23/05/2018, 15:57

Kỹ thuật trồng mai xanh – Dendrocalamus latiflorus

Mai xanh có tên khác là Điềm trúc, Bát độ, Tre tầu, Trúc đen lá to, Ma trúc, Mai lạng sơn, Mai bằng mạc, Mạy mươi (Tày, Nùng); tên đồng nghĩa là Bambusa latifora (Munro) Kurz., (1873); Sinocalamus latiforus (Munro) McClure., (1940). Tên thương phẩm: Taiwan giant bamboo, Ma bamboo, Big Jute ...

Mai xanh có tên khác là Điềm trúc, Bát độ, Tre tầu, Trúc đen lá to, Ma trúc, Mai lạng sơn, Mai bằng mạc, Mạy mươi (Tày, Nùng); tên đồng nghĩa là Bambusa latifora (Munro) Kurz., (1873); Sinocalamus latiforus (Munro) McClure., (1940).

Tên thương phẩm: Taiwan giant bamboo, Ma bamboo, Big Jute bamboo (Anh).

Sản phẩm: lấy măng làm thực phẩm, kết hợp lẩy thân làm vật liệu xây dựng.

Đặc điểm hình thái Mai xanh

Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh tròn đều và thẳng, mọc cụm, cao từ 14 – 25m, đường kính từ 8 – 20cm, ngọn rủ dài hay cong hình cung; lóng dài từ 20 – 60cm, lúc non phủ phấn trắng không lông, vòng đốt hơi vồng, các vòng đốt ở gần gốc thường có vòng rễ khí sinh bao quanh, các đốt phía trên cao dưới vòng mo có một vòng lông nhung màu nâu; vách thân dày từ 1 – 3 cm.

Phân cành từ giữa thân cây trở lên đến ngọn; mỗi đốt mang nhiều cành, nhưng thường chỉ có một cành chính. Mo thân rụng sớm, chất da dày, hình lưỡi xẻng tròn rộng, mặt lưng phủ lông gai nhỏ, nhưng dễ rụng nên thành không lông, phần miệng bẹ ở đỉnh rất hẹp (khoảng 3cm); tai mo nhỏ, dài 5mm, rộng 1mm, lưỡi mo chỉ cao 1 – 3mm, mép xẻ răng nhỏ; lá mo lật ra ngoài, hình trứng đến lưỡi mác, dài 6 – 15cm, rộng 3 – 5cm, mặt bụng phủ lông gai nhỏ màu nâu nhạt.

Lá 7 – 13, bẹ lá dài 19cm, lúc non phủ lông gai màu nâu vàng, sau trở nên không lông, tai lá không, lưỡi lá nổi lên, cao  1 – 2mm, cắt ngang, mép xẻ răng nhỏ; phiến lá hình lưỡi mác dạng elip dài, chiều dài từ 15 – 40cm, chiều rộng từ 2,5 – 7,5 cm, gốc tròn, đầu nhọn dần mà thành mũi nhọn nhỏ, mặt trên không lông, mặt dưới gân giữa nổi rõ, mép lá có răng cưa nhỏ, lúc non trên gân cấp hai còn có lông nhung, gân cấp hai có từ 7 – 15 đôi, gân ngang nhỏ cũng rõ; cuống lá không lông dài 5 – 8mm.

Cành hoa cỡ lớn, không lá hay phía trên có lá, lóng của nhánh cứng chắc, phủ dày lông mềm nhỏ màu nâu vàng, trên mỗi đốt đính từ 1 – 7 hoặc nhiều lông nhỏ, ở dạng nửa mọc vòng. Bông nhỏ hình trứng, rất dẹt, dài từ 1,2 – 1,5cm, rộng từ 7 – 13mm, lúc chín màu tím đỏ hay tím tối, đỉnh tù, chứa 6 – 8 hoa; hoa ở đỉnh thường khá to, lúc chín hoa có thể mở rộng; mày ngoài màu lục vàng, nửa trên của mép màu tím, dài 12 – 13mm, rộng 7 – 16mm, có nhiều gân; mày trong hình lưỡi mác dạng tròn dài, dài từ 7 – 11 mm, rộng từ 3 – 4mm, phần nửa trên màu tím nhạt, 2 hay 3 gân giữa các gờ, bầu hình cầu dẹt hay hình trứng rộng, phần nửa trên mọc rải rác lông nhỏ màu trắng, phần nửa dưới không lông, có cuống bầu, rãnh bụng, dài khoảng 7mm, vòi phủ lông nhỏ màu trắng, đầu nhụy 1 không có ranh giới rõ rệt với vòi, đôi khi đầu nhụy 2. Quả dạng trứng dĩnh hình bầu dục, dài từ 8 – 12mm, rộng từ 4 – 6mm, vỏ quả mỏng màu nâu nhạt.

