25/05/2018, 17:51

Giáo dục toàn diện – một xu hướng phát triển của bảo tàng ở Việt Nam

1. Mục đích giáo dục của bảo tàng Trong hệ thống các thiết chế văn hóa, bảo tàng ngày càng khẳng định được tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục. Tiềm năng này bắt nguồn từ các tài liệu - hiện vật có giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử... phù hợp với nội dung, loại hình, được các bảo tàng nghiên ...

1. Mục đích giáo dục của bảo tàng

Trong hệ thống các thiết chế văn hóa, bảo tàng ngày càng khẳng định được tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục. Tiềm năng này bắt nguồn từ các tài liệu - hiện vật có giá trị văn hóa, khoa học, lịch sử... phù hợp với nội dung, loại hình, được các bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu cho đông đảo công chúng. Bởi vì, hiện vật gốc được lấy từ thực tế cuộc sống và môi trường sống của con người; hiện vật và thông tin hàm chứa trong hiện vật có khả năng minh chứng cho các sự kiện, hiện tượng... của tự nhiên - xã hội. Trên cơ sở sự tồn tại cụ thể, sinh động của các tài liệu - hiện vật có giá trị, công chúng có cơ hội nhận thức một cách trực tiếp về các sự kiện, hiện tượng, quá trình... mà hiện vật phản ánh, đại diện. Do đó, bảo tàng với tư cách là nơi lưu giữ, phát huy giá trị của những hiện vật độc nhất vô nhị, “là những phòng thí nghiệm lý tưởng cho sự trao đổi kiến thức xã hội, khoa học và văn hóa”  (3, tr. 408) của con người.

Phục vụ cho xã hội và sự phát triển của xã hội, bảo tàng là thiết chế văn hóa đa chức năng. Cùng với quá trình phát triển lịch sử, chức năng của bảo tàng luôn được bổ sung, đáp ứng các nhu cầu xã hội. Hiện nay, bảo tàng đa dạng về loại hình, tính chất, quy mô, hình thức tổ chức nhưng vẫn thực hiện các chức năng mang tính truyền thống và các chức năng mới. Mặc dù còn tồn tại một số quan điểm khác nhau, nhưng cơ bản các quan điểm đều thống nhất bảo tàng có các chức năng xã hội sau: chức năng nghiên  cứu khoa học, chức năng giáo dục khoa học, chức năng bảo tồn di sản văn hoá, chức năng tài liệu hoá khoa học, chức năng thông tin, chức năng giải trí và hưởng thụ văn hóa. Trong đó, hai chức năng cơ bản thường được nhắc đến là chức năng nghiên cứu khoa học và chức năng giáo dục khoa học.

“Nói giáo dục khoa học nghe khô khan, nặng nề. Nhưng sự giáo dục này thực ra lại rất tinh tế, nhẹ nhàng bằng cách cung cấp những thông tin phong phú và sinh động giúp người xem có những nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về các sự kiện xã hội hay văn hóa. Bảo tàng là trường học thích hợp với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội và nghề nghiệp” (8, tr.57). Mục đích mà bảo tàng hướng tới là sử dụng có hiệu quả các tài liệu - hiện vật trong việc giáo dục khoa học, đạo đức, thẩm mỹ cho công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu trên cơ sở khai thác đặc trưng và thế mạnh cơ bản của bảo tàng “là khả năng cung cấp thông tin trực quan sinh động thông qua hệ thống trưng bày các tổ hợp hiện vật gốc" (1, tr.208).

Chính vì vậy, dù không mang tư cách một cơ quan giáo dục chuyên trách, chính thống như trường học, song thiết chế bảo tàng có khả năng tác động, giáo dục công chúng - cộng đồng xã hội một cách khá toàn diện trên các mặt Chân - Thiện - Mỹ. Có nghĩa là, khi đến với bảo tàng, tham gia vào các hoạt động giáo dục do bảo tàng tổ chức, công chúng có cơ hội học tập, tiếp nhận tri thức khoa học mới, củng cố, bổ sung những kiến thức đã được tích lũy; được giáo dục, rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, cũng như nâng cao năng lực cảm thụ và đánh giá thẩm mỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, các bảo tàng ở Việt Nam với tư cách là thiết chế văn hóa đặc thù, là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường có khả năng và thế mạnh riêng, thông qua các hình thức hoạt động giáo dục phong phú, đa dạng, góp phần tích cực vào quá trình làm giàu tri thức, hiểu biết cho cộng đồng cũng như hoàn thiện nhân cách con người. Sự nhận thức và việc thực hiện mục đích giáo dục toàn diện như hiện nay của ngành bảo tàng Việt Nam là kết quả của quá trình vận động, phát triển tự thân, liên tục, đáp ứng có hiệu quả những đòi hỏi mang tính khách quan, tất yếu của xã hội, gắn liền với sự phát triển của đất nước qua các giai đoạn.

