25/05/2018, 17:57

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình học phát âm tiếng Anh và các chiến lược giảng dạy phù hợp

(ĐHVH HN) - Phát âm chuẩn đóng vai trò vô cùng quan trọng hay nói cách khác là chìa khóa dẫn đến sự thành công trong giao tiếp với người bản ngữ. Nếu người nói tiếng Anh phát âm sai, người nghe sẽ không thể hiểu được ý của họ mặc dù họ diễn đạt chính xác về mặt ngữ pháp và cấu trúc và như thế quá ...

(ĐHVH HN) - Phát âm chuẩn đóng vai trò vô cùng quan trọng hay nói cách khác là chìa khóa dẫn đến sự thành công trong giao tiếp với người bản ngữ. Nếu người nói tiếng Anh phát âm sai, người nghe sẽ không thể hiểu được ý của họ mặc dù họ diễn đạt chính xác về mặt ngữ pháp và cấu trúc và như thế quá trình giao tiếp không thể tiếp tục và sẽ thất bại. Ngoài ra,người học không thể nghe tốt nếu họ phát âm không chuẩn và ngược lại. Tóm lại, với kỹ năng phát âm chuẩn, họ sẽ luôn tự tin trong giao tiếp và nghe hiểu tốt tiếng Anh. Tuy nhiên, học thế nào để có thể phát âm chuẩn thì không dễ dàng chút nào. Trong bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến các yếu tố gây ảnh hưởng đến quá trình học phát âm và đồng thời đưa ra các chiến lược giảng dạy phù hợp giúp người học học phát âm dễ dàng và hiệu quả.
  1. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc học phát âm
  1. Trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu
Munro và Derwing (1999) cho rằng những người nói tiếng Anh với giọng địa phương đặc trưng thì đôi khi vẫn có thể hiểu được và nếu họ mắc lỗi về ngôn điệu chẳng hạn như nói sai trọng âm, ngữ điệu hay nhịp điệu thì sẽ khiến người nghe khó hiểu được ý của họ hơn là mắc các lỗi về ngữ âm( phát âm sai các âm đơn lẻ). Chính vì thế, việc nghiên cứu hay giảng dạy về phát âm cần tập trung vào cả phần ngữ âm ( nguyên âm và phụ âm) và các đăc điểm siêu đoạn tính, đó là trọng âm, ngữ điệu và nhịp điệu. Những đơn vị siêu đoạn tính này có ảnh hưởng rất nhiều đến biểu thái, làm nổi bật thông tin, ngữ nghĩa, giúp phân định từ loại… trong quá trình diễn ngôn, hành chức qua từng ngôn cảnh, tình huống cụ thể.

Trong một câu, những từ được nhấn trọng âm thì thường phát âm to hơn và chậm hơn những từ còn lại. Trọng âm câu rất quan trọng, vì khi nói, từ mà người nói nhấn trọng âm cũng như cách mà họ đánh trọng âm vào cùng một từ có thể làm thay đổi hoàn toàn nghĩa hàm chứa trong câu nói.

Ví dụ:   
I’m in the classroom. (Tôi chứ không phải ai khác đang ở trong lớp học.)
I’m in the classroom. (Tôi đang ở trong lớp học chứ không phải ở nơi nào khác.)

Ngoài ra, người nói còn phải chú ý tới nhịp điệu bởi vì nếu sai nhịp điệu thì nhóm ngữ nghĩa dễ bị phá vỡ (khiến người tiếp thu phát ngôn khó hiểu hoặc không thể hiểu dụng ý của chủ ngôn); và ngữ điệu vì nếu sử dụng không đúng ngữ điệu thì phát ngôn có thể bị hiểu sai, hoặc khó hiểu.

Các nhà ngôn ngữ học phân chia các ngôn ngữ trên thế giới thành 2 loại: stress-timed và syllable-timed. Tiếng Anh là một ngôn ngữ có trọng âm cách quãng đều nhau( stress-timed language) với các mô hình nhịp điệu dựa trên sự lặp lại thường xuyên trong các âm tiết có trọng âm.

