23/05/2018, 15:57

Lâm sản ngoài gỗ là gì?

Tre – trúc – song – mây nói chung là loại lâm sản quan trọng thứ 2 sau gỗ hiện có ở trong rừng tự nhiên, nhất là rừng tự nhiên nhiệt đới. Đồng thời là một trong những nhóm Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) quan trọng nhất trong các loại LSNG. Giai đoạn trước năm 1961 sản phẩm chính của rừng được khai ...

Tre – trúc – song – mây nói chung là loại lâm sản quan trọng thứ 2 sau gỗ hiện có ở trong rừng tự nhiên, nhất là rừng tự nhiên nhiệt đới. Đồng thời là một trong những nhóm Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) quan trọng nhất trong các loại LSNG.

Giai đoạn trước năm 1961 sản phẩm chính của rừng được khai thác sử dụng chủ yếu là gỗ, các loại lâm sản khác như: tre, trúc, song, mây, dầu nhựa khai thác từ cây gỗ, cây dược liệu… còn ít được quan tâm quản lý nên gọi là lâm sản phụ (Minor forest product). Sau năm 1961, một số loài lâm sản phụ có giá trị đặc biệt trong sử dụng và thương mại như: hồi, quế, thảo quả, nấm hương… thì gọi là đặc sản rừng (Special forest product). Vài thập kỷ gần đây do vai trò và chức năng cung cấp gỗ của rừng tự nhiên ngày càng hạn chế, vai trò và chức năng phòng hộ môi trường của rừng ngày càng được thể hiện rõ hơn và được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Muốn phát triển rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng thì lâm sản phụ hay đặc sản rừng lại có vai trò hết sức quan trọng. Chính vì lẽ đó, một thuật ngữ mới được đề xuất và sử dụng là Lâm sản ngoài gỗ (LSNG), thuật ngữ sử dụng trong tiếng Anh là: Non – wood forest products (NWFPs) hay Non – timber forest products (NTFPs). Tuỳ theo quan niệm trong từng trường hợp cụ thể mà người ta sử dụng từ “Wood” hay “Timber”. “Wood” là để chỉ chung cho các loài thực vật thân gỗ không kể kích thước lớn hay nhỏ, còn “Timber” là để chỉ các loài thực vật thân gỗ có kích thước lớn nhằm cung cấp gỗ xây dựng, gỗ xẻ… không bao gồm gỗ củi, gỗ nhỏ làm bột giấy và ván dăm. Với thuật ngữ thì như vậy, nhưng với khái niệm về LSNG cũng có nhiều quan điểm khác nhau:

Lâm sản ngoài gỗ

Theo Wickens (1991) thì “LSNG bao gồm tất cả các sản phẩm sinh vật (trừ gỗ tròn công nghiệp, gỗ làm dăm và bột giấy) có thể lẩy ra từ hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng trồng được dùng trong gia đình, mua bán hoặc có ỷ nghĩa tôn giảo, văn hoá hoặc xã hội. Việc sử dụng hệ sinh thái cho giải trí, bảo tồn thiên nhiên, quản lý vùng đệm… thuộc lĩnh vực dịch vụ của rừng” (Dẫn theo Đặng Đình Bôi và cộng sự, 2002).

Hội nghị các chuyên gia LSNG của các nước vùng châu Á – Thái Bình Dương họp tại Bangkok – Thái Lan từ ngày 5 – 8 tháng 11 năm 1991 đã thông qua định nghĩa LSNG như sau: “Lâm sản ngoài gỗ (Non – wood forest products) bao gồm tất cả các sản phẩm cụ thể, có thể tái tạo, ngoài gỗ, củi và than. Lâm sản ngoài gỗ được khai thác từ rừng, đất rừng hoặc từ các cây thân gỗ. Vĩ vậy, các sản phẩm như cát, đá, nước, du lịch sinh thái không phải là LSNG”.

Năm 1992, Tổ chức Nông – Lương quốc tế (FAO) đã đưa ra khái niệm: “LSNG được xác định là tất cả các sản phẩm không phải là gỗ phục vụ thương mại, công nghiệp và sinh kế, được cung cấp từ rừng và sinh khối của rừng, chúng được khai thác ổn định, nghĩa là được khai thác từ một hệ sinh thái rừng với khối lượng không ảnh hưởng tới chức năng tái sản xuất cơ bản của rừng”.

