25/05/2018, 17:56

Thư viện Trường THCS Đoàn Thị Điểm với công tác phục vụ bạn đọc

(ĐHVH HN) - Thư viện Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm được thành lập vào năm 2005 và quá trình phát triển của Thư viện gắn với sự phát triển chung của nhà trường. Thư viện Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm nằm trên tầng 4 với cơ sở vật chất khang trang với diện tích khoảng 120 m 2 ...

(ĐHVH HN) - Thư viện Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm được thành lập vào năm 2005 và quá trình phát triển của Thư viện gắn với sự phát triển chung của nhà trường.

Thư viện Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm nằm trên tầng 4 với cơ sở vật chất khang trang với diện tích khoảng 120 m2, có phòng đọc riêng cho học sinh (80 m2) và kho sách (20 m2). Thư viện còn dành một phòng 20 m2 phục vụ giáo viên.

Thời gian đầu mới thành lập, tổng số vốn tài liệu thư viện chỉ có1.350 bản sách. Đến nay, số lượng tài liệu hiện có tại Thư viện là > 9000 bản được chia thành 3 loại chính là sách giáo khoa, sách tham khảo và sách nghiệp vụ. Trong đó:

-  Phòng đọc học sinh: có khoảng 1.200 tên sách với trên 6000 bản sách tiếng Việt bao gồm các loại sách giáo khoa, các loại sách tham khảo, truyện thiếu nhi, sách tra cứu,... và 10 tên sách với 60 bản sách ngoại văn (tiếng Anh và tiếng Pháp).

- Phòng đọc cán bộ giáo viên: gồm 2 loại sách chính là sách tham khảo và sách nghiệp vụ với khoảng 3000 cuốn.

Số lượng báo, tạp chí của Thư viện gồm 8 loại. Báo tạp chí được chia làm 2 loại là: Báo, tạp chí chuyên ngành giáo dục và báo tạp chí không chuyên ngành giáo dục phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh. Một số loại báo, tạp chí chuyên ngành mà Thư viện thường xuyên nhập là: báo Lao động, Tiền phong, Giáo dục thủ đô, Giáo dục thời đại, Dạy và học ngày nay. Một số loại báo, tạp chí không chuyên ngành giáo dục như: báo Hoa học trò, Học trò cười, Thiên thần nhỏ.

Mỗi ngày thư viện phục vụ khoảng 200 lượt bạn đọc và số tài liệu được mượn theo hình thức mượn về nhà dao động trong khoảng từ 80 – 100 cuốn.

Tại Thư viện Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm, công tác phục vụ bạn đọc tập trung vào các hình thức là:

- Đọc tại chỗ

- Mượn về nhà

- Tuyên truyền, giới thiệu sách

- Các hình thức phục vụ khác

 Đọc tại chỗ

Đọc tại chỗ là hình thức phục vụ việc đọc và tra cứu của bạn đọc tại phòng phục vụ của thư viện. Các tài liệu phục vụ bao gồm các loại báo, tạp chí, tài liệu tra cứu, truyện thiếu nhi. Đối với kho mở, bạn đọc tự vào các giá sách để lựa chọn tài liệu cần tìm. Sau khi đã lựa chọn được tài liệu, bạn đọc mang ra bàn và đọc tại chỗ. Bạn đọc của thư viện chủ yếu gồm hai đối tượng là cán bộ giáo viên và học sinh nên đa phần nếu có sự hướng dẫn của cán bộ thư viện, họ hoàn toàn có thể tự tìm và lựa chọn tài liệu mình cần. Hầu hết, tài liệu trong kho mở thường đặt không đúng vị trí của nó do trong quá trình sử dụng bạn đọc đã vô tình hoặc cố ý đặt sai nó. Điều này dẫn đến tình trạng khi một bạn đọc có nhu cầu sử dụng, rất khó có thể tìm thấy tài liệu do bị thất lạc, lẫn lộn giữa các ô sách, giá sách khác nhau.

