Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 2
Đến dự buổi lễ có ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Huỳnh Vinh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo bạn yêu sách. Câu 1. Đọc trích đoạn bản tin sau ...
Đến dự buổi lễ có ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Huỳnh Vinh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo bạn yêu sách.
Câu 1.
Đọc trích đoạn bản tin sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
Tối ngày 19-4, lễ công bố Ngày sách Việt Nam đã diễn ra trang trọng dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, vị vua viết nên tác phẩm Chiếu dời đô mang khát vọng dân tộc, khai sáng nền văn chương Thăng Long - Hà Nội.
Tại buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn thay mặt Thủ tướng Chính phủ đọc quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam.
Quyết định nêu rõ: Ngày sách Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kĩ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách conngười.
Ngày sách cũng nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất băn, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; cũng như, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc Việt Nam.
Trong quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí 24-2- 2014, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể Ngày sách hằng năm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.
(Dẫn theo Minh Chánh, http://www.vietnamnet.vn, ngày 19 - 4 - 2014)
1. Nếu được cho phép đặt tên cho bản tin, anh (chị) sẽ đặt như thế nào?
2. Liệt kê theo kiểu gạch đầu dòng những nội dung chính của trích đoạn bản tin.
(Yêu cầu: các nội dung này cần được nêu khái quát, không lặp lại hình thức diễn đạt của bản tin.)
3. Ai là người kí quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm làm Ngày sách Việt Nam? Điều đó cho thấy Ngày sách có tầm quan trọng như thế nào?
4. Phát biểu suy nghĩ của anh (chị) về sự kiện này và về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá đọc trong cộng đồng.
Câu 2.
Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng là tên một cuốn sách của Nick Vujicic và cũng là một thông điệp mà tác giả muốn gửi đến mọi người.
Hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ), trình bày suy nghĩ của anh (chị) về thông điệp trên.
Câu 3.
Người đàn bà làng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu phải đứng trước hai con đường: hoặc chấp nhận những trận đòn oan nghiệt của chồng để giữ gia đình; hoặc li dị chồng để tự giải thoát bản thân.
Người đàn bà ấy đã chọn con đường nào? Quan điểm của anh (chị) về sự lựa chọn của nhân vật.
Hướng dẫn làm bài
Câu 1.
1. Có thể đặt tên cho bản tin: Lễ công bố Ngày sách Việt Nam 21 -4.
2. Liệt kê những nội dung chính của bản tin:
- Nêu thời gian, địa điểm tổ chức lễ công bố Ngày sách Việt Nam 21- 4.
- Nêu thành phần tham dự buổi lễ.
- Nêu tên, chức vụ người đọc quyết định lấy ngày 21 - 4 làm Ngày sách Việt Nam.
- Nêu một số nội dung chính của quyết định, trong đó có nội dung giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức Ngày sách Việt Nam hằng năm đảm bảo thành công, tiết kiệm.
3. Người kí quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm làm Ngày sách Việt Nam là Thủ tướng Chính phủ. Điều đó cho thấy Ngày sách là một hoạt động quan trọng trong chiến lược nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
4. Suy nghĩ về sự kiện tổ chức lễ công bố Ngày sách Việt Nam: Đây là sự kiện đáng mừng, một tin vui chứng tỏ sự ý thức sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của việc nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, về ý nghĩa sống còn của việc xây dựng xã hội nước ta thành một “xã hội học tập”.
- Suy nghĩ về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá đọc trong cộng đồng: Văn hoá đọc là văn hoá ứng xử với sách, văn hoá tiếp nhận thông tin từ sách, văn hoá xây đắp một đời sống tinh thần lành mạnh cho con người. Do đặc điểm phát triển của thời đại internet, văn hoá đọc đang bị suy thoái. Điều này rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của giáo dục và văn hoá. Mỗi người, mỗi nhà cần phải xây dựng thói quen đọc sách. Chỉ như thế, việc kế thừa, tiếp nhận kho báu tri thức của loài người chứa đựng trong sách mới đạt được kết quả tốt đẹp và trình độ dân trí nói chung mói thực sự được nâng cao.
