23/05/2018, 15:39

Đặc điểm sinh học cây đu đủ

Cây đu đủ là một trong những loại cây ăn trái nhiệt đới được ưa chuộng, mau cho trái (trồng một năm là có thể hái trái), có khả năng trồng dày (2.000 — 4.000 cây/ha) và cho 20 kg trái/cây/năm. Đu đủ là loại cây góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế vườn và kinh tế gia đình hiện nay ở Đồng ...

Cây đu đủ là một trong những loại cây ăn trái nhiệt đới được ưa chuộng, mau cho trái (trồng một năm là có thể hái trái), có khả năng trồng dày (2.000 — 4.000 cây/ha) và cho 20 kg trái/cây/năm. Đu đủ là loại cây góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế vườn và kinh tế gia đình hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long nhờ khả năng trồng xen dể tận dụng đất trong những năm vườn, cây ăn trái lâu năm còn tơ.

Trái đu đủ chứa nhiều dinh dưỡng, trong 100 g thịt trái chín: chứa nhiều nước (86,6%), bột (12,1%), protein (0,6%), và có khá nhiều chất khoáng như: Kali (204 mg), Ca (34 mg), p (11 mg). Đặc biệt, trái đu đủ cung cấp lượng vitamine phong phú: vitamin A (450 mg), C (74 mg), B1 (0,03), PP (0,5 mg), B2 (0,04 mg)… Ngoài ra, trái đu đủ tươi còn được dùng như một loại rau nấu ăn hàng ngày. Một số nơi còn trồng đu đu để lấy nhựa cây “Papain” là một loại enzym có khả năng phân giải protein nhanh, ứng dụng trong kỹ nghệ chế biến thực phẩm, dược phẩm…

Thế giới hiện sản xuất khoảng hai triệu tấn trái đu đủ hàng năm.

Thân, rễ

Đu đủ thuộc loại thân mềm, bán mộc, thân già có màu xám xanh, nâu xám hay nâu đỏ. Thân mang nhiều sẹo lá, sẹo phát hoa và dễ bị bọng ruột. Độ bọng ruột càng lớn khi cây càng già, do đó dù thân có đường kính khá lớn (đôi khi đường kính đạt 15-20 cm) nhưng khá dòn và mọng nước nên dễ bị gió mạnh làm gãy cây.

Hầu hết rễ đu đủ mọc ra là rễ bàng, đâm nhánh ngang mạnh khi gặp điều kiện thuận lợi, nhưng mọc xuống sâu kém, rễ mềm và rất sợ đọng hoặc úng nước. Cần tạo lớp đất mặt tơi xốp, dễ thoát nước, giàu dinh dưỡng để giúp rễ phát triển tốt.

Lá đu đủ là lá đơn, mọc thành chùm ở ngọn thân và xoắn theo trôn ốc. Lá lớn có cuống dài, phiến rộng 30 – 60 cm, mỏng, mềm, chia 7-11 tùy và đôi khi các thùy này chia ra làm nhiều thùy nhỏ. Gân lá nổi rõ ở mặt dưới.

Trung bình sau 3-5 ngày cây sẽ mọc một lá từ ngọn thân.

Lá đu đủ dễ bị gãy, rách. Cần chú ý bảo vệ bộ lá vì số lá tỷ lệ thuận với số phát hoa mọc ra ở nách lá, khả năng đậu trái, độ lớn trái và năng suất thu hoạch.

Hoa

Hoa mọc ở nách lá. Đu đủ có 3 loại hoa: Hoa đực, hoa cái và hoa lưỡng tính. Mức độ hữu tính của hoa trên cây rất đa dạng và dễ bị ảnh hưởng do thời tiết.

Do đặc điểm mang hoa, thông thường có ba loại cây đu đủ:

Đu đủ đực: Cây chỉ mang toàn hoa đực trên phát hoa. Phát hoa có cuống dài và phân nhánh. Hoa đực không cuống, nhỏ, đường kính 0,4 – 0,5 cm, dài 4-5 cm, không bầu noãn, có 10 nhị đực với hai túi phấn trên mỗi nhị (nhụy cái không phát triển nên không cho trái, sẽ rụng sau khi nở). Trong sản xuất lớn nên chừa trong vườn một số cây đực để cung cấp phấn hoa, giúp táng sự đậu trái cho các cây còn lại trong vườn.