2. Mục đích giáo dục của bảo tàng Việt Nam trước thời kỳ đổi mới

Đầu thế kỷ XX cho tới trước cách mạng tháng Tám (1945), người Pháp đã thành lập, cho xây dựng và đưa vào hoạt động một số bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam trên cả ba miền. Tiêu biểu có thể kể đến như Bảo tàng Louis Finot (Hà Nội), Bảo tàng Parmentier (Đà Nẵng), Bảo tàng Blanchard de la Brosse (Sài Gòn)... Các bảo tàng đã lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật lịch sử, văn hóa, mẫu vật tự nhiên của Việt Nam, hoạt động và phục vụ cho mục đích, chính sách cai trị, nô dịch thuộc địa của chính quyền thực dân.

Năm 1945, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Ngay sau ngày lập nước, chính quyền đã có sự quan tâm thích đáng. Và những văn bản chỉ đạo hoạt động bảo tàng cũng như sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc lần lượt được ban hành. Cụ thể là việc đổi tên một số bảo tàng do người Pháp xây dựng và ban hành văn bản đầu tiên làm cơ sở pháp lý, khoa học cho sự nghiệp Bảo tồn - Bảo tàng (Sắc lệnh Số 65 SL/CTP về bảo tồn cổ tích do chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945). Trong thời gian kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954), nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, cách mạng đã được thu thập tại Việt Bắc và Nam Bộ, chuẩn bị cho việc thành lập bảo tàng.

Từ năm 1954 - 1975, chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đấu tranh thống nhất nước nhà. Ở miền Trung và miền Nam, các bảo tàng do người Pháp xây dựng trước đây tiếp tục được sử dụng như một công cụ văn hóa để phục vụ cho chính sách cai trị của chính quyền tay sai. Tại miền Bắc XHCN, sự nghiệp bảo tàng khắc ghi thành tựu cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Chúng ta tiến hành tiếp quản, cải tạo, chỉnh lý những bảo tàng được xây dựng từ trước cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới của một quốc gia tự chủ, tiêu biểu nhất có thể kể đến như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với tiền thân là Bảo tàng Bảo tàng Louis Finot. Việc xây dựng bảo tàng và phòng trưng bày mới trên cơ sở các tài liệu, hiện vật đã được sưu tầm cũng được tiến hành với sự xuất hiện của các bảo tàng như Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Việt Bắc... “Tính đến trước ngày miền Nam giải phóng, miền Bắc có 9 bảo tàng trung ương và địa phương, 21 nhà trưng bày chuyên đề, 67 bảo tàng cơ sở (huyện, thị), 262 nhà truyền thống xã” (6, tr. 97).

Hoạt động bảo tàng giai đoạn 1954-1975 đề cao giáo dục truyền thống, cổ vũ đấu tranh cách mạng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, văn hoá tư tưởng, nhằm mục đích củng cố hậu phương vững mạnh, cổ vũ tiền tuyến chiến đấu. Quan niệm phổ biến cho rằng bảo tàng là một trường học về lịch sử và truyền thống đấu tranh yêu nước, cách mạng. Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã viết: “Viện bảo tàng Cách mạng là một cuốn sử sống. Các cán bộ, Đảng viên và người ngoài Đảng, nhất là các thanh niên đến xem Viện Bảo tàng sẽ thấy được các liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc như thế nào, Đảng đã lãnh đạo cách mạng vượt qua bao gian khổ và đưa cách mạng đến thắng lợi như thế nào. Các tài liệu hiện vật chưng bày ở đây sẽ làm cho mọi người tăng thêm lòng tin tưởng ở Đảng và chế độ cách mạng tốt đẹp của chúng ta”(Tư liệu lưu trữ của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam). Trong ngày khánh thành Bảo tàng Quân đội (22/12/1959), sau khi xem, các phòng trưng bày, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ghi trong Sổ cảm tưởng: “Bảo tàng Quân đội nhắc lại lịch sử vẻ vang của quân đội nhân dân ta. Bảo tàng Quân đội là một trường học và là nguồn phấn khởi đối với người xem, đối với nhân dân ta, quân đội ta” (2, tr.22).

