Đoàn Văn Chúc đi tìm những tiếng nói đã mất
(ĐHVH HN) - Học giả Đoàn Văn Chúc nguyên là cán bộ giảng dạy của Đại học Văn hóa Hà Nội, đồng thời là một nhà nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác thơ. Sự nghiệp của ông thực sự đã có những cống hiến quan trọng đối với ngành văn hóa học nói riêng và đời sống văn hóa, văn nghệ nói chung của đất ...
(ĐHVH HN) - Học giả Đoàn Văn Chúc nguyên là cán bộ giảng dạy của Đại học Văn hóa Hà Nội, đồng thời là một nhà nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác thơ. Sự nghiệp của ông thực sự đã có những cống hiến quan trọng đối với ngành văn hóa học nói riêng và đời sống văn hóa, văn nghệ nói chung của đất nước.
Nhân tưởng niệm 20 năm ngày mất của ông (1996-2016), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tiến hành buổi Tọa đàm mang tên “Sự nghiệp học giả Đoàn Văn Chúc”.
Dự kiến Tọa đàm diễn ra vào ngày thứ Ba, 19/10/2016 tại Đại học văn hóa Hà Nội.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi lần lượt đăng một số bài viết của các nhà nghiên cứu về sự nghiệp của học giả Đoàn Văn Chúc, như là cách hướng tới Tọa đàm chính thức.
TIỂU SỬ
Đoàn Văn Chúc (tên thật là Nguyễn Tăng Khiêm)
Sinh ngày 16.11.1926
Mất ngày 19.10.1996
Quê quán: Làng Tạnh, Gia Lâm, Bắc Ninh (nay là thôn Quảng Đình, xã Giang Biên, Gia Lâm, Hà Nội)
1943: Tốt nghiệp tú tài toàn phần.
1943-1945: Sinh viên Cao đẳng Ngân hàng Đông Dương.
1945-1954: Tham gia kháng chiến chống Pháp.
1954-1978: Làm việc ở Vụ Văn hóa Quần chúng và Thư viện Bộ Văn hóa, Báo VH-NH. Trung tâm phương pháp câu lạc bộ Trung ương.
1978-1990: Giảng viên văn hóa học và xã hội học văn hóa – Trường Đại học Văn hóa – Hà Nội.
1990-1996: Nghỉ hưu.
TÁC PHẨM
1. Những bài giảng về Văn hóa – NXB Văn hóa và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 1994
2. Văn hóa học – NXB Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 1997.
3. Xã hội học Văn hóa – NXB Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 1998.
4. Tìm nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức – Trần Đức Thảo – NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997 (dịch)
5. Vật tổ và cấm kỵ - S.Freud, Trung tâm Văn hóa Dân tộc xuất bản, Thành phố Hồ Chí Minh, 1998 (dịch).
6. Triết học các hình thái biểu tượng – E.Cassier (sẽ in).
7. Những tiếng nói đã mất – J.Duvigneaud (sẽ in).
8. Tuyển tập những bài luận kinh điển về văn hóa học (Tylor, Morgan, Levi – Strauss, G.Bauthaul, Aron…) (sẽ in).
9. Những cược đố của tính hợp lý – sự thách thức của khoa học và kỹ thuật đối với các văn hóa – Jean Ladrière (sẽ in).
10. Các cấu trúc xã hội học – của Gaston Bouthaul (sẽ in).
11. Nhập môn xã hội học – của Jean Duvigneaud (sẽ in).
____________
ĐOÀN VĂN CHÚC
đi tìm những tiếng nói đã mất
PGS.TS Đỗ Lai Thúy
Thập tải giao luân tầm cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
CAO BÁ QUÁT
Tôi quen với ông Đoàn Văn Chúc, cách đây vài năm ở một lớp giảng về xã hội học nghệ thuật. Trong giờ giải lao, vốn thích Vygotski và để khoe cuốn Tâm lý học nghệ thuật của tác giả này, tôi bèn hỏi ông đã đọc cuốn ấy chưa. Đoàn Văn Chúc tỏ ý không mấy thích tác phẩm Liên Xô bằng cách lảng sang nói chuyện về E.Cassier, về Lesvi – Strauss… Tôi hơi bất ngờ vì những tác giả này hiện ở Việt Nam hãy vẫn còn xa lạ. Giờ nghỉ ngắn ngủi trôi qua. Thấy tôi vẫn thèm chuyện, ông ghi địa chỉ.
