Tìm hiểu về cái đẹp của chậu cảnh
Chậu cảnh cũng là loại hình nghệ thuật tạo hình. Mỗi một dáng cây, thế núi đều thể hiện ý đồ tác giả, không những nghệ nhân phải tìm hiểu cái đẹp của chậu cảnh để làm cơ sở cho sáng tạo mà người thưởng thức cũng phải hiểu những điếu tối thiểu về cái đẹp đó thì mới thưởng thức thấu đáo. Cũng như xem ...
Chậu cảnh cũng là loại hình nghệ thuật tạo hình. Mỗi một dáng cây, thế núi đều thể hiện ý đồ tác giả, không những nghệ nhân phải tìm hiểu cái đẹp của chậu cảnh để làm cơ sở cho sáng tạo mà người thưởng thức cũng phải hiểu những điếu tối thiểu về cái đẹp đó thì mới thưởng thức thấu đáo. Cũng như xem tranh, nghe nhạc, đọc thơ phải có trình độ tối thiểu mới hiểu hết cái hay, cái đẹp của nó.
Vậy cái đẹp là gì? có tồn tại khách quan không hay là do con người quy ước với nhau mà sinh ra như mốt thời trang vậy?
Cái đẹp tồn tại khách quan
Về mặt triết học mà nói “đẹp” và “xấu” tồn tại khách quan, là 2 mặt của một vấn đề. Từ xa xưa Khổng Tử đã coi cái đẹp là sự thống nhất giữa những phẩm chất đạo đức và truyền thống, văn hóa. Chú nghĩa Mác cho rằng cái đẹp là sản phẩm của lao động hay nói cách khác lao động sáng tạo ra cái đẹp.
Cái đẹp tồn tại khách quan, nhưng việc nhận thức cái đẹp lại thông qua chủ quan của từng con người cụ thể, thậm chí ngay trong một con người cũng tùy theo trạng thái tình cảm khác nhau mà nhận thức cái đẹp khác nhau. Vì vậy có người lầm tưởng cái đẹp là do ý niệm con người.
Hình thái của cái đẹp
Người ta thấy có 3 hình thái tổng quát thể hiện cái đẹp là:
+ Cái đẹp tự nhiên: là cái đẹp khách quan của vật tự nhiên hoặc cảnh quan tự nhiên trong thiên nhiên. Vịnh Hạ Long là cảnh quan đẹp nổi tiếng được đưa vào di sản văn hoá thế giới.
Để mỏ tả cảnh đẹp tự nhiên, Nguyễn Du đã có những câu thư nổi tiếng trong trường thi nổi tiếng Truyện Kiều:
Long lanh đấy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
hoặc:
Gương nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
+ Cái đẹp xã hội: Là cái đẹp hiện thực trong sự vật xã hội và đời sống xã hội, là cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người trong tình bè bạn, tình thầy trò, tình mẫu tử và tình người v.v… Như trên đã nói, trong chậu cảnh người ta dùng hình tượng tùng, trúc, mai để ngợi ca tình bạn trong mùa đông giá lạnh (đông hàn tam hữu).
+ Cái đẹp nghệ thuật: Là cái đẹp sáng tạo của nghệ thuật gia; cái đẹp nghệ thuật là sản vật phản ánh khách quan đời sống xã hội thông qua bộ não của người sáng tác, vì thế nó có tính khách quan và cũng có tính chủ quan. Cái đẹp hiện thực có tính phân tán còn cái đẹp nghệ thuật có tính tập trung và vĩnh cửu.
Một tác phẩm chậu cảnh gọi là đẹp phải vừa có cái đẹp tự nhiên, vừa có ý cảnh lại vừa phản ánh kĩ sảo điêu luyện đạt được cái đẹp nghệ thuật.
Nội dung và hình thức cái đẹp
Là một cặp phạm trù trong triết học. Trên bình diện tổng thể thì nội dung quy định hình thức, bởi vì nội dung là sự tổng hoà các yếu tố nội tại cấu thành sự vật. Như người làm thơ không phải câu chữ, nghệ thuật của ngôn từ bầu nên nhà thơ mà trước hết là tâm hồn người viết và chất liệu của đời sống (Chu Giang, bàn về nội dung và hình thức. Báo nhân dân ngày 15/10/1994). Nội dung và hình thức cái đẹp là sự thống nhất biện chứng. Song cái đẹp hình thức có đặc tính thẩm mỹ tương đối độc lập. Cấu thành cái đẹp hình thức có thuộc tính vật chất của nó. Đó là màu sắc, hình thức, âm thanh. Mĩ học phương Tây đã sớm chỉ ra cái đẹp hình thức là sự hài hoà về tỷ lệ. Ở sự vật cụ thể có cái nội dung đẹp, hình thức cũng đẹp, có cái nội dung đẹp mà hình thức chưa chắc đã đẹp, thậm chí ngoại hình lại thô thiển. Chúng ta cần sự thống nhất giữa cái đẹp nội dung và cái đẹp hình thức ,trong nghệ thuật chậu cảnh. Ở chậu cảnh đẹp phải thể hiện được cả cái đẹp tự nhiên, cái đẹp ý cảnh và cái đẹp nghệ thuật. Thông thường làm chậu cảnh cây xanh thì dễ hơn làm chậu cảnh non bộ (giả sơn). Vì chậu cảnh cây xanh nếu chưa có ý cảnh sâu sắc thì nó vẫn là vật sống, vẫn còn thể hiện được cái tự nhiên của nó; Còn chậu cảnh non bộ nếu không đạt được ý cảnh thì chỉ là hòn đá mà thôi.
Trên ý tưởng nào hay nói văn vẻ hơn là trên nguyên lý nào để người làm chậu cảnh (bồn cảnh) thể hiện cái đẹp?
Đặng Thái Hoàng khi bàn đến cái đẹp đã trích đoạn viết của nhà vật lý Cao Chi như sau: “Nếu như thiên nhiên là hiện thân của cái đẹp, mà nguyên lý đối xứng cùng quy luật phá vỡ đối xứng, lại là định luật phát triển của thiên nhiên, thì đối xứng phải là nguyên lý của cái đẹp, còn quy luật phá vỡ đối xứng sẽ giúp chúng ta biểu hiện cái đẹp”. (Đặng Thái Hoàn: Giáo sư Tạ Quang Bửu và cái đẹp, Báo Nhân dân chủ nhật ngày 6/3/1994). Có lẽ đó cũng là kim chỉ nam của người lam nghệ thuật chậu cảnh. Người ta uốn cây, tạo dáng chính là làm cho nó bất đối xứng nhẹ, đạt được sự ưu mĩ mà không thô kệch. Trong tạo hình nghệ thuật chậu cảnh phải có cương có nhu, có hư có thực, cần đạt được trình độ cương nhu tương tế, hư thực tương sinh. Điều này chúng ta sẽ còn nhắc tới ở các bài viết sau.