23/05/2018, 15:31

Cây khoai nước

Còn gọi là Khoai Ngứa, Khoai Ao (các tỉnh đồng bằng sông Hồng), khoai sọ nước (Hải Dương, Hưng Yên),… Tuỳ theo giống trồng mà còn có nhiều tên gọi khác nữa: Khoai chấm son, xá đen, tía …. là cây có thân củ, chứa nhiều tinh bột, hình trứng hoặc gần hình cầu, nằm trong đất, gồm củ ...

Còn gọi là Khoai Ngứa, Khoai Ao (các tỉnh đồng bằng sông Hồng), khoai sọ nước (Hải Dương, Hưng Yên),… Tuỳ theo giống trồng mà còn có nhiều tên gọi khác nữa: Khoai chấm son, xá đen, tía …. là cây có thân củ, chứa nhiều tinh bột, hình trứng hoặc gần hình cầu, nằm trong đất, gồm củ cái (củ mẹ) và một số củ con bám xung quanh. Lá có cuống dài, mập, mọc đứng, được gọi là dọc; đầu bám vào củ của dọc, to bè ra, còn đầu nối liên với phiến lá hình tròn và thon.

Phiến có gốc hình tim. Màu sắc của dọc tùy theo giống trồng. Cụm hoa dạng bông mo, ngắn hơn dọc lá, có màu vàng nhạt, trục của cụm hoa gồm 4 phần: Phần mang hoa cái ở dưới cùng, tiếp đến một phần không sinh sản, trên nữa là phần mang hoa đực dài bằng hai phần mang hoa cái, cuối cùng là phần không sinh sản nhọn, có chiều dài thay đổi.

Khoai nước gốc ở Ấn Độ, ngày này phân bố ở khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới. Ở nước ta khoai nước mọc hoang và được trồng phổ biến ở khắp mọi nơi, nhất là ở các tỉnh đồng bằng, nơi có nhiều ruộng nước. Đây là loại cây dễ trồng, ít bị ảnh hưởng của thiên nhiên và sâu bệnh. Khoai nước chịu được điều kiện cớm bóng, ưa nơi đất trũng, có nhiều bùn và có nước. Nói chung, khoai nước mọc và đẻ nhanh ở mực nước từ 10 – 12cm, nếu mực nước cao quá 30cm thì khoai phát triển kém và đẻ ít. Thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của cây khoai nướcThành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của cây khoai nước

Khoai nước được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng… Tất cả các bộ phận của cây từ búp, lá, dọc đến củ rễ đều cho lợn ăn được và lợn ăn khoai nước chóng lớn, béo đẫy, trơn lông, da mỏng, mỡ trắng, phẩm chất thịt ngon. Câu ca dao: “Thứ nhất dọc khoai, thứ nhì bèo cái” đã nói lên vai trò, vị trí và tác dụng của khoai nước trong chăn nuôi ở nước ta.

Tỷ lệ thịt lợn ăn khoai nước khá cao. So sánh về phẩm chất thịt thì lợn ăn khoai nước có lớp mỡ bọc chung quanh thăn dày hơn và có những thớ mỡ ăn sâu vào các bó cơ, bóc không sạch. Trong khi đó lợn ăn khoai lang lớp mỡ bọc chung quanh thăn mỏng, dễ bóc. Ngoài ra thịt nạc của lợn ăn khoai nước màu nhạt, còn của lợn ăn khoai lang màu hồng thẫm hơn.

Có thể dùng củ khoai nước chế biến làm bỗng theo công thức 5 phần củ khoai, 1 phần cám, 1/5 củ riềng cộng với 10 phần rau hoặc củ chuối cắt nhỏ. Độ 6 – 10 ngày thì bỗng có màu đỏ như tương, mùi thơm chua ngọt, thì đem trộn với các loại rau bèo tươi cho lợn ăn, có thể giảm được phần lớn cám phải nấu hàng ngày. Chú ý khi nấu cho thêm một nhúm muối và khi cho ăn, pha thêm một ít nước vôi trong để giảm độ chua.

Nếu giữ củ để cho lợn ăn trong thời gian không lâu thì đem chấm tro vào mặt cắt và rải đều nơi mát. Còn muốn để lâu thì thái mỏng, phơi khô để dành.

Trong thực tế chăn nuôi ở nước ta, người ta thường tận dụng triệt để các bộ phận của cây khoai nước để nuôi lợn chứ ít khi dùng một bộ phận thức ăn đã được chế biến hỗn hợp và đưa vào khẩu phần của lợn theo đặc điểm sinh lý và tháng tuổi của từng loại lợn.

Ngoài cho lợn ăn, có thể thái nhỏ củ khoai nước cho gà, vịt ngan, ngỗng ăn đều tốt.

0