Phân bố và một số đặc điểm sinh thái

Phân bố hoặc nguồn gốc

Hiện nay ở Việt Nam chưa tìm thấy Mai xanh có phân bố trong tự nhiên, giống đã gây trồng cũng chưa xác định được nguồn gốc rõ ràng, nhưng các nhà khoa học đều khẳng định rằng chúng đã được trồng từ rất lâu đời ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang và Tuyên Quang. Vì thế, có thể nói Mai xanh là loài cây bản địa của Việt Nam. Ngoài ra, một số giống tre đã được nhập vào trồng ở nước ta trong những năm trước đây với các tên gọi khác nhau như: tre Tàu nhập vào miền Nam nước ta từ cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Điềm trúc và Bát độ cũng nhập từ Trung Quốc và Đài Loan vào trồng ở các tỉnh miền Bắc nước ta từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Sau một thời gian gây trồng, nghiên cứu và phân loại, các nhà phân loại thực vật đã xác định các giống tre nói trên đều cùng một loài với Mai xanh ở nước ta và có tên khoa học là Dendrocalamus latiflorus Munro. Đến nay loài cây này đã được gây trồng rộng khắp ở nhiều địa phương của nước ta nhằm mục đích lấy măng làm thực phẩm là chủ yếu.

Nguồn gốc tự nhiên của Mai xanh ở các nước trên thế giới hiện nay cũng chưa xác định được rõ ràng, nhưng nó đã được gây trồng từ rât lâu đời với diện tích khá lớn ở các nước như Myanmar, Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản. Riêng Đài loan hiện có khoảng 90.000ha loài cây này với tên gọi là tre Bát độ. Ngoài ra, giống tre Bát độ từ Đài Loan cũng đã được nhập vào Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và Philippin khoảng đầu thập kỷ 70, vào Indonesia khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước và hiện nay được gây trồng khá phổ biến ở các nước này.

Một số đặc điểm sinh thái

Mai xanh thích hợp nhất ở những vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ bình quân hàng năm khoảng từ 24 – 26°C, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500mm trở lên. Cây sinh trưởng và phát triển tốt trên các loại đất thấp, ẩm nhưng thoát nước tốt, tầng đất dầy và màu mỡ, thành phần cơ giới từ trung bình đến nhẹ, môi ừường đất từ chuâ đến hơi kiềm (độ pHkci từ 4,5 – 7,0); địa hỉnh đất thoai thoải với độ dốc từ 5 – 15 độ và độ cao dưới 500m so với mực nước biển; thích hợp nhất là ven sông suối, quanh chân núi đất hoặc núi đá. Tuy nhiên, ở phíâ Bắc của Đài Loan đã thấy Mai xanh phân bố tự nhiên và gây trồng được ở vùng khí hậu á nhiệt đới, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biên và có thê chịu được nhiệt độ âm 4°c. Ở Việt Nam, Mai xanh hay Điềm trúc được gây trồng khá phổ biến từ đồng bằng đến miền núi, từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long,trên nhiều dạng địa hình khác nhau, từ nơi đất bằng phẳng đến đất đồi núi dốc, sườn núi, khe suối, đất ven sông, đất vườn, quanh nhà, bờ ao… từ đất thịt nặng đến đất cát phà hay đất đỏ.

Kỹ thuật chọn tạo giống

Giống Mai xanh hiện nay có 3 phương pháp nhân giống vô tính chủ yếu, gồm: tạo giống bằng phương pháp chiết cành; tạo giống từ gốc thân khí sinh và tạo giống từ thân ngầm hay gọi là củ. Ngoài ra, có thể tạo cây con từ hạt, nhưng rất ít khi sử dụng phương pháp này.

Tạo giống bằng phương pháp chiết cành

– Chọn cành chiết.

