31/05/2017, 12:31

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 3

Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học. Có hai dấu hiệu để nhận biết điều ấy: thứ nhất, nội dung của đoạn văn bàn về một vấn đề của văn học sử Việt Nam; thứ hai, trong đoạn văn, người viết sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học. Câu 1. Về mặt thể loại văn học, ởnước ta, thơ có ...

Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học. Có hai dấu hiệu để nhận biết điều ấy: thứ nhất, nội dung của đoạn văn bàn về một vấn đề của văn học sử Việt Nam; thứ hai, trong đoạn văn, người viết sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học.

Câu 1.

Về mặt thể loại văn học, ởnước ta, thơ có truyền thống lâu đời. Sử thi của các dân tộc ở Tây Nguyên, của dân tộc Mường..., truyện thơ dân gian của các dân tộc Thái, Tày,

Nùng,:., còn lưu truyền nhiều thiên bất hủ. Ca dao, dân ca, thơ cổ điển của người Việt thời phong kiến cũng để lại nhiều viên ngọc quý. Thơ hiện đại, trước cũng như sau Cách mạng tháng Tám 1945, đã góp vào kho tàng văn học dân tộc biết bao kiệt tác. Văn xuôi tiếng Việt ra đời muộn, gần như cùng với thế kỉ XX, nhưng tốc độ phát triển và trưởng thành hết sức nhanh chóng. Với các thể bút kí, tuỳ bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, văn xuôi Việt Nam đã có thể sánh cùng với nhiều nền văn xuôi hiện đại của thế giới.

1.   Hãy cho biết, đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì? Căn cứ vào đâu để nhận biết điều ấy?

2.   Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng những thuật ngữ khoa học nào?

3.   Anh (chị) hiểu thế nào là kho tàng văn học dân tộc?

4.   Đặt nhan đề cho đoạn văn trên.

Câu 2.

Quê hương và chốn lập nghiệp.

Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên bằng một bài văn (khoảng 600 từ).

Câu 3.

Trong truyện ngắn Vợnhặt của Kim Lân, khi biết con trai mình “nhặt” một người đàn bà đói khát về làm vợ lúc nạn đói khủng khiếp đang diễn ra, bà cụ Tứ nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...".

Ngoài việc thể hiện nỗi lòng của người mẹ, câu nói trên còn cho thấy gì thêm về tình cảm của Kim Lân đối với cuộc hôn nhân khác thường của hai nhân vật?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1. 

2.  Các thuật ngữ khoa học xuất hiện trong đoạn văn: thể loại văn học, thơ, sử thi, truyện thơ dân gian, ca dao, dân ca, thơ cổ điển, văn xuôi, bút kí, tuỳ bút, truyện ngắn, tiểu thuyết.

3.  Kho tàng văn học dân tộc là tất cả các tác phẩm văn học thuộc mọi thể loại (kể cả văn học dân gian và văn học viết) có mặt trong nền văn học của nước ta từ xưa đến nay.

4.  Có thể đặt nhan đề cho đoạn văn là: vấn đề thể loại của nền văn học Việt Nam, hoặc Đặc điểm thể loại của nền văn học Việt Nam.

Câu 2.

Câu hỏi yêu cầu phát biểu suy nghĩ về điều luôn làm cho những người trưởng thành phải bận lòng, từ đó gợi mở những nhận thức mới về không gian sống của chúng ta hôm naý cùng các nghịch lí của nó.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Quê hương và chốn lập nghiệp là những khái niệm khác nhau. Quê hương chỉ nơi “chôn rau cắt rốn”, nơi mình sinh ra và lớn lên, mang một giá trị lớn trong cuộc đời, không ai có thể tuỳ tiện vứt bỏ. Khái niệm quê hương có sự giãn nở rộng hẹp khác nhau: nó có thể là một làng, một xã, một huyện, một tỉnh, cũng có thể là một nước (quốc gia). Chốn lập nghiệp chỉ nơi ta hiện sống và làm việc, tạo dựng sự nghiệp cho mình. Con người có thể lập nghiệp tại chính quê hương mà cũng có thể ở những miền đất khác, trong hoặc ngoài nước.

-   Trong những thời đại lịch sử trước đây, phần đông con người sống với suy nghĩ giản dị: sinh ra ở đâu thì sống, làm việc ở đó. Điều này dường như mang ý nghĩa tất yếu. Nhưng trong thời hiện đại - thòi đại của sự giao lưu trên quy mô toàn cầu - nhận thức trên đã bộc lộ “vấn đề”. Quê hương vẫn được xem là một giá trị thiêng liêng nhưng nó không còn quá trói buộc mọi lựa chọn của con người. Người ta làm việc và sống ở nơi khác mà vẫn có thể không bị mang tiếng là bội bạc với quê hương. Theo đó, khái niệm quê hương cũng mở rộng nội hàm, làm xuất hiện những khái niệm mới như “quê hương thứ hai”, “quê hương mới”...

-   Trong suy nghĩ của không ít người, quê hương thường gắn liền với ý niệm về sự “nghèo khó”, “chật hẹp”. Đó là một trong những nguyên cớ thúc đẩy họ ra đi, “dựng cơ đồ” ở những chốn khác thuận lợi hơn. Sự lựa chọn này hoàn toàn chính đáng, không có lí do gì để ngăn trở, nhất là khi chúng ta đã có nhận thức đầy đủ về quyền tự do của con người cá nhân. Tại chốn lập nghiệp (không phải là quê hương), người ta có thể đóng góp được nhiều nhất cho xã hội, và qua đó cũng gián tiếp đóng góp cho quê hương. Điều đó rõ ràng là tốt đẹp. Quê hương có thể tự hào về những người con của mình đã thành danh ở xứ khác.

-   Sự lựa chọn trong cuộc đời thật đa dạng. Có người muốn lập nghiệp ngay tại chính quê hương mình với mong muốn làm cho quê hương ngày càng giàu mạnh, thoát khỏi cái tiếng "nghèo khó”, “chật hẹp”. Đây hiển nhiên là một điều đáng biểu dương. Tuy nhiên, theo cái nhìn cởi mở, ta không thể lấy sự lựa chọn này làm chuẩn mực để đo những sự lựa chọn khác, vấn đề quan trọng là trong lòng anh có còn chỗ cho quê hương không? Đóng góp cho quê hương từ xa cũng là một sự đóng góp đáng được tôn vinh, trân trọng.

-   Đối với con người hiện đại, những ràng buộc đối với quê hương chỉ bằng sợi dây nguồn cội, bằng những giá trị mặc định từ xưa rõ ràng là không đủ. Quê hương chỉ thực sự trở thành hai tiếng có ý nghĩa khi là chốn trở về đầy hấp dẫn với chính sách thu hút nhân tài được thực hiện có hiệu quả, là trung tâm kết nối mọi người ở mọi vùng miền của Tổ quốc và ở mọi nơi trên thế giới. Lúc đó, khái niệm chốn lập nghiệp không còn đối lập với khái niệm quê hương và khái niệm trở về cũng mang một nội hàm mới, ý nghĩa mới, có thể giúp cho người ta yên tâm sống, làm việc và cống hiến, dù họ đang ở không gian nào.

Câu 3.

Câu hỏi này yêu cầu phân tích nỗi lòng của một bà mẹ (bà cụ Tứ) trước một sự kiện khác thường đang diễn ra: giữa nạn đói khủng khiếp, con trai mình vẫn nhặt một người đàn bà đói khát về làm vợ. Câu nói của bà: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...” đã thể hiện chiều sâu trong tình cảm người mẹ. Nhưng, liệu thái độ của tác giả đối với cuộc hôn nhân đặc biệt này có đồng điệu với nỗi lòng người mẹ thương con? Đó là điều người viết phải làm sáng tỏ qua các nhân vật được nhà văn miêu tả trong tác phẩm Vợ nhặt.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-    Vợ nhặt là một trong số ít tác phẩm trực tiếp viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945 - nạn đói cướp đi của chúng ta gần 2 triệu người, tức là một phần mười dân số hồi ấy. Tuy nhiên, truyện ngắn này không chỉ tái hiện không khí u ám, thê lương của sự chết chóc, mà còn miêu tả khát vọng sống mãnh liệt của con người. Khát vọng ấy được thể hiện tập trung qua một tình huống truyện giàu ý nghĩa nhân văn: giữa lúc nạn đói đang hoành hành, người chết như ngả rạ, vậy mà hai con người cùng khổ, bên bờ vực cái chết vẫn đến với nhau, nên vợ nên chồng. Chúng kiến cảnh thương tâm đó, bà cụ Tứ đã nói với “nàng dâu mới”: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...”.

-   Câu nói của bà cụ Tứ đã thể hiện sâu sắc tấm lòng người mẹ. Trước hết, việc con trai bà và người đàn bà đói khát kia đến với nhau, trong con mắt của bà, đó cũng là chuyện “duyên kiếp”, chuyện tác hợp của trời đất. Đối với bà, nó cũng thiêng liêng như bao cuộc hôn nhân khác trên đời. Bà lại nói “mừng lòng” chứ không phải “bằng lòng”. Nếu bằng lòng là đồng ý, chấp nhận, nhưng không hẳn đã vui vẻ gì, thì mừng lòng là chấp nhận với một nỗi hân hoan. Theo dõi diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, ta sẽ thấy nôi hân hoan đó thấm sâu trong từng cử chỉ, từng câu nói của bà với con trai và với cả "nàng dâu mới”.

-   Sự xuất hiện của người đàn bà xa lạ trong nhà lại gọi mình bằng u khiến bà cụ Tứ không khỏi ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi bà biết con mình trăm đường thua thiệt, lại chưa khi nào có bạn gái. Đặc biệt là giữa lúc đói khát cơ cực này, có ai lại tính chuyện gia thất bao giờ. Nhưng với sự nhạy cảm của tấm lòng người mẹ, bà hiểu rất nhanh cơ sự. Hiểu ra rồi, chẳng những bà không hề tỏ thái độ bất bình mà còn tỏ ra hết sức thông cảm với con. Trong lòng người mẹ nghèo khổ này đan xen biết bao nhiêu nỗi niềm: yêu thương, tủi buồn, mừng vui, lo âu, hi vọng. Nhìn người đàn bà đói rách theo không con mình, lạ thay bà cụ Tứ vẫn không hề rẻ rúng, khinh bỉ. Trong lòng bà trỗi dậy một ý nghĩ thật giản dị mà đầm ấm tình người: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được...”. Mỗi câu nói, mỗi cử chỉ của bà đều rất gượng nhẹ, âu yếm, thân tình, cốt xoá đi cái mặc cảm ít nhiều đã gợn lên trong lòng cô dâu mới: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá...”, “Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi”, “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...”... Bà cảm thấy tủi vì bổn phận làm mẹ mà không lo nổi cho con để con phải “nhặt” vợ trong cái thế cùng đường. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi [...]. Còn mình thì...”. Những dòng nước mắt chảy trên khuôn mặt già nua nhăn nheo ấy là dòng nước mắt của tình mẫu tử thanh khiết, nguyên sơ.

-    Là người từng trải, bà cụ Tứ rất lo lắng cho cuộc sống của con cái khi phải đối mặt với cái chết đang rình rập từng ngày, từng giờ: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”, “chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào...”. Tuy nhiên, nỗi lo ấy không thể dập tắt được niềm hi vọng mãnh liệt đang trỗi dậy trong lòng người mẹ nghèo khổ mà hết mực thương con. “Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”. Đó không phải là ảo tưởng mà đích thực là một triết lí đã được đúc kết qua thực tế cuộc đời. Thật tự nhiên khi ta thấy bà bàn định với con từ việc kiếm nứa đan phên ngăn buồng cho đến việc mua đôi gà cho nó sinh sôi nảy nở. Người mẹ già nua còm cõi ấy có mong ước gì riêng cho mình đâu. Chẳng qua là bà muốn khơi lên trong các con một niềm tin, yếu tố cần thiết giúp con người vượt qua những thử thách gay go nhất trong cuộc sinh tồn. Khuôn mặt trĩu nặng vì tuổi tác, vì khổ đau, ưu tư của bà trở nên nhẹ nhõm. Bà nhanh nhẹn, hoạt hát, cùng con dâu quét tước, dọn dẹp, sắp xếp cửa nhà với ý nghĩ nhà cửa quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời có cơ khấm khá hơn.

 

-   Trong câu nói xúc động của bà cụ Tứ, dường như ta cũng bắt gặp nỗi lòng của Kim Lân đối với cuộc hôn nhân đặc biệt của hai con người cùng khổ. Tuy miêu tả tình huống nhặt vợ quá ư lạ lùng, có cái gì như hài hước (hai người quen nhau bởi một câu hò ghẹo vu vơ, chỉ một chầu bánh đúc và một lời mời như đùa, vậy mà nên vợ nên chồng), nhưng đọc kĩ tác phẩm, ta không hề thấy bất cứ sự giễu cợt, rẻ rúng nào. Đi sâu vào tâm trạng hai người, nhà văn nhận ra ở họ những nét thật gần gũi, đáng mến. Đó là sự ngỡ ngàng của Tràng khi đi bên vợ, cảm thấy một cái gì lạ lắm, chưa từng biết đến, cứ mơn man khắp da thịt. Đó là tiếng cười biểu hiện niềm vui sướng của Tràng khi lần đầu được trải nghiệm cảm giác hạnh phúc. Đó là sự chín chắn trong nhận thức của Tràng về bổn phận và trách nhiệm với tổ ấm gia đình. Kim Lân cũng tinh tế phát hiện ở người “vợ nhặt” không chỉ có những biểu hiện nữ tính mà cả ý thức về thiên chức làm vợ của một người đàn bà. Đó là những lời nói, những cử chỉ tình tứ thô mộc nhưng chân thành. Đó là sự vun vén cho tổ ấm của mình trong ngày đầu tiên ở chức phận của một người vợ, người con dâu. Buổi sáng khi Tràng vừa thức dậy, cảm thấy trong người khoan khoái lạ lùng, chứng kiến cửa nhà sạch sẽ ấm áp, mẹ chồng và nàng dâu ríu rít bên nhau dọn dẹp, quét tước... thực sự là một cảnh tượng rất cảm động. Dường như không chỉ có những người trong cuộc, mà cả chính tác giả cũng đang vun đắp cho hạnh phúc của hai con người mà ông rất mực yêu thương.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0