23/05/2018, 15:57

Kỹ thuật trồng hoa cúc

Giới thiệu chung về cây hoa cúc Cây hoa cúc có tên khoa học là (C hrysanthemum sp.), là một trong các loại hoa được trồng phổ biến ở trên thế giới và Việt Nam. Hoa cúc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Đây là một loại hoa đã được nhập nội vào Việt Nam từ lâu đời và khi ...

Giới thiệu chung về cây hoa cúc

Cây hoa cúc có tên khoa học là (Chrysanthemum sp.), là một trong các loại hoa được trồng phổ biến ở trên thế giới và Việt Nam. Hoa cúc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Đây là một loại hoa đã được nhập nội vào Việt Nam từ lâu đời và khi nói đến hoa người Việt Nam không thể không nói đến hoa cúc, một trong bốn cây tượng trưng cho bốn mùa “ Tứ quý”.

Trong hệ thống phân loại thực vật, cây hoa cúc được xếp vào lớp 2 lá mầm (Dicotyledonec), phân lớp Cúc (Asterydae), bộ Cúc (Asterales), họ Cúc (Asteraceae), chi (Chrysanthemum). Theo điều tra hiện nay chi Chrysanthemum ở Việt Nam có 5 loài và trên thế giới có tới 200 loài. Các giống loài thuộc chi này chủ yếu sử dụng để làm hoa và làm cảnh. Hiện nay cúc có rất nhiều giống việc phân loại chưa thống nhất, nhưng trong sản xuất đại trà dựa vào số lượng hoa trên cành để phân loại:

Cúc đơn: Là cúc chỉ để 1 hoa chính trên cây, hoa thường to như CN93, CN97, CN98 …

Cúc chùm: Là cúc để nhiều hoa trên cây, hoa thường nhỏ như cúc chi trắng, chi vàng. hoa cúchoa cúc

Đặc điểm thực vật học hoa cúc

Rễ

Rễ cây hoa cúc thuộc loại rễ chùm, rễ cây ít ăn sâu mà phát triển theo chiều ngang. Khối lượng bộ rễ lớn do sinh nhiều rễ phụ và lông hút, nên khả năng hút nước và dinh dưỡng mạnh.

Những rễ này không phát sinh từ mầm rễ của hạt, mà từ những rễ mọc ở mấu của thân cây còn gọi là mắt, ở những phần sát trên mặt đất.

Thân

Cây hoa cúc thuộc loại thân thảo. Thân có thể đứng hay bò, khả năng phân nhánh mạnh, có nhiều đốt giòn, dễ gẫy, càng lớn càng cứng. Những giống nhập nội thân thường to mập và thẳng, còn những giống cúc cổ truyền thân nhỏ, mảnh và cong. Cây cao hay thấp, đốt dài hay ngắn, sự phân cành mạnh hay yếu tuỳ thuộc vào từng giống. Nhìn chung cây ở điều kiện Việt Nam có thể cao từ 30 – 80 cm. Ở điều kiện ngày dài cây cúc có thể cao đến 1,5 – 2 m.

Lá cúc xẻ thuỳ có răng cưa to, sâu, thường là lá đơn mọc so le nhau mặt dưới lá bao phủ một lớp lông tơ, mặt trên nhẵn, gân hình mạng lưới. Từ mỗi nách lá thường phát sinh một mầm nhánh. Phiến lá có thể to hay nhỏ, dày hoặc mỏng, màu sắc xanh đậm, xanh vàng hay xanh nhạt còn phụ thuộc vào từng giống.

Hoa

Hoã lưỡng tính hoặc đơn tính cỏ nhiều màu sắc khác nhau (trắng, vàng, đỏ, tím, xanh). Đường kính hoa từ 1,5 – 12 cm. Hoa kép nhiều hơn hoa đơn và thường mọc nhiều hoa trên một cành phát sinh từ các nách lá. Hoa cúc chính là gồm nhiều hoa nhỏ hợp lại trên một cuống hoa, hình thành hoa tự đầu trạng mà mỗi cánh thực chất là một bông hoa. Tràng hoa dính vào bầu như hình cái ống, trên ống đó phát sinh cánh hoa, những cánh nằm ở phía ngoài thường có màu sắc đậm hơn xếp thành nhiều tầng, sít chặt hay lỏng tuỳ theo từng giống. Cánh có nhiều hình dáng khác nhau cong hoặc thẳng, có loại cánh ngắn đều, có loại dài, cuốn ra ngoài hay cuốn vào trong.