Vài ngày sau, một buổi tối, tôi đến nhà ông. Một căn nhà ở ngoài đê bờ nam sông Hồng. Chỗ tiếp khách là một hành lang nhìn ra một mảnh sân gạch. Trên tường treo một chiếc mặt nạ tuồng, một bức tranh Phái. Bộ bàn ghế mây, ấm chén cổ. Tất cả đều toát lên một thẩm mỹ tinh tế. Chủ nhân người nhỏ thó, gầy guộc, thong thả xúc ấm pha trà. Ông rất hay chuyện, thậm chí nhiều lúc còn “bốc” nữa. Khi say chuyện, dường như ông trở lên to lớn hơn, trẻ trung hơn thân hình và tuổi tác mình.
Đoàn Văn Chúc đã trải qua nhiều nghề, ở nhiều cơ quan. Ông vốn thích sáng tác. Chỉ khi chuyển về dạy ở trường Đại học Văn hóa (bấy giờ là trường Bổ túc Nghiệp vụ), ông mới đi sâu vào nghiên cứu, nhất là xã hội học và văn hóa học. Trước đây, chúng ta chỉ chú trọng văn hóa quần chúng, cờ đèn kèn trống, nay phải xây dựng khoa học mới, mới thấy nhiều lỗ hổng. Xã hội học còn lẫn với học thuyết mác-xít về xã hội, chưa có tư cách độc lập, nói gì đến xã hội học văn hóa, và để khu biệt nó, ông tiến sang nhân học xã hội và nhân học văn hóa. Dần dà, ông thấy chính nhân học mới là một khoa học cơ bản cho các khoa học xã hội và nhân văn. Cái nhìn nhân học có chiều kích xuyên thời gian và xuyên không gian. Nhân học, tuy không hẳn “cũ người mới ta”, nhưng muốn hiểu được nó nhất thiết phải đọc sách ngoài.
Trong trò chuyện, tôi mới biết ông đọc và dịch nhiều tác phẩm của phương Tây. Ông bảo dịch là cách để đọc sâu, thầy học trước đã sau mới giảng cho trò, cùng lắm mai này để thằng Kò (tên thân mật của con trai ông, hiện cũng là giảng viên Đại học Văn hóa) nó đọc. Đấy cũng là một cách nói thật, nhưng chưa đầy đủ. Tôi phàn nàn với ông là hiện nay ở mình có một khập khiễng. Người làm khoa học (xã hội và nhân văn, tất nhiên), nhất là người trẻ, thì không biết ngoại ngữ, còn người biết ngoại ngữ (thường là giáo viên và phiên dịch) thì không làm khoa học. Khoa học Việt Nam, đôi khi, trở lên lạc lõng, sa vào cảnh một mình mình nói, một mình mình nghe là vì vậy. Trong khi ngồi chờ có một lớp người đi bằng hai chân, việc dịch các tác phẩm kinh điển là quan trọng, không thể làm nghề mà không có kinh điển, không có tổ sư, hoặc chỉ có một tổ sư… Ông gật gù bảo có tình trạng đó là vì có lúc có người cho là ta đã nắm trong tay chiếc chìa khoa vạn năng, nên cần nhiều chìa để làm gì. Hơn nữa, lớp tuổi các ông (tức thế hệ tôi) tất cả cho tiền tuyến, bận chiến tranh làm gì có thời gian để học ngoại ngữ. Còn các bậc lão thành trong ngành thì có thì giờ đâu mà dịch. Đấy là chưa kể người có thì giờ nhưng lại muốn dấu nghề, muốn thủ đắc tư liệu cho riêng mình. Dịch khoa học, đó là cả một sự hy sinh… Phải, đó là một sự hy sinh. Hy sinh tiền bạc, vì đó đâu phải là sách mì ăn liền nên dễ gì được người xuất bản vồ vập. Hy sinh thơi gian vì lẽ ra phải viết được cái của mình. Hy sinh sức khỏe vì dịch là một công việc khổ sai. Một hy sinh quá lớn đối với Đoàn Văn Chúc, ông già ốm yếu nhưng còn nhiều ham muốn (làm thơ một chữ, viết một ký sự về làng quê ông, và những tùy bút văn học…), mà quỹ thời gian thì đã vơi cạn.