Theo J. H. De Beer (1993) thì “Lâm sản ngoài gỗ (NWFP) bao gồm các nguyên liệu có nguồn gốc sinh vật, không phải là gỗ, được khai thác từ rừng để phục vụ con người. Chúng bao gồm thực phẩm, thuốc, gia vị, tinh dầu, nhựa, nhựa mủ, ta nanh, thuốc nhuộm, , động vật hoang dã (còn sống hay các sản phẩm của chúng), củi và các nguyên liệu thô như tre nứa, mây, song, gỗ nhỏ và sợi”.

Năm 1995, FAO lại đưa ra một khái niệm tổng quát hơn: “LSNG bao gồm tất cả những sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật cũng như các dịch vụ được cung cấp từ rừng và đất rừng, không kể gỗ và các dạng gỗ”.

Tại Hội thảo chuyên gia LSNG được tổ chức tại Tanzania (Châu Phi) cũng đã thống nhất đề xuất khái niệm LSNG như sau: “Tất cả các sản phẩm động vật, thực vật (ngoài gỗ) được cung cấp từ rừng, đất rừng và các cây ở ngoài rừng; không kể gỗ tròn công nghiệp, gỗ dùng làm năng lượng, sản phẩm từ vườn và chăn nuôi”.

Năm 1999, FAO đề xuất định nghĩa: “Lâm sản ngoài gỗ (NWFP) bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc sinh vật khác gỗ, được khai thác từ rừng, đất rừng và từ cây gỗ ở ngoài rừng”.

Theo CIFOR (Center for International Forestry Research) thì: “Lâm sản ngoài gỗ (NTFPs) là bất kỳ các sản phẩm và dịch vụ khác ngoài gỗ được sản xuất ở trong các khu rừng, chúng bao gồm các loại trái cây và hạt, rau, cá và các trò chơi, cây thuốc, dầu, nhựa và một loạt các loại vỏ cây, dây sợi như tre, mây, song, tuế, cỏ”.

Ở Việt Nam chưa thấy có một khái niệm nào về LSNG, mà chỉ nói đến giá trị của một số loại LSNG ảnh hưởng tới từng mặt của xã hội như: Đỗ Tất Lọi (1991) cho rằng xuất xứ của dược liệu hầu hết là các sản phẩm của rừng; Lê Mộng Chân (1992) cho rằng nhiều loài cây rừng cho các sản phẩm tự nhiên ngoài gỗ, đó là cây đặc sản; Trần Hợp (2000) thì đưa ra 6 nhóm cây làm cảnh phục vụ cho đời sống tinh thần của con người…

Trong quá trình thực hiện Dự án LSNG pha II tại Việt Nam do Chính phủ Hà Lan tài trợ từ năm 2002 – 2007 thì nhóm chuyên gia Việt Nam thống nhất định nghĩa của FAO năm 1999, nhưng giải thích thêm rằng “Những lợi ích gián tiếp từ rừng mang lại như củi, than gỗ và những dịch vụ trong rừng như săn bắn, giải trí, du lịch sinh thái, hấp thụ khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học, cải tạo đất, không xếp vào LSNG mà gọi là dịch vụ môi trường”. Theo quan điểm này thì củi và than gỗ không phải là gỗ và cũng không phải là LSNG mà là dịch vụ môi trường. Theo quan điểm của nhóm tác giả viết loạt bài tiếp theo thì trong rừng chỉ có 2 nhóm sản phẩm chính là gỗ và ngoài gỗ, còn dịch vụ môi trường phải bao hàm cả hai nhóm trên mới tạo ra cảnh quan môi trường để làm dịch vụ. Tuy nhiên, các khái niệm trên có thể thay đổi phụ thuộc vào từng điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của mỗi quốc gia. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào quan điểm sử dụng và phát triển tài nguyên cũng như nhu cầu khác nhau trong các thời điểm khác nhau. Mặc dù các khái niệm trên đã phác thảo ra được bức tranh chung về LSNG, nhưng cách diễn đạt và nội dung cũng còn có những điểm khác nhau. Để hoà nhập với sự phát triển chung của các nước trong khu vực cũng như của thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng có thể xem xét và sử dụng các khái niệm LSNG của Hội nghị chuyên gia tại Thái Lan năm 1991 hoặc của FAO năm 1999.

0