Chọn những bụi Mai xanh sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh và chưa ra hoa, trong những bụi đó chọn những cây mẹ từ 8 – 12 tháng tuổi. Trên mỗi đốt của cây mẹ thường có 3 cành, trong đó cành ở giữa phát triển nhất, gốc của cành nối tiếp giáp với thân cây mẹ thường phình ra dạng “đùi gà”, có màu xanh thẫm, đầu ngoài cùng đã ra hết lá, đường kính đoạn cành gần “đùi gà từ 0,8 – 1,2cm, chỉ chọn những cành này để chiết.

– Chiết cành:

Do phân cành khá cao nên thường phải ngả cây nằm xuống đất mới chiết được cành, chặt 1/2 – 2/3 thân cây cách mặt đất khoảng 0,5m cho cây ngả xuống. Bóc hết bẹ mo, dùng dao hoặc kéo sắc cắt bỏ phần ngọn cành, chỉ giữ lại 2 – 3 đốt nếu có lá thì giữ lại lá; dùng cưa tay nhỏ bản cắt sâu vào cả phía trên và phía dưới, nơi tiếp giáp giữa cành và thân cây mẹ khoảng từ 1/3 – 2/3 đường kính của cành.

Dùng đất thịt pha cát hoặc đất cát pha trộn với xơ dừa, phân chuồng hoai, supe lân và thuốc kích thích ra rễ nhào với nước thật nhuyễn làm hỗn hợp bó cành. Dùng khoảng từ 0,2 – 0, 3kg hỗn hợp đất này bó vào xung quanh vị trí “đùi gà” sát với vết cắt, dùng mảnh nilon bọc kín phía ngoài, dùng dây nilon hoặc lạt tre buộc 2 đầu để cố định đất và giữ ẩm cho đất ở vị trí “đùi gà”. Chú ý vị trí “đùi gà” ỉà nơi ra rễ chủ yếu của cành chiết, nên đưa trọng tâm bầu đất vào vị trí đó, cần buộc lỏng đầu dưới hoặc chọc thủng một vài lỗ nhỏ để thoát nước, tránh để nước đọng làm thối rễ.

Thường sau 10 ngày thì rễ bắt đầu nhú ra nhìn thấy được và sau khoảng từ 30 – 40 ngày khi rễ từ màu trắng chuyển sang màu xám thi có thể cắt cành chiết ra khỏi thân cây mẹ. Cành chiết sau khi cắt ra khỏi cây mẹ có thể trồng ngay hoặc có thể ươm trong vườn ươm. Nhưng để đảm bảo chất lượng cây giống khi trồng ở trên rừng, người ta thường phải nuôi cây trong vườn ươm khoảng 6 – 12 tháng mới có thể đem đi trồng. Sau khi tách cành chiết rời khỏi thân cây mẹ, người ta cho vào bầu đất cỡ 16 x 18cm có đục lỗ thoát nước ở đáy để ươm, hỗn hợp ruột bầu gồm từ 80 – 90% đất tầng mặt dưới tán rừng kết hợp với 10 – 20% phân chuồng hoai. Khi đem đi trồng, cây giống phải có 1 thế hệ cây mới đã ra lá thì đủ tiêu chuẩn xuất vườn.

– Thời vụ chiết cành.

Chủ yếu là vụ Xuân – Hè, không chiết cành vào vụ Thu – Đông.

Tạo giống hom gốc – Chọn hom gốc:

Chọn những bụi đã cho khai thác có khả năng sinh trưởng tốt, nhiều cây to và cao đều nhau, không bị sâu bệnh hoặc cụt ngọn, chọn những cây sinh trưởng tốt, còn trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi.

– Tạo hom gốc:

Trước khi đào gốc, dùng dao sắc chặt bỏ phần ngọn thân khí sinh, chỉ lấy 1 đoạn gốc cao từ 50 – 70cm, sao cho có từ 2 – 3 đốt. Dùng dụng cụ chuyên dùng đào bới cho lộ phần thân ngầm, dùng dao sắc chặt lấy hom gốc tại vị trí tiếp giáp với gốc cây mẹ. Khi cắt phần ngọn cũng như khi tách phần thân ngầm liên kết với gốc cây mẹ chú ý không được làm dập nát các vết cắt cũng như các chồi ngủ, vết cắt trên thân khí sinh nên chọn vào giữa lóng và nghiêng một góc 45 độ, khi tách hom gốc ra khỏi bụi cây mẹ cần phải trồng ngay hoặc giâm vào nơi râm mát và tưới đủ ẩm thường xuyên.