Câu 2.
Câu hỏi đòi hỏi người viết phải hiểu được bản chất của khát vọng, phân biệt được khát vọng và dục vọng, thấy được khát vọng là động lực chân chính thúc đẩy con người đi đến thành công. Từ nhận thức chung, rút ra bài học thiết thực cho bản thân.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Giải thích ý kiến:
+ Khát vọng: là mong muốn, đòi hỏi của nội tâm với một sức thôi thúc mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hướng tới việc thực hiện những dự định cao cả, tốt đẹp. Bên cạnh khát vọng còn có dục vọng. Chúng đều là nguồn sức mạnh vô hình, nhưng một bên hướng tới mục đích cao đẹp, một bên nhằm thoả mãn những ham muốn của cá nhân, thậm chí là những thèm muốn thấp hèn. Chẳng hạn, muốn có một vị trí cao trong xã hội để được cống hiến nhiều hơn, có điều kiện thực thi những dự án lớn lao vì lợi ích cộng đồng là khát vọng, nhưng giành giật, tranh chấp quyền lực để được thể hiện quyền uy và để hưởng thụ cá nhân lại là dục vọng.
+ Nick Vujicic đưa ra lời khuyên đừng bao giờ từ bỏ khát vọng bởi trước hết, khát vọng là một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, giúp con người có khả năng vượt qua mọi gian nan, thách thức, đi tới đích cuối cùng. Một người không có khát vọng khác nào cỗ xe thiếu năng lượng. Nhờ khát vọng mà con người tự xác định được những việc cần làm trong cuộc đời và có kế hoạch để hoàn thành những công việc đó. Khát vọng sẽ đánh thức năng lực trí tuệ để con người trở nên sáng suốt, thông minh hơn, tìm được con đường ngắn nhất đi đến thành công. Nhờ có khát vọng, con người mới không gục ngã sau mỗi thất bại, thậm chí vươn lên mạnh mẽ hơn nhờ kinh nghiệm và sự từng trải.
- Suy nghĩ về thông điệp của Nick Vujicic:
+ Thông điệp của Nick Vujicic thực sự là một chân lí. Chân lí này trước hết đã được kiểm chứng bằng chính cuộc đời tác giả. Sinh ra khiếm khuyết, không chân, không tay,
sống được đã khó, vậy mà không ngờ, nhờ khát vọng, trí tuệ và bản lĩnh, Nick đã kiên trì khắc phục khó khăn để có thể làm được mọi việc như người bình thường: vệ sinh cá nhân, nấu nướng, bơi lội, chơi thể thao... Hơn thế, anh còn tự trang bị cho mình một vốn học vấn sâu rộng để viết sách và diễn thuyết ở hàng chục quốc gia trên thế giới, trở thành một diễn giả nổi tiếng và là một biểu tượng về nghị lực sống cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật. Một con người như thế hoàn toàn có thẩm quyền để truyền đến cho nhân loại thông điệp: đừng bao giờ từ bỏ khát vọng.
+ Tính đúng đắn trong thông điệp của Nick còn được kiểm chứng một cách sống động qua thành công của các nhân vật lỗi lạc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhà khoa học đến người nghệ sĩ, từ người sản xuất đến nhà kinh doanh, từ chính trị gia đến người tu hành... Những thành quả mà họ đạt được đều có dấu ấn sâu sắc của khát vọng cao cả, chân chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bộc lộ khát vọng lớn nhất của đời mình: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác là sự nỗ lực không mệt mỏi để phấn đấu thực hiện khát vọng thiêng liêng đó.
- Bài học cho bản thân được rút ra từ thông điệp của Nick. (Lưu ý: Ý này, người làm bài cần viết một cách chân thành, thiết thực, xuất phát từ hoàn cảnh riêng của bản thân, tránh kiểu viết sáo rỗng.)
Câu 3.