Hoa có 4 – 5 nhị đực, dính vào nhau bao xung quanh vòi nhụy. Vòi nhụy mảnh, hình chỉ chẻ đôi. Khi phấn nhị đực chín, bao phấn nở tung phấn ra ngoài, nhưng lúc này nhụy còn non chưa có khả năng tiếp nhận hạt phấn, cho nên hoa cúc tuy lưỡng tính mà thường biệt giao, nghĩa là không thể thụ phấn trên cùng hoa. Vì vậy muốn lấy hạt giống phải thụ phấn nhân tạo.

Quả

Quả là loại quả bế khô chỉ chứa 1 hạt, hạt có phôi thẳng và không có nội nhũ.

Yêu cầu ngoại cảnh

Nhiệt độ

Cây hoa cúc có nguồn gốc ôn đới nên ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là từ 20 – 22°C, cúc có thể chịu ở nhiệt độ từ 10 – 35°C, nhưng nhiệt độ trên 35°C và dưới 10°C sẽ làm cho cúc sinh trưởng phát triển kém. Ở thời kỳ cây con cúc yêu cầu nhiệt độ cao hơn. Đặc biệt trong thời kỳ ra hoa, đảm bảo cho cúc nhiệt độ cần thiết thì hoa sẽ to và đẹp. Ban ngày cây cần nhiệt độ cao hơn để quang hợp, còn ban đêm nếu nhiệt độ cao sẽ thúc đẩy quá trình hô hấp làm tiêu hao chất dự trữ trong cây.

Ánh sáng

Cúc là loại cây ngày ngắn, ưa sáng. Thời kỳ đầu các mầm non mới ra rễ cây cần ít ánh sáng, có khi không cần, bởi vì cây còn sử dụng các chất dinh dưỡng dự trữ. Sau khi tiêu hao hết các chất dinh dưỡng cây chuyển sang giai đoạn tự dưỡng, đặc biệt là vào thời kỳ chuẩn bị phân cành cây cần nhiều ánh sáng để quang hợp tạo nên chất hữu cơ cần thiết cho hoạt động sống của cây, nhưng ánh sáng quá mạnh cũng làm cho cúc chậm lớn.

Ngoài ra đối với cúc thời gian chiếu sáng rất quan trọng hay nói một cách khác ngày đêm dài hay ngắn có tác dụng khác nhau đối với cây hoa cúc. Trong giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, hầu hết các giống cúc cần ánh sáng ngày dài trên 13 giờ, còn trong thời gian trỗ hoa cây chỉ cần ánh sáng ngày ngắn từ 10 – 11 giờ và nhiệt độ không khí thấp trên dưới 20°C. Thời gian chiếu sáng dài, cây cúc sinh trưởng mạnh, cây cao, hoa to, đẹp. Bởi vậy cúc rất thích hợp với thời tiết thu đông. Hiện nay một số giống cúc mới nhập nội có thể ra hoa trong điều kiện ngày dài mà điển hình là CN 93, CN 98, CN01, tím hè… rất thích hợp với vụ hè, do đó có thể sản xuất cúc quanh năm, thay vì trước đây chỉ có hoa cúc vào mùa đông.

Ẩm độ

Độ ẩm đất từ 60 – 70% và độ ẩm không khí 60 – 65% là rất thuận lợi cho cúc sinh trưởng. Nếu độ ẩm trên 80%.cây sinh trưởng mạnh nhưng lá dễ bị mắc một số bệnh nấm. Đặc biệt vào thời kỳ thu hoạch hoa cúc cần thời tiết trong xanh và khô ráo, nếu độ ẩm không khí quá cao sẽ làm cho hoa bị thối do nước đọng lại trong các tuyến mật của hoa và cây chửa nhiều nước dễ bị đổ non, lá giập nát, việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn.

Đất đai

Do cây hoa cúc có bộ rễ ăn nông nên yêu cầu đất cao thoát nước, tai xốp và nhiều mùn. Trồng cúc ở những vùng đất nặng, úng thấp cây sinh trưởng kém, hoa nhỏ.

0