23/05/2018, 15:17

Giống cừu hiện nuôi tại nước ta

Nước ta không có giống cừu, dù là cừu rừng. Giống cừu đã và đang nuôi tại nhiều tỉnh vùng Nam Trung bộ mà nhiều người lầm tưởng là giống cừu nội địa của ta, thật ra đó là những giống cừu được lai tạo từ nhiều giống của châu Á, châu Âu trong hơn một thế kỷ vừa qua. Những giống cừu châu Á được du ...

Nước ta không có giống cừu, dù là cừu rừng. Giống cừu đã và đang nuôi tại nhiều tỉnh vùng Nam Trung bộ mà nhiều người lầm tưởng là giống cừu nội địa của ta, thật ra đó là những giống cừu được lai tạo từ nhiều giống của châu Á, châu Âu trong hơn một thế kỷ vừa qua.

Những giống cừu châu Á được du nhập vào nước ta trước tiên, đa số là cừu của Trung Quốc, do hợp phong thổ nên dễ nuôi, sinh sản tốt, nhưng, chúng đều có nhược điểm là nhỏ con, nuôi không mấy lợi. Còn những giống cừu của châu Âu do người Pháp và người Ấn Độ nhập về nuôi tuy lớn con, nhưng đa số giống lại không hợp với phong thổ nước ta nên sinh ra lắm thứ tật bệnh, nuôi cũng không lợi.

Được biết, cách nay hơn trăm năm, cừu châu Á nuôi tại nước ta có vài ba giống sau đây:

Giống cừu CHAN TOUNG, còn được gọi là giống cừu Hồng Kông. Thật ra giống cừu này không phải có nguồn gốc tại Hồng Kông, mà xuất xứ của chúng ở tỉnh Chan Toung, nằm ở vùng đông bắc nước Trung Hoa. Từ đây cừu được chuyên chở sang Hồng Kông, sau đó từ Hồng Kông sang nước ta bằng đường biển.

Cừu Chan Toung có vóc dáng lương đối cao to, cừu đực có thể cân nặng 45kg và cao khoảng 65 cm, đa số sắc lông màu trắng, đầu và cổ dài, mũi gồ, đùi nở nang nhiều thịt. Chỉ tiếc một điều là giống này không mấy hợp với phong thổ của ta nên khó nuôi.

Giống cừu YUNAM, được nuôi nhiều ở các vùng Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc, cũng được du nhập vào nước ta cùng thời với cừu Chan Toung. Cừu Yunam có nhiều sắc lông, có con đen tuyền, có con lông trắng nhưng cũng có con lông vá đen trắng hoặc vàng, nâu.nuoi cuu o ninh thuan

Cừu Yunam đầu to, mũi gồ, thân cao khoảng 60cm nhưng mình mỏng, đùi nhỏ nên thể trạng của cừu đực chỉ khoảng trên dưới 30kg, còn cừu cái khoảng 25kg. Đã thế thịt cừu Yanam lại không ngon vì ít mỡ. Dù giống cừu này hợp với phong thổ của ta, nhưng nuôi không cho lợi nhiều nên đa số nông dân ta thời trước không chọn nuôi.

Giống cừu Kélantan, xuất xứ tại tỉnh Kélanian của bán đảo Malacca thuộc Malaysia, do một số chủ đồn điền người Pháp nhập vào nuôi tại nước ta khoảng năm 1906 để thử nghiệm vì họ thấy những giống Chan Toung, Yunam nuôi không thành công.

Cừu Kélantan là giống nhỏ con như cừu Yunam, có sắc lông màu vàng hoặc trắng, đẩu nhỏ, cổ ngắn, thân thấp, đùi ngắn và nhỏ nên ít thịt. Người mình thời đó đặt cho chúng cái tên là “cừu cỏ” vì trông thân chúng nhỏ như con dê cỏ nội địa của ta. Tuy vậy, đây là giống cừu nuôi rất thành công tại nước ta, vì chúng hợp thủy thổ nên ít tật bệnh, lại không kén ăn và sinh sản tốt.