Thông thường, bạn đọc nhớ tên tác giả và nhan đề của tác phẩm. Với sự hỗ trợ của bộ máy tra cứu, bạn đọc sẽ tìm kiếm được tài liệu mà mình cần một cách dễ dàng hơn. Hầu hết, bạn đọc có nhu cầu đọc tại chỗ các loại tài liệu tham khảo, tài liệu tra cứu và truyện tranh.

Trong thư viện có khu vực riêng bố trí hệ thống các máy tính dành cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Các máy tính đều có kết nối mạng, không phục vụ tra cứu thư mục bởi thư viện chưa xây dựng cơ sở dữ liệu, học sinh sử dụng chủ yếu với mục đích là hoàn thành các bài tập trên lớp theo yêu cầu của giáo viên. Khi có nhu cầu sử dụng máy tính, bạn đọc là học sinh sẽ phải viết phiếu yêu cầu và đưa cho cán bộ thư viện. Phiếu yêu cầu này có các thông tin về họ tên, lớp, mục đích sử dụng. Máy tính chỉ phục vụ với mục đích học tập không phục vụ nhu cầu giải trí. Bạn đọc là cán bộ, giáo viên thì không cần viết phiếu.

Là thư viện trường học nên cán bộ thư viện rất coi trọng việc bài trí thư viện bằng những màu sắc, hình ảnh sinh động nhằm tạo cho bạn đọc sự gần gũi, cảm thấy hứng thú và thoải mái khi đến với thư viện. Đây cũng là một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để thu hút bạn đọc đến thư viện thường xuyên hơn.

 Mượn về nhà

Bạn đọc khi có nhu cầu mượn tài liệu về nhà cần phải xuất trình thẻ thư viện. Bạn đọc không cần ghi phiếu yêu cầu mà tự mình tìm chọn tài liệu, sau khi tìm được tài liệu bạn đọc sẽ mang ra bàn cán bộ thư viện để làm thủ tục mượn. Với bạn đọc là học sinh, việc mượn trả tài liệu sẽ được quản lý theo sổ mượn của từng khối lớp. Với bạn đọc là cán bộ giáo viên, các thông tin về mượn hoặc trả tài liệu có trong sổ mượn giáo viên theo từng tổ chuyên môn.

Tài liệu được mượn về nhà là sách giáo khoa các khối lớp, sách tham khảo và sách nghiệp vụ. Thư viện ưu tiên mượn tài liệu về nhà đối với đối tượng bạn đọc là giáo viên, thư viện không giới hạn số lượng cũng như thời gian mượn. Đối với bạn đọc là học sinh: thời gian mượn sách giáo khoa là 1 học kỳ, sách tham khảo là 1 tuần. Các tài liệu được trả trong ngày sẽ để ở một khu vực nhất định, đến cuối buổi sẽ xếp lên giá tiếp tục chu trình phục vụ.

Các lớp đều có lịch lên thư viện để mượn sách về nhà.

Bạn đọc có thể xin gia hạn tài liệu nếu vẫn có nhu cầu sử dụng tiếp tài liệu (được gia hạn thêm một lần). Để có thể đăng ký mượn những tài liệu khác, bạn đọc cần phải trả tài liệu đã mượn. Nếu quá thời hạn mượn mà bạn đọc chưa trả tài liệu thư viện thì sẽ không được tiếp tục mượn các tài liệu khác của thư viện.

 Hình thức tuyên truyền giới thiệu sách, báo

Đây là một trong những hình thức phục vụ bạn đọc của  thư viện. Hoạt động này đã góp phần quảng bá hình ảnh của thư viện, giới thiệu đến bạn đọc những tài liệu có tại thư viện. Đồng thời, thông qua các hoạt động này sẽ giúp học sinh thêm yêu sách từ đó góp phần hình thành văn hóa đọc ở các em.

Ngoài việc giới thiệu sách mới nhập về, Thư viện còn tổ chức giới thiệu sách theo chủ điểm dưới dạng:

Ø       Bản tin liên đội

Ø       Giới thiệu trên loa phát thanh

Ø       Tại mỗi lớp học

Ø       Tại thư viện

Ø       Giới thiệu dưới cờ vào thứ hai đầu tuần.

