Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 9
Xuân Diệu được Hoài Thanh xem là "mới nhất trong các nhà thơ mới". Thơ của Xuân Diệu luôn thể hiện khao khát về tình yêu, khao khát giao cảm với đời. Nhà thơ như chạy đua với thòi gian để tận hưởng mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Câu 1. Phát hiện các lỗi trong đoạn văn sau và ...
Xuân Diệu được Hoài Thanh xem là "mới nhất trong các nhà thơ mới". Thơ của Xuân Diệu luôn thể hiện khao khát về tình yêu, khao khát giao cảm với đời. Nhà thơ như chạy đua với thòi gian để tận hưởng mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu.
Câu 1.
Phát hiện các lỗi trong đoạn văn sau và chữa lại:
Xuân Diệu được Hoài thanh xem là "mới nhất trong các nhà Thơ mới". Thơ của Xuân diệu luôn thể hiện khao khát về tình yêu. Khao khát giao cảm với đời. Nhà thơ như chạy đua vói không gian, thời gian. Để tận hưởng mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu. Văn xuôi của Xuân Diệu là một thứ văn xuôi đậm tính trữ tình lãng mạn.
Câu2.
Phải chăng giới trẻ hiện nay đang quay lưng lại với thói quen đọc sách?
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) để giải đáp câu hỏi này.
Câu 3.
Nêu cảm nhận về vẻ đẹp đoạn văn sau và chỉ ra nét độc đáo của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân được bộc lộ qua đó:
Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh
đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp có gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiềnsử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của ‘‘một người tình nhân chưa quen biết" (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 191 - 192)
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
Đối với loại đề này, thí sinh cần rà soát đầy đủ các phương diện như chính tả, từ ngữ, ngữ pháp, cách tổ chức đoạn văn để phát hiện cho hết lỗi và từ đó có hướng sửa chữa.
Đoạn văn trên có một số lỗi như sau:
- Lỗi chính tả: Tên người (Hoài thanh, Xuân diệu) không viết hoa đầy đủ, cần chữa lại.
- Lỗi từ ngữ: chạy đua thường chỉ đi kèm với thời gian chứ không thể chỉ không gian. Do vậy, từ không gian phải bỏ.
- Lỗi ngữ pháp: Một số dấu chấm câu sử dụng không phù hợp khiến câu sai ngữ pháp. Chữa lại: Thơ Xuân Diệu luôn thể hiện khao khát về tình yêu, khao khát giao cảm với đời. Nhà thơ như chạy đua với thời gian để tận hưởng mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu.
- Lỗi đoạn: Câu cuối (Văn xuôi của Xuân Diệu là một thứ văn xuôi đậm tính trữ tình lãng mạn.) hoàn toàn lạc chủ đề, phải cắt bỏ.
Đoạn văn cần sửa lại như sau:
Câu 2.
Câu hỏi yêu cầu người viết trình bày ý kiến của mình về một hiện tượng đang được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông hiện nay: sự xuống cấp của văn hoá đọc ở nhiều tầng lớp, trong đó có giới trẻ. Người viết cần tìm hiểu nguyên nhân, từ đó, xác định thái độ đúng đắn của bản thân đối với việc đọc sách.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Trên báo chí, trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, ta đã được nghe nói nhiều về một hiện tượng đáng buồn: người Việt hiện nay đang mất dần thói quen đọc sách. Ở giới trẻ, hiện tượng này ngày càng phổ biến. Không cần tìm đâu xa, hãy nhìn mọi người xung quanh ta, kể cả chính bản thân ta nữa, có phải việc đọc sách đang dần dần trở thành hành động hiếm hoi? Một bạn trẻ có thể dành khá nhiều thời gian trong một ngày để vào mạng lướt web, để giải trí bằng những trò chơi điện tử, nhưng rất hiếm khi thấy họ cầm trên tay một cuốn sách. Nơi bến xe, ga tàu, nhà đợi của sân bay,... dễ dàng bắt gặp các hình ảnh tương phản: những người nước ngoài, nhất là người Âu - Mĩ, thường không rời mắt khỏi trang sách, trong khi các bạn trẻ Việt Nam lại cắm cúi vào chiếc điện thoại cầm tay hoặc chiếc máy tính bảng để giết thời gian bằng những trò tiêu khiển.
- Việc tiếp nhận các thông tin từ các phương tiện truyền thông hiện đại là cần thiết, nhưng điều đó không thể thay thế việc đọc sách, bởi sách là kho tri thức vô tận. Nhiều vấn đề chuyên sâu không thể tìm thấy ở đâu ngoài những cuốn sách được viết nên bởi những bộ óc thông thái. Đọc sách đòi hỏi con người nghiền ngẫm kĩ càng, sâu sắc mới mong có thể “tiêu hoá” được những tri thức trong đó. Chính điều ấy có tác dụng rất lớn trong việc rèn luyện tư duy. Bỏ thói quen đọc sách, hệ quả nhãn tiền là con người dễ hời hợt hơn trong suy tư và cảm nhận thế giới; dễ thoả mãn với những sự hiểu biết giản đơn, dễ dãi.
