Chuyến đi khảo sát Thư viện Trường Đại học FPT
(ĐHVH) – Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, sáng ngày 17/01/2013, một đoàn khảo sát của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đã lên đường đến thăm quan, học tập kinh nghiệm tổ chức thư viện tại Thư viện Trường Đại học ...
(ĐHVH) – Để chuẩn bị cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, sáng ngày 17/01/2013, một đoàn khảo sát của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đã lên đường đến thăm quan, học tập kinh nghiệm tổ chức thư viện tại Thư viện Trường Đại học FPT Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Nhóm công tác gồm: Ths. Nguyễn Bích Ngân – Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện; Ths. Hà Thị Bích Thuỷ – Phó giám đốc TTTTTV; Ths. Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Trưởng Khoa Thư viện Thông tin; Ths. Phạm Thành Tâm – Chủ nhiệm bộ môn Thông tin học; Ths. Trương Đại Lượng – Chủ nhiệm bộ môn Thư viện học, Giảng viên Khoa Thư viện Thông tin.
Sau 30 phút xe chạy dọc theo đại lộ Thăng Long với khoảng cách 30 km từ trung tâm Hà Nội chúng tôi đã đến Trường Đại học FPT. Trường nằm trên một khu đất rộng 30 ha trong Khu công nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc. Điều ấn tượng đầu tiên với chúng tôi đó là khu quảng trường trước cổng trường với biển hiệu tên Trường Đại học FPT bằng tiếng Anh (FPT UNIVERSITY) cao hơn 3 m, dài 50 m, thay cho một phần hàng rào bao quanh mặt tiền của trường.
Cổng Trường Đại học FPT
Tại cổng trường, với sự giới thiệu và đón tiếp của Giám đốc Thư viện Trường Đại học FPT – Ths. Hoàng Thu Hương, anh bảo vệ đã nhanh chóng mở cửa và cấp cho chúng tôi mỗi người 01 thẻ khách để có thể ra vào thăm quan các khu làm việc, học tập trong khuôn viên Trường Đại học FPT. Tại đây, mỗi cán bộ và sinh viên muốn ra vào đều phải xuất trình thẻ sinh viên của nhà trường để thuận tiện cho việc quản lý.
Theo giới thiệu của chị Hoàng Thu Hương, chúng tôi được biết hiện Trường Đại học FPT đã hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng trường trên diện tích 9,1 ha với các hạng mục: Tòa nhà Giảng đường 4 tầng và Thư viện; Hai ký túc xá 5 tầng; Khu học Vovinam; Sân Trượt băng; Sân bóng đá cỏ nhân tạo; Toàn bộ không gian bên ngoài như: Biển Trường, đường dạo, Quảng trường, đường chính rộng 30m, cây xanh, vườn cỏ, điện, nước đã được hoàn thiện.
Chụp ảnh lưu niệm trước cửa Thư viện
Ngay trước cửa Thư viện và Khu Giảng đường được đặt trang trí một chiếc trống đồng đúc theo khuôn mẫu trống đồng Đông Sơn đẹp mắt. Theo hướng dẫn của chị giám đốc, chúng tôi đến khu vực Thư viện với diện tích 300 m2 được bao quanh bằng lớp kính trong suốt ngăn cách thay cho việc sử dụng vách tường vôi khô cứng. Một mặt lớn của thư viện hướng ra bờ hồ thoáng đãng, lãng mạn, một mặt nhỏ hơn hướng ra khu trung tâm của trường. Đây quả là một vị trí đắc địa, đẹp nhất trường dành cho khuôn viên thư viện. Theo thông tin chị Hương cung cấp, giai đoạn tiếp theo nhà trường sẽ đầu tư xây dựng một toà nhà nhiều tầng rất lớn dành riêng cho thư viện, lớn gấp nhiều lần diện tích hiện tại.
Cửa ra vào với cổng từ kiểm soát tài liệu
Qua lớp kính trong suốt được trang trí dán thẩm mỹ mờ các chữ “thư viện” bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật,… (khoảng 1 m từ dưới lên), chúng tôi cũng nhận thấy những màu chủ đạo mà thư viện sử dụng đó là mầu trắng, đen và màu cam – đây là màu chủ đạo trong toàn trường, tạo nên phong cách FPT. Bước qua cổng kiểm soát là khu quầy giao dịch mượn, trả tài liệu (khoảng 10 m) và làm thủ tục của cán bộ thư viện với người sử dụng dịch vụ thư viện. Đối diện với quầy mượn, trả cách 3m là hàng ghế giả da lịch sự dành cho người sử dụng ngồi chờ trong quá trình giao dịch hoặc đợi tới lượt mình được phục vụ.
Bàn quầy giao dịch mượn trả tài liệu
Khu vực dành cho khách hoặc bạn đọc chờ tới lượt giao dịch
Phòng đọc chính với sức chứa gần 100 chỗ ngồi có bàn cố định và 80 chỗ ngồi tự do, 12 dãy giá đựng tài liệu (ghép lại từ hơn 50 giá sách đơn) được thiết kế và bố trí theo phong cách hiện đại. Bàn ghế cách điệu, kết hợp sự pha màu hợp lý làm cho khuôn viên phòng đọc như bừng sáng và có nhiều điểm nhất tạo không gian sinh động, mềm mại, tạo cảm giác tự do, không cứng nhắc và khô khan.