- Giới thiệu dưới bảng tin liên đội:

Đây là một trong những hoạt động có hiệu quả nhất của thư viện, việc thực hiện này đã tạo nền nếp trong nhiều năm qua. Hình thức này đã giúp thư viện giới thiệu được sách báo phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và hoạt động ngoài giờ; góp phần tuyên truyền chủ đề năm học và các ngày kỉ niệm lớn…

Ví dụ: Tháng 9 + 10 giới thiệu sách theo chủ điểm “ Chào mừng ngày Quốc khánh 2-9”, tháng 11 + 12 giới thiệu sách theo chủ điểm “ Thầy cô là tất cả”…

- Giới thiệu trên loa phát thanh:

Vào sáng thứ hai hàng tuần trong thời gian chuẩn bị cho giờ chào cờ đầu tuần, cán bộ thư viện dành 5 phút giới thiệu về một cuốn sách nào đó (có thể ghi âm trước sau đó phát lại). Chương trình có tên gọi: “Mỗi tuần một cuốn sách”.

- Giới thiệu tại lớp học:

Để thu hút được học sinh đến với thư viện, cán bộ thư viện đã xây dựng các thư mục chuyên đề gửi về các lớp. Mỗi khối một chuyên đề khác nhau và có sự luân chuyển giữa các khối với nhau.

- Giới thiệu tại thư viện

Ngoài việc giới thiệu sách bằng tủ trưng bày, trên bảng giới thiệu sách của thư viện, cán bộ thư viện dành từ 3 - 5 phút đầu của mỗi tiết học sinh xuống thư viện (giờ học kỹ năng sống) để giới thiệu một quyển sách mới. Sách được giới thiệu theo đúng chủ đề mà học sinh đang tìm hiểu.

- Giới thiệu dưới cờ vào thứ hai đầu tuần.

Hình thức giới thiệu này được Thư viện tổ chức mỗi học kì 2 đến 3 lần theo các cách khác nhau nhằm gây hứng thú cho học sinh:

*                            Cán bộ thư viện giới thiệu

*                            Học sinh giới thiệu

*                            Giới thiệu sách qua những vở kịch ngắn…

Để tránh sự nhàm chán của mỗi tiết các em xuống thư viện, thư viện luôn tiến hành đổi mới các hình thức phục vụ, ví dụ như:

-  Dùng giấy xây dựng thành các nhân vật trong truyện: Để gắn sự hiểu biết từ quá trình đọc sách vào ký ức trong cuộc sống của học sinh, cán bộ thư viện sẽ xen kẽ giữa các tiết học cho học sinh xây dựng hình các nhân vật trong truyện. Các lớp học sẽ được phân thành nhiều nhóm và tiến hành việc tổ chức thi các nhóm với nhau, nhóm nào xây dựng được hình đẹp nhất, nhanh nhất, chính xác nhất là nhóm đó chiến thắng.

-  Hội thi “Ai biết nhiều nhất”

Mục đích của trò chơi này nhằm rèn trí nhớ cho học sinh. Bởi lẽ đọc sách không chỉ nhớ được nội dung của sách mà còn phải nhớ được tên sách. Đó cũng là một yêu cầu mà người đọc sách phải rèn luyện. Mục đích của cuộc thi nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh, tạo cho học sinh thói quen tìm tòi, ham học. Để thường xuyên thu hút, khích lệ học sinh đọc sách cán bộ thư viện lên kế hoạch tổ chức cho học sinh chơi một cách logic, có hệ thống theo các hình thức và thời gian khác nhau: Chơi sau tiết học, chơi theo tháng…

Ví dụ như chơi sau tiết học:

+ Thành phần tham gia: Cán bộ thư viện, giáo viên, học sinh

+ Chuẩn bị: Một số bảng nhóm, bút dạ, phấn, khăn lau…

+ Cách chơi:

Mỗi lớp cử một số bạn (Vì thư viện thường tổ chức cho học sinh mỗi tháng một giờ học trên thư viện) chia thành các nhóm, mỗi nhóm một bảng, 1 bút, 1 khăn. Thi trong khoảng thời gian là 5 phút. Nhóm nào trả lời được nhiều câu hỏi nhất, nhanh nhất , nhóm đó chiến thắng. Trong cuộc thi gồm có các lĩnh vực sau: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lí, truyện cổ tích, tìm hiểu về các danh nhân…

Ngoài ra, thư viện còn thường xuyên tổ chức trò chơi hái hoa dân chủ, hội thi kể chuyện theo sách... Từ những trò chơi đó, các em bắt buộc phải tìm hiểu sách, không những các em đọc một chủ đề mà còn phải đọc nhiều chủ đề khác nhau. Nhờ vậy, các em sẽ có điều kiện tiếp xúc với sách nhiều hơn.