Đu đủ cái: Hầu như cây chỉ mang toàn hoa cái. Hoa cái mọc riêng hoặc từng chùm có 2 – 4 hoa. Hoa dài có bầu noãn lớn 2-3 cm, nuốm nhụy cái lớn, không nhị đực. Hoa cái ít có khả năng tạo trái, chỉ cho một vài trái trên cây do bầu noãn tự phát triển (dạng quả trinh sinh), nhưng các trái này thường nhỏ và không có hột. Cây sẽ cho nhiều trái hơn khi hoa cái được nhận phấn từ cây khác bay tới.

Đu đủ lưỡng tính: Mang hoa lưỡng tính và hoa đực

Các hoa đực ở đây cũng giống như cây đu đủ đực nhưng có cuống ngắn và mọc xen kẽ với hoa lưỡng tính trên cùng phát hoa. Hoa lưỡng tính có nhị đực với bao phấn vàng và noãn hoạt động. Vòi nhụy cái của hoa cao hơn nhị đực và sẵn sàng nhận phấn, cùng lúc bầu noãn hoạt dộng tốt cũng giúp hoa đậu trái cao. Trong sản xuất nên chọn các cây đu đủ loại này để dạt năng suất và sản lượng trái cao vì hoa lưỡng tính vừa có khả năng thụ phấn chéo vừa tự thụ phấn.

Thông thường, hoa lưỡng tính thụ phấn cho dạng trái dài, dày cơm, hột nhiều, ngon ngọt, năng suất cao. Người ta thường chọn hột trên các trái này để làm giống.

Trái, hột

Dạng trái đu đủ thường tùy vào loại hoa đã thụ tinh:

Hình trứng hay hình cầu: Do hoa cái phát triển, mỏng cơm, bọng ruột, trái lớn và tròn.

Hình thon dài: Do hoa lưỡng tính tạo thành, dày cơm, nhiều hột và ngon ngọt. Loại trái này thường dài 20 – 40 cm, đường kính 5-15 cm, trọng lượng 0,5 – 4,0 kg.

Trong sản xuất hiện nay, do đu đủ trồng từ hột, chưa tạo giống thuần nên độ đồng đều của trái trên vườn chưa cao.

Trái đu đủ mang trung bình 300 – 500 hột. Trái đu đủ đủ độ già thường có khoảng 60 – 70% hột sẽ mọc thành cây. Hột già có màu xám hoặc đen và thường chìm trong nước. Bên ngoài hạt có lớp vỏ lụa mỏng, cản thấm nước nên cần chà bóc vỏ trước khi gieo. Hột có chứa dầu. Trọng lượng 1.000 hột khô nặng khoảng 20 g.

Nhu cầu sinh thái của cây đu đủ

Khí hậu

Cây đu đủ cần nhiệt độ ấm áp khoảng 25°C với lượng mưa 100 mm/tháng. Cây cần trồng nơi đủ ánh sáng để đậu trái và cho trái có phẩm chất ngon. Nhiệt độ và ẩm độ không khí quá cao hoặc quá thấp đều làm giảm khả năng đậu trái của đu đủ.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, vào các tháng quá khô (2 – 4dl) thường thiếu nước, hay vào mùa mưa (6 – 10 dl) thiếu ánh nắng, mưa nhiều (250 – 300 mm/tháng) gây úng rễ đều làm đu đủ sinh trưởng kém, ít đậu trái và giảm năng suất.

Đất đai

Cây đu đủ không chịu phèn, rễ mọc cạn và chịu úng kém, do đó cần chọn đất không phèn (pH = 5,5 – 6,5), tơi xốp, dễ thoát nước (giữ nước trong mương sâu 50 – 60 cm, cách mặt líp). Đất tốt, chứa nhiều dinh dưỡng ở lớp mặt.

0