Năm 1967, trong công trình nghiên cứu mang tính chất khai phá của Bảo tàng học Việt Nam - “Tìm hiểu khoa học Bảo tàng Việt Nam”, tác giả Đào Duy Kỳ đã nói về tính mục đích của công tác giáo dục bảo tàng như sau: “Bảo tàng chính là một trong những công cụ hiệu lực nhất để tiến hành cuộc cách mạng văn hoá về 3 mặt: Một là, phê phán nghiêm khắc các hiện tượng lịch sử lạc hậu, phản tiến bộ, phản cách mạng; Hai là, giới thiệu kinh nghiệm đấu tranh sản xuất và đấu tranh chính trị của các thời kỳ quá khứ; Ba là, do hai nhiệm vụ trên đây mà làm tròn nhiệm vụ góp phần tích cực vào việc xây dựng nền văn hoá XHCN. Nền văn hoá mới chỉ có thể được xây dựng trên quan điểm kế thừa truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta” (12, tr.33).

Từ năm 1975-1986 là giai đoạn đất nước thống nhất, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. Sự nghiệp bảo tàng phát triển trên phạm vi toàn quốc. Nhiều bảo tàng mới được xây dựng, hàng loạt bảo tàng khảo cứu địa phương (bảo tàng tỉnh, thành phố), bảo tàng quân, binh chủng thuộc lực lượng vũ trang ra đời. Hoạt động của bảo tàng đóng vai trò là một bộ phận quan trọng của cuộc cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, thực hiện mục đích giáo dục gắn liền với các vấn đề thời sự, với các ngày lễ kỷ niệm, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo con đường XHCN…

Có thể nói, bảo tàng Việt Nam ra đời, phát triển, có nhiều gắn bó với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước XHCN. Hoàn cảnh lịch sử, nhu cầu xã hội là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự ra đời rất nhiều các bảo tàng loại hình lịch sử xã hội, cho đến nay vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn, khoảng 90% các bảo tàng của Việt Nam. Cũng vì vậy, trong một thời gian dài, các bảo tàng nước ta coi trọng, tập trung và đạt nhiều thành tựu trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục tư tưởng chính trị cho quần chúng, góp phần thiết thực vào cuộc cách mạng XHCN trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.

3. Mục đích giáo dục của bảo tàng Việt Nam trong giai đoạn đổi mới đất nước - đổi mới công tác ngành (từ năm 1986 tới nay)

Năm 1986 đánh dấu mốc khởi phát của công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam. Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, có sự quản lý của Nhà nước được xây dựng và phát triển, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bước vững chắc trên con đường CNXH luôn luôn được quán triệt. Đổi mới cũng là thời kỳ mà việc mở cửa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm phát triển, hội nhập vào cộng đồng khu vực và thế giới trở thành một xu thế tất yếu trên phương diện quốc gia cũng như đối với mỗi ngành.

Trên khía cạnh học thuật, ngoài kiến thức Bảo tàng học của Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây, chúng ta có điều kiện mở rộng diện tiếp xúc với lý luận Bảo tàng học của thế giới; đồng thời cũng có điều kiện nhiều hơn, thuận lợi hơn trong quá trình tiếp xúc với tri thức và học hỏi kinh nghiệm hoạt động bảo tàng tiên tiến của các nước châu Âu (Pháp, Anh), Mỹ, Trung Quốc… Kỷ yếu Hội nghị khoa học - thực tiễn “Đổi mới các hoạt động bảo tàng” tổ chức tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam năm 1988 đã khẳng định: “Thời đại chúng ta đang sống là thời đại phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và đời sống con người; Thời đại của sự phát triển, hoàn thiện các phương tiện thông tin; Thời đại của sự khám phá cái thật, cái đúng và cái đẹp… Sự năng động và tính hiệu quả xã hội thiết thực đã trở thành thước đo giá trị mọi hoạt động của con người. Trong bối cảnh đó, đổi mới hoạt động của bảo tàng phải đạt được tính hiệu quả xã hội, đó là sự tác động tốt đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của nhân dân, là hiệu quả nâng cao giác ngộ XHCN và trình độ thẩm mỹ của nhân dân” (9, tr.24). Như vây, mục đích giáo dục của bảo tàng Việt Nam được xác định mang tính toàn diện hơn trước, coi trọng giáo dục nhiều mặt. Công tác giáo dục của bảo tàng phải thực hiện các hoạt động đa dạng để công chúng tiếp xúc với hiện vật, thông tin khoa học của hiện vật, từ đó có thêm hiểu biết, tri thức khoa học, nhận thức về truyền thống lịch sử - văn hóa, nâng cao năng lực đánh giá và cảm thụ thẩm mỹ, góp phần bồi dưỡng và hoàn thiện nhân cách con người.