Thư viện cũng rất quan tâm tới việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ bổ ích, thiết thực cho học sinh:

·                              Trong trường

Căn cứ theo tình hình, nhiệm vụ của từng năm học, thư viện tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá vui tươi, lành mạnh, bổ ích thu hút đông đảo học sinh cùng tham gia. Thư viện đã tổ chức Hội thi kể chuyện theo sách giáo khoa, với giọng kể và phong cách diễn đạt hồn nhiên, cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô, các em đã làm cho những câu chuyện trong tủ sách trở nên sống động và hấp dẫn hơn. Ngoài ra thư viện còn có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Sáng tác thơ văn nhân ngày 20 -11, Hội thi cảm nhận của em về các câu chuyện, tổ chức cuộc thi tìm hiểu sách qua những chủ đề hay là tổ chức trưng bày, triển lãm sách quy mô nhỏ tại thư viện…

·                              Ngoài trường

Thư viện thường xuyên động viên học sinh tham gia các cuộc triển lãm sách của các nhà xuất bản, tham gia các cuộc thi do Phòng, Sở giáo dục tổ chức.

Qua những hoạt động này các em học sinh trở nên tự tin hơn, biết thể hiện mình trước tập thể, đồng thời các em đã thể hiện tích cực, đúng đắn, những hiểu biết về thế giới xung quanh, dần hình thành nhân cách tốt đẹp ở các em.

Các hình thức phục vụ khác

Tại Thư viện Trường THCS dân lập Đoàn Thị Điểm, thư viện không chỉ là nơi để học sinh tự học mà bất kỳ các ngày trong tuần trong giờ làm việc của thư viện, giáo viên sẽ đăng ký trước với cán bộ thư viện để đưa học sinh vào đọc sách hay học nhóm (giờ kỹ năng sống). Vào mỗi tháng, các lớp học sẽ có 1h học trên thư viện và sẽ được ghi lại trong sổ theo dõi học sinh học tại thư viện. Sổ theo dõi này bao gồm các thông tin về:

·                              Thứ/ ngày, tháng, năm

·                              Lớp

·                              Tiết

·                              Nội dung bài dạy

·                              Giáo viên dạy

·                              Ghi chú

Mỗi tiết học thường sẽ theo một chủ đề, giáo viên hướng dẫn cho học sinh của mình những thông tin chính. Sau đó, các em sẽ tự đi tìm cho mình một cuốn sách mà các em cho là phù hợp và quay trở lại khu vực học nhóm để thảo luận. Trong quá trình các em đi tìm tài liệu sẽ nhận được sự hướng dẫn của cán bộ thư viện. Cán bộ thư viện sẽ chỉ cho các em đến khu vực có chứa những tài liệu theo chủ đề buổi thảo luận hôm đó.

Cùng với tủ trưng bày giới thiệu sách, Thư viện còn xây dựng bảng thông báo sách mới, khi sách mới được nhập vào thư viện cán bộ thư viện đều thông báo lên bảng với các yếu tố: tên tác giả, nhan đề tác phẩm, nhà xuất bản... giúp giáo viên và học sinh cập nhật kịp thời và tìm đọc nó nếu phù hợp với nhu cầu của mình.

Với những hoạt động trên, thư viện giúp cho tất cả các em đều có điều kiện đọc sách và tham gia những phong trào sôi nổi của thư viện. Các hoạt động này đã giúp các em có điều kiện tiếp xúc với nhiều sách báo, đáp ứng nhu cầu đọc sách báo ngày càng cao của các em.

 

Bài: Phạm Thành Tâm

 

 

Admin3
0