- Điều đáng tiếc là “văn hoá đọc” ngày nay đang xuống cấp, bị lấn lướt bởi “văn hoá nghe - nhìn". Nhiều người đã nhận ra thực trạng đáng buồn này, và đã có không ít dự án được đưa ra nhằm kéo giới trẻ trở lại với việc đọc sách. Tuy vậy, kết quả thu được chưa có gì khả quan. Thay đổi một thói quen của cả một tầng lớp trong xã hội không phải là chuyện đơn giản, bởi thói quen này được hình thành và duy trì bởi sở thích của cá nhân và tâm lí số đông dưới tác động mạnh mẽ của những điều kiện khách quan.
- Từ thực trạng chung, người viết tự liên hệ bản thân để thấy được những hạn chế của cá nhân đối với việc đọc sách, từ đó, đề xuất hướng khắc phục.
Câu 3.
Nhìn bề nổi, câu hỏi đặt ra hai yêu cầu. Sự thực, có thể nhìn nhận đề chỉ có một yêu cầu thống nhất, bởi vẻ đẹp của đoạn văn thể hiện nét độc đáo của phong cách, và ngược lại, nét độc đáo của phong cách làm nên vẻ đẹp của đoạn văn. Có thể triển khai bài viết dựa vào mạch vận động cảm xúc và liên tưởng của tác giả, tương tự như khi ta nói về một đoạn hoặc một bài thơ trữ tình vậy. Cần chia tách đoạn văn ra nhiều đoạn nhỏ hơn để dễ nói được một cách cụ thể về cái hay của nó.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Người lái đò Sông Đà là một tuỳ bút rất đặc sắc của Nguyễn Tuân rút từ tập Sông Đà (1960). Hình ảnh con sông Đà với hai đặc tính nổi bật là “hung bạo và trữ tình” đã được khắc hoạ thật đậm nét. Để có thể khách thể hoá được đối tượng và “đóng đinh” nó vào trí nhớ độc giả, Nguyễn Tuân đã tung ra nhiều “độc chiêu” ngôn ngữ chỉ mình ông mới có. Khi miêu tả những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiểm”, câu văn của ông mang nhịp điệu dồn dập, kích thích. Nhưng khi ngợi ca “con Sông Đà gợi cảm”, câu văn lại thư duỗi hết sức êm ả, nghe như một tiếng hát ngân nga. Văn Nguyễn Tuân gồm chứa cả hai cực đó, mà cực thứ hai - cực trữ tình mềm mại và thấm đượm một thứ “mĩ học hoài cựu” độc đáo - được thể hiện rất rõ trong đoạn văn từ ‘‘Thuyền tôi trôi trên Sông Đà” đến "... khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.
- Nội dung của đoạn văn là nói về vẻ thơ mộng của sông Đà ở quãng trung lưu. Thác ghềnh lúc này chỉ còn lại trong nỗi nhớ. Thuyền được trôi êm và câu văn mở đầu vì thế cũng trở nên lâng lâng, mơ màng, không vướng víu với một thanh trắc nào: “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà”. Cái ý “lặng tờ” được nhắc đi nhắc lại mấy lần theo một kiểu trùng điệp rất đặc thù của thơ: “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”, nghĩa là không thể “lặng tờ” hơn được nữa! Thiên nhiên thật hài hoà và mang vẻ trong trẻo nguyên sơ, dành riêng cho con mắt nhìn “xanh non” của tác giả những hình ảnh kì thú: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. Cảnh đã làm cho vị tình nhân của non nước Đà giang hết sức xúc động. Ông thấy cần phải nói thêm nữa để diễn tả cho cùng kiệt đặc tính của đối tượng: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Những so sánh lạ lẫm, chính xác mà cũng thật Nguyễn Tuân! Nhà văn đã đi ngược thói quen, đem giải thích một đặc tính vốn đã khá trừu tượng bằng những khái niệm trừu tượng hơn nữa, khiến cho cảm giác trực tiếp bỗng mở ra những liên tưởng trùng trùng, bát ngát. Đi từ “hoang dại”, “hồn nhiên” là cái còn có thể cảm nhận được, đến “tiền sử” và “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”, câu văn đã cập bờ siêu cảm giác, đòi hỏi người đọc phải tiếp nhận nó bằng siêu giác quan chứ không phải bằng giác quan bình thường. Trong câu tiếp theo: “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu”, một mặt nhà văn bộc lộ thèm ước muốn có tiếng còi kéo mình ra khỏi mạng lưới vô hình mà quấn chặt của giấc mơ xưa, mặt khác tạo nên một cái cớ tuyệt diệu để biến cả đoạn văn thành một bài thơ siêu thực mà trong đó giữa người với cảnh có sự tương thông rất đỗi huyền nhiệm và cái hư phút chốc biến thành cái thực: “Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bàng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”.
