23/05/2018, 15:40

Loài hoa Đỗ quyên: Rhododendron sp

Đỗ quyên là loài cây cho hoa nổi tiếng ở trong nước và ngoài nước. Thế giới có khoảng trên 800 loài Đỗ quyên với phần lớn số loài là cây thường xanh, số ít là cây rụng lá hoặc nửa rụng lá. Với số loài lớn như vậy nên hình thái của nó cũng rất khác nhau, từ loài cây bụi rất nhỏ đến cây nhỡ và cây ...

Đỗ quyên là loài cây cho hoa nổi tiếng ở trong nước và ngoài nước. Thế giới có khoảng trên 800 loài Đỗ quyên với phần lớn số loài là cây thường xanh, số ít là cây rụng lá hoặc nửa rụng lá. Với số loài lớn như vậy nên hình thái của nó cũng rất khác nhau, từ loài cây bụi rất nhỏ đến cây nhỡ và cây lớn, có loài cao tới 20 – 25 m. Trung Quốc là nước có số lượng loài Đỗ quyên phân bố nhiều nhất, khoảng 450 loài.

Hoa Đỗ quyên đẹp, nhiều màu sắc, có loài cho hoa đỏ, hoa tím phớt, hoa trắng, hoa vàng v.v…. Hoa nở vào mùa xuân, mùa hạ, mùa hoa dài, có thể kéo dài tới nửa năm. Do hoa có màu sắc tươi đẹp, nước ngoài đã chú ý chọn giống và lai giống, nuôi dưỡng nhiều chủng có hoa rất to và sặc sỡ.

hoa do quyen

Ở Việt Nam, chưa có thống kê nào nhưng theo dự kiến của chúng tôi thì cũng có thể có tới vài chục loài Đỗ quyên sinh sống. Đỗ quyên mọc tự nhiên ở vùng núi các tỉnh phía Bắc như Ba Vì, Tam Đảo, Sa Pa và dãy Trường Sơn. Tuy vậy số loài Đỗ quyên đã được ở ta chưa nhiều, khoảng 4 – 5 loài.

Theo Bằng Quốc Tương (Trung Quốc), Đỗ quyên có thể quy nạp vào 5 dạng sống dưới đây:

Loại cây bụi ở núi cao

Cây Đỗ quyên thấp, lá nhỏ, thường chỉ cao 10 – 70 cm. Khí hậu ở đây ẩm nhưng lạnh, gió to, có tuyết phủ thời gian dài, mùa sinh trưởng ngắn. Ở độ cao 3300 – 4400 m. Ở đây Đỗ quyên thường mọc thuần loài như Rhododendron serpeng.

Loại cây bụi ẩm núi cao

Cây Đỗ quyên cao 1 – 3 m, mọc thành đám nơi đất lầy nước đọng, có thể xem là thực vật ưa ẩm.

Loại cây bụi hạn sinh

Thường thấy ở độ cao 1500 – 2500 m, đất đai khô hạn, chất hữu cơ ít.

Loại cây bụi là chủ yếu (và số ít cây cao) mưa mùa trên núi

Thường ở trong rừng lá rộng thường xanh, mưa mùa á nhiệt đới, khí hậu ẩm và ấm áp. Đỗ quyên phân bố ở ta chủ yếu ở dạng này.

Loại cây bụi phụ sinh

Ở trong rừng đài tiên (rêu) lá rộng thường xanh, Đỗ quyên ở dạng cây bụi phụ sinh.

Tóm lại có rất nhiều loài Đỗ quyên khác nhau, đại bộ phận mọc ở núi cao, thích khí hậu lạnh và ẩm, thường là cây chịu bóng. Mùa hè ở ta nóng, ẩm, không phù hợp với sinh thái Đỗ quyên; trừ những loài đã được thuần hoá và trồng rộng rãi như Đỗ quyên hoa đỏ, hoa tím, hoa trắng v.v… còn các loài khác lấy ở rừng tự nhiên về đều rất khó sống, không qua khỏi mùa hè oi nóng ở đồng bằng. Cần phải dưa dần từng bước từ cao xuống thấp dần (thuần hoá bậc thang) thì may ra mới có thể thành công (xem ảnh trang 4 phụ bản).

