25/05/2018, 17:50

5 điều luật về KHTV của Ranganathan - tính kế thừa và phát triển

(ĐHVH) - Shiyali Ramamrita Ranganathan sinh năm 1892 tại miền nam Ấn Độ. Ông được coi là cha đẻ của khoa học thư viện và thông tin tại Ấn Độ, tên tuổi của ông cũng được giới khoa học thế giới biết đến một cách rộng rãi nhờ vào những đóng góp có giá trị lớn đối với khoa học thư viện. Bắt đầu ...

(ĐHVH) - Shiyali Ramamrita Ranganathan sinh năm 1892 tại miền nam Ấn Độ. Ông được coi là cha đẻ của khoa học thư viện và thông tin tại Ấn Độ, tên tuổi của ông cũng được giới khoa học thế giới biết đến một cách rộng rãi nhờ vào những đóng góp có giá trị lớn đối với khoa học thư viện.

Bắt đầu sự nghiệp của mình như một nhà toán học, S.R. Ranganathan đã lấy được bằng Cử nhân và thạc sĩ toán học cũng như một giấy phép giảng dạy, giúp ông trở thành giáo sư toán học tại một số trường đại học của Ấn độ.

Vào năm 1923, Đại học Madras- Ấn Độ đã tổ chức một cuộc thi nhằm tìm ra một người quản lý thư viện, trợ giúp việc tổ chức lại các bộ sưu tập tài liệu còn rất lộn xộn. Và trong số 900 ứng viên không hề được đào tạo chính thức về thư viện, S.R.Ranganathan là người duy nhất có những bài viết được đánh giá là phù hợp với một nhà quản lý có nền tảng nghiên cứu. Một điều đáng ngạc nhiên là những bài viết này cũng chỉ xuất phát từ một số thông tin ông tìm được trên Bách khoa toàn thư Britanica vài ngày trước đó, và ngay lập tức ông đã lãng quên cuộc thi này cho đến khi được thông báo kết quả. Gần như bị ép buộc, Ranganathan đã miễn cưỡng chấp nhận vị trí quản lý thư viện Đại học Madras vào năm 1924, và chỉ trong vài tuần, ông đã không thể chịu nổi sự nhàm chán của vị trí mới và đề nghị được trở lại với vai trò giáo sư toán học của mình trước đây.

Một thỏa thuận đã được đưa ra khi Ranganathan được đề nghị tham gia một khóa học về thực hành thư viện ở phương Tây tại Đại học College London- nơi duy nhất đào tạo sau đại học về khoa học thư viện ở Anh- và nếu sau khi hoàn thành khóa học, ông vẫn không muốn tiếp tục sự nghiệp thư viện thì có thể trở lại với vị trí cũ.

Mặc dù điểm số của ông tại khóa học chỉ trên mức trung bình, nhưng với  kiến thức toán học của mình, ông đã nhận thấy những vấn đề sai sót trong hệ thống phân loại thư viện thời đó. Và đây cũng chính là tiền đề giúp cho Ranganathan xây dựng nên hệ thống phân loại Colon khi ở Anh, và khi về nước ông đã dành mối quan tâm lớn cho sự nghiệp thư viện cũng như nhận ra tầm quan trọng của thư viện đối với đất nước Ấn Độ.

Ranganathan đã trở thành quản lý thư viện tại Đại học Madras trong hai mươi năm. Trong thời gian đó, ông đã có vai trò lớn trong việc thành lập Hiệp hội Thư viện Madras, và là người vận động tích cực trong quá trình xây dựng các thư viện công cộng miễn phí và tạo ra một thư viện quốc gia toàn diện. Cũng trong thời gian này, ông đã phát minh ra hai di sản nổi tiếng toàn thế giới. Đó là Năm điều luật của khoa học thư viện (1931) và Hệ thống phân loại Colon (1933).

Năm điều luật của khoa học thư viện đã chi tiết hóa các nguyên tắc hoạt động của một hệ thống thư viện, và được rất nhiều cán bộ thư viện trên thế giới xem như nền tảng triết lý cho nghề nghiệp của mình. Đó là:

  1. Mỗi cuốn sách là để sử dụng
  2. Mỗi người đều có cuốn sách của riêng họ.
  3. Mỗi cuốn sách đều có người đọc
  4. Tiết kiệm thời gian của người đọc
  5. Thư viện là một sinh vật phát triển

Điều luật cơ bản đầu tiên: Mỗi cuốn sách là để sử dụng

Một điều luật tưởng chừng đơn giản trong thời hiện đại, song lại mang tính đột phá về cách nghĩ đối với chức năng của thư viện thời bấy giờ. Trước khi công nghiệp in ấn được ra đời, việc xuất bản một tài liệu còn hết sức khó khăn, để sao chép một cuốn sách mất hàng năm, thậm chí có ý kiến còn cho rằng nếu muốn nhân bản bộ sử thi Mahabharata nổi tiếng của Ấn Độ phải mất một đời người. Trong điều kiện như vậy, hầu hết tài liệu được đưa vào thư viện đều nhằm mục đích lưu trữ, gần như bị “xiềng xích’ trên giá, trong kho của thư viện, và được quan niệm rằng “Sách là để bảo quản”.

Một trong những giải pháp mà tác giả của điều luật đưa ra nhằm giải quyết việc tài liệu có thể bị hao mòn hư hỏng trong quá trình sử dụng đó là thu phí mượn tài liệu của bạn đọc, và dần tiến đến sử dụng miễn phí khi việc nhân bản tài liệu đã dễ dàng hơn.

Trong điều luật này Ranganathan còn đặc biệt nhấn mạnh đến vị trí của thư viện. Những nhà lãnh đạo đều cho rằng thư viện cần đặt ở ngoại thành, nhằm tránh khói bụi làm hư hỏng tài liệu. Tư tưởng này trên thực tế cũng được sinh ra từ quan niệm “Sách là để bảo quản” đã tồn tại từ lâu nay. Song Ranganathan đã chỉ ra rằng, việc đặt thư viện tại một vị trí trung tâm trong thành phố mới thực sự cần thiết, và chính điều này sẽ đóng vai trò trợ giúp cho tư tưởng “Sách là để sử dụng” của ông. Trong thời kỳ đầu thế kỷ 20, đây là một bước tiến vượt bậc của Ranganathan trong việc thay đổi quan niệm của mọi người đối với thư viện nói chung và tài liệu trong thư viện nói riêng.

Điều luật thứ 2: Mỗi người đều có cuốn sách của riêng họ

Điều luật này hướng tới xu thế của một thư viện hiện đại, nơi mà mọi thành viên trong xã hội đều có thể sử dụng kho tài liệu như một công cụ hỗ trợ học tập và nghiên cứu. Để có được kết quả như vậy không chỉ là nghĩa vụ của thư viện, thủ thư mà còn cả đội ngũ đông đảo bạn đọc. Người thủ thư sẽ đóng vai trò cầu nối bạn đọc và thư viện, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong việc hướng bạn đọc đến nguồn tài liệu phong phú. Đây là quan niệm mới mang tư tưởng tiến bộ của Ranganathan trong thời kỳ đó. Bởi theo những suy nghĩ cũ, cán bộ thư viện chỉ có trách nhiệm thu thập, lưu trữ, bảo quản tài liệu trong thư viện. Việc bạn đọc đến thư viện chủ yếu mang tính tự phát, không có sự hướng dẫn, giới thiệu từ thư viện. Từ ý tưởng này, Ranganathan cho rằng thư viện cần thúc đẩy việc quảng cáo dịch vụ của mình một cách rộng rãi để thu hút độc giả, đồng thời có những hoạt động phổ biến, đào tạo người dùng tin. Thư viện cũng cần có các chính sách bổ sung phù hợp, tạo nên các bộ sưu tập tài liệu có chất lượng, và đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng. Nguyên tắc này giúp cho việc thúc đẩy tính chủ động của bạn đọc cũng như thủ thư, tạo ra sự tương tác giữa người dùng và cầu nối với nguồn tài nguyên của thư viện.

Điều luật thứ ba: Mỗi cuốn sách có người đọc của nó

Điều luật này hướng đến một hệ thống truy cập mở, cùng với các thiết bị liên quan như cách sắp xếp tài liệu trên giá, các bản thư mục phục vụ tra cứu, các hệ thống tham khảo. Ông chỉ ra rằng, với thiết lập các kho tài liệu mở, việc tiếp cận trực tiếp đến các kho sách, giá sách sẽ đưa tài liệu tới gần người đọc hơn, cũng như mở ra cơ hội để độc giả có thể tự tìm kiếm tài liệu họ cần.

Ngoài ra, việc tài liệu được phân loại và sắp xếp theo những chủ đề cơ bản là vấn đề được nhấn mạnh trong điều luật thứ 3 này. Việc xếp giá tài liệu theo khổ cỡ hay theo tên tác giả như các quy tắc cũ sẽ không xác định được đối tượng độc giả, hơn nữa còn khiến cho tài liệu nằm “chết” trên giá hàng năm trời. Bên cạnh đó, theo Ranganathan, thư viện cần lập ra các bản thư mục, trong đó liệt kê những thông tin cơ bản về tài liệu, nhằm trợ giúp cho bạn đọc trong quá trình tìm kiếm.

Điều luật thứ 3 này đã đưa ra quan điểm mới về phương thức hoạt động của thư viện, nâng cao tính chủ động của cả thủ thư và người dùng tin, giúp bạn đọc trực tiếp tiếp cận được tài liệu.

Điều luật thứ tư: Tiết kiệm thời gian cho bạn đọc

Dịch vụ thư viện là nội dung mà điều luật thứ 4 này đề cập. Ông đưa ra con số về thời gian chờ đợi của bạn đọc khi được cầm trên tay tài liệu mình cần, ở một thư viện với tổ chức kho đóng truyền thống là khoảng 30 phút, và chỉ ra rằng với số lượt bạn đọc đến thư viện ngày một nhiều thì khoảng thời gian bị lãng phí sẽ là khổng lồ. Giải pháp dành cho vấn đề này, ngoài việc tổ chức kho mở phục vụ bạn đọc, ông còn gợi ý về vị trí xếp đặt các loại hình tài liệu, trong đó các tài liệu mang tính tham khảo như các bản thư mục, các tài liệu tra cứu, bách khoa thư, tài liệu chỉ dẫn… cần được đặt gần quầy thủ thư để bạn đọc ngay lập tức có thể sử dụng mà không cần chờ đợi. Ngoài ra, việc gắn các thẻ chỉ dẫn lên các giá sách, các bảng chủ đề lên các khu vực tài liệu cũng là phương pháp được Ranganathan đưa ra.

Một điều nhấn mạnh mà tác giả đề cập trong điều luật này là vai trò của cán bộ thư viện. Ông đánh giá một nhân viên thư viện xuất sắc không chỉ có kỹ năng hỗ trợ tham khảo mà còn bao gồm cả các kỹ năng như bổ sung tài liệu, xử lý kỹ thuật và lưu thông tài liệu.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người dùng tin, Ranganathan còn khuyến cáo thư viện phát triển các dịch vụ cũng như những phương pháp kinh doanh phù hợp nhằm cải thiện hoạt động của thư viện, thoát khỏi những định kiến về sự nhàm chán.

Điều luật thứ 5: Thư viện là một tổ chức phát triển

Yếu tố phát triển trong điều luật này được hiểu theo nghĩa tổ chức đó có phương thức làm việc mới, thay thế dần những qui trình truyền thống. Điều này sẽ dẫn tới một thư viện năng động hơn trong quá trình phục vụ, tạo sự chủ động cho cả người đọc và cán bộ thư viện trong hoạt động trao đổi thông tin.

Sự tăng trưởng về kích cỡ bộ sưu tập và các hệ thống tra cứu cũng là vấn đề tác giả đặt ra trong điều luật này. Trong đó, đi đôi với việc bổ sung tài liệu, các hệ thống tra cứu cũng cần được gia tăng về độ chi tiết, việc sắp xếp tài liệu cũng phải mang tính khoa học, căn cứ vào đối tượng bạn đọc của từng loại hình thư viện khác nhau

Vai trò của con người trong quá trình phát triển là không thể thay thể được. Đội ngũ nhân viên của một thư viện không chỉ cần thay đổi về số lượng cùng với sự phát triển của thư viện, mà còn cần được đào tạo bài bản, hiểu rõ được vốn tài liệu của thư viện cũng như có kinh nghiệm trong việc xây dựng các công cụ hỗ trợ bạn đọc.

Những ý tưởng của Ranganathan trong 5 điều luật về khoa học thư viện của ông, vào thời kỳ đầu thế kỷ 20 là một bước tiến vượt bậc, làm thay đổi những quan niệm cũ về vai trò và chức năng của thư viện. Và có thể nói, những điều luật  này đã trở thành kim chỉ nam cho các thư viện và thủ thư trên thế giới, mở ra tiền đề cho sự phát triển của các điều luật áp dụng cho các hệ thống thông tin hiện đại sau này.

 

Bài: Th.s Chu Vân Khánh

Khoa Thư viện Thông tin 

 

Admin3

hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0