25/05/2018, 17:51

Một số phương pháp dạy và học từ vựng tiếng Anh

(ĐHVH) - Trong dạy và học tiếng Anh, từ vựng là một trong ba thành tố tạo thành hệ thống kiến thức ngôn ngữ và đóng vai trò là phương tiện, điều kiện hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp. Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, vai trò của từ vựng cũng hết sức quan trọng. Có thể thấy một ngôn ngữ là ...

(ĐHVH) - Trong dạy và học tiếng Anh, từ vựng là một trong ba thành tố tạo thành hệ thống kiến thức ngôn ngữ và đóng vai trò là phương tiện, điều kiện hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp. Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, vai trò của từ vựng cũng hết sức quan trọng. Có thể thấy một ngôn ngữ là một tập hợp của các từ vựng. Không thể hiểu ngôn ngữ mà không hiểu biết từ vựng, hoặc qua các đơn vị từ vựng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ hiểu các đơn vị từ vựng riêng lẻ, độc lập với nhau mà chỉ có thể nắm vững được ngôn ngữ thông qua mối quan hệ biện chứng giữa các đơn vị từ vựng. Như vậy việc học từ vựng và rèn luyện kĩ năng sử dụng từ vựng là yếu tố hàng đầu trong việc truyền thụ và tiếp thu một ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Vì từ vựng là một đơn vị ngôn ngữ nên nó được thể hiện dưới hai hình thức: Lời nói và chữ viết. Muốn sử dụng được ngôn ngữ đó, tức là phải nắm vững hình thức biểu đạt của từ bằng lời nói và chữ viết. Song do có mối liên quan của từ vựng với các yếu tố khác trong ngôn ngữ (ngữ pháp, ngữ âm, ngữ điệu ...) hoặc trong tình huống giao tiếp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng để xây nên một bức tường ngôn ngữ thì từ vựng là “những viên gạch” còn ngữ pháp và các cấu trúc câu là “những mạch vữa” để gắn kết những viên gạch tạo nên bức tường ngôn ngữ. Nếu không có một vốn từ vựng cần thiết thì người học không thể sử dụng các cấu trúc câu và các chức năng ngôn ngữ trong giao tiếp. Tuy nhiên, các quan điểm dạy và học từ vựng trong tiếng Anh không ngừng biến đổi dẫn đến các phương pháp dạy và học từ vựng cũng đã có nhiều đổi thay. Lịch sử dạy và học từ vựng tiếng Anh đã trải qua nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp Ngữ pháp–Dịch, phương pháp Nghe–Nhìn, phương pháp Nghe - Nói, phương pháp Giao tiếp, v.v.     

1. Quan điểm thứ nhất theo trường phái Ngữ pháp-Dịch: Có tên gọi “Grammar - Translation Method” hay còn gọi là phương pháp Truyền thống được áp dụng mạnh mẽ ở Việt Nam vào những năm 1970 cho đến tận những năm 1990. Phương pháp này coi mục đích chủ yếu của dạy và học tiếng Anh là cung cấp cho người học hệ thống từ vựng ngữ pháp tiếng Anh để phát triển kỹ năng đọc hiểu, học thuộc lòng từ vựng, dịch văn bản, đọc các tác phẩm văn học, viết luận (composition) và phân tích ngôn ngữ (học để nắm chắc quy tắc ngôn ngữ) chứ không tập trung vào kỹ năng giao tiếp. Để đọc hiểu các văn bản bằng tiếng Anh, người học được trang bị một lượng từ vựng và hệ thống ngữ pháp văn bản tương đối lớn dưới dạng bảng liệt kê kèm theo nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ của người học. Phương pháp này yêu cầu học sinh học bất kì từ mới nào miễn làm sao hiểu và dịch được nội dung bài đọc. Giáo viên khuyến khích người học sử dụng từ điển khi đọc với mục đích nhớ từ. Trên lớp, giáo viên đóng vai trò trung tâm. Việc dạy từ vựng chỉ tập trung vào nghĩa của từ. Quy trình thực hiện: Các bài khóa (texts) được biên soạn và chia ra thành từng đoạn ngắn. Việc giảng giải quy tắc ngôn ngữ là cơ bản. Để kiểm tra sự thông hiểu về nội dung bài khóa (nội dung văn hóa, đất nước học nói chung) và các quy tắc ngôn ngữ, người học bắt buộc phải dịch các bài khóa sang tiếng mẹ đẻ. Người học không được phép mắc lỗi ngôn ngữ, nếu có phải sửa ngay.