Tôi biết trong ngăn kéo của Đoàn Văn Chúc lúc bấy giờ có hàng chục bản thảo dịch, cái đã hoàn thành, cái còn lõi vì ông chỉ dịch những chỗ cần thiết cho bài giảng. Tôi gợi ý là ông nên dịch một cách hệ thống các tác phẩm nhân học văn hóa để xuất bản. Lẽ ra đây là công việc của Nhà nước, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn, hoặc Bộ Văn hóa chứ không phải của một cá nhân hay nhóm người nào. Nhưng khi người ta án binh bất động, thì mình làm được cái gì thì làm, dẫu biết đó là công việc của Sysiphe. Có thể ra một tủ sách đại loại như Tinh hoa Nhân học Văn hóa Thế giới. Sách dù in ở đâu cũng dưới mác nhãn này. Như vậy, chỉ dăm năm sau, giới trẻ sẽ có một tủ sách kinh điển kha khá để đọc. Muốn ngang tầm thế giới thì cũng nên biết cái tầm ấy nó ra sao đã. Ông cùng tôi sốt sắng lên một danh mục các tác phẩm cần dịch. Cuộc tìm kiếm nguyên bản bắt đầu, và, ở Việt Nam ta, việc đó không phải là việc dễ dàng. Rồi còn tìm người dịch, người hiệu đính…
Sau một vài năm cùng làm việc, hay đúng hơn, ông làm là chính, Đoàn Văn Chúc đã hoàn thành bản dịch các tác phẩm Triết học của các hình thức biểu tượng (La Philosophie des Formes Symboliques, 1923-1929) của E.Cassier (1874-1945), nhà triết học văn hóa Mỹ gốc Đức; Vật tổ và cấm kỵ (Totem et Tabou, 1912) của nhà tâm phân học người Áo A.Freud, một trong những tác phẩm đầu tiên nghiên cứu liên ngành; Tìm nguồn gốc của ngôn ngữ va ý thức (Researches de l’ origine du language et de la conscience, 1973) của Trần Đức Thảo mà lâu nay do rào cản ngôn ngữ (tác giả viết bằng tiếng Pháp) nên đa số bạn đọc Việt Nam chỉ mới được nghe, mà chưa được thấy…
Đoàn Văn Chúc là người làm việc hết sức cẩn thận. Bản thảo ông viết như nắn nót từng con chữ. Chỗ nào cần dập xóa đều được cắt dán, may mà sau này nhờ có bút xóa nên ông đỡ mất sức hơn. Ông làm việc như trút hồn vào từng trang bản thảo. Hiểu đúng tác giả, diễn đạt hết ý. Băn khoăn nhiều về thuật ngữ chuyên môn. Nhưng ông đặc biệt nâng lên đặt xuống các từ gần như đồng nghĩa nhưng khác nhau về sắc thái. Muốn diễn đạt được các từ này phải hiểu sâu tiếng Pháp đã đành, mà cũng phải giỏi tiếng Việt và quan trọng hơn phải chịu tốn công. Phần lớn các dịch giả hiện nay, hoặc là hiểu một cách chàng mảng, hoặc là dịch một cách ù xọe, nên san bằng tất cả những khác biệt, tuy là nhỏ nhưng tạo nên cá tính của từ. Họ vừa làm nghèo tác giả và làm nghèo cả độc giả bằng một thứ tiếng Việt nhạt nhẽo nhưng ăn giải dễ hiểu. Đọc Đoàn Văn Chúc, người ta thấy khó vì phải động nhiều đến bán cầu não trái. Nhiều khi ngồi nghe ông băn khoăn tìm cách dịch các từ đồng nghĩa như étude (khảo cứu), recherche (nghiên cứu), savoir (tri thức), connaissance (kiến thức), hoặc đắn đo tìm một từ tiếng Việt để dịch từ vécu (nghiệm sinh, sở nghiệm, trải nghiệm), tôi cũng phải sốt ruột mà tự nhủ sao trong chút thời gian eo hẹp còn lại, ông không tranh thủ làm nhanh cho được nhiều việc, tội gì cứ sa vào tiểu tiết. Nhưng rồi tôi bỗng nhận ra, với Đoàn Văn Chúc cái đích của công việc không phải là mối bận tâm duy nhất, mà hành trình tới đích là một lạc thú. Bởi vậy, ông yêu công việc, ông yêu sự làm việc. Bởi vậy, ông có thể làm việc mà không bị chi phối bởi nắng mưa thời sự và những xoay trở của nhân tình thế thái. Có lẽ, nhờ thế mà ông đạt được nhiều thành tựu, cả dịch lẫn viết.
Như mọi người thuộc một nền văn hóa đi chậm, nhất là lại ở Đông Á, Đoàn Văn Chúc cũng chủ trương “nội thể ngoại dụng”, lấy ngoài phục vụ trong, lấy dịch phục vụ viết… Sau khi đọc, dịch, suy ngẫm ông cầm bút về những vấn đề văn hóa Việt Nam. Có điều, quá trình này không chỉ diễn ra một lần mà lặp lại nhiều lần trong suốt cả cuộc đời. Bởi vậy, những bài viết của ông không bao giờ là lời nói cuối cùng, là sự khẳng định tuyệt đối, nhất thành bất biến, mà bao giờ cũng có bổ sung, hoàn chỉnh. Bổ sung hoàn chỉnh mãi mãi… Nói như vậy, không có nghĩa là những trang viết của Đoàn Văn Chúc còn dang dở hoặc chưa hoàn toàn. Điều tưởng như nghịch lý ấy trong khoa học lại là thuận lý.
