Vai trò của Tổ bộ môn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Trường ĐHVHHN
(ĐHVHHN) - Chúng ta đều biết, tổ bộ môn là nòng cốt, là hạt nhân của một khoa. Khoa có mạnh hay không phụ thuộc vào hoạt động của tổ bộ môn. Với đặc thù và vai trò quan trọng như vậy nên tổ bộ môn là nơi trực tiếp tổ chức những hoạt động sinh hoạt chuyên môn, trực tiếp xây dựng đề cương môn ...
(ĐHVHHN) - Chúng ta đều biết, tổ bộ môn là nòng cốt, là hạt nhân của một khoa. Khoa có mạnh hay không phụ thuộc vào hoạt động của tổ bộ môn. Với đặc thù và vai trò quan trọng như vậy nên tổ bộ môn là nơi trực tiếp tổ chức những hoạt động sinh hoạt chuyên môn, trực tiếp xây dựng đề cương môn học, trực tiếp hướng dẫn giảng viên trẻ tiếp cận môn học, soạn giáo án, định hướng phương pháp giảng dạy phù hợp...Đây chính là những nhân tố cơ bản quyết định chất lượng đào tạo của một đơn vị. Chính vì thế, công tác xây dựng tổ bộ môn vững mạnh về chuyên môn, có chiều sâu học thuật là một nhiệm vụ cấp thiết của tất cả các trường ĐH trong giai đoạn hiện nay.
Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các khoa trong trường ta đã có rất nhiều biện pháp để tăng cường, nâng cao chất lượng của các tổ bộ môn như: xây dựng, hoàn thiện bộ máy tổ chức của các khoa; tăng cường các hoạt động sinh hoạt nghiệp vụ chuyên môn thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo cấp khoa; xây dựng đề cương môn học cho phù hợp phương thức đào tạo mới...Những biện pháp đó đã phần nào phát huy hiệu quả, kết quả đó trước hết thể hiện ở sự lớn mạnh của đội ngũ giảng viên trong trường, ở những công trình nghiên cứu khoa học, và hơn hết là chất lượng đầu ra của sinh viên trường ta. Tuy nhiên, trong thời gian qua, từ khi chúng ta chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, kết cấu lại chương trình đào tạo thì hoạt động của các tổ bộ môn trong các khoa ở trường ta gặp phải một số vấn đề sau:
1. Công tác xây dựng tổ bộ môn vững mạnh vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp trong trường nên các tổ bộ môn chưa phát huy được hết vai trò của mình. Công tác quy hoạch, tuyển chọn cán bộ nòng cốt của bộ môn chưa được thực hiện kịp thời nên có những khoa vẫn chưa hoàn thiện bộ máy tổ chức từ cấp bộ môn.
2. Kế hoạch hoạt động của bộ môn còn mang tính hình thức. Nội dung sinh hoạt bộ môn còn đơn giản chủ yếu là phân công giảng dạy, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của tháng hoặc học kỳ, sinh hoạt chuyên môn theo các chuyên đề ít được thực hiện, dự giờ trao đổi rút kinh nghiệm giảng dạy mới chỉ được tổ chức theo các đợt phát động thi đua của nhà trường chẳng hạn như đăng ký giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua...
3. Công tác biên soạn đề cương môn học cho phù hợp phương thức đào tạo tín chỉ tuy đã được thực hiện ở hầu hết các tổ bộ môn trong các khoa từ khoảng 3-4 năm trước đây, nhưng việc đi sâu nghiên cứu, nâng cấp đề cương thành giáo trình thực hiện chưa hiệu quả. Do vậy, có những môn học vẫn chỉ dừng ở mức đề cương mà chưa có giáo trình chuẩn.
4. Sinh hoạt chuyên môn của tổ bộ môn chưa hiệu quả do bản thân các giảng viên trong bộ môn còn chưa nhiệt tình trong việc trao đổi, đóng góp ý kiến hoặc rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Tâm lý “ngại họp”, ngại “phát biểu”, ngại đánh giá, cả nể nên chất lượng các buổi sinh hoạt chuyên môn còn hạn chế, chưa có nhiều đóng góp có thể áp dụng hiệu quả trong giảng dạy thực tế.
5. Công tác đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ vẫn còn nhiều bất cập, có những giảng viên trẻ vẫn chưa “hứng thú” với việc học nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên như: Nhiều tổ bộ môn chưa nhận thức rõ vai trò quan trọng của mình, chưa xây dựng được kế hoạch, nội dung, phương thức hoạt động ngắn hạn và dài hạn; Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động các tổ bộ môn trong nhà trường chưa thường xuyên, chưa được chú trọng; tổ bộ môn và giảng viên ít có điều kiện, thời gian tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội; “sức ỳ” trong một bộ phận giảng viên còn lớn...
Để tổ bộ môn phát huy hết được vai trò quan trọng của mình trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường trong giai đoạn hiện nay, theo tôi chúng ta cần có một số giải pháp cơ bản sau:
1. Các cấp quản lý trong nhà trường phải nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của tổ bộ môn, phải lấy tổ bộ môn làm trung tâm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, coi bộ môn là hạt nhân quan trọng nhất có tác động trực tiếp nhất, có tính chất quyết định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
2. Công tác quản lý ở cấp khoa nên tập trung vào quản lý tổ bộ môn. Trưởng bộ môn chịu trách nhiệm trực tiếp trước Trưởng khoa về quản lý hoạt động của tổ bộ môn, thực hiện theo sự chỉ đạo của trưởng khoa, phân công giám sát giảng viên giảng dạy các môn thuộc tổ bộ môn phụ trách.
3. Định kỳ rà soát, chuẩn hóa chương trình đào tạo, hoàn thiện hệ thống giáo trình môn học, có lộ trình đổi mới phương pháp giảng dạy; tổ chức phân công giảng dạy, phụ trách môn học một cách cụ thể; khuyến khích áp dụng công nghệ vào giảng dạy; có chính sách khuyến khích giảng viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ trẻ kế cận, tạo một môi trường học thuật có chiều sâu, có bề dày lịch sử.
4. Quy hoạch cán bộ giảng viên theo lộ trình, đánh giá giảng viên theo từng năm học để có những điều chỉnh kịp thời.
5. Tăng cường công tác thanh tra đào tạo, thực hiện nghiêm túc thanh tra, hoạt động dự giờ của giảng viên. Tăng cường quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung môn học và kế hoạch lên lớp của giảng viên. Thực hiện trao đổi kinh nghiệm học thuật với các đơn vị trong và ngoài trường một cách thường xuyên.
Trên đây là những ý kiến trao đổi của tôi để nâng cao vai trò của tổ bộ môn trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường trong phương thức đào tạo tín chỉ hiện nay. Rất mong nhận được sự đóng góp, chia sẻ của quý thầy cô.
Ts. Hoàng Văn Thảo
Khoa Gia đình và Công tác Xã hội