Phương pháp Ngữ pháp – Dịch đã được sử dụng phổ biến ở nước ta trong một thời gian khá dài và nó đã có những ưu điểm không thể phủ nhận. Đó là:

- Người học được rèn luyện rất kỹ về ngữ pháp và tiếp thu lượng từ vựng khá lớn.

- Người học nắm được tương đối nhiều các cấu trúc câu cơ bản, thuộc lòng các đoạn văn hay hoặc bài khóa mẫu.

- Người học có thể đọc hiểu nhanh các văn bản.

Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của đất nước và thời đại, mục đích của người học tiếng Anh cũng có thay đổi đòi hỏi phương pháp dạy và học tiếng Anh nói chung và từ vựng nói riêng cũng không thể mãi như cũ.

Người ta dần dần nhận ra những hạn chế của phương pháp Ngữ pháp-Dịch là:

- Không giúp người học “giao tiếp” được. Hoạt động chủ yếu trong lớp là người thầy; nghĩa là người thầy giảng giải, nói nhiều, học sinh thụ động ngồi nghe và ghi chép, không có ý kiến phản hồi hoặc không tham gia giao tiếp (nói) với thầy và bạn bè.

- Hoạt động dạy học chỉ diễn ra một chiều – người học hoàn toàn bị động, không có cơ hội thực hành giao tiếp trong lớp; khả năng sáng tạo và đặc biệt kỹ năng nói của người học bị hạn chế nhiều.

2. Phương pháp Nghe -Nói (Audiolingual Method or Audio-Oral Method) nhấn mạnh vào việc dạy kỹ năng nói và kỹ năng nghe trước kỹ năng đọc và kỹ năng viết. Khác với phương pháp Ngữ pháp – Dịch, phương pháp này đáp ứng đúng mục tiêu cần đạt của người học là hình thành và phát triển cả bốn kỹ năng, nhưng ưu tiên phát triển nói, nghe trước đọc và viết. Việc cung cấp kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) được thực hiện xen lồng trong quá trình dạy học. Phương pháp Nghe-Nói không cho phép việc dùng tiếng mẹ đẻ trong lớp; khuyến khích tối đa dùng tiếng Anh trong quá trình dạy học. Khi thực hiện, người ta nhấn mạnh việc phát triển hai kỹ năng nói và nghe là chủ yếu. Việc dạy học thông qua thực hành cấu trúc câu (structures) và qua các bài tập ứng dụng, người học tự phát hiện và tìm hiểu những điểm giống nhau (so với tiếng mẹ đẻ) về cấu trúc câu, cách phát ngôn và đưa ra các qui tắc ngôn ngữ. Yêu cầu người học bắt trước mẫu do người dạy cung cấp, ví dụ: các bài/mẩu đối thoại mẫu (dialogues) có chứa cấu trúc câu hoặc hiện tượng ngôn ngữ cần truyền đạt. Người học luyện tập mẫu đó thực chất là hình thành một thói quen ngôn ngữ theo các hình thức như: hỏi và trả lời về bài đối thoại mẫu, thực hành thêm một số bài tập cấu trúc (thay thế, bổ sung, chuyển đổi …). Đôi khi người học tập trung vào phát triển kỹ năng nghe và nói thông qua các bài hội thoại có sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong giao tiếp hàng ngày. Giáo viên dùng các đồ vật thật, hình vẽ, cử chỉ hay cách giải thích bằng chính tiếng Anh để giới thiệu từ mới. Phương pháp này cũng nhấn mạnh tới phát âm chính xác từ với hi vọng người học nói tiếng Anh như người bản ngữ. Việc dạy từ vựng trực tiếp không qua tiếng mẹ đẻ và chỉ chú trọng vào các tình huống giao tiếp cụ thể là cơ sở giúp người học mở rộng nhanh vốn từ.

Nói tóm lại, phương pháp Nghe – Nói có những ưu điểm là:

- Có hiệu quả đối với những người mới học, đặc biệt là học sinh tiểu học hoặc học sinh ở đầu cấp THCS. Người học cảm thấy phấn khởi và tự tin khi được nghe và tập bắt chước theo giáo viên, ví dụ: Người học làm theo lệnh của giáo viên hoặc hát các bài hát tiếng Anh đơn giản.