Tôi còn nhớ năm 1994, Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin và Trường Đại học Văn hóa có in một tập bài giảng của ông. Mặc dù ông gọi là “bài giảng” nhưng thực ra đó là những bài nghiên cứu công phu về văn hóa Việt Nam. Tập sách được những người hiểu biết ưa thích. Ông nói ông còn vài tập nữa chưa in. Tôi giục ông nên in tiếp để bạn bè đọc, nhất là sinh viên. Ông cười bảo “nó” trả rẻ quá, không cầm thì thương, vương vào thì tội, chả bõ! Tôi biết đó là cách nói theo thế tục của ông. Thực ra, ông muốn bổ sung và hoàn chỉnh. Cứ mỗi lần đọc xong một cuốn sách mới, ông lại muốn hoàn chỉnh những trang viết cũ. Vả lại, ông đang muốn viết bổ sung thêm bài về ăn uống thì mới in cả thể. Tư liệu ông chuẩn bị đã nhiều nhưng vẫn chưa được coi là tạm đủ nếu thiếu sách của Lévi – Strauss, nhất là cuốn Histoire de la table, Mythologie…
Đọc những bài viết của Đoàn Văn Chúc về văn hóa Việt Nam, người ta thấy ông cố gắng lôi nó lên trên mặt bằng của thế giới. Trước hết, đó là hệ thống lý thuyết ông áp dụng. Có thể nói, tật coi thường lý luận và phương pháp, vốn là “bệnh xã hội”, ở đây đã được chữa trị tiệt nọc. Nhờ vậy, các nghiên cứu của ông có hệ thống, có một bộ khung xương (có xương sống hẳn hoi) để từ đó cho phép ông đi vào từng vấn đề cụ thể, và người đọc thì đi từ cái cụ thể mà vẫn tiếp nhận được cái chung, cái khái quát, cái lý luận… Những bài viết của Đoàn Văn Chúc về Biểu tượng, Lễ - Tết – Hội, Trò chơi… là những tầm cỡ, đặc sắc.
Có lẽ, do làm việc như tự đốt cháy mình, nên sức khỏe của ông ngày một hao đi. Khoảng cách những cơn ốm cứ thu ngắn dần. Thú thật cứ sau một thời gian bẵng đi không đến, tôi cứ tần ngần rất lâu trước khi gọi cửa. Chỉ sợ người ra mở cửa sẽ báo tin là ông đã lặng lẽ ra đi rồi. Cũng lặng lẽ như ông từng sống, từng viết… Tuy đã lường trước như vậy, mà khi cái ngày định mệnh ấy đến, tôi vẫn bất ngờ. Có lẽ, ông còn nhiều công việc, nhiều dự định phải làm quá. Khi tôi đạp xe đến bệnh viện thì ông đã không nói được nữa rồi.
Trong những ngày này, một chuyện làm tôi nhớ mãi. Thấy ông khó lòng qua khỏi, một người bạn vong niên của ông đã thuê xe chở nhà thơ Trần Dần, một người cùng thuyền thuở “Tầm Dương đất trích”, một người ốm lâu niên vào bệnh viện thăm Đoàn Văn Chúc. Họ nhìn nhau. Tôi không biết trong giờ phút ấy, hai ông già bị cấm khẩu đã nói với nhau những gì, nhưng những gì họ đã nói với đời thì ai nấy đều có thể biết. Nó ở trong sách của họ.
Không kể những cuốn sách dịch dở, tác phẩm cuối cùng của Đoàn Văn Chúc đã chuyển ngữ xong là Những tiếng nói đã mất (Langages perdus, 1973) của J.Duvignaud. Cuốn sách viết về những người có công đầu trong việc khôi phục lại những tiếng nói đã mất của các nền văn hóa cổ sơ của nhân loại, như L.H.Morgan (1818-1881), Lévy –Bruhl (1857-1939), L.Frobenius (1873-1938), B.Malinowski (1884-1942), Lévi – Strauss (1908). Ngày nay, chính tiếng nói của những nhà nhân học này cũng đã tan vào hư vô. Cả tiếng của Đoàn Văn Chúc, người phiên ngữ các tác phẩm của họ. Nhưng dư thanh của nó dã biến thành những con chữ nằm im lặng trong các trang sách để rồi lại cất tiếng mỗi khi có người đọc. Bởi vậy, cũng như những bài tâm huyết của ông được các học trò tập hợp lại và chuẩn bị in, tôi mong các dịch phẩm đầy tâm huyết của ông, Đoàn Văn Chúc, có được cơ hội đến với đông đảo bạn đọc.
(Nguồn: In trong “Chân trời có người bay” của tác giả Đỗ
Lai Thúy do NXB Văn hóa thông tin ấn hành, 2002)