Đã thế, so với hai giống cừu Chan Toung và Yunam thì cừu Kélantan tuy ít thịt nhưng thịt lại thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, do đó mới được nhiều người chọn nuôi.

Đến năm 1927, nhiều chủ đồn điền người Pháp lại đem vào nuôi lại nước ta nhiều giống cừu của châu Âu rất to con, con đực nặng đến 60 – 70kg, trông rất đẹp mã như các giống Berrichon de 1’Indre, giống Dishley Mérinos, giống Caussinard, giống Mérinos d’Arles, Bizet…

Có điều các giống cừu lớn con này lại không hợp với thủy thổ của nước ta nên càng nuôi lâu càng sinh ra lắm thứ tật bệnh, sinh sản kém và chết dần…

Ở lại vùng xuất xứ của chúng, các giống cừu này nuôi tãng trọng nhanh, ít tật bệnh, lại sinh sản tốt. Ngay bộ lông của chúng, hàng năm cũng đem lại cho chủ nuôi một nguồn lợi đáng kể. Thế nhưng, khi nhập về nuôi tại nước ta, mọi kết quá gần như trái ngược. Chẳng hạn như giống cừu Dishley Mérinos đem nuôi thử nghiệm tại Sở Thú y ở An Khê vào năm 1927, hễ cừu con sinh ra nếu không bị chết yểu thì nuôi vài tháng cũng bị bại liệt hai chân sau, và ít có con nào sống được 6 tháng tuổi! Chứng bại liệt này cũng có ở cừu trưởng thành.

Giống cừu lai: Từ đó các nhà chăn nuôi của ta mới nghĩ đến việc cho lai tạo giữa giống cừu châu Âu cao to, nặng cân, với giống cừu đang nuôi thành công là giống Kélantan để tạo ra giống cừu lai có thể trọng tương đối lớn lại dễ nuôi vì hợp với phong thổ. Việc làm này bảy, tám mươi năm về trước coi như là việc vô cùng mới mẻ đối với đa số nông dân mình, nhưng may mắn công việc lai tạo đã đem lại thành công tốt đẹp.

Trong việc lai tạo này, người ta dùng cừu đực là giống của châu Âu cao to, nặng khoảng 70kg, cho phối giống với cừu cái Kélantan (nhỏ khoảng 30kg), để có đàn con lai nặng trên dưới 50kg. Đã thế giống cừu lai này lại mang đặc tính tốt của mẹ là dễ nuôi, hợp thủy thổ…

Theo những tài liệu thời này cho thấy thì giống cừu lai F1 (50 phần trăm máu cha và 50 phần trăm máu mẹ) rất dễ nuôi, sinh sản tốt, còn các đời F2, F3, do mang máu cừu cha nhiều nên khó nuôi hơn.

Những thập niên về sau, ta còn nhập nuôi nhiều giống cừu của các nước khác, trong đó có giống cừu Tadla của Marốc. Cừu Tadla cũng cho nhiều thịt, lại dễ nuôi, nên nhiều người cũng cho lai tạo với giống Kélantan để tạo ra những dòng cừu lai tốt.

Giống cừu Phan Rang: giống cừu hiện được nuôi nhiều ở các tỉnh thuộc miền Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận và rải rác ở một số địa phương khác được coi là giống cừu lai duy nhất còn lại tại nước ta, và được đặt tên là giống cừu Phan Rang.

Cừu Phan Rang có thể trọng trung bình, con đực nặng khoảng 45kg, con cái nặng khoảng 40kg. Giống này thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu nang nóng gần như quanh năm ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Cừu Phan Rang dễ nuôi, sinh sản khoảng hai năm ba lứa, nuôi con giỏi và ít tật bệnh.

Được biết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận đang có kế hoạch nhập một số cừu giống của úc, cho lai với giống địa phương để có giống mới mang nhiều đặc tính tốt hơn.

0