Tuy nhiên phương pháp này lại có những hạn chế như sau:

 - Đối với người học có trình độ ngoại ngữ cao thì rất dễ nhàm chán với phương pháp này nếu không có sự điều chỉnh phương thức dạy học cần thiết.

- Người học áp dụng những gì đã được lĩnh hội trong lớp học vào thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ là khó. Người học không thể vận dụng các hình thức ngôn ngữ (các mẫu lời nói) được luyện tập trên lớp một cách tự nhiên vì tuy học sinh có khả năng nghe hiểu, nhớ và bắt chước (nói theo) ngay tại chỗ trong lớp học, song các em cũng rất chóng quên và cảm thấy bị “tắc” khi gặp tình huống tương tự trong giao tiếp thực. Điều này nói lên rằng mặc dù người học có thể nhắc lại từ một cách hoàn hảo xong họ không hiểu rõ nghĩa của từ và không có khả năng sử dụng từ trong những ngữ cảnh khác với điều đã được học; tức là thực tế không diễn đạt được những gì định nói mặc dù sau một thời gian dài học tập.

3. Phương pháp Giao tiếp

Phương pháp Giao tiếp (Communicative Approach) được xem như phương pháp dạy học ngoại ngữ phổ biến nhất và hiệu quả nhất hiện nay. Hầu hết các giáo trình, sách giáo khoa phổ thông tiếng Anh trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay đều được biên soạn dựa theo quan điểm của phương pháp này. Qua đó, coi mục tiêu cuối cùng của dạy học ngoại ngữ là phát triển kỹ năng giao tiếp/kỹ năng ngôn ngữ (linguistic skills), năng lực giao tiếp (communicative competence). Để giao tiếp được, phương pháp này đòi hỏi phải tính đến phương diện xã hội, văn hóa của ngôn ngữ, các điều kiện xã hội của quá trình sản sinh ngôn ngữ, và tính đến ngôn ngữ được dùng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, phương pháp Giao tiếp còn chú ý tới phương diện nghĩa của ngôn ngữ, hay nói một cách khác cần lưu ý tới ý định giao tiếp (intention of communication). Khái niệm này về sau các nhà ngôn ngữ gọi là chức năng ngôn ngữ (language function). Như vậy, theo Phương pháp Giao tiếp ngôn ngữ không chỉ là phương tiện diễn đạt tư duy mà còn là phương tiện giao tiếp. Mục đích cuối cùng của người học từ vựng không chỉ biết được cách đọc, cách viết và nghĩa của từ mà cần phải đạt được năng lực (khả năng) giao tiếp; tức là phát triển được tất cả 4 kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và sử dụng được từ vựng đó để giao tiếp. Vì vậy, các tài liệu dạy học hiện đều hướng đến giúp người học có thể thực hiện được các chức năng ngôn ngữ khác nhau …. Hơn nữa, để giao tiếp hiệu quả, người học cần phải sử dụng các từ vựng thích hợp với tình huống giao tiếp (situations), trong đó yêu cầu người tham gia giao tiếp phải thể hiện được ý định giao tiếp (intention) thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau (tasks).

Với quan điểm lấy năng lực giao tiếp của người học làm trung tâm thì từ vựng được coi là một trong ba thành tố làm thành công cụ hay phương tiện để hình thành và phát triển các kỹ năng ngôn ngữ. Nói cách khác là từ vựng được dạy lồng gộp với ngữ pháp và ngữ âm, thông qua và bằng luyện tập các kỹ năng giao tiếp và theo nhu cầu giao tiếp nghe, nói, đọc, viết nghĩa là quá trình giao tiếp cần những từ gì và số lượng là bao nhiêu thì dạy cho người học từng đó.

Ở đây, chúng ta cần hiểu rõ một số khái niệm về từ vựng trong việc dạy và học tiếng Anh nói chung.