- Người mơ cảnh cũng mơ, và cái thời điểm “ông khách Sông Đà” bỗng nghe ra tiếng chú hươu gọi hỏi chính là đỉnh điểm của giấc mơ đó. Nhà văn đã khéo tạo được một giấc mơ ngay giữa ban ngày để rồi sau đó sực tỉnh với tiếng động của “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến”. Phút sực tỉnh cũng là phút nhà văn hiến cho độc giả một hình ảnh cực kì sống động mà ai được một lần thấy trong đời hẳn phải nhớ mãi. Bút pháp mượn cái động để tả cái tĩnh đã được vận dụng ở đây hết sức đắc địa. Cảnh tĩnh lặng tới mức chỉ tiếng cá quẫy cũng đủ khiến ta phải giật mình. Nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, cái tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, đơn điệu mà vẫn luôn hàm chứa sự bất ngờ, vẫn không ngót biến hoá. Theo con thuyền thả trôi, điểm nhìn của nhà văn liên tục di động và “di động” hơn nữa cách nhìn. Có vẻ như Nguyễn Tuân muốn học cách nhìn của “con hươu thơ ngộ”, “vểnh tai”, “nhìn không chóp mắt” những sự vật như hiện lên từ thế giới cổ tích, sau đó truyền sự bỡ ngỡ lại cho độc giả qua những từ dùng độc đáo, sáng tạo, kích thích rất mạnh giác quan và vốn ngôn ngữ của chúng ta: “thơ ngộ”, “đầu nhung”, “áng cỏ sương”, “tiếng còi sương’’... Vật nào, cảnh nào được cây đũa thần của nhà văn động đến đều cựa quậy, không chịu ép mình làm một tiêu bản dẹt. Có lúc, Nguyễn Tuân như vượt qua lề luật của phép diễn đạt thông thường để viết: “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi”. Có thể nói câu văn này đã được viết theo bút pháp của hội hoạ lập thể mà mục đích của nó là muốn cùng một lúc cho người ta thấy được sự vật ở nhiều chiều. Trước một nét miêu tả rất cô đọng như thế, ta không chỉ thấy mà còn nghe - thấy cái lấp lánh ánh bạc của bụng cá và nghe tiếng quẫy nước rộn ràng, vang ngân.
- Nguyễn Tuân là người hết sức nặng tình với non sông, đất nước. Trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của sông Đà, trong ông dậy lên bao mối liên tưởng về lịch sử, dậy lên cảm giác hàm ơn sâu xa đối với cổ nhân. Việc ông nhắc tới đời Lí, đời Trần, đời Lê và câu thơ của Tản Đà cho thấy rõ một thiên hướng bộc lộ cảm xúc rất đặc thù của người từng viết Vang bóng một thời. Nhưng trước vẻ “hoang dại” của bờ sông Đà, nhà văn cũng có những suy nghĩ mang tính tích cực của người công dân mới, mong cuộc sống hiện đại toả chiếu ánh sáng lên cả chốn sơn cùng thuỷ tận. “Tiếng còi sương" xuất hiện ở đây ngân nga như một khát vọng, nó hài hoà với cảm hứng lịch sử, tạo cho đoạn văn một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại. Đối với Nguyễn Tuân, những cái gì mang trong nó hơi thở ấm áp của cuộc đời đều để thương, để nhớ, để lưu luyến cho ông. Trong những câu cuối của đoạn văn này, ông đã trải lòng mình ra với dòng sông, hoá thân vào nó để lắng nghe và xúc động: “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”. Qua mỗi dặm đường đất nước, nhà văn đều thấy cảnh vật và con người gắn quyện với nhau rất chặt chẽ. Yêu sông Đà cũng chính là yêu Tổ quốc và yêu con người Việt Nam - những “đồng tác giả” của trăm vẻ đẹp từng làm đắm đuối lòng ta trên “trăm dáng sông xuôi” (ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm).
- Chỉ mới qua một đoạn trích ngắn, ta chưa có điều kiện thấy hết những đặc sắc của văn Nguyễn Tuân. Nhưng chừng ấy tưởng cũng đã đủ để ta quý trọng tài năng và tấm lòng của Nguyễn Tuân - con người suốt đời đi tìm cái Đẹp trong cuộc đời để sáng tạo nên những áng văn đẹp làm phong phú, giàu có thêm đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta.