25/05/2018, 17:51

Giải pháp xây dựng mô hình thư viện trường học thân thiện cho học sinh tiểu học

Trong bản ghi nhớ về vấn đề Học tập suốt đời của Ủy ban Châu Âu thì “mọi người cần phải được trang bị các kỹ năng học hỏi, thích ứng với sự thay đổi và hiểu được quá trình luân chuyển của các dòng thông tin”. Điều này cũng khẳng định, mọi người sống trong một thế giới hiện ...

 
Trong bản ghi nhớ về vấn đề Học tập suốt đời của Ủy ban Châu Âu thì “mọi người cần phải được trang bị các kỹ năng học hỏi, thích ứng với sự thay đổi và hiểu được quá trình luân chuyển của các dòng thông tin”. Điều này cũng khẳng định, mọi người sống trong một thế giới hiện đại, luôn chuyển động như hiện nay, sựhình thành năng lực, kỹ năng của con người đều phải thông qua quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin. Trong các phương tiện hỗ trợ con người thực hiện quá trình ấy, sách, tài liệu là một trong những phương tiện hữu ích nhất. Có thể nói không quá rằng sự hình thành đạo đức, phẩm giá và nhân cách con người một phần là do đọc sách. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nói về nguồn gốc của văn chương là “lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài”. Văn chương hướng con người tới Chân Thiện Mỹ, giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích cho xã hội.Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, sự tác động của văn hóa đọc với sự hình thành cá tính và nhân cách ở  lứa tuổi thiếu nhi (từ 5- 14 tuổi) đặc biệt là lứa tuổi học sinh tiểu học (7- 11 tuổi)là rất mạnh mẽ. Do ở lứa tuổi đó, các em còn chưa tự định hướng trong tiếp nhận thông tin nên việc sử dụng và biến sách báo tài liệu trở thành công cụ và phương tiện để giáo dục là việc làm hữu ích và đem lại hiệu quả to lớn. Tuy nhiên một thực trạng hiện nay là trẻ em đang bị chi phối bởi rất nhiều các phương tiện và văn hóa nghe nhìn khiến chúng trở nên không còn hứng thú với việc đọc sách. Việc cấm các em sử dụng các thiết bị hiện đại với ý nghĩ việc làm đó thúc đẩy hứng thú đọc sách (do không có gì để chơi) nhiều khi lại phản tác dụng. Điều chúng ta nên làm hơn để thúc đẩy nhu cầu và hứng thú đọc sách cho các em lứa tuổi tiểu học là tạo ra môi trường đọc sách hiện đại, thân thiện, biến những cuốn sách và thư viện trở thành thú vị, dần dần xây dựng xã hội đọc sách và cao hơn là xã hội học tập.

Trên bình diện thư viện trường học, việc xây dựng môi trường đọc sách gần gũi thân thiện trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Làm sao để các thư viện trường tiểu học lâu nay vẫn bị ví với “kho tàng sách bụi bặm” có thể phát huy vai trò hỗ trợ giáo dục đào tạo, trở thành những nơi chốn thú vị, không chỉ kích thích đọc sách mà còn là môi trường khơi gợi sự sáng tạo, công cụ góp phần hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh tiểu học đã và đang là những trăn trở của các nhà quản lý giáo dục.

1. THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN VÀ MỘT SỐ MÔ HÌNH THƯ VIỆN THÂN THIỆN HIỆN NAY

Khái niệm thư viện trường học được đề cập đến trong Pháp lệnh thư viện “thuộc hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành, loại hình thư viện nhà trường và các cơ sở giáo dục khác”. Đây là loại hình thư viện có số lượng nhiếu nhất hiện nay. Thực tế cho thấy chỉ tính riêng thủ đô Hà nội đã có tới hơn 2500 cơ sở giáo dục và có tới già một nửa trong số đó có thư viện trường học đạt chuẩn. Số liệu trên cho thấyhọc sinh tiểu học tiếp xúc nhiều nhất với thư viện trường học và hoàn toàn có thể khẳng định sự tác động mạnh mẽ của thư viện trường học tới quá trình hình thành nhân cách cho học sinh tiểu học.
Khái niệm thư viện trường học thân thiện được đề cập đến trong khá nhiều bài viết của các tác giả. Khái niệm xuất phát từ các phòng trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà các sở giáo dục các tỉnh, thành phố phát động. Trong các hướng dẫn của các sở giáo dục các tỉnh thành phố (mà đi đầu là thành phố Hà nội) đều đề ra các chương trình mục tiêu xây dựng thư viện trường học chuẩn hóa, thân thiện, hiện đại. Vậy thư viện trường học than thiện được hiểu như thế nào? Trong từ điển Tiếng Việt của nhà xuất bản Giáo dục năm 2002 thì “thân thiện có nghĩa là có tình cảm tốt, đối xử tử tế với nhau (VD thái độ thân thiện, ứng xử thân thiện )”. Trong cụm khái niệm thư viện trường học thân thiện cần phải được hiểu theo nghĩa rộng có nghĩa là sự ứng xử thân thiện không chỉ trong quan hệ người – người mà còn là sự ứng xử thân thiện giữa con người với con người và với cả môi trường xung quanh, xã hội. Khái niệm thư viện trường học thân thiện được xây dựng dựa trên hướng tiếp cận của mô hình trường học thân thiện lấy quyền trẻ em là nền tảng cho mọi hoạt động. có thể hiểu thư viện trường học thân thiện được hiểu là bao hàm những ý nghĩa sau:
Thứ nhất: đó là một không gian học tập mở, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thong tin, xây dựng thói quen đọc sách
Thứ hai: thư viện tạo điều kiện và để học sinh tích cực tham gia các hoạt động của thư viện
Thứ ba: thư viện đến với người sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả
Thứ tư:hỗ trợ cho việc dạy học tích cực, dạy và học mọi lúc, mọi nơi
Thứ năm: thư viện góp phần phát triển mối quan hệ thân ái, cởi mở tích cực giữa các đối tượng trong thư viện.

Hiện nay vấn đề xây dựng thư viện trường học thân thiện được đặt ra và trải dài ở hầu hết các tỉnh, thành phố và bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định. Cụ thể các mô hình thư viện trường học thân thiện thuộc dự án do tổ chức phi chính phủ Room to Read (Mỹ) tài trợ hoặc do tổ chức trẻ em và phát triển của Bỉ cũng đã được triển khai ở 14 tỉnh miền núi phía bắc (trong khuôn khổ dự án: cộng đồng dân tộc vì trẻ em). Theo các tác giả và tổ chức lập dự án trên, thư viện trường học thân thiện  được hiều là mô hình thư  viện mở, các hình thức tổ chức phong phú, đáp ứng yếu tố vùng miền và điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Ở nước ta hiện nay đang tồn tại các hình thức thư viện trường học thân thiện sau:
Thư viện trường học đa chức năng: ngoài chức năng phục vụ đọc sách, thư viện còn tạo cho trẻ em phát triển tiềm năng của mình một cách tự do, đó là không gian học tập đa chức năng với các góc học tập khác nhau. Ví dụ thư viện có thể xây dựng các góc học tập (gồm cả sách về chủ đề, các mô hình, trò chơi….) như góc sáng tạo : gồm sách khoa học, mô hình máy bay, ô tô, các vật dụng thí nghiệm, các dụng cụ và vật liệu sáng tạo mô hình; góc văn hóa – nghệ thuật gồm sách về văn hóa, nghệ thuật, trang phục truyền thống, băng đĩa nhạc, ẩm thực dân gian, ảnh, tranh vẽ… Mô hình thư viện thân thiện này rất phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học, mang lại cho các em nhiều lợi ích đọc sách. Trong từng góc thư viện học sinh có thể tham gia các hoạt động đa dạng, phong phú, có điều kiện để phát triển tiềm năng của mình. Mô hình cũng phù hợp với tiêu chí giáo dục toàn diện của ngành giáo dục đào tạo hiện nay.Tuy vậy, cũng nhận thấy nhược điểm của mô hình này cần một cơ sở vật chất tương đối tốt, vốn tài liệu phong phú đa dạng.thưviện đa chức năng cũng cần những thủ thư phải am hiểu nhiều lĩnh vực, các giáo viên – thư viện viên cần có ký năng tổ chức lớp học, hướng dẫn các em trong việc xây dựng và chơi – học – đọc tại các góc học này. Chủ điểm của các góc học cũng cần đổi thường xuyên, định kỳ phù hợp với các giai đoạn phát triển của thiếu nhi.
Thư viện góc lớp: là các giá, tủ để sách để cuối lớp thuận tiện cho các em tìm đọc. Mô hình này bắt nguồn với phương châm học sinh có thể đọc sách bất kỳ lúc nào có thời gian rỗi, không cần xuống thư viện vẫn có thể đọc sách, học sinh có thể đọc sách trong giờ giải lao, giáo viên đứng lớp là người hướng dẫn đọc, học sinh tự quản lý tủ sách của lớp mình đồng thời nâng cao vai trò của công tác xã hội hóa thư viện (các em học sinh có thể mang sách của mình đến lớp, tra đổi cho nhau để đọc). Tuy nhiêm , mô hình cũng đòi hỏi có một lượng vốn tài liệu tương đối vì tối thiểu phải đáp ứng được 2 cuốn sách/ học sinh. Ngoài ra việc luân chuyển sách giữa tủ sách các lớp cũng rất cần thiết.
Thư viện ngoài trời (thư viện xanh) sách được để trong các giỏ, túi treo dướitán cây xanh, hành lang lớp học, gầm cầu thang… mô hình thư viện ngoài trời có thể tận dụng được các khoảng không xanh còn trống của nhà trường, không đòi hỏi nhiều về phòng đọc, chỗ đọc tuy nhiên lại yêu cầu sự tự giác cao của học sinh trong giữ gìn sách. Hơn nữa, sách để ngoài trời cũng rất chóng bị hư hại, việc luân chuyển sách cũng phải diễn ra thường xuyên nếu không sẽ bị phản tác dụng.
Thư viện lưu động: sách được để trong các thùng, hộp có bánh xe đẩy đi khắp sân trường giúp học sinh có thể tiếp cận gần gũi với sách tuy nhiên việc bảo quản và quản lý sách cũng gặp khó khăn và sách cũng cần được luân chuyển, đổi mới liên tục mới có thể thu hút học sinh.
Theo tác giả, xây dựng các mô hình thư viện trường học nào trong các mô hình trên cần tùy thuộc vào điều kiện vùng miền, các đặc trưng của địa phương và điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị của từng thư viện.

2. NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN

Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là cơ sở vật chất của thư viện trường học. Trong điều kiện hiện nay, một trường tiểu học trang bị được phòng thư viện đa chức năng riêng đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị khá hiện đại, nếu không rất khó thu hút học sinh vào thư viện. Nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, các lớp học lên tới 50 – 60 học sinh, phải học thay ca, chạy lớp vì thiếu phòng học, thiếu phòng bán trú thì việc bố trí một phòng riêng cho thư viện là khó khả thi. Lớp học quá chật khiến không thể xây dựng mô hình thư viện góc lớp. các trường tiểu học ở các địa phương khác thì còn quá thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất trang thiết bị. Việc triển khai các mô hình thư viện thân thiện dù theo mô hình nào cũng cần đầu tư về cơ sở vật chất tuy không nhiều nhưng phải đủ là một trong những khó khăn, thách thức đối với các thư viện trường học hiện nay.
Khó khăn thứ hai là nhận thức của lãnh đạo các nhà trường và đội ngũ giáo viên. Cần thay đổi suy nghĩ của lãnh đạo nhà trường  là thư viện đạt chuẩn sau đó đóng cửa thư viện khiến thư viện trở thành nhà kho chứa sách, nếu có đoàn kiểm tra lại mở cửa để kiểm tra rồi lại đóng cửa. Đối với đội ngũ giáo viên cần thay đổi cách nhìn và suy nghĩ về thư viện coi giờ thư viện là giờ lấp chỗ trống. Một số giáo viên còn chưa có hứng thú và kỹ năng đọc khiến việc truyền đạt niềm say mê đọc sách cho các em học sinh còn nhiều bất cập. Để thực hiện các mô hình thư viện trường học, mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp phải trở thành người truyền cảm hứng đọc cho học sinh.
Khó khăn tiếp theo phải kể tới là trình độ cán bộ thư viện trường học còn chưa đạt. Hiện nay trong các trường đào tạo cán bộ thư viện chưa đào tạo cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp, khiến nhiều cán bộ thư viện không thể và không có khả năng lên lớp trong giờ thư viện dẫn tới sự kém chủ động trong việc giới thiệu sách và thu hút bạn học sinh lên thư viện. Trong khi đó chế độ chính sách, những ưu đãi dành cho cán bộ thư viện trường học còn nhiều bất cập. Nhiều trường học chỉ coi thư viện là công cụ để đạt chuẩn quốc gia, nếu đạt chuẩn rồi thì không còn quan tâm tới hoạt động của thư viện nữa khiến cán bộ thư viện rơi vào tâm trạng chán nản, không muốn triển khai xây dựng các dự án thư viện hoặc cải tiến thư viện, làm giảm vai trò và giá trị giáo dục của thư viện.
Khó khăn cuối cùng là từ phía học sinh và cha mẹ học sinh.Đối với học sinh, chuẩn đầu ra của các lớp học khiến các em luôn bị áp lực trong việc học tập.Thêm vào đó, sự chi phối của các phương tiện truyền thông, giải trí hiện đại khiến các em không còn mặn mà với việc đọc sách. Đối với phụ huynh nhiều phụ huynh học sinh không con em mình có thời gian đọc sách vì còn phải học bồi dưỡng, học nâng cao.
Trước những khó khăn nêu trên, việc xây dựng thư viện trường học thân thiện và duy trì hoạt động của các thư viện đó một cách ổn định là công việc không hề dễ. Tuy nhiên trước vai trò to lớn của thư viện trường học đối với giáo dục và đào tạo cũng như vai trò của văn học đọc trong việc hình thành nhân cách cho thiếu nhi, các thư viện trường học vẫn cần phải tìm ra những lối đi riêng trong việc đưa sách và văn hóa đọc tới gần hơn thiếu nhi.

