Đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành – Khó khăn và giải pháp
(ĐHVH HN) - Tiếng Anh chuyên ngành từ lâu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phần lớn sinh viên các trường đại học bởi tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của nó. Tuy nhiên, bất kể nỗ lực cố gắng của cả thầy và trò, kỹ năng đọc của hầu hết sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu ...
(ĐHVH HN) - Tiếng Anh chuyên ngành từ lâu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của phần lớn sinh viên các trường đại học bởi tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của nó. Tuy nhiên, bất kể nỗ lực cố gắng của cả thầy và trò, kỹ năng đọc của hầu hết sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của môn học. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dạy và học môn đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành như: tài liệu, phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, ý thức của sinh viên, v.v…Bài viết chỉ ra một số khó khăn trong việc đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành từ góc độ người học, để từ đó đưa ra một vài gợi ý giúp sinh viên nâng cao và sử dụng kỹ năng đọc hiểu của mình hiệu quả hơn.
1.Một số khái niệm
1.1.Đọc (Reading)
Các nhà khoa học đưa ra quan điểm khác nhau về kỹ năng Đọc. Theo Goodman (1971) thì ‘Đọc là một quá trình trong đó người đọc hay người sử dụng ngôn ngữ tổ chức lại, theo cách tốt nhất có thể, thông điệp mà tác giả đã mã hóa như là một màn hình hiển thị đồ họa’.
Harmer (1989) mô tả ‘đọc là một quá trình cơ học trong đó mắt tiếp nhận thông tin và sau đó não làm việc để nhận ra ý nghĩa của thông điệp’.
Cùng quan điểm với Harmer, Smith cho rằng ‘đọc là hiểu được suy nghĩ của tác giả’.
Như vậy, dù có sự khác biệt nhưng các tác giả đều cố gắng tìm hiểu bản chất của việc đọc, trong đó người đọc, quá trình đọc hay thông điệp chuyển tải đều được nhấn mạnh.
1.2.Đọc hiểu (Reading Comprehension)
Đọc hiểu có vai trò quan trọng trong việc dạy và học một ngôn ngữ. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu thì đó là khả năng nắm bắt được thông tin từ các văn bản một cách chính xác và hiệu quả. Có ba yếu tố ảnh hưởng đến quá trình đọc là: văn bản, kiến thức nền tảng của người đọc và các ngữ cảnh liên quan để hiểu văn bản.
Swan (1975) cho rằng ‘người có khả năng đọc tốt là người có thể nắm được thông tin tối đa của văn bản với sự hiểu biết tối thiểu’. Trong khi đó Grellet (1981) chỉ ra rằng ‘đọc hiểu hoặc hiểu một văn bản nghĩa là giải nén các thông tin cần thiết từ nó một cách có hiệu quả nhất’.
Mặc dù ý kiến cuả các nhà khoa học không đồng nhất nhưng tất cả họ đều cho rằng đọc hiểu là quá trình trong đó người đọc có thể nhận ra các hình thức đồ họa của các văn bản và hiểu được hàm ý đằng sau những hình thức đó.
1.3.Quy trình Đọc (Reading Process)
Có hai quy trình đọc thường được đề cập tới trong kỹ năng đọc hiểu: quy trình đọc từ dưới lên (bottom-up) và quy trình đọc từ trên xuống (top-down).
Quy trình đọc từ dưới lên (bottom-up)
Với cách thức này, sinh viên bắt đầu đọc văn bản từ các đơn vị nhỏ nhất của ngôn ngữ như chữ cái, từ ngữ, khối, khoản, cụm từ, câu và cố gắng hiểu ý nghĩa của các đơn vị này trước khi lắp chúng vào văn bản lớn hơn. Đây là cách đọc để xem chi tiết, giúp người đọc làm rõ ý tưởng, xác định vị trí các chi tiết hoặc trả lời câu hỏi mà họ có về văn bản.