Ví dụ:
Tom runs fast. (ba âm tiết  in đâm được nhấn trọng âm)
Meredith can run fast. (Ba âm tiết in đâm: Mer, run và fast là ba âm tiết mang trọng âm)

Chúng ta mất hầu như cùng một lượng thời gian để nói mỗi câu trên bởi vì cả hai câu trên đều có ba âm tiết mang trọng âm mặc dù tổng số âm tiết trong mỗi câu không như nhau. Cũng chính vì đặc điểm này mà trong Tiếng Anh những nguyên âm trong những âm tiết không mang trọng âm sẽ bị nhược hoá thành âm shwa /ə/ (e.g. supply /səˈplaɪ/; sofa /ˈsoʊfə/). Những âm tiết không mang trọng âm thường được nói nhanh hơn và xảy ra hiện tượng nuốt âm.

Ví dụ:
I want to go to the park
/aɪ wɑnə goʊ tə ðə pɑɹk/

Trong tiếng Anh các từ chức năng như mạo từ, giới từ và trợ động từ thường không mang trọng âm và là dạng yếu. Các từ nội dung (content words) như  danh từ, tính từ, trạng từ, động từ chính thường mang trọng âm và là dạng mạnh. Chính vì sự tồn tại của hai loại âm tiết có trọng âm và không có trọng âm trong một câu đã tạo nên nhịp điệu khi nói. 

Trong khi đó, tiếng Việt có xu hướng cân bằng mỗi âm tiết, tạo thành các mô hình nhịp điệu của ngôn ngữ đơn tiết cách quãng đều nhau (syllable-timed), là các âm tiết có trọng lực cân bằng. Vì thế, khi nói tiếng Việt không có hiện tượng nuốt âm. Do ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ nên sinh viên Việt hầu như phát âm tất cả các âm tiết trong một câu tiếng Anh với trọng âm lực và trọng âm lượng như nhau.

Việc phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai loại ngôn ngữ có trọng âm, cường độ của các âm tiết trong từ hoàn toàn không giống nhau và loại ngôn ngữ có sự cân bằng về cường độ của các âm tiết sẽ giúp giáo viên thiết kế những bài tâp phát âm phù hợp với sinh viên Việt Nam. Chính vì đặc tính ngôn ngữ này của tiếng Anh, giáo viên cần dành thời gian dạy học sinh quy tắc về trọng âm, ngữ điệu, nhịp điệu và cách phát âm các âm đơn lẻ - những âm khó đối với học sinh.
  1. Động cơ học tập
Theo Gardner (1985) động cơ bao gồm bốn khía cạnh, đó là mục tiêu, sự nỗ lực, sự mong muốn đạt được mục tiêu đó và thái độ tích cực đối với hoạt động đang được nói đến. Ames & Ames (1989) định nghĩa động cơ là sự thúc đẩy để tạo ra và duy trì những ý định và các hành động tìm kiếm mục tiêu. Như vậy, động cơ quan trọng vì nó quyết định mức độ tham gia và thái độ tích cực của sinh viên đối với việc học. Thật thú vị khi biết rằng, nhiều nhà nghiên cứu đã xem động cơ là một trong những yếu tố chính quyết định sự thành công trong sự phát triển ngôn ngữ thứ hai/ngoại ngữ. Oxford và Shearin (1994) cho rằng động cơ (motivation) quyết định mức độ tích cực tham gia của cá nhân vào việc học ngôn ngữ thứ hai. McDonough (1981) cũng tin tưởng rằng động cơ quan trọng trong việc ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại của người học ngoại ngữ. Ngoài ra, động cơ là nhu cầu về sự hoàn thành và thành công, sự tò mò, sự mong muốn được khuyến khích và có những trải nghiệm mới. Vì thế, nếu người học được tạo động cơ để học ngôn ngữ thì người học chắc chắn sẽ thành công. Gass và Selinker (1994) cũng có quan điểm tương tự rằng nếu người học có động cơ thì họ sẽ học nhanh hơn và ở mức độ lớn hơn. Như vậy, dựa vào các định nghĩa trên, động cơ có thể được định nghĩa một cách vắn tắt như sau: động cơ bao gồm mục tiêu, sự cố gắng, nghị lực, sự tham gia tích cực và sự kiên trì của người học.