Thực tế công tác ngành cũng có nhiều biến đổi tích cực theo định hướng chung của đất nước. Các bảo tàng mới, hiện đại được xây dựng như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... Theo “Báo cáo thống kê số liệu về bảo tàng và di tích” của Cục Di sản Văn hóa (có sửa đổi về cách phân loại phù hợp với quy định tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ), tính đến ngày 31/12/2010, tổng số bảo tàng là 129, trong đó 13 bảo tàng do Trung ương quản lý, 116 bảo tàng thuộc sự quản lý của địa phương. Việc cải tạo, chỉnh lý, nâng cao chất lượng các hoạt động tiếp cận với công chúng cũng được tiến hành, đáp ứng những yêu cầu văn hóa ngày càng cao của cộng đồng xã hội. Ngoài hướng dẫn tham quan vốn là hoạt động giáo dục quan trọng, mang tính truyền thống, các bảo tàng còn tiến hành các hoạt động giáo dục, phục vụ công chúng, mở ra nhiều cơ hội học tập hơn cho cộng đồng. Điều 10 - Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL về tổ chức và hoạt động của bảo tàng đã quy định cụ thể về hoạt động giáo dục của bảo tàng trong giai đoạn hiện nay.

* Hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm:

- Hướng dẫn tham quan

- Tổ chức các chương trình giáo dục

- Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề

- Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng

* Chương trình giáo dục của bảo tàng phải phù hợp với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng

* Chương trình giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Xã hội hiện đại với sự phát triển nhanh, mạnh của thông tin - truyền thông, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, mức sống người dân được nâng cao. Do đó, cộng đồng có thêm những đòi hỏi mới, cao hơn đối với các thiết chế văn hóa, trong đó có bảo tàng. Công chúng không còn là người nghe một cách thụ động mà có nhu cầu giao tiếp, đối thoại, chủ động tiếp cận với tài liệu - hiện vật để có thể tự đúc rút, bổ sung, củng cố tri thức cho bản thân mỗi người. Chính vì vậy, trong quan điểm Bảo tàng học mới có ý kiến cho rằng, nên dùng từ “trao đổi” (communication: trao đổi, truyền đạt, liên lạc, giao thiệp, thông tin...) thay cho “giáo dục” (education) và cho rằng “communication” có thể phản ánh rõ ràng hơn thực chất hoạt động giáo dục của bảo tàng hiện đại.

Nhận thức và đáp ứng đòi hỏi của xã hội, bảo tàng nước ta đã có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho mục tiêu giáo dục, đa dạng hóa các hình thức hoạt động để tiếp cận, tạo điều kiện cho công chúng “học” bằng cách trải nghiệm, giao tiếp, đối thoại một cách chủ động và đạt hiệu quả nhận thức cao hơn. Có thể kể đến một số hoạt động cụ thể, mang tính tiêu biểu đã được các bảo tàng tổ chức, đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện mục đích giáo dục nhiều mặt, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho công chúng chủ động, tích cực hơn trong quá trình cùng với bảo tàng bồi dưỡng hiểu biết cá nhân cũng như tăng cường tri thức xã hội:

Trên cơ sở sự liên quan nội dung giữa trưng bày bảo tàng và các môn học, nhiều bảo tàng đã cùng với nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Điển hình là sự phối hợp giữa Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với một số Trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong việc giảng dạy, tham quan, học tập môn Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại. Nhiều tiết học thi giáo viên dạy giỏi đã được tổ chức tại bảo tàng, tài liệu, hiện vật được sử dụng với tư cách giáo cụ trực quan làm cho giờ học thêm sinh động, hấp dẫn, hiệu quả nhận thức được nâng cao, khắc phục tình trạng dạy chay, học chay. Hoạt động của Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam dành cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở cũng là ví dụ thành công trong việc kết hợp mục đích giáo dục của bảo tàng với việc giảng dạy, học tập môn Lịch sử trong trường học. Năm 2005, Cục di sản văn hóa, Sở giáo dục đào tạo Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp triển khai tiền thí điểm dự án “Xây dựng phương pháp đưa di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội vào bài giảng một số môn khoa học tự nhiên cấp THCS”. Dự án tiền thí điểm đã thành công trong việc đưa di sản văn hóa Hà Nội vào 4 tiết học của 2 môn Vật lý và Hóa học ở 2 trường THCS Ngô Sỹ Liên và THCS Cầu Diễn (Múa rối nước vào tiết 12, Vật lý lớp 8, bài: Sự nổi; Đèn kéo quân vào tiết 23, Vật lý 8, bài: Đối lưu - Bức xạ nhiệt; Gốm Bát Tràng vào tiết 30, Hóa học 9, bài: Silic và công nghiệp Silicat; Trầu cau vào tiết 8, Hóa học 9, bài: Một số bazơ quan trọng). Kết quả, học sinh rất hứng thú với việc học tập, vừa tiếp thu tri thức khoa học, vừa có thêm nhận thức về văn hóa, văn học, nghệ thuật - mỹ thuật truyền thống, trò chơi dân gian...

Xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, vận động quần chúng nhân dân sưu tầm, đóng góp hiện vật cho bảo tàng cũng là một hoạt động thành công của nhiều bảo tàng trong thời gian gần đây. Từ tháng 12/2003 đến tháng 9/2005, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phát động cuộc vận động “Sưu tầm và chia sẻ những hình ảnh đám cưới Việt Nam trong thế kỷ XX”. Nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã có được bộ sưu tập ảnh cưới rất phong phú (khoảng 800 bức ảnh) cùng với những hiện vật liên quan khác như giấy giá thú, thiếp mời vẽ bằng tay, trang phục truyền thống của cô dâu, chú rể ... và cả những câu chuyện tình đầy riêng tư, cảm động của nhiều cá nhân, gia đình từ khắp mọi miền trong cả nước. Dưới sự chỉ đạo của của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trực tiếp là Tổng cục Chính trị, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, cá nhân tổ chức vận động các tầng lớp nhân dân, các cựu chiến binh trong và ngoài nước hiến tặng kỷ vật kháng chiến cho bảo tàng. Cuộc vận động Sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” trong gần ba năm (2008 - 2010) đã thu được kết quả cao, tiếp nhận khoảng 11.000 hiện vật, nhiều hiện vật rất quý, có giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc, đặc biệt có các hiện vật của tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tập thể tiêu biểu có thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và cả những hiện vật do cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam trao tặng. Mới đây, Bộ Công an đã quyết định triển khai Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân” trong 3 năm (10/2012 đến 10/2015). Dự kiến, qua cuộc vận động sẽ sưu tầm, thu thập khoảng 5.000 hiện vật gốc các loại như hiện vật thể khối, chữ viết, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, phim ảnh… phản ánh về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Những hiện vật này sẽ được bổ sung vào vốn hiện vật của Bảo tàng Công an nhân dân, thiết thực phục vụ, tạo điều kiện cho công chúng trong nước, quốc tế tìm hiểu về lịch sử, truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân. Ngoài khả năng tăng cường, bổ sung hiện vật có giá trị cho bảo tàng, các cuộc vận động được triển khai tạo điều kiện cho quần chúng có thêm cơ hội nhận thức về quá khứ, lịch sử - văn hóa… của đất nước thông qua các tài liệu - hiện vật mà mỗi cá nhân đang lưu giữ; đồng thời xây dựng, khuyến khích, bồi dưỡng và nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa dân tộc cho cộng đồng.