Quy trình đọc từ trên xuống (top-down)
Chiến lược này nhấn mạnh sự tương tác giữa người đọc và văn bản hơn là việc hiểu ý nghĩa của các đơn vị cơ bản nhất của văn bản như chữ cái, từ, cụm và câu. Do vậy, người đọc phải chứng tỏ vai trò tích cực của mình trong quá trình đọc bằng cách tận dụng kiến thức sẵn có của mình về chủ đề, dự đoán những gì sẽ có trong văn bản, thể hiện rõ động lực, sự quan tâm và thái độ đối với nội dung của văn bản. Đây là cách đọc lướt để lấy ý chính hay những thông tin quan trọng trong văn bản.
Một số ý kiến đề cao vai trò của quy trình này trong việc đọc hiểu văn bản. Mặc dù các tuyên bố cho rằng quy trình từ trên xuống đóng vai trò trung tâm trong việc đọc nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là quá trình từ dưới lên là hoàn toàn không quan trọng. Trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp, người đọc thường phối hợp hai quy trình đọc để đảm bảo xử lý chính xác và nhanh chóng thông tin.
1.4.Tiếng Anh chuyên ngành (ESP-English for Specific Purposes)
Thuật ngữ ‘Tiếng Anh chuyên ngành’ (TACN) được các nhà nghiên cứu định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Theo Hutchinson và Walters (1987) thì đó là cách tiếp cận ngôn ngữ trong đó tùy theo nhu cầu cụ thể của người học mà nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy được quyết định.
Strevens (1988) cũng đồng quan điểm khi cho rằng tiếng Anh chuyên ngành là một khái niệm chỉ việc dạy hay học tiếng Anh nhằm phục vụ cho một chuyên ngành nhất định nào đó và được biết đến là phương pháp giảng dạy tiếng Anh như là một ngoại ngữ.
Từ các ý kiến trên có thể kết luận rằng mục đích của việc đọc tiếng Anh chuyên ngành là để phát triển kỹ năng đọc cho người học trong những lĩnh vực cụ thể liên quan đến ngành nghề hay lĩnh vực nghiên cứu của họ.
2.Khó khăn khi đọc hiểu tài liệu tiếng Anh chuyên ngành
Với tư cách là người trực tiếp giảng dạy, trên cơ sở quan sát cũng như thăm dò ý kiến của đồng nghiệp và đặc biệt là thông qua thông tin thu thập được từ các cuộc trao đổi, thảo luận với một số sinh viên ở hai lớp của khoa Thư viện-Thông tin và khoa Viết văn-Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chúng tôi đã tìm ra một vài khó khăn sinh viên không chuyên thường gặp phải khi đọc hiểu tài liệu TACN. Những khó khăn này được phân chia thành các lĩnh vực như từ vựng, ngữ pháp, diễn ngôn và kỹ năng đọc hiểu.
Khó khăn về từ vựng
Đa phần sinh viên được hỏi đều thẳng thắn chia sẻ rằng từ vựng thuộc lĩnh vực chuyên ngành gây ra không ít khó khăn cho họ trong khi đọc văn bản. Cụ thể là sinh viên thấy khó có thể hiểu và nhớ các từ thuộc chuyên ngành Thư viện –Thông tin như catalogs, microfiche, alphanumeric, v.v...hay các từ thuộc chuyên ngành Viết báo như lead, jargon, terms, tone, v.v...Các từ đơn lẻ đã vậy, các cụm từ thành ngữ, cụm động từ hay cụm danh từ còn khó hơn nhiều. Phần lớn các em đều không biết nghĩa hoặc khó có thể đoán nghĩa của các cụm từ này trong bài đọc. Các bài viết học thuật thuộc lĩnh vực Viết báo xuất hiện nhiều các cụm từ như vậy, ví dụ journalistic style, news writing style, inverted pyramid, …Đối với chuyên ngành Thư viện- Thông tin, sinh viên còn gặp khá nhiều trở ngại với các từ, cụm từ có nguồn gốc từ kiến thức kỹ thuật thông tin như