3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC THÂN THIÊN HIỆN NAY

Thứ nhất cần có biện pháp nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo các nhà trường về vai trò của thư viện trường học thân thiện và văn hóa đọc trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó cần có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất cho thư viện trường học để duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cán bộ thư viện trường học cần được đảm bảo các chế độ đãi ngộ và được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các thư viện trường học tiên tiến ở trong và ngoài nước. Cán bộ thư viện trường học cũng cần được trau dồi các kỹ năng nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi, thuyết phục và định hướng đọc, kể chuyện… giúp cho quá trình hình thành và phát triển hứng thú đọc, kỹ năng đọc và nhu cầu đọc của học sinh.
Thứ hai việc lồng ghép văn hóa đọc trong các phần bài giảng của giáo viên  chủ nhiệm rất quan trọng: ví dụ giáo viên có thể yêu cầu các em học sinh viết những cảm nhận về cuốn sách mình đọc trong các giờ sinh hoạt chung, yêu cầu học sinh tự tìm kiếm tư liệu phục vụ các chủ đề của bài học,… điều này yêu cầu mỗi giáo viên phải là một tấm gương đọc sách, những người truyền cảm hứng đọc cho các em học sinh.  
Thứ ba các hình thức của thư viện trường học cần được thay đổi thường xuyên, tránh cho học sinh bị nhàm chán; ví dụ: thư viện góc lớp, thư viện cây xanh, thư viện đa năng, thư viện tự quản, giờ kể chuyện tại thư viện, sân khấu hóa các hình thức đọc sách, tổ chức thi kể chuyện, thi đọc sách…giải pháp này đòi hỏi cán bộ thư viện trường học phải có kỹ năng hướng dẫn, tuyên truyền, khơi dậy trí tò mò và sự sang tạo của học sinh đồng thời phải không ngừng đổi mới phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của thư viện và nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý theo lứa tuổi của học sinh.
Thứ tư, về vốn tài liệu thư viện trường học cần được bổ sung thêm các loại hình sách, báo, tạp chí phục vụ mục đích đọc giải trí cho học sinh bởi đây là một trong những kênh tài liệu thu hút sự quan tâm của nhiều em. Tác giả thiết nghĩ cần đổi mới cách nghĩ rằng thư viện trường học là thư viện chuyên ngành, chỉ có 3 loại hình tài liệu cố định mà nên coi thư viện trường học là loại hình thư viện thiếu nhi tuy nhiên có chút đặc thù là phục vụ cả các loại tài liệu phục vụ học tập. Với những thư viện được đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị có thể bổ sung thêm các loại hình sách điện từ, các máy tính nối mạng và các công cụ, giáo cụ khác biến thư viện trở thành nơi học tập, giải trí, sáng tạo đa phương tiện, làm được điều đó mới có thể thu hút các em học sinh tới thư viện.
Thứ năm, trong bố trí thư viện cần dẹp bỏ các bố trí “đóng” mà cần bố trí theo hướng “mở”, tức là làm sao để việc đọc sách ở thư viện gần gũi và thân thuộc như đọc sách ở nhà. Điều này đòi hỏi thư viện phải có không gian xanh, thoáng mát, trong lành, không nhất thiết phải quá nghiêm trang mà cần tạo môi trường đọc – học thân thiện. Thư viện có thể trang trí theo các chủ đề khác nhau theo từng thời điểm trong năm (ví dụ như chủ điểm trung thu, noel, tết nguyên đán, quốc tế phụ nữ…) điều này tạo cho các em học sinh niềm hứng khởi mỗi khi bước vào thư viện là bước vào khu vườn tri thức đầy màu sắc.
Thứ sáu, phương thức hoạt động của thư viện cũng cần có sự thay đổi theo hướng tích cực và thân thiện như: kho tài liệu là kho mở, phân loại theo mã mầu, đưa học sinh tham gia các khâu hoạt động của thư viện như cho mượn tài liệu, hướng dẫn bạn bè tra tìm tài liệu, tang cường các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn đọc thông qua các cuộc thi tìm hiều về sách, câu lạc bộ đọc sách… việc làm này nâng cao tinh thần tự giác của các em, đồng thời kích thích nhu cầu và hứng thú đọc của học sinh.
Thứ bảy, thư viện cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, hội như hội cha mẹ học sinh, liên chi đội, các thầy cô giáo trong nhà trường trong công tác xã hội hóa thư viện. Công tác xã hội hóa thư viện trường học cần được thực hiện và triển khai dưới nhiều góc độ. Hiện nay xã hội hóa thư viện trường học phổ biến nhất là hình thức vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây dựng thư viện. tuy vậy, phương pháp xã hội hóa này không hẳn là không tốt tuy nhiên phần lớn các sách đóng góp cho thư viện trường đều là sách truyện tranh ít giá trị, sách không theo chủ đề và trùng lặp nhiều. Công tác xã hội hóa thư viện trường học theo tác giả nên có những kế hoạch, dự án và phương pháp mới để làm nổi bật được ý nghĩa của công tác này.
Các giải pháp này cần thực hiện đồng bộ nhằm tăng cường vai trò và chất lượng trong hoạt động của thư viện. Theo tác giả để thư viện trưởng học thân thiện, đạt chuẩn và gần gũi, thu hút đông đảo học sinh cần có sự thay đổi không chỉ từ cái vỏ bề ngoài của các thư viện trường học mà cần có sự thay đổi từ bên trong, ví như thay đổi về suy nghĩ của các cấp lãnh đạo, giáo viên, cán bộ thư viện trường học và bản thân gia đình và học sinh./.
Tài liệu tham khảo:
  1. Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông  ban hành kèm quyết định 01/2003/ QĐ – BGDĐT
  2. Nguyễn Hữu Viêm. Văn hóa đọc và sự phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam
  3. Vũ Dương Thúy Ngà. Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở thủ đô Hà Nội.
  4. Việt Nhân. Văn hóa đọc cho thiếu nhi bắt đầu từ người lớn
  5. Hướng dẫn công tác thư viện trường học năm học 2013 – 2014 của sở Giáo dục Hà Nội
 
Bài và ảnh: Phạm Thị Phương Liên
 
 
Admin3
0