23/05/2018, 15:30

Cây cải bắp

còn gọi là: Bắp Cải, là cây thân cỏ, sống hai năm. Lá đơn, mọc cách, về sau xếp úp vào nhau cuốn thành bắp hình cầu dẹp ở ngọn thân. Hoa màu vàng, mọc thành chùm. Quả cải hình trụ, có mỏ ngắn; hạt hình cầu, màu nâu. Bắt đầu từ loài cải B. oleracea mọc hoang ở vùng bờ biển các nước Italia, Anh, ...

còn gọi là: Bắp Cải, là cây thân cỏ, sống hai năm. Lá đơn, mọc cách, về sau xếp úp vào nhau cuốn thành bắp hình cầu dẹp ở ngọn thân. Hoa màu vàng, mọc thành chùm. Quả cải hình trụ, có mỏ ngắn; hạt hình cầu, màu nâu.

Bắt đầu từ loài cải B. oleracea mọc hoang ở vùng bờ biển các nước Italia, Anh, Pháp, cải bắp được trồng khắp các nước châu Âu và các nước ôn đới trên thế giới để lấy lá làm rau ăn, với nhiều giống trồng khác nhau.

Là một cây rau xứ lạnh nên cải bắp có khả năng chịu rét khoẻ; nhiệt độ xuống thấp đến 1° – 2°C, hoặc 0°C, cải bắp vẫn sinh trưởng bình thường. Nhưng lúc hạt nẩy mầm, cần bảo đảm nhiệt độ, từ 9° – 12°C. Chế độ nhiệt thích hợp nhất cho quá trình sinh trưởng của cải bắp là 130 – 18°C, cây mọc khoẻ, bắp cuốn chặt và có phẩm chất tốt. Trên 20°c, bắp khó cuốn hoặc cuốn không chặt.

Cải bắp cần nhiều nước, muốn tạo ra 1 kg chất khô cần 500 – 800 kg nước, nhưng không chịu được ngập úng.

Trồng ở điều kiện ánh sáng ngày ngắn, cây sinh trưởng kéo dài, còn ở điều kiện ánh sáng ngày dài, cây ra hoa sớm.

Thời gian sinh trưởng từ khi gieo đến lúc thu hoạch bắp của giống sớm khoảng 100 ngày, giống vừa 110 – 120 ngày, còn giống muộn 130 – 150 ngày.

Cải bắp được nhập trồng ở nước ta vào cuối thế kỷ 19. Do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên các tỉnh phía Bắc của nước ta có mùa đông khá lạnh, thích hợp cho sinh trưởng của cải bắp, vì vậy, ngày nay, bắp cải được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc trong mùa đông để làm rau ăn. Thời vụ gieo trồng; đợt sớm gieo tháng 8, trồng từ tháng 9 đến tháng 10, thu hoạch vào tháng 12 đến tháng giêng. Đợt chính vụ gieo tháng 9, tháng 10, trồng tháng 10 – 11, thu hoạch vào tháng giêng, tháng hai. Đợt muộn gieo tháng 11, trồng tháng 12, thu hoạch vào tháng 3, tháng 4. Chú ý thu hoạch đúng lúc, nếu không bắp dễ bị nứt, kém phẩm chất. Do thời tiết mùa đông ở các tỉnh phía Bắc biến động mạnh qua các năm, khiến cho năng suất và phẩm chất cải bắp cũng không ổn định qua các năm.

Năm nào, trời rét đậm, bắp càng chắc, càng có nhiều lá non ăn càng ngon. Ngược lại, năm nào trời ấm áp thì cây không cuốn chặt, ít lá non và sớm lên ngồng. Các vùng núi cao thuộc các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Lâm Đồng, v.v…., do ảnh hưởng của độ cao, nên có khí bậu cho phép trồng cải bắp quanh năm, kết hạt được. Đặc biệt, cải bắp trồng ở vùng Đà Lạt (Lâm Đồng) cho những bắp cuốn rất chặt.

Tuy chế độ nhiệt mùa đông ở các tỉnh đồng bằng và trung du phía Bắc thích hợp cho sinh trưởng của cải bắp nhưng không thích hợp để cây ra hoa, kết hạt, vì vậy, chúng ta chỉ có thể trồng cải bắp để ăn bắp mà không để giống được ở những vùng này. Chỉ ở các vùng núi cao như Sình Hồ (Lai Châu), Sapa, Bắc Hà (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), v.v.., mới thu được hạt cải bắp, vì vậy các vùng núi này đã được khoanh lại làm vùng giống cải bắp để cung cấp hạt cho các vùng thấp. Để tránh lai tạp giữa su hào và cải bắp, tỉnh Lào Cai đã chuyển khu vực trồng cải bắp từ Sapa sang Bắc Hà thành một vùng riêng.

Cũng có nhiều giống cải bắp khác nhau. Trải qua nhiều năm thuần hoá, chọn lọc, nông dân đã sản xuất được giống cải bắp có khả năng chịu nóng hơn để phát triển trồng ở các tỉnh ven biển miền Trung và ở đồng bằng Nam bộ.

Ở nước ta, trước đây, cải bắp được coi là một loại rau xanh mùa đông cao cấp. Nhưng từ khi vụ đông trở thành một vụ sản xuất chính thì diện tích trồng cải bắp ở các tỉnh phía Bắc đã tăng lên gấp bội và cải bắp là một trong những cây rau xanh chủ lực của các tỉnh phía Bắc trong mùa đông. Một sào cải bắp cho thu hoạch 1,4 tấn bắp. Các lá non người ăn, còn lá già để muối dưa hay cho lợn, gà, vịt ăn rất tốt.

Nhân dân ta trồng su hào, cải hoa, cải bắp, mục đích chính là làm rau xanh cho người, nhưng khi thu họach, những lá già và khi gọt su hào, loại lớp vỏ ngoài thì nên tận dụng để nuôi các loài động vật, nhất là nuôi lợn, gà… Các thứ thải loại này, người không ăn, nhưng sử dụng cho chăn nuôi thì rất tốt. Vì trong các thức ăn này, ngoài những chất protein, lipit, gluxit ra còn có rất nhiều các vitamin và chất khoáng; các chất này, tuỳ số lượng có trong thức ăn chiếm một tỷ lệ rất ít, nhưng thiếu thì không thể được và sẽ gây rối loạn cơ thể các động , nhất là ở giai đoạn còn nhỏ.

Thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của cây cải bắpThành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của cây cải bắp

Tận dụng lá su hào, cải hoa và cải bắp già làm thức ăn cho các động vật nuôi

Cho các động ăn lá su hào, cải bắp, cải hoa là giải quyết được nguồn thức ăn xanh rất tốt trong mùa đông, là mùa thức ăn xanh khan hiếm nhất so với các mùa khác trong năm. Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi lợn gà, phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã cho nên lá su hào, cải bắp, cải hoa trở thành nguồn thức ăn xanh chủ yếu của lợn, gà trong mùa đông ở các thành phố, thị xã phía Bắc.

Có thể sử dụng lá su hào, cải bắp … cho các động vật nuôi ăn dưới nhiều hình thức, có thể thay thế hoàn toàn các thức ăn xanh khác và chỉ cần trộn thêm ít cám để nấu chín hoặc cho ăn sống.

Cho ăn nhiều hay ít, còn tuỳ theo con vật to hay nhỏ. Đối với lợn, trung bình có thể ăn mỗi ngày một con từ 2 đến 5 kg, và sau mỗi bữa ăn 1 – 2 giờ, có thể bỏ một ít rau còn tươi vào máng cho lợn ăn thêm.

Nếu có nhiều, sử dụng cho động vật nuôi ăn tươi không hết thì có thể băm nhỏ phơi khô để dự trữ được lâu mà giá trị dinh dưỡng vẫn cao. Ngoài ra, bà con còn dùng phương pháp ủ chua để nuôi lợn cũng rất tốt.

Cách ủ chua lá su hào, cải bắp … giống như muối dưa chua cho người ăn. Các loại lá này phải được rửa sạch, để ráo nước, cọ chum vại cho sạch, phơi khô, xong đổ nước lã vào bắt đầu cho lá rau vào và nén thành từng lớp, dưới mỗi lớp có rải thêm một ít muối. Lớp trên cùng phải nén cách mặt chum vại 5cm, rồi đổ đầy nước, đan vỉ hình mắt cáo để đậy kín khít chung quanh miệng chum vại. Trên cùng, đè một hòn đá nặng. Có một điều cần chú ý là phải đổ nước đầy cách mặt lá rau khoảng 5cm, để tránh cho lá rau bị thối mốc và bị khú. Ủ như vậy trong 4 – 5 ngày, thức ăn đã chua và có thể cho lợn ăn được. Theo kinh nghiệm của nông dân, muốn cho chóng chua lớn, thì cho thêm vào vại một ít nước vo gạo hay nước dưa cũ. Nếu thiếu chum vại thì có thể thay cách lót lá chuối, lá dong tươi vào dành hay thúng mủng rồi cho lá rau (hơi ẩm) vào và buộc chặt lại cho thật kín.

Thức ăn ủ chua, nếu tốt có mùi thơm như mùi dưa, màu vàng; nếu biến thành màu đen là bị hỏng, không nên cho lợn ăn. Khi cho ăn, cần chú ý mấy điểm:

– Dùng thức ăn chua, phải có mức độ nhất định; giảm dần lượng thức ăn nấu chín và tăng dần lượng thức ăn chua. Sau năm, bẩy ngày, lợn ăn quen dần thì có thể cho ăn với lượng hai loại thức ăn bằng nhau. Không nên chỉ cho ăn đơn thuần loại thức ăn ủ chua.

– Lợn con đang bú rất thích ăn nhưng cần phải pha thêm nhiều nước để giúp cho sự tiêu hoá được dễ dàng hơn.

– Đối với lợn nái, trước khi đẻ mười lăm ngày nên giảm dần lượng thức ăn chua. Cho đến trước khi đẻ bảy ngày thì hoàn hoàn không cho ăn thức ăn chua, và bảy ngày sau đẻ lại tiếp tục cho ăn.

– Ăn bữa nào thì lấy ra bữa ấy, không nên lấy cả ra một lần để cho ăn mấy bữa luôn. Như vậy, không tốt vì thức ăn ủ chua lấy ra ngoài, gặp không khí dễ biến thành màu đen, để lâu sẽ biến mùi.

-Sau khi cho lợn ăn xong, phải rửa sạch sẽ máng ăn. Thức ăn ủ chua có mùi thơm, vị hơi chua, kích thích dịch vị và khẩu vị nên lợn rất thích ăn, ăn được nhiều, chóng tiêu hoá, do đó hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng và lợn chóng lớn, mau béo. Ngoài ra lại đỡ công, đõ củi đun nấu và cách làm cũng rất đơn giản.

Chúng ta cần tận dụng các lá su hào, cải bắp, cải hoa để ủ chua làm thức ăn nuôi lợn.

0