retrieve, transmitte, telecommunication, online public access catalogs. Bên cạnh đó, sinh viên còn phải loay hoay tìm nghĩa phù hợp của các từ đa nghĩa. Có thể trong hội thoại hoặc giao tiếp hàng ngày, những từ này không gây ra bất cứ khó khăn gì cho các em nhưng trong các tài liệu thuộc lĩnh vực chuyên ngành, chúng lại có nghĩa hoàn toàn khác. Do đó, việc lựa chọn sắc thái ý nghĩa nào của từ phù hợp với văn bản chuyên ngành là điều không hề dễ dàng, đặc biệt khi vốn từ vựng của sinh viên không chuyên vẫn còn rất hạn chế. Ngoài ra, số lượng từ mới nhiều trong tài liệu chuyên ngành cũng gây lúng túng cho sinh viên. Trên thực tế, khi học các học phần tiếng Anh cơ bản, các em chỉ gặp rất ít từ mới trong bài. Song, lượng từ mới tăng đáng kể trong các tài liệu khi sinh viên bước sang học phần tiếng Anh chuyên ngành. Một khi không hiểu hoặc hiểu một cách mơ hồ nghĩa của các từ trong văn bản thì sinh viên khó có thể hiểu chính xác và đầy đủ nội dung của văn băn đó.
Khó khăn về ngữ pháp
Không chỉ từ vựng mà ngữ pháp cũng là rào cản không nhỏ của sinh viên không chuyên khi đọc tài liệu TACN. Đôi khi sinh viên gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng các thì động từ (verb tenses), dạng thức (forms) và cụm động từ (verb phrases). Một số sinh viên thừa nhận rằng họ không biết cách xác định cụm động từ hay cụm danh từ. Do đó, các em thường mắc lỗi khi làm các bài tập liên quan đến cụm động từ hay cụm danh từ, ví dụ như các bài tập chuyển câu chủ động sang câu bị động và ngược lại. Như vậy, việc không nắm vững đặc điểm ngữ pháp của các cụm danh từ hay cụm động từ gây ra nhiều trở ngại cho việc học đọc của sinh viên bởi lẽ trong các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành như Thư viện –Thông tin hay Viết văn- Báo chí, hầu hết chủ ngữ và tân ngữ đều là các cụm danh từ. Ngoài ra, sinh viên thấy khó phân biệt các loại câu đơn, câu phức, câu chủ động hay câu bị động. Hơn thế nữa, hầu hết sinh viên đều cảm thấy choáng ngợp trong việc hiểu nghĩa các câu phức với cấu trúc ngữ pháp không quen thuộc.
Khó khăn về mặt diễn ngôn
Phần đông sinh viên đều cho rằng họ rất khó nắm bắt nội dung bài đọc thuộc các chuyên ngành khoa học như Thư viện –Thông tin nếu trong bài đọc có sử dụng phép tỉnh lược như if so/ if not hay phép thay thế như one/ ones/ the same. Bên cạnh đó, sinh viên thường bỏ qua các dấu hiệu văn bản như first, then, moreover, hay các từ nối như and, but, or thể hiện mối quan hệ giữa các mệnh đề hay mối quan hệ giữa các đoạn văn trong bài đọc. Điều này cản trở sinh viên trong việc hiểu được nội dung chính xác của bài đọc chuyên ngành.
Khó khăn về kỹ năng đọc hiểu
Có lẽ đây là khó khăn lớn nhất của sinh viên không chuyên khi đọc tài liệu TACN. Việc không nắm rõ các phương pháp đọc hiểu làm cho các em khó có thể hiểu được nội dung cũng như xử lý thông tin liên quan tới bài đọc như làm bài tập hay trả lời các câu hỏi đọc hiểu. Đa số sinh viên được hỏi đều thừa nhận rằng họ không biết cách đoán nghĩa từ mới và phỏng đoán nội dung bài đọc dựa vào ngữ cảnh. Đặc biệt sinh viên không quen sử dụng với các kỹ năng đọc hiểu như phương pháp đọc lướt để lấy ý chính hoặc phương pháp đọc nhanh để tìm thông tin chi tiết hay phương pháp đoán nội dung văn bản từ tiêu đề, phụ đề, tranh ảnh minh họa.