Trong bối cảnh hội nhập, việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; cũng như tìm hiểu, học hỏi thành tựu văn hóa - văn minh nhân loại đã trở thành xu thế tất yếu. “Ẩn số Việt Nam” ngày càng được bạn bè quốc tế quan tâm và tìm lời giải đáp. Việc tiếp đón, phục vụ khách tham quan quốc tế, thỏa mãn các nhu cầu tìm hiểu, khám phá về đất nước, con người Việt Nam càng được các bảo tàng quan tâm, chú trọng. Trên hệ thống trưng bày, các tài liệu viết, nhãn chú thích đều được dịch ra tiếng nước ngoài, phổ biến nhất là Tiếng Anh (ngôn ngữ quốc tế thông dụng). Ngoài ra, các tài liệu phụ trợ như tờ gấp, sơ đồ bảo tàng, sách hướng dẫn tham quan... cũng được in bằng nhiều thứ tiếng, tạo thuận lợi cho người nước ngoài tiếp cận với bảo tàng Việt Nam. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ giáo dục của bảo tàng cũng được chú ý, triển khai thường xuyên cũng nhằm mục đích phục vụ tốt hơn đối tượng khách tham quan là người nước ngoài. Bên cạnh đó, vượt khỏi địa giới lãnh thổ quốc gia, “hình ảnh Việt Nam - đất nước và con người - lịch sử và văn hóa được bảo tàng giới thiệu đến với bạn bè quốc tế qua hàng trăm cuộc trưng bày chuyên đề và những ngày hội văn hóa giao lưu ở Bỉ, Áo, Pháp, Ý, Nga, Thụy Điển, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mỹ...”(13, tr. 26). Có thể khẳng định, là một tài nguyên quý giá của du lịch nhân văn, “bảo tàng cũng đã góp công không nhỏ cho 4 triệu du khách một năm của ngành du lịch Việt Nam. Chiến dịch quảng bá khá toàn diện lịch sử - văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, cũng được coi là một chiến lược ngoại giao văn hóa của Đảng và Nhà nước, được đánh giá là thành công trong thời kỳ đầu hội nhập, chắc chắn có sự góp công không nhỏ của bảo tàng” (13, tr. 27).

Hiện nay, ngành bảo tàng Việt Nam đang “chú trọng việc khai thác, giới thiệu những giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua trưng bày và tổ chức trình diễn” (7, tr.7) khiến cho hoạt động giáo dục của bảo tàng có thêm sắc thái và phương thức biểu đạt mới. Thêm vào đó, công tác triển khai “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020” mở ra cơ hội khắc phục nhiều hạn chế của mạng lưới bảo tàng Việt Nam trong một tương lai gần, hứa hẹn thêm khả năng và tạo điều kiện cho thiết chế văn hóa này đảm nhiệm tốt hơn vai trò giáo dục, làm giàu tri thức cho cộng đồng xã hội.

 

Tài liệu tham khảo và chú thích:

1. Đặng Văn Bài, “Nhận thức về chức năng giáo dục của bảo tàng”, Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội, 2005, tr. 203-210.

2. 40 năm Viện Bảo tàng Quân đội (1999), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.

3. Gary Edson, David Dean, Cẩm nang bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2001.

4. Eilean Hooper - Greenhill, The educational role of the museum (Second edition), Routledge, London, 1999.

5. Nguyễn Thị Huệ (2005), Lược sử sự nghiệp Bảo tồn - Bảo tàng Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Huệ (2008), Cơ sở Bảo tàng học, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

7. Nguyễn Thế Hùng, “10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa”, Tạp chí Di sản văn hóa, Số 3 (40), 2012, tr. 3-11.

8. Nguyễn Văn Huy, “Góp phần giữ gìn và phát triển sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc nhìn từ góc độ của loại hình bảo tàng Dân tộc học", Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, T.1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999, tr. 45-62.

9. Kỷ yếu hội nghị khoa học - thực tiễn Đổi mới các hoạt động bảo tàng, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 1988.

10. Kỷ yếu Hội thảo khoa học - thực tiễn Hoạt động bảo tàng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Cục Di sản văn hóa - Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004.

11. Kỷ yếu Hội thảo khoa học - thực tiễn Bảo tàng góp phần hoàn thiện nhân cách con người, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2004.

12. Đào Duy Kỳ (1967), Tìm hiểu khoa học bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

13. Quốc Quân (2011), “Mảng sáng và khoảng mờ trên bức tranh bảo tàng Việt Nam”, Tạp chí Di sản văn hóa, Số 2 (35), Tr. 26-30.

14. Vương Hoằng Quân chủ biên (2008), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, Nguyễn Duy Chiếm - Nguyễn Thị Hường dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội.

 

Bài viết: Ths. Phạm Thu Hằng

Khoa Di sản Văn hóa

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

(Bài đã đăng trên Tạp chí Di sản Văn hóa - Số 2 (43) – 2013)


Admin3
hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0