Nuôi dưỡng cừu mang thai
Sau khi cho cừu cái phối giống, ta nên có một cuốn sổ riêng để ghi chép ngày tháng và tên cừu đực giống. Việc làm này đưa đến hai điều lợi: một là nếu cừu đậu thai, ta sẽ dễ dàng tính được ngày tháng cừu sinh con để kịp thời chăm lo nuôi dưỡng đúng mức cho cừu mẹ cũng như chuẩn bị việc đỡ đẻ cho ...
Sau khi cho cừu cái phối giống, ta nên có một cuốn sổ riêng để ghi chép ngày tháng và tên cừu đực giống. Việc làm này đưa đến hai điều lợi: một là nếu cừu đậu thai, ta sẽ dễ dàng tính được ngày tháng cừu sinh con để kịp thời chăm lo nuôi dưỡng đúng mức cho cừu mẹ cũng như chuẩn bị việc đỡ đẻ cho nó. Điều lợi thứ hai là có ghi tên cừu đực mới nắm rõ lý lịch của lứa con, tránh việc trùng huyết sau này…
Cừu cái mang thai khoảng 150 ngày. Nhiều trường hớp đẻ sớm hơn vài ba ngày cũng là chuyện bình thường.
Nếu phối giống mà không đậu thai thì đến chu kỳ tiếp theo cừu cái đó sẽ có hiện tượng động dục trở lại. Trong trường hợp phối vài ba lần mà không thành công, ta nên cố tìm hiểu cho được nguyên nhân từ đâu, từ cừu đực hay cừu cái để liệu cách xử lý. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y chuyên ngành.
Nuôi cừu mang thai ta cần phải chú trọng nhiều hơn về khẩu phần ăn và khâu chăm sóc, có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe của cừu mẹ và bào thai trong bụng nó.
Khẩu phần ăn dành cho cừu mang thai
Thời gian mang thai của cừu là 5 tháng. Hai tháng đầu, việc nuôi dưỡng có thể chưa cần chú tâm nhiều. Có điều, cừu mang thai nhu cầu ăn uống nhiều hơn trước, nên chủ nuôi cần cung cấp thức ăn cho nó đầy đủ hơn. Do ăn nhiều nên cừu mẹ mau tăng trọng.
Từ tháng thứ ba trở đi, mỗi ngày cừu mẹ cần một lượng thức ăn nhiều hơn. Vì vậy, ta nên cung cấp khẩu phần đặc biệt để nuôi cừu mẹ và bào thai trong bụng nó.
Do thân xác nhỏ nên mỗi ngày cừu mẹ cần một lượng thức ăn không nhiều; khoảng ba bốn kí lô cỏ, lá và vài ba nắm cám hỗn hợp là đủ. Lưu ý khẩu phần ăn dành cho cừu mẹ phải gồm đủ chất đạm, chất bột đường, chất béo, chất khoáng và vitamine.
Chất đạm có nhiều trong cỏ tươi, nhất là cây họ đậu. Chất bột đường có nhiều trong cám gạo, bột bắp, lúa, đậu… Chất béo có trong bánh dầu phụng, đậu nành… Chất khoáng có trong muối ăn, bội xương, bột sò. Nói chung, những chất này đã có đủ trong cám hỗn hợp dành nuôi gia súc.
Điều cần là nên theo dõi thường xuyên mức độ tăng trọng của cừu mang thai. Nếu gần tới ngày sinh con mà cừu mang thai trông “trơn lông mướt da” thì đó là điều đáng mừng. Ngược lại, gần đến tháng sinh mà thân xác nó vẫn gầy còm ốm yếu thì nên kịp thời bồi bổ thêm. Cách bồi bổ tốt nhất là hàng ngày nên cho ăn nhiều cỏ tươi, cỏ hòa thảo hay cây họ đậu càng tốt. Ngoài ra, cần thêm thức ăn tinh vào khẩu phần ăn để giúp cừu mau mập mạnh.
Cách chăm sóc cừu mang thai
Biết chăm sóc cừu mang thai chu đáo cũng là cách bảo vệ sức khỏe cho cừu mẹ và bào thai trong bụng nó.
Mang thai ba tháng đầu, bụng cừu còn gọn gàng nên có thể thả đi ăn xa chung với bầy đàn được. Nó có thể chạy nhảy cũng không hại gì. Nhưng, từ tháng thứ tư trở về sau, do bào thai trong bụng càng ngày càng phát triển nhanh nên nây bụng cứ lớn dần thêm, khiến cừu đi đứng chậm chạp, không theo kịp bầy đàn nữa. Khoảng thời gian gần sinh này, nên cho cừu mang thai đi ăn gần chuồng, hoặc tốt nhất là nuôi nhốt tại chuồng.
Nếu lùa đi ăn gần chuồng, ta cung nên để cừu đi đứng chậm rãi, không nên nạt nộ, đừng nói chi là rượt đuổi đánh đập! Mặt khác, đừng để cừu chửa đến gần vùng có nhiều mương rãnh và hầm hố sâu, đề phòng cừu trượt ngã ảnh hưởng xấu đến bào thai. Điều quan trọng là ngăn cản không cho cừu đực đến gần các cừu mang thai, tránh trường hợp chúng húc nhau nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con…
Tốt nhất, trong tháng gần sinh con, ta nên nuôi nhốt cừu mẹ tại chuồng (mỗi con một ngăn riêng) để tiện chăm sóc. Mỗi ngày, cừu mang thai được cho ăn tại máng ba bữa với khẩu phần ăn đặc biệt. Mỗi sáng, cho cừu mẹ ra sân phơi nắng vận động vài ba giờ để giãn nở gân cốt, có lợi cho việc sinh đẻ sau này. Cừu mang thai mà thiếu vận động, thường gặp cảnh đẻ khó, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con.
Càng đến gần ngày sinh, bụng cừu càng to ra, do bào thai bên trong đã phát triển đến mức tối đa khiến cừu mẹ đi đứng chậm chạp, xoay trở khó khăn. Ta nên hạn chế tối đa mọi sự di chuyển của nó. Vì sự trượt ngã trong những ngày này rất nguy hiểm…