Mai tứ quý (Mai đỏ) và Mai chiếu thủy
Mai tứ quý: Ochna atropurpurea Họ Lão mai: Ochnaceae Mai tứ quý là cây gỗ nhỏ, cao 1-5m, phân nhánh ít, tán thưa, lá hình bầu dục, màu xanh bóng, mép lá có răng cưa, cụm hoa ít, hoa màu vàng, nhỏ cánh. Khi cánh hoa màu vàng rụng đi còn lại 5 cánh đài màu xanh, cứng, sau chuyển sang màu đỏ. Mai ...
Mai tứ quý: Ochna atropurpurea
Họ Lão mai: Ochnaceae
Mai tứ quý là cây gỗ nhỏ, cao 1-5m, phân nhánh ít, tán thưa, lá hình bầu dục, màu xanh bóng, mép lá có răng cưa, cụm hoa ít, hoa màu vàng, nhỏ cánh. Khi cánh hoa màu vàng rụng đi còn lại 5 cánh đài màu xanh, cứng, sau chuyển sang màu đỏ. Mai tứ quý (Mai đỏ) rất được ưa chuộng vì nó có hoa quanh năm, trên cây có màu vàng và màu đỏ, lâu tàn.
Cây có quả gần như quanh năm. Nhân giống bằng hạt dễ dàng, dễ nảy mầm, cây con mọc khoẻ; cần trồng nơi đất tơi xốp và đủ ánh sáng.
Vì cây mọc khoẻ, thân xù xì tạo thành gốc cây già cỗi nên người ta thường dùng cây Mai tứ quý làm gốc ghép để ghép các loại Mai vàng nhiều cánh, nhiều màu lên đó, cây lại ít bị sâu bệnh hại.
Ở miền Bắc đã trồng Mai tứ quý, thấy sinh trưởng tốt, cây mọc khỏe, có hoa gần như quanh năm.
Mai Chiếu Thuỷ (Mai chấm thuỷ): Wrightia religiosa
Họ Trúc Đào: Apocynaceae
Mai chiếu thuỷ là cây gỗ lâu năm, thân gốc xù xì, cành nhánh nhỏ dễ uốn, lá nhỏ, chịu cắt tỉa, rất phù hợp với trong chậu. Cụm hoa dạng xim thưa, hoa nhỏ, có cuống dài buông xuống, hoa thơm màu trắng, rất được ưa chuộng.
Cây nguyên sản ở các nước Đông Nam Á. Các tỉnh phía Nam nước ta đã dùng Mai chiếu thuỷ làm cây cảnh lâu đời, tạo ra nhiều dáng, thế khác nhau.
Cây có sức sinh trưởng mạnh, chịu cắt tỉa, dễ trồng, dễ sống, ít sâu bệnh hại cây vừa chịu hạn lại vừa chịu nước. Nhân giống bằng hạt, chiết hoặc giâm hom. Người ta phân ra Mai chiếu thuỷ lá to và Mai chiếu thuỷ lá nhỏ. Cây lá nhỏ thì đẹp và giá trị hơn cây lá to. Cây sống lâu năm, càng già dáng càng đẹp.
Để tăng giá trị và sớm tạo cây có gốc đẹp, người ta đã đem ghép Mai chiếu thủy lên gốc Thừng mực. Thừng mực mọc nhanh, dễ kiếm, ghép rất dễ sống. Việc ghép Mai chiếu thủy lên gốc Thừng mực đã đưa lại giá trị kinh tế cho nhiều nhà vườn ở miền Nam nước ta.