Phòng đọc trung tâm của thư viện
Mặt lớn hướng ra hồ tận dụng khoảng ánh sáng tự nhiên
Mặt nhỏ của thư viện hướng ra cổng chính và khu Ký túc xá
Để tạo ấn tượng cho người sử dụng, “khu vực động” được thiết kế tạo không gian sống động với “cây tri thức” và một số mẫu bàn lục giác một chân vững trãi, ghế tròn tạo dáng phong cách nhiều mầu có thể tách rời hoặc ghép lại với nhau.
Bàn ghế tại "khu vực động" theo phong cách FPT
Cụm bàn, ghế có thể tách rời linh hoạt
Bàn ghế được phối màu sinh động
Khu vực giá đựng tài liệu được bố trí phía giữa phòng đọc nhằm thuận tiện trong việc bạn đọc di chuyển, lựa chọn tài liệu từ giá đến khu vực đọc của mình một cách ngắn nhất. Đồng thời tránh được ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào tài liệu, đây là một nguyên nhân làm hư hại, giảm tuổi thọ của tài liệu. Hơn nữa, việc bố trí bàn đọc bao quanh khu vực chứa tài liệu, ngoài việc tạo thuận lợi di chuyển lấy tài liệu còn tận dụng ánh sáng mặt trời để học và đọc, tiết kiệm năng lượng điện.
Mô hình "Cây tri thức" sắp được chuyển đến Thư viện
Giá đựng tài liệu báo tạp chí nghệ thuật sắp được chuyển đến
Giá sách được bố trí ở vị trí trung tâm phòng đọc
Giá sách có khoảng cách với kính là 4 m để tránh ánh nắng mặt trời
Giá sách được thiết kế thoáng, phối màu đẹp, trang nhã
Khu vực quầy mượn trả được kết hợp với các công việc xử lý nghiệp vụ tài liệu, với nhiều giá đựng, trang thiết bị nghiệp vụ hiện đại. Cán bộ thư viện năng động và nhiệt tình, trong đó phần lớn tốt nghiệp từ Khoa Thư viện Thông tin Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
Cán bộ thư viện dán chỉ từ kiểm soát cho tài liệu sách
Thiết bị nạp và khử từ cho việc kiểm soát tài liệu
Thư viện Trường Đại học FPT hiện có hơn 60.000 tài liệu là sách giáo khoa và sách chuyên khảo bằng tiếng Anh, Trung, Nhật… trong đó chỉ có duy nhất sách triết học là bằng tiếng Việt. Thư viện có hơn 20 loại báo, tạp chí và nhiều bộ sưu tập là đĩa CD, VCD, DVD phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu chuyên sâu.
Ngoài việc sử dụng các dịch vụ tại thư viện, người dùng tin tại Thư viện Trường Đại học FPT có thể sử dụng các nguồn tài nguyên số tại các cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước mà Thư viện đã mua quyền truy cập với các tên nhà xuất bản uy tín như: ZATZ Publishing, Wrox Press, Wordware Publishing, Visibooks; LLC., The MIT Press, Jons & Willey … ITPro và FinancePro/ Books24x7 có thể giúp bạn đọc hiểu sâu về các thuật ngữ IT, các bài nghiên cứu sâu,… hay cả những tài liệu có tính chất từ điển (bibble), những vấn đề khác liên quan đến hướng tiếp cận công nghệ thông tin đa chiều. Bên cạnh đó là những cuốn sách cập nhật mới nhất liên quan đến tài chính-ngân hàng như: phân tích cơ hội đầu tư, bảo hiểm, kiểm toán, lập kế hoạch kinh doanh, các vấn đề về thuế, quản lý rủi ro…
Sau khi thăm quan thư viện, chị Hương mời chúng tôi đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại Phòng họp. Qua buổi trao đổi, chúng tôi đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm hữu ích cho việc cải tạo, nâng cấp và thiết lập mới trụ sở trang thiết bị và các hoạt động thư viện có thể áp dụng cho Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
Ths. Hoàng Thu Hương giới thiệu về Thư viện Đại học FPT
và trao đổi cũng cán bộ, giảng viên Trường ĐH Văn hoá HN
Kết thúc buổi trao đổi, Ths. Nguyễn Bích Ngân đã thay mặt đoàn công tác tặng quà lưu niệm của Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho Thư viện Trường Đại học FPT và hai bên cùng có những thoả thuận trao đổi hợp tác chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thư viện trong thời gian tới.
Ths. Nguyễn Bích Ngân - Giám đốc TTTTTV Trường ĐH Văn hoá HN
tặng quà lưu niệm cho Thư viện Trường Đại học FPT
Bài và ảnh: Hữu Nghĩa
Admin3