Thứ nhất, mỗi mục từ thường có hai mặt: nghĩa của từ và cách sử dụng. Nghĩa của từ và cách chúng được dùng như thế nào là hai vấn đề khác nhau.Có nhiều trường hợp khi tra từ điển chúng ta có thể hiểu được nghĩa của từ, song không phải như vậy là đã biết cách sử dụng từ đó. Cách sử dụng của một từ phụ thuộc vào chức năng của từ trong câu, ngữ cảnh, thói quen của người sử dụng và các mối quan hệ của họ với môi trường văn hóa và xã hội. Sau đây là những thủ thuật làm rõ nghĩa từ:

a/  Dùng trực quan như: đồ vật thật trên lớp, tranh ảnh, hình vẽ phác hoạ (hình que), hình cắt dán từ tạp chí, cử chỉ điệu bộ v.v.

b/  Dùng ngôn ngữ đã học:

- Định nghĩa, miêu tả;

- Dùng từ đồng nghĩa, trái nghĩa;

- Dựa vào các quy tắc hình thành từ, tạo từ;

- Tạo tình huống;

- Đoán nghĩa của từ trong ngữ cảnh

c)  Dịch sang tiếng mẹ đẻ.

Thứ hai, thông thường trong một bài học sẽ luôn luôn có từ mới. Song không phải từ mới nào cũng cần đưa vào dạy như nhau. Do đó việc lựa chọn từ để dạy là nhiệm vụ quan trọng đối với giáo viên. Việc lựa chọn từ trước hết phụ thuộc vào tần suất từ đó được sử dụng trong giao tiếp, phụ thuộc vào khả năng từ đó thay thế các từ khác hay phụ thuộc vào nhu cầu và mục tiêu của người học. Người giáo viên phải biết lựa chọn, xác định từ tích cực, chủ động trong quá trình để giảng dạy và cố gắng phát huy hết khả năng tự học hỏi của học sinh đối với những loại từ không tích cực. Bên cạnh đó giáo viên còn phải biết sắp xếp các từ vựng sẽ dạy trong bài theo một trình tự hợp lý, hoặc tạo các lời dẫn gợi mở theo chủ điểm bài học.

Khi lựa chọn từ để dạy, giáo viên cần xem xét các câu hỏi sau:

a) Từ chủ động hay từ bị động?

- Từ chủ động (active/ productive vocabulary) là những từ người học hiểu, nhận biết và sử dụng được trong giao tiếp nói và viết.

- Từ bị động (passive/ receptive vocabulary) là những từ người học chỉ hiểu và nhận biết được khi nghe và đọc.

Cách dạy hai loại từ này có khác nhau. Từ chủ động liên quan đến cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, cần đầu tư thời gian để giới thiệu và luyện tập nhiều hơn, đặc biệt là cách sử dụng. Với từ bị động, giáo viên có thể chỉ dừng lại ở mức nhận biết, không cần đầu tư thời gian vào các hoạt động ứng dụng. Giáo viên cần xác định xem sẽ dạy từ nào như một từ bị động và từ nào như một từ chủ động. Với từ bị động, giáo viên có thể khuyến khích người học tự tìm hiểu nghĩa từ (ví dụ: tra từ điển), hoặc đoán từ qua ngữ cảnh.

b) Người học đã biết từ này chưa?

Giáo viên cần xác định rõ từ mình định dạy có thực sự là từ cần dạy hay không. Vốn từ của người học luôn luôn được mở rộng bằng nhiều con đường, và cũng có thể bị quên bằng nhiều lý do khác nhau. Để tránh tình trạng giới thiệu những từ không cần thiết và mất thời gian, giáo viên có thể dùng những thủ thuật nhằm phát hiện xem các em đã biết những từ đó chưa và biết đến đâu. Giáo viên có thể dùng các thủ thuật như eliciting; brainstorming; hoặc có thể hỏi trực tiếp học sinh những từ nào là từ mới và khó trong bài.

Việc dạy và học từ vựng theo phương pháp giao tiếp được tuân theo những nguyên tắc sau:

- Dạy và học từ thông qua luyện tập các kĩ năng giao tiếp

Việc học từ thông qua qua các kĩ năng giao tiếp giúp người học hiểu nghĩa từ dễ dàng hơn vì các kĩ năng giao tiếp luôn mang ngữ cảnh giao tiếp cụ thể và sinh động. Mặt khác việc học từ thông qua các kĩ năng giao tiếp kích thích nhu cầu sử dụng từ mới như một công cụ phát triển các kĩ năng.

Ngoài ra, giáo viên cần tạo điều kiện cho người học phát triển vốn từ vựng ngẫu nhiên (incidental learning) thông qua đọc rộng (extensive reading) và nghe rộng (extensive listening). Điều này giúp người học từ mới vì các từ này được đặt trong ngữ cảnh cụ thể.