Muốn giải quyết tốt câu hỏi đề này, trước hết phải nắm vững nội dung của câu chuyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Người đàn bà làng chài - nhân vật trung tâm của tác phẩm - thường bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Mặc dù trước toà án huyện, vị chánh án đã gợi ý lối giải thoát cho chị bằng cách bỏ người chồng vũ phu, nhưng chị vẫn kiên quyết từ chối. Thái độ ấy của người đàn bà đã khiến những người chứng kiến cảm thấy lạ lùng. Nhưng xét sâu trong bản chất và hoàn cảnh cụ thể của nhân vật, sự lựa chọn ấy là điều không thể khác được.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đề cập đến một vấn nạn: bạo hành trong gia đình. Người vợ trong một gia đình làng chài ở một tỉnh miền Trung là nạn nhân của người chồng vũ phu. Chị chịu đòn như cơm bữa, ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Hễ thấy khổ là chồng lại lôi vợ ra đánh, đánh định kì, thường xuyên, đánh độc ác, tàn bạo. Vì hành động nhẫn tâm ấy của người chồng, pháp luật đã phải can thiệp. Đẩu - chánh án của toà án huyện đã phải mời chị ta đến giải quyết việc gia đình. Mặc dù toà án luôn muốn hoà giải cho các cặp vợ chồng bất hoà, xích mích, nhưng với trường hợp này, toà muốn giúp chị có một lối thoát: bỏ người đàn ông độc ác ấy. Theo người thực thi pháp luật, chỉ có con đường đó mới đảm bảo cho nạn nhân được sống bình yên. Tuy nhiên, người đàn bà làng chài đã hốt hoảng khi nghe đề xuất ấy và một mực cầu xin Đẩu đừng bắt chị ta phải bỏ chồng. Đó chính là sự lựa chọn dứt khoát của chị. Đặt sự kiện và nhân vật dưới những góc nhìn khác nhau, tác giả muốn tìm ra cái lí trong sự lựa chọn của nhân vật.
- Được tận mắt chứng kiến những gì diễn ra với người đàn bà làng chài khốn khổ, cả Đẩu và Phùng cùng đồng thanh thốt lên: “Không thể nào hiểu được”! Có lẽ đây cũng chính là cái nhìn chung của người đọc trước cảnh ngộ của người đàn bà - nhân vật chính trong truyện. Cái nhìn ấy duy lí và sòng phẳng theo cái luật chung của đời: Vợ chồng sống với nhau đã có một đàn con mà chồng xem vợ như súc vật, muốn đánh lúc nào là đánh, thì li dị là con đường đúng đắn nhất. Nhưng thực ra cái logic đơn giản và rõ ràng ấy lại tỏ ra bất lực trước nhiều điều bí ẩn của con người. Cụ thể, cách ứng xử của người đàn bà trước những vấn đề riêng tư, trong phạm vi gia đình của chị là những gì mà ta không thể lí giải một cách giản đơn.
- Trước hết, phải nói rằng, không ai có thể hiểu thấu tên đàn ông vũ phu ấy hơn người đàn bà này. Trong cách chị ta kể lại cho Phùng và Đẩu nghe những chuyện về chồng, ta nhận thấy có rất nhiều sắc thái tình cảm được biểu hiện. Đó là sự hàm ơn. Đúng, chị ta tỏ lòng biết ơn vì anh ta đã chấp nhận chị - đứa con gái xấu xí mặt rỗ vì đậu mùa - để chị biết thế nào là tổ ấm gia đình và có được niềm hạnh phúc làm mẹ. Trong lời kể của chị, có khi nghe vang lên âm hưởng lời bào chữa cho hành động tàn nhẫn của chồng. Đó là khi chị ta nói về quá khứ của chồng mình, cái anh con trai cục tính nhưng hiền lành, không bao giờ đánh vợ, cái người cũng nghèo khổ, túng quẫn vì trốn lính. Đó là cảm xúc của chị khi nói về những lúc “vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”. Và như để người ta thông cảm cho sự cục cằn, vũ phu của chồng, chị ta luôn luôn nhận lỗi về mình với cái điệp khúc: “giá tôi đẻ ít đi”, “cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”... Dường như với chị ta, chuyện đòn vọt, chì chiết của người chồng trong hoàn cảnh khốn cùng của cuộc sống cũng tự nhiên như