3.Nguyên nhân gây ra khó khăn
Có thể xem xét một vài nguyên nhân sau đây khiến cho việc đọc hiểu tài liệu TACN của sinh viên không chuyên chưa mấy hiệu quả.
Phương pháp học tập
Sinh viên không có khả năng sử dụng các kỹ năng đọc như đọc quét, đọc lướt, suy luận, phỏng đoán, v.v…một cách thuần thục. Ngoài ra, phương pháp học tập của sinh viên còn thụ động, không tự giác, đôi khi phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên và yêu cầu, hướng dẫn của giáo viên.
Ý thức,thái độ
Thông tin thu gom được từ các cuộc phỏng vấn, trao đổi với sinh viên cho thấy phần đông các em còn chưa tích cực, chủ động trong việc trau dồi kiến thức nền tảng cũng như kiến thức ngôn ngữ. Tuy đa phần sinh viên đã ý thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của môn học nhưng vẫn còn rất nhiều sinh viên chưa đánh giá cao ý nghĩa của kỹ năng đọc trong việc nâng cao kiến thức chuyên ngành của mình.
Giáo trình
Đây cũng được coi là yếu tố gây cản trở sinh viên trong quá trình học đọc TACN. Bản thân cuốn giáo trình không hình vẽ minh họa, hệ thống bài tập chưa đa dạng nên không gây được sự chú ý, quan tâm của sinh viên. Hơn nữa, sinh viên cũng cho rằng các bài đọc chuyên ngành trong giáo trình đôi khi quá dài với nhiều từ mới và cấu trúc ngữ pháp phức tạp làm cho các em đọc mà không hiểu nổi nội dung.
Phương pháp giảng dạy
Một số sinh viên cũng thẳng thắn cho rằng đôi khi cách thức truyền đạt của giáo viên chưa gây được hứng thú cho các em trong các giờ học đọc TACN. Có lẽ việc giáo viên sử dụng cùng một phương pháp trong khoảng thời gian dài đã gây ra nhàm chán trong giờ học đọc. Bên cạnh đó, giáo viên chưa dạy cho sinh viên kỹ năng đọc và cũng ít khi cho sinh viên luyện tập đầy đủ về từ vựng và ngữ pháp. Trên thực tế, vì thời lượng của môn học không cho phép nên giáo viên cũng không thể có tham vọng trình bày các kiến thức ngôn ngữ này cho sinh viên một cách có hệ thống.
4.Một số biện pháp khắc phục khó khăn
Từ việc xác định những khó khăn trong việc đọc hiểu tài liệu TACN của sinh viên không chuyên cùng nguyên nhân của chúng, chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý giúp các em vượt qua những trở ngại, thêm tự tin trong việc lĩnh hội kiến thức trong các tài liệu chuyên ngành viết bằng tiếng Anh.
Về phía người dạy
Giáo viên cần tập trung vào các công việc sau:
Trang bị cho sinh viên kiến thức về một số kỹ năng trong quá trình đọc hiểu như đọc lướt, đọc quét, dự đoán, suy luận, xây dựng từ, v.v…để các em có thể linh hoạt áp dụng cho các loại hình văn bản khác nhau trong lĩnh vực chuyên ngành của mình.
Tổ chức giờ học đọc tiếng Anh chuyên ngành theo ba giai đoạn: trước khi đọc (pre-reading), trong khi đọc (while-reading), sau khi đọc (post-reading); đặc biệt là giai đoạn trước khi đọc nhằm kích hoạt kiến thức nền của sinh viên về chủ đề của bài đọc. Giáo viên có thể tổ chức nhiều hoạt động trong giai đoạn này như trò chơi về từ vựng hay sử dụng các phương tiện hỗ trợ như âm thanh, hình ảnh, các bài báo từ Internet phù hợp với nội dung bài đọc. Các hoạt động này sẽ giúp cho bầu không khí học tập trở nên thoải mái, giúp sinh viên thêm tự tin và hứng thú học tập trong các giai đoạn tiếp theo của giờ học.