- Dạy và học từ có tần suất sử dụng cao

Tiếng Anh cũng giống bất kì ngôn ngữ nào đều có một số từ được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau (high-frequency word), một số từ khác có mức độ sử dụng hạn chế hơn (low-frequency word). Việc chọn các từ có tần suất sử dụng cao để dạy sẽ giúp việc học từ đạt hiệu quả cao hơn vì những từ đó được người học sử dụng thường xuyên trong nhiều tình huống giao tiếp khác nhau.

- Dạy và học từ một cách tổng thể

Chúng ta đều biết học từ mà chỉ chú ý đến nghĩa sẽ không đặt được mục đích giao tiếp cao. Do đó khi dạy và học từ cần chú ý đến các khía cạnh khác của từ như: hình thái chữ viết (spelling), cách phát âm ( pronunciation), hình thái ngữ nghĩa (lexical meaning), hình thái ngữ pháp (grammatical form) và cách sử dụng (use).

- Dạy và học từ thông qua nhiều thủ thuật khác nhau

Như đã nói ở trên, giáo viên cần sử dụng các thủ thuật khác nhau để giới thiệu từ mới hoặc kết hợp nhiều thủ thuật để giới thiệu một từ mới. Việc làm này giúp dạy từ vựng có hiệu quả hơn và giúp người học nhớ từ lâu hơn. Một điều cần lưu ý là dịch từ mới sang tiếng mẹ đẻ là một thủ thuật dạy từ có kết quả, song giáo viên nên hạn chế sử dụng thủ thuật này vì việc phụ thuộc quá nhiều vào dịch sẽ làm giảm khả năng giao tiếp của người học.

- Dạy và học từ thông qua luyện tập thực hành

Giáo viên cần tổ chức các hoạt động thực hành và ôn luyện củng cố từ thông qua nghe, nói, đọc và viết để tăng độ trôi chảy khi sử dụng từ. Các hoạt động này sẽ giúp người học tập trung vào việc nhận biết và sử dụng từ đã học thành thạo trong từng ngữ cảnh.

- Chú trọng đến vai trò của người học trong việc dạy và học từ vựng

Giáo viên cần khuyến khích người học tham gia tích cực vào việc học từ thông qua một quá trình lâu dài và liên tục. Mặc dù giáo viên có thể cung cấp cho người học các thông tin về từ vựng và hỗ trợ người học trong quá trình học từ.

- Dạy và học từ thông qua sử dụng từ điển

Giáo viên cần hướng dẫn và khuyến khích người học sử dụng từ điển vì từ điển là phương tiện tra cứu đắc lực cho việc học từ. Việc hướng dẫn sử dụng từ điển sẽ giúp người học nâng cao khả năng tự học đồng thời góp phần làm cho việc dạy từ đạt hiệu quả cao.

Nói tóm lại, phương pháp Giao tiếp có ưu điểm hơn hẳn các phương pháp khác là nó bao trùm mọi phương diện của quá trình dạy học ngoại ngữ: đó là các yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, các yếu tố ngoài ngôn ngữ… nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp hoàn chỉnh. Đặc biệt Phương pháp Giao tiếp coi hình thành và phát triển bốn kỹ năng giao tiếp như nghe, nói, đọc và viết là mục đích cuối cùng của quá trình dạy học. Các kiến thức ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp là phương tiện, điều kiện hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, phương pháp Giao tiếp thực sự giúp cho người học có khả năng sử dụng được tiếng Anh để giao tiếp.

Tuy nhiên vẫn có một số hạn chế đó là: Phương pháp Giao tiếp nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển 4 kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết trong quá trình dạy học, trong đó kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp) không được quan tâm một cách thích đáng. Kết quả là một số người học cảm thấy khó có thể “giao tiếp” vì họ làm sao có thể nghe, nói, đọc, viết được một khi không nắm chắc hệ thống qui tắc ngôn ngữ. Mặt khác, theo quan điểm của phương pháp này, quan hệ giữa ý định giao tiếp (bao gồm các hành động lời nói hay là các chức năng ngôn ngữ học được) và hiện thực là quá phức tạp, không rõ ràng. Nói cách khác, người ta khó có thể lựa chọn các phát ngôn theo chức năng phù hợp với nhu cầu giao tiếp thực tế đa dạng và rất phức tạp.

Trong quá trình dạy học, giáo viên giữ vai trò là người hướng dẫn, tổ chức thực hiện; người học đóng vai trò chủ đạo trong quá trình dạy học; tức là phải phát huy cao độ tính tích cực của học viên trong luyện tập thực hành. Muốn thực hiện được, cá nhân người học phải tích cực và tự giác tham gia thực hành, không sợ mắc lỗi, và cần lưu ý rằng độ lưu loát/trôi chảy (fluency) trong giai đoạn này là rất quan trọng. Điều kiện tối thiểu để người học thực hành kỹ năng ngôn ngữ là mỗi lớp học không quá đông (khoảng 35 HS/lớp); có đầy đủ thiết bị nghe nhìn, băng/đĩa CD, tranh tình huống. Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập nên nhấn mạnh vào 4 kỹ năng, và một phần nhỏ kiến thức ngôn ngữ. Kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ luôn luôn được ưu tiên trong bất kỳ hình thức nào.

Ở nước ta hiện nay, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường diễn ra trong môi trường giao tiếp của thầy và trò còn có rất nhiều hạn chế: Dạy học trong một tập thể lớn (thường là đơn vị lớp học có khoảng 40 học sinh hoặc hơn), trình dộ nhận thức có nhiều cấp độ khác nhau, phương tiện hỗ trợ giảng dạy chưa đồng bộ. Những điều này làm phân tán sự tập chung của học sinh, tác động rất lớn đến việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh, làm chậm quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh và sự phân bố thời gian cho từng phần nội dung bài sao cho phù hợp với từng loại bài giảng (thực hành, kĩ năng) cũng là một tác động tới việc lựa chọn, nghiên cứu và áp dụng kĩ năng dạy từ vựng sao cho thích hợp.

Kết luận

Mỗi phương pháp ra đời sau đều được coi như một cố gắng kế thừa những thành tựu và khắc phục nhược điểm của phương pháp ra đời trước nó. Nếu như với phương pháp dạy tiếng Anh truyền thống (phương pháp ngữ pháp - dịch) chú trọng nhiều vào việc học và rèn luyện thành thạo các cấu trúc ngữ pháp, thì với cách tiếp cận giao tiếp tức dạy ngoại ngữ theo phương pháp thực hành giao tiếp việc hình thành ở người học năng lực sử dụng ngôn ngữ thành thạo lại là trọng tâm của quá trình dạy học. Khác với phương pháp nghe nói (audio-lingual) với sự nhấn mạnh đến vai trò của luyện tập thuần thục các mẫu cấu trúc có sẵn, cách giảng dạy theo phương pháp thực hành giao tiếp nhấn mạnh đến khả năng tương tác của người học trong bối cảnh giao tiếp, trong đó mỗi hành vi ngôn ngữ của người học sẽ thay đổi tùy thuộc vào những phản ứng và câu trả lời trước đó của những người cùng tham gia. 

Theo phương pháp giáo dục truyền thống, học ngoại ngữ thường được coi như một quá trình truyền thụ kiến thức từ thầy sang trò thì với việc sử dụng phương pháp thực hành giao tiếp, việc dạy và học ngoại ngữ giờ đây được nhìn nhận như một quá trình khám phá, trong đó người học dần sử dụng ngôn ngữ phù hợp với những mục đích giao tiếp cụ thể. Đây là mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm, trong đó cả thầy và trò đều cùng chia sẻ trách nhiệm dạy và học. Song song với việc nhấn mạnh vào mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp ở người học, việc lựa chọn các hoạt động học tập sao cho có ích, phù hợp với nhu cầu của người học và phải được đặt vào trong những bối cảnh thật mà người học có nhiều khả năng sẽ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày./.

Bài: Nguyễn Thanh Huyền - Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Quốc tế
Admin2.

hoc mua bán đàn guitar tai tphcm công ty thiết kế web tai tphcm cong ty may áo thun đồng phục hoc phát âm tiếng anh chuan khoa học thiết kế web tphcm tphcm mua container văn phòng cu dia chi thay man hinh iphone tai tphcm thiet bi bếp công nghiệp bep nha hang dai ly ống nhựa tiền phong ong nuoc du an Căn hộ Scenic Valley ban thuoc kich duc nu chuyen thi cong phong karaoke vip
0