Các nghiên cứu cho rằng những người  học tiếng Anh vì mục đích nghề nghiệp hay để đáp ứng  mục đích cá nhân nào đó thì luôn mong muốn có thể phát âm giống như người bản ngữ. Theo nghiên cứu của Marinova-Todd et al (2000) về quá trình thụ đắc tiếng Anh ở độ tuổi trưởng thành, người trưởng thành có thể nói thành thạo tiếng Anh nếu như họ học có mục đích.

Ngoài ra, Moyer (2007) kết luận rằng quá trình sử dụng ngôn ngữ và định hướng tích cực trong khi học là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy người học cố gắng luyện phát âm như người bản ngữ. Bên cạnh việc tập trung vào dạy phát âm và luyện accent trên lớp, giáo viên nên khuyến khích học sinh luyện nói tiếng Anh bên ngoài lớp học và giao bài tập luyện nói ở nhà cho họ.
  1. Thái độ học tập
Thái độ học tập là một trong những yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thành công trong việc học ngoại ngữ nói chụng và tiếng Anh nói riêng. Nếu người học học tiếng Anh với mục đích cụ thể cùng với thái độ học tập tích cực thì họ sẽ thành công nhanh hơn và duy trì khả năng thành thạo ngộn ngữ đó trong khoảng thời gian dài hơn những người không có động cơ học tập cũng như thái độ thờ ơ với việc học. Gardner và Lambert (1972) định nghĩa thái độ là sự bền bỉ mà người học thể hiện để theo đuổi một mục tiêu. Trong khi đó theo Brown (1980), thái độ là niềm tin của người học đối với cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó và nền văn hoá của họ. Thái độ học tập có mối liên hệ mật thiết đối với động cơ học tập. Thái độ đối với việc học ngoại ngữ là một yếu tố thúc đẩy người học cố gắng hết sức mình để đạt được mục đích. Ngược lại, động cơ ảnh hưởng đến thái độ của người học. Những người học có động cơ bên ngoài hoặc bên trong sẽ có thái độ học tập tích cực hơn những người không có động cơ hay những người xem việc học là nhiệm vụ bắt buộc. Thực tế cho thấy, những người thực sự mong muốn hay quan tâm đến việc cải thiện kỹ năng phát âm của mình thì chắc chắn họ sẽ phát âm tốt hơn những người khác, thậm chí họ có thể bắt chước phát âm giống người bản ngữ.
  1. Sự ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ
Người học tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ  thuộc nhiều quốc gia trên thế giới sẽ gặp những khó khăn khác nhau trong việc học phát âm chuẩn tiếng Anh. Khó khăn mà họ gặp phải phụ thuộc vào tiếng mẹ đẻ của họ khác ngôn ngữ tiếng Anh như thế nào. Chẳng hạn, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp là ngôn ngữ có sự cân bằng về cường độ của các âm tiết. Các âm tiết trong một từ đều phát âm với một lực bằng nhau. Trong khi đó, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Thái  là ngôn ngữ có trọng âm cách quãng dều nhau. Điều đó có nghĩa là, thời gian phát âm giữa các âm tiết có trọng âm bằng nhau vì các âm tiết không có trọng âm sẽ được nói nhanh hơn và sẽ xảy ra sự nuốt âm. Người học có thể gặp khó khăn khi phát âm một số âm tiếng Anh vì những âm này tiếng mẹ đẻ của họ không có. Ví dụ: người Việt rất hay phát âm sai phụ âm /ð/ và /θ /. Hai phụ âm này được phát âm bằng cách đặt lưỡi giữa hai hàm răng, luồng hơi từ từ thoát ra qua khe hở rất hẹp giữa mặt lưỡi và hàm răng trên. Ngoài ra, do sự khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Anh mà người Việt khi nói tiếng Anh thường không có trọng âm từ cũng như trọng âm câu, không có ngữ điệu, không có sự nối âm,v.v.

