23/05/2018, 15:18

Phương pháp nuôi dưỡng cừu con

Khi cừu con vừa lọt lòng mẹ, việc chăm sóc đầu tiên dành cho nó là dùng khăn sạch “móc miếng” (lau sạch nhớt ở mũi và bên trong khoang miệng), kế đó cắt và khử trùng cuống rốn, sau đó đem con đến gần cừu mẹ để được liếm khô lông. Cừu con được đặt nằm vào nơi ấm áp (có lót rơm khô ...

Khi cừu con vừa lọt lòng mẹ, việc chăm sóc đầu tiên dành cho nó là dùng khăn sạch “móc miếng” (lau sạch nhớt ở mũi và bên trong khoang miệng), kế đó cắt và khử trùng cuống rốn, sau đó đem con đến gần cừu mẹ để được liếm khô lông.

Cừu con được đặt nằm vào nơi ấm áp (có lót rơm khô hay giẻ sạch) và kín gió. Trong trường hợp bên ngoài trời đang mưa bão hay gặp lúc thời tiết giá lạnh, nên chong bóng điện tròn để sưởi ấm, nhất là về đêm.

Cừu mới sinh thường rất yếu, chỉ nằm mẹp một nơi. Con nào khỏe mạnh thì cũng một hai giờ sau mới tự gượng đứng dậy được và tìm đến vú mẹ đòi bú. Những con sức yếu phải chờ đến cả buổi, thậm chí một hai ngày sau mới đứng thẳng người lên được.

Sau khi cừu con ra đời được vài ba giờ, ta nên ẵm từng con đến gần cừu mẹ để cho bú sữa đầu. Sữa đầu là loại sữa có ở cừu mẹ suốt trong ba bốn ngày sau khi sinh. Sữa đầu chứa nhiều chất kháng sinh lại bổ dưỡng nên cừu con bú có lợi nhiều cho sức khỏe của nó. Với những cừu sơ sinh nào còn khờ khạo chưa biết cách ngậm vú, ta nên chịu khó vắt sữa đầu rồi tập cho nó bú bình.

Tuần lễ đầu sau khi sinh, cừu con cần rất nhiều đến sự chăm sóc chu đáo của người nuôi, như cho nằm nơi sạch sẽ ấm áp, theo dõi việc bú mớm no đói ra sao, và quan tâm đặc biệt đến khâu sức khỏe…

Qua tuần tuổi thứ hai, cừu sơ sinh mới biết đi đứng vững vàng, và có thể biết chạy nhảy trửng giỡn.

Ba tuần tuổi, chúng đã biết bắt chước cừu mẹ nhấm nháp chút ít cỏ tươi, và tập uống nước cám. Tuy vậy, phải chờ đến tháng rưỡi tuổi trở đi, khi dạ cỏ đã phát triển đến độ gần như hoàn chỉnh thì cừu con mới biết ăn cỏ nhiều hơn. Nhưng, đây cũng chưa phải là giai đoạn cho cừu ăn thức ăn bcn ngoài, vì sữa mẹ vẫn còn là nguồn dinh dưỡng chính không thể thiếu được.

Giai đoạn cừu con có thể tự dưỡng được với nguồn thức ăn bên ngoài là lúc chúng được ba tháng tuổi. Đây là lúc có thể cho nó lẻ mẹ (cai sữa) và nuôi riêng. Để tránh cừu con khỏi bị mất sức, việc cai sữa nên tiến hành từ từ… Thay vì trước đây ngày bú 3 cữ, thì nay chỉ cho bú 2 cử, và vài ngày sau đó hạn chế lại còn một cữ. Rồi ngưng bú hẳn. Thời gian đầu cai sữa này, ta nên dành cho cừu con khẩu phần ăn bổ dưỡng gồm loại cỏ tươi ngon, và ăn thêm thức ăn tinh để giúp cừu tăng trọng nhanh.

cừu con

Trong trường hợp vừa sinh ra đã mồ côi mẹ (cừu mẹ chết) thì ta phải nuôi bộ, tức nuôi bằng sữa bò (tốt nhất là dùng sữa cừu, sữa dê). Thời gian đầu ta hòa chung sữa bò (hay sữa dê) với nước lã (4 phần sữa một phần nước) rồi đun sôi, để nguội và đổ vào bình sữa cho cừu sơ sinh bú. Nên cho bú bình mỗi ngày năm sáu bữa… Khi cừu được một tháng tuổi trở đi, có thể cho chúng bú sữa “sống” khỏi nấu như trước.

Nếu khéo tập, sau vài tuần cho bú bình, ta tập cho cừu con uống sữa trong thau để mình đỡ vất vả hơn. Bú bình có điều bất tiện là phải súc rửa bình và núm vú thật kỹ bằng nước sôi để diệt các loại vi khuẩn sau mỗi lần sử dụng.

Còn một cách nuôi khác là khi cừu sơ sinh mồ côi mẹ, mà trong dàn đang có cừu chuyển dạ, ta có thể nhờ cừu mẹ này nuôi hộ. Để cừu mẹ không phát giác được có cừu lạ trong các con của nó, khi cừu vừa đẻ con ra, ta trét chất nhầy từ cừu con mới sinh qua con cừu mồ côi, rồi đem lại gần cho cừu mẹ kiếm khô…Do cùng có chất mùi như nhau, nên cừu mẹ không tài nào phát giác ra được trong ổ con của nó có con lạ. Giả dụ cừu mẹ vẫn phát giác được con cừu mồ côi không phải là con của nó, thì ta dùng cách ép nó đứng yên cho con kia bú trong suốt một tuần. Sau đó, chúng sẽ sống chung với nhau một cách êm thắm…

0