Những năm gần đây bằng nhiều con đường ta nhập vào một số loài Đỗ quyên của Trung Quốc khiến chủng loại của chúng ta thêm phong phú, màu sắc cũng biến hoá đa dạng hơn.

Đỗ quyên ưa đất có nhiều mùn, đất tơi xốp, hơi chua, độ pH 5,0 – 6,5, không sống được nơi đất kiềm. Nơi đất thịt nặng, dính, khó thoát nước đều không thích hợp với Đỗ quyên.

Đỗ quyên có thể nhân giống bằng cách chiết, cắm hom, nuôi cấy mô và gieo hạt. Tuy vậy Đỗ quyên trồng ở ta chưa rõ vì lí do gì mà rất ít khi thấy kết hạt. Phương pháp nhân giống chủ yếu hiện nay là chiết, giâm hom. Có hai loại chiết là chiết mặt đất và chiết trên cao.

Chiết mặt đất là chọn những cành bánh tẻ, thấp sát mặt đất, ghim sát đất (không bóc vò) rồi đắp đất lên, đợi cành chiết ra rễ thì cắt ra ngôi. Làm theo cách này tỷ lệ ra rễ không cao, thời gian ra rễ dài. Người ta đã thay đổi chút ít là dùng dao cắt vát vào cành chiết, rồi ghim chỗ bị cắt sát mặt đất, đắp đất lên, sau 3-4 tháng cành chiết ra rễ. Có thể tiến hành vào tháng 6 – 7, tháng 10 – 11 ra ngôi.

Chiết trên cao thường dùng cho những cành ở cao, trước khi chiết cần bóc vỏ, sau đó dùng đất trộn mùn, rễ bèo, bó thành bầu nơi định chiết. Khi bó bầu cần để khe hở cho nước mưa (hoặc nước tưới) có thể ngấm vào để tăng độ ẩm, giúp nhanh ra rễ.

Giâm hom: Đỗ quyên có thể giâm hom dễ dàng thành công, tuy vậy nếu có xử lý hoá chất thì rễ ra nhanh hơn, tỷ lệ ra rễ gần đạt 100%. Các hoá chất thường dùng là NAA, IBA, ABT. Cần chọn hom bánh tẻ, cắm hom trong cát, giữ ẩm, che bóng, sau 2-3 tháng thì hom ra rễ; có thể giâm hom vào vụ đông xuân. Khâu quan trọng là chăm sóc, cần tưới nhẹ, giữ ẩm thường xuyên; khi trời nắng cần tưới nước cả ra xung quanh luống để giữ ẩm và hạ nhiệt độ. Mặt luống cần làm khung ni-lông chụp vào để giữ ẩm, bên trên làm dàn che nắng. Giâm hom có hệ số nhân giống cao hơn chiết. Ngoài ra, nơi có điều kiện thiết bị có thể nuôi cấy mô để nhân giống các loài Đỗ quvên.

Ngoài tác dụng làm cành, Đỗ quyên còn có các tác dụng khác như:

Lấy tinh dầu: có nhiều loài cho tinh dầu như R. thymifolium; do chủng loại khác nhau mà có hàm lượng tinh dầu từ 0,7 – 3%. Ở ta tại Tam Đảo cũng có loại Đỗ quyên có hoa thơm.

Hoa một số loài có thể làm thực phẩm.

Vỏ và lá có thể cất ta nanh.

Gỗ những loại cây lớn có thể dùng làm đổ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng bền chắc.

Có thể làm thuốc cầm máu, chữa cảm, chữa ho và viêm phế quản mãn tính. Tài liệu Trung Quốc cho thấy Đỗ quyên có tới 10 bài thuốc chữa các bệnh khác nhau.

Tác dụng giữ đất, giữ nước. Cây có bộ rễ phát triển, ở trên núi cao thường mọc thành rừng cây bụi dày dặc, có tác dụng giữ đất chống xói mòn.

0