Để có thể giúp sinh viên phát âm chuẩn tiếng Anh thì giáo viên phải nắm rõ sự khác nhau giữa ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn. Từ đó, tìm ra khó khăn họ gặp phải khi học phát âm là gì. Trên cơ sở đó, thiết kế các bài tập phát âm phù hợp để khắc phục các khó khăn của họ, giúp họ ngày càng cải thiện kỹ năng phát âm của mình.
  1. Độ tuổi
Độ tuổi cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công trong học ngoại ngữ. Nhiều nghiên cứu chứng minh việc bắt đầu học ngoại ngữ sớm thì càng nhanh thành thạo. Điều này có nghĩa là người học ở độ tuổi càng trẻ thì họ học phát âm càng dễ thành công và nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người ở độ tuổi trưởng thành thì không học được ngoại ngữ và không thể nói giống người bản ngữ mà chỉ là họ phải học chăm chỉ hơn, đầu tư nhiều thời gian hơn thì mới có thể nói thành thạo được.
  1. Các chiến lược giảng dạy phát âm tiếng Anh
  1. Xác đinh các đặc điểm phát âm đặc trưng gây khó khăn cho người học
Các nhà ngôn ngữ học đã sử dụng phương pháp phân tích đối chiếu để xác định những khó khăn tiềm ẩn đối với người học ngôn ngữ thứ hai hay ngoại ngữ. Đây là cách phổ biến vào những năm 1950 và 1960. Giả thuyết phân tích đối chiếu cho rằng những khó khăn mà người học gặp phải trong quá trình học ngôn ngữ có thể dự đoán trước được bằng cách phân tích đối chiếu các đặc điểm của ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn. Các nhà ngôn ngữ có thể phân loại được các đặc điểm cúa nhiều ngôn ngữ trên thế giới, nhưng họ không thể dự đoán một cách hệ thống những khía cạnh nào của tiếng Anh sẽ gây khó khăn cho người học. Chính vì thế, một giả thuyết khác ra đời tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng xuyên ngôn ngữ đã khẳng định các kinh nghiệm về ngôn ngữ trước đó chỉ ảnh hưởng đến cách học một ngôn ngữ chứ nhìn chung không thể dự báo trước các khó khăn của người học. Trên cơ sở của giả thuyết này, các nhà ngôn ngữ đã phát triển những danh sách các âm mà người học tiếng Anh có thể gặp khó khăn khi phát âm. Chẳng hạn: người nói ngôn ngữ châu Á có thể gặp khó khăn khi phát âm các âm /l/ và /r/ trong tiếng Anh; người nói tiếng Tây Ban Nha lại khó khăn khi phát âm /sh/ và /ch/. Các kiến thức nền tảng cụ thể của ngôn ngữ như thế này hiện nay đã được miêu tả chi tiết trong sách dạy phát âm như Sounds Right (Braithwaite, 2008) hay ở các chương trình phần mềm dạy phát âm như American Speech Sounds (Hiser & Kopecky, 2009).

Giáo viên có thể nhận ra những khó khăn mà sinh viên gặp phải khi phát âm bằng cách quan sát họ giao tiếp với nhau trên lớp. Trên cơ sở đó, tập trung giảng dạy những đặc điểm phát âm mà khiến họ mắc lỗi khi phát âm trên lớp để giúp họ hiểu và nắm vững các quy tắc đó. Đặc biệt, khi sinh viên thuyết trình hay giao tiếp theo nhóm hay cặp, giáo viên nên sử dụng checklist để ghi chép lại lỗi phát âm riêng biệt của từng cá nhân hay lỗi giống nhau mà nhiều sinh viên mắc phải. Sau đó, giáo viên sẽ làm rõ những lỗi như thế này ở các tiết học sau đó để giúp họ không mắc lỗi nữa.

Bản ghi chép này cũng có thể được sử dụng để giúp sinh viên chú ý đến những đặc điểm phát âm đặc trưng trong tiếng Anh có thể gây khó hiểu cho họ. Ngoài ra, giáo viên và sinh viên có thể kết hơp để tạo ra một bản profile về phát âm bao gồm tóm tắt các âm và mô hình ngữ điệu và trọng âm mà người học đã phát âm chuẩn; những lỗi cần phải khắc phục và bảng hỏi về việc họ sử dụng tiếng Anh khi nào và như thế nào. Bảng profile như thế này sẽ giúp cho sinh viên phát triển được mục tiêu phát âm của mình và có thể kiểm tra được sự tiến bộ để đạt được mục tiêu đó.
  1. Giúp sinh viên chú ý tới các đặc điểm ngôn điệu của ngôn ngữ
Trọng âm từ, ngữ điệu và nhịp điệu là các đặc điểm ngôn điệu của ngôn ngữ. Những đặc điểm này rất quan trọng giúp người nghe có thể hiểu được chính xác ý của người nói. Vì thế, giáo viên nên đưa các đặc điểm này vào chương trình giảng dạy và có thể dạy thông qua các hoạt động nghe giúp sinh viên nắm vững các nguyên tắc về trọng âm, ngữ điệu cũng như nhịp điệu trong tiếng Anh. Ví dụ: giáo viên cho sinh viên nghe các bài hội thoại hoặc xem các video sử dụng các câu hỏi Yes/ No với ngữ điệu lên, rồi so sánh ngữ điệu này của tiếng Anh với tiếng mẹ đẻ của họ. Sau đó, bắt chước theo đúng ngữ điệu và thực hành theo cặp. Chỉ có thực hành nhiều lần kết hợp với học thuộc các nguyên tắc về đặc điểm ngôn điệu thì sinh viên mới khắc phục được các lỗi phát âm ngôn điệu, từ đó có thể đạt được hiệu quả trong giao tiếp.
  1. Chú trọng phát triển năng lực giao tiếp cho sinh viên
Mục tiêu của quá trình dạy và học phát âm là giúp sinh viên đạt được sự thành thạo trong giao tiếp, chứ không phải là để làm biết mất hoàn toàn giọng đặc trưng vùng miền của họ. Các bài tập thực hành giao tiếp trên lớp nên chú trọng cả vào phần luyện phát âm. Giáo viên có thể sử dụng các bài tập luyện phát âm mang tính giao tiếp, tức là các bài tập này chứa các từ ngữ thông dụng trong giao tiếp hàng ngày. Ví dụ: giáo viên yêu cầu sinh viên đóng vai đưa ra các yêu cầu hay đề nghị mà họ vẫn thường dùng hàng ngày như xin phép sếp nghỉ làm một ngày hay yêu cầu giao dịch viên ngân hàng cho đổi séc lấy tiền mặt...

Như vậy, khi tham gia vào các cuộc đối thoại trực tiếp sinh viên vừa chủ động là người nói vừa là người nghe rất chăm chú. Theo Pit (2009), sinh viên nên tiếp xúc nhiều các cuộc đối thoại để có thể nghe được nhiều biến thể trong phát âm tiếng Anh và sau đó có khả năng sử dụng đựơc các biến thể đó một cách phù hợp trong các tình huống ngôn ngữ tương ứng. Giáo viên có thể sử dụng trên lớp băng đài hoặc băng ghi hình phát các giọng điệu tiếng Anh khác nhau như tiếng Anh-Anh, Anh- Mỹ, Anh-Úc, Anh- Sing,...để tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp xúc và làm quen với các biến thể tiếng Anh giúp họ nâng cao khả năng giao tiếp của mình.

Kết luận

Phát âm là một yếu tố quan trọng giúp cho người học có thể đạt được hiệu quả trong giao tiếp. Tuy nhiên, việc hiểu và nắm vững các quy tắc phát âm lại là vô cùng khó đối với người học ngôn ngữ nói chung và người học tiếng Anh nói riêng. Tác giả hy vọng những thông tin về các yếu tố tác động đến quá trình học phát âm của sinh viên cũng như các chiến lược giảng dạy được nêu ra trong bài viết này có thể giúp giáo viên tìm ra được cách giảng dạy phát âm hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
  1. Bernaus, M., Masgoret, A., Gardner, R., & Reyes, E. (2004). Motivation and attitudes towards learning language in multicultural classrooms. International Journal of Multilingualism, 1(2), 75-89. doi:10.1080/14790710408668180, http://dx.doi.org/10.1080/14790710408668180
  2. Graham, J. (1994). "Four Strategies to Improve the Speech of Adult Learners." TESOL Journal, 3, No. 3, 26-28.
  3. Pitt, M. (2009). How are pronunciation variants of spoken words recognized? A test of generalization to newly learned words. Journal of Memory and Language, 61(1), 19-36.
  4. Florez, M. C. (1998). Improving adult ESL learners’ pronunciation skills. Washington, DC: Center for Applied Linguistics. Retrieved June 30, 2009, from http:// www.cal.org/caela/esl_resources/digests/Pronun .html
Bài viết: Mai Lan Anh (GV Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế)
 
0