.

Phía đầu cống thoát có lưới đáy bịt kín ở miệng cống, ngoài có đăng tre quấn trước cửa cống.

Chuẩn bị ao, ruộng nuôi

Tát cạn nước, bắt cá tạp, kiểm tra bờ, lấp mọi và các hang hốc quanh bờ ao và ruộng nuôi.

Ao mới đào bón vôi với liều lượng 10 – 15kg/100m2, sau đó phơi đáy ao 2 – 3 ngày rồi lấy nước qua lưới lọc vào ao; bón phân gây nguồn thức ăn tự nhiên; thả giống.

Ao đã qua một vụ nuôi phải bơm cạn nước ao, vét bớt bùn đáy chỉ giữ lại lớp bùn non từ 15 – 20cm, rồi bón vôi với liều lượng 7 – 10kg/100m2.

Chọn giống nuôi và thả giống

Chuẩn bị giống

Giống có kích cỡ đồng đều không bị xây xát. Giống khỏe mạnh thường tập trung thành nhóm, trốn trong giá thể, không bơi lội rời rạc.

Thả giống

Nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả phải ngâm túi chứa cá vào ao khoảng 15 – 20 phút, tránh gây sốc do nhiệt độ và môi trường nước ao thay đổi.

Mật độ thả từ 5-10 con/m2

Thức ăn

Thức ăn cho cá là các loại động vật tươi sống như: tôm tép, cá nhỏ băm nhỏ hoặc xay nhuyễn cộng với chất kết dính; có thể cho ăn bằng cám, tấm trộn bột cá lạt theo tỷ lệ 30% bột cá, 70% tấm cám.

Chăm sóc, quản lý

Nên cho cá ăn bằng sàn ăn để theo dõi điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Cho cá ăn 2 lần/ngày. Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm, nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần thức ăn và buổi chiều 2/3 khẩu phần thức ăn trong ngày.

Khẩu phần thức ăn bằng 5 – 10 % trọng lượng cá thả nuôi.

Hàng ngày theo dõi lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp, quan sát hoạt động của cá, định kỳ cấp nước mới cho ao nuôi…

Thu hoạch

Cá nuôi có đủ thức ăn, một năm có thể đạt trọng lượng từ 80 – 100g/con. Lúc này có thể thu hoạch bán cá thương phẩm.

ThS. Nguyễn Thành Trung, Trần Ngọc Nguyên & ctv.

Khoa Thuỷ sản, trường ĐHNL TP. Hồ Chí Minh

0