– Thời vụ tạo hom gốc:

Ở các tỉnh miền Bắc có thể tiến hành tạo hom gốc để trồng từ tháng 2 đến tháng 4, ở các tỉnh miền Trung từ tháng 8 đến tháng 11, ở miền Nam và Tây Nguyên từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm.

Tạo giống hom thân ngầm

Thân ngầm hay còn gọi là củ, là phần còn lại của măng sau khi đã khai thác phần trên làm thực phẩm từ 8 – 12 tháng tuổi; các thân ngầm này đều có ít nhất 1 cành đã ra đủ lá, được tách ra từ gốc cây mẹ ở vị trí cổ thân ngầm, có một ít rễ, đường kính đầu trên củ >6cm, trọng lượng >0,6kg, mỗi bên có ít nhất 2 chồi ngủ còn tươi, có một cành sống dài từ 20 – 25cm. Kỹ thuật tách hom thân ngầm cũng tương tự như hom gốc, khi tách củ ra khỏi gốc cây mẹ chú ý không làm dập nát, nứt vỡ, hom củ cần được trồng ngay, nếu chưa trồng cần phải giâm vào nơi râm mát và tưới nước đủ ẩm thường xuyên (Đỗ Văn Bản, 2005a).

Kỹ thuật trồng

– Chọn đất và nơi trồng:

Mai xanh thích hợp với nhiều loại đất khác nhau ở vùng nhiệt đới, trừ các loại đất chua phèn, nhiễm mặn, đất thịt nặng bí chặt, đất lẫn nhiều sỏi đá. Đất trồng Mai xanh phải sâu, ẩm, giầu mùn, tơi xốp và thoát nước, độ pHKci từ 4,5 – 7,0; tốt nhất là các loài đất dốc tụ, phù sa ven sông, suối, chân đồi, chân núi đất và núi đá, độ cao dưới 500m so với mực nước biển, độ dốc dưới 15 độ. Tuy nhiên, cũng có thể trồng Mai xanh mở rộng độ cao đến 1.000m so với mực nước biển, độ dốc tới 25 độ.

– Thời vụ trồng:

Thời vụ trồng Mai xanh tốt nhất là đầu mùa mưa, ở miền Bắc thường trồng từ tháng 2 đến tháng 4 hoặc từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, miền trung từ tháng 10 đến tháng 11, miền Nam và Tây Nguyên từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Khi mưa đất đã đủ ẩm, chọn những ngày có mưa nhỏ hoặc râm mát để trồng.

– Phương thức và mật độ trồng:

Trong thực tế ở nước ta, Mai xanh được trồng theo nhiều phương thức khác nhau, nhưng có thể tổng hợp một số phương thức trồng chủ yếu sau đây: i/ Trồng phân tán; ii/ Trồng hỗn giao với cây ăn quả hoặc cây gỗ; iii/ Trồng tập trung thuần loài.

i/ Trồng phân tán:

Phân lớn các hộ gia đình tận dụng những khoảng trống xung quanh nhà, trong vườn, bờ ao, ven suối để trồng một số bụi vừa để lấy măng làm thực phẩm, vừa để lấy thân cây làm vật liệu xây dựng, làm hàng rào, máng nước… Khoảng cách tối thiều giữa các khóm theo phương thức này thông thường từ 4 – 5m.

ii/ Trồng hỗn giao với cây ăn quả hoặc cây gỗ:

Mới có một số ít mô hình với diện tích dưới 10ha. Mật độ trồng từ 400 – 625 cây/ha (5 x 5m đến 4 x 4m), nơi đất tốt có thể trồng 833 cây/ha (3 x 4m). Tỷ lệ hỗn giao thường là 50:50.

iii/ Trồng tập trung thuần loài:

Vào những năm cuối của thế kỷ trước, Mai xanh dưới tên loài tre “Bát độ” đã được nhập vào trồng theo phương thức tập trung thuần loài khá phổ biến ở nước ta với các qui mô khác nhau, của nhiều đối tượng hoặc thành phần kinh tế khác nhau.

Có thể là các hộ gia đình tự bỏ vốn ra xây dựng mô hình với diện tích từ 3 – 5ha; có thể được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án của Nhà nước như dự án khuyến nông, khuyến lâm cho các hộ gia đình, diện tích thường dưới 10ha; có thể là do các công ty, các doanh nghiệp sản xuất với qui mô lớn, diện tích có thể tới hàng chục hecta. Mật độ trồng từ 400 cây/ha (5 x 5m) đến 625 cây/ha (4 x 4m), đất tốt có thể trồng đến 833 cây/ha (3 x 4m).