Điều chỉnh và thiết kế hệ thống bài tập về từ vựng, ngữ pháp hay diễn ngôn liên quan đến bài đọc từ dễ đến khó để sinh viên luyện tập thêm.
Thường xuyên thay đổi phong cách và phương pháp giảng dạy. Giáo viên phải luôn luôn coi trọng việc tự làm mới mình cũng như áp dụng đa dạng các phương pháp trong giảng dạy. Điều này rất cần thiết đối với môn học khó như TACN.
Ngoài ra, giáo viên nên khuyến khích sinh viên làm việc theo nhóm. Giáo viên chủ động chia lớp thành các nhóm nhỏ và yêu cầu các nhóm này tìm tài liệu bổ sung liên quan đến chủ đề mà sinh viên sẽ tìm hiểu trong bài học kế tiếp.
Về phía người học
Dù với bất cứ lí do gì thì sinh viên –người học cũng vẫn là người có vai trò quyết định tới quá trình học tập của mình. Do vậy, sinh viên phải tích cực, chủ động cho việc học. Sinh viên không chỉ học một cách thụ động những gì giáo viên yêu cầu hoặc làm theo những gì được chỉ dẫn mà họ phải tìm ra những phương pháp học tập riêng phù hợp với hoàn cảnh và trình độ của mình. Sinh viên cần xây dựng cho mình thói quen đọc sách và đặc biệt phải là người đọc sách có hiệu quả, ví dụ như ghi chép các từ chuyên ngành khó, cấu trúc ngữ pháp lạ và phức tạp ra một cuốn sổ tay sau đó tiến hành ghi nhớ hoặc xem lại khi cần thiết. Việc ghi chép cũng phải khoa học: các từ, cụm từ nên sắp xếp theo từng lĩnh vực, từng chuyên ngành, trong từng chuyên ngành lại sắp xếp theo từng phân mục nhỏ khác nhau. Cách làm này sẽ giúp các em có được quyển cẩm nang vô cùng hữu ích trong học tập cũng như trong nghiên cứu sau này.
Kết luận
Tiếng Anh chuyên ngành, cùng với những đặc điểm và nội dung của nó, vẫn được coi là một môn học khó đối với cả người dạy lẫn người học. Bởi vậy, việc xác định rõ những khó khăn trong quá trình học đọc hiểu môn TACN là vô cùng cần thiết. Chúng tôi hi vọng một số gợi ý cho phần giải pháp ở trên sẽ phần nào giúp sinh viên không chuyên giảm bớt khó khăn, để các giờ học đọc tiếng Anh chuyên ngành thực sự hiệu quả và bổ ích với người học.
Tài liệu tham khảo
1.Goodman, K. (1971). Psycholinguistic universals in the reading process. In P.Pimsleur and T. Quinn (Ed.). Psychology of Second Language Learning. Cambridge: CUP.
2.Grellet.F. 91981). Developing Reading Skills: A Practical Guide to Reading Comprehension Exercises. Cambridge: CUP.
3.Harmer, J. (1989). The Practice of English Language Teaching. Harlow: Longman.
4.Hà, Dương Thị Thu. (2010). Đọc Hiểu Tiếng Anh: Ngành Thư Viện Thông Tin. Hà Nội: Hanoi National University Press.
5.Hutchinson, t. & Waters, A. (1987). English for Specific Purposes, A learners-centered approach. Cambridge: .
6.Swan, M. (1975).Inside Meaning. Cambridge: CUP.
7.Strevens, P. (1988). ESP after twenty years: A re-appraisal. In M. Tickoo (Ed.), ESP: State of the Art (pp. 1-13). Singapore: SEAMEO Regional Centre.
Bài: Nguyễn Thanh Tâm
Khoa Ngôn ngữ & VHQT
Admin3