– Xử lý thực bì:

Nơi trồng Mai xanh chủ yếu là đất có độ dốc không lớn, ở chân đồi, chân núi, ven suối… thực bì chủ yếu là cây bụi và lau lách. Nên xử lý thực bì thường là phát trắng toàn diện khu vực trồng rừng, sau khi phát thực bì được gom ra đường lô, nơi đất dốc thực bì được gom theo đường đồng mức trên các hàng không cuốc hố để trồng, vừa để chống xói mòn rửa trôi đất, vừa là nguồn cung cấp chất hữu cơ cho đất khi chúng phân hủy. Nếu độ dốc trên 15 độ không được phát trắng toàn diện, nên phát theo băng rộng từ 1 – 2m, băng chừa tùy thuộc vào mật độ trồng, có thể từ 2 – 3m.

– Làm đất:

Làm đất chủ yếu theo phương thức cục bộ, đào hố thủ công, kích thước hố có thể là 60 x 60 x 60cm hoặc 60 x 60 x 40cm. Bón lót từ 15 – 30kg phân chuồng ủ hoai, có thể bón thêm 200 – 300g phân supe lân Lâm Thao hoặc từ 150 – 200g NPK (5:10:3). Lấp hố bằng đất tầng mặt xuống trước và tầng dưới xuống sau, lấp đầy đến miệng hố, lấp đất đến đâu phải đảo đều phân trong hố đến đó. Công việc cuốc hố phải thực hiện trước khi trồng khoảng 30 ngày, bón lót và lấp hố phải thực hiện trước khi trồng ít nhất từ 10 – 15 ngày.

– Kỹ thuật trồng:

Trồng bằng cành chiết: dùng cuốc hoặc thuổng tạo một lỗ chính giữa hố, kích thước đảm bảo sao cho khi đặt cây giống xuống thì mặt bầu thấp hơn mặt đất xung quanh khoảng 5cm, bóc bỏ vỏ bầu sao cho không làm vỡ bầu đất, đặt cây con xuống hố hơi nghiêng về phía đỉnh dốc hoặc theo cùng một hướng, lấp đất và nén chặt xung quanh bầu sao cho không làm vỡ bầu, vun đất phủ kín và cao hơn mặt bầu khoảng 5cm, phủ rơm dạ, cỏ, rác khô lên trên mặt hố và tưới nước để giữ ẩm.

Trồng bằng hom gốc và hom củ: nếu thời gian vận chuyển giống lâu hơn một ngày, trước khi đem trồng phải ngâm thân ngầm (củ) vào nước khoảng vài giờ và nhúng phần thân ngầm vào bùn loãng. Khi trồng, dùng cuốc tạo một cái lỗ chính giữa hố, kích thước đảm bảo sao cho khi đặt cây giống xuống thì phần thân ngầm thấp hơn mặt đất tự nhiên khoảng 5 cm. Đặt cây giống xuống lỗ, xoay ngửa phần bụng của thân ngầm lên phía trên, để phần thân khí sinh nghiêng một góc khoảng 45 độ về phía đỉnh dốc hoặc về cùng một phía theo đường đồng mức, giữ cho 2 hàng mắt mầm (chồi ngủ) hướng sang hai bên. Lấp đất vào gốc nén chặt nhưng tránh không làm tổn thương đến mắt mầm. Vun đất đến khoảng 2/3 lóng thân thứ nhất đối với hom gốc, đối với hom thân ngầm (củ) vun đất đầy hố và kín hom, phủ rơm dạ, cỏ rác khô xung quanh gốc cây trên mặt hố, tưới nước đủ ẩm xung quanh gốc cây, đổ nước đầy phần lóng trên cùng của hom gốc.

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng rừng trồng

Sau khi trồng được từ 1 – 2 tháng, tiến hành trồng dặm hoặc trồng thay thế những cây đã chết hoặc khả năng sinh trưởng và phát triển kém, đồng thời tiến hành chăm sóc, vun gốc và nâng chống những cây bị nghiêng ngả. Sau 2 tháng trồng, có thể cây giống đã sinh măng mới. Trong giai đoạn đầu mới trồng, mặc dù trồng vào đầu mùa mưa, nhưng đôi khi có một vài đợt hạn nhỏ, cần phải tưới nước đủ ẩm cho cây mới trồng, vì lúc này nếu gặp hạn thì măng mới sinh có thể sinh trưởng kém hoặc bị thui (hỏng).

Ngoài ra, việc tủ gốc cho Mai xanh cũng rất quan trọng, mỗi gốc có thể dùng từ 40 – 60kg cỏ, rơm, rạ hoặc lá khô để tủ, thường xuyên làm cỏ và xới xáo quanh gốc. Vì trồng tre lấy măng kinh doanh với cường độ cao nên mỗi năm cần chăm sóc 3 lần, lần 1 vào đầu mùa mưa kết hợp bón phân trước mùa sinh măng, lần thứ 2 vào giữa mùa mưa, lần thử 3 vào đầu mùa khô kết họp chống cháy rừng. Nội dung chăm sóc chủ yếu là phát dọn thực bì chen lấn, rãy cỏ và vun xới quanh gốc, cần chú ý trong mùa sinh măng không nên xới xáo gần gốc cây. Năm thứ 2 và thứ 3 cần bón thúc cho mỗi gốc từ 20 – 25kg phân phân chuồng hoai hoặc mùn rác hữu cơ.

Ngoài ra, có thể bón phân hóa học 4 lần/năm, mỗi lần bón 40kgN + 10k p + 30K + 0, 65kg silic cho 1ha, chủ yếu bón vào mùa sinh trưởng. Trong quá trình chăm sóc cần chú ý một số loại sâu hại măng chủ yếu như sâu Vòi voi và một số loài côn trùng cánh cứng khác, phương pháp phòng trừ chủ yếu là đánh bắt thủ công hoặc bao bọc bảo vệ măng bằng các túi nilon (Đỗ Văn Bản và cộng sự, 2011).

Kỹ thuật khai thác và sử dụng

– Kỹ thuật khai thác:

Mai xanh sinh sản khá nhanh, nhưng năm đầu không nên khai thác măng, nơi đất tốt sau năm thứ 2 mới có thể khai thác măng. Thời vụ khai thác thường từ tháng 5 – 9 hàng năm. Áp dụng phương thức khai thác chọn, chỉ nên khai thác những măng nhú khỏi mặt đất từ từ 30 – 40cm. Dùng dụng cụ chuyên dùng đào bới cho lộ phần thân ngầm, dùng dao sắc cắt măng ở vị trí phình to nhất của thân ngầm, vết cắt ở phần thân ngầm còn lại để phơi nắng vài ngày hoặc dùng nước vôi loãng quét lên vết cắt sau đó mới lấp đất để chúng tiếp tục sinh măng. Thời điểm khai thác thích hợp nhất là buổi sáng. Có thể khai thác toàn bộ măng trong bụi, chỉ để lại từ 3 – 4 măng to khoẻ phân bố đều trong khóm (bụi) làm cây mẹ thế hệ sau.

Ngoài ra, có thể khai thác thân khí sinh để làm vật liệu xây dựng hoặc làm hàng thủ công mỹ nghệ. Để đảm bảo cho bụi tre phát triển bền vững chỉ khai thác những cây từ 3 năm tuổi trở lên, số lượng cây khai thác mỗi lần khoảng 1/3 và nhiều cũng không vượt quá 1/2 số cây trong bụi. Mím khai thác thường tiến hành vào mùa khô, khi đó lượng nước trong thân không lớn nên hạn chế được mối mọt xâm hại. Chú ý chặt sát mặt đất và không làm đổ gẫy cây bên cạnh.

– Sử dụng:

Công dụng chính của Mai xanh là cung cấp măng ăn tươi, phơi khô hay đóng hộp xuất khẩu. Măng Mai xanh (hay Điềm trúc, Bát độ) có vị ngon, không đắng, màu trắng sau khi luộc, là thực phẩm được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới.

Thân cây khí sinh được dùng làm máng nước, làm mảng để đánh cá trong các suối nhỏ; dừng đan rổ rá và hàng thủ công mỹ nghệ khác, làm vật liệu xây dựng nhà cửa hay làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến giấy sợi. Lá dùng làm nón, lợp mái cho các thuyền nhỏ và nguyên liệu để gói bọc (gói bánh, kẹo…). Lá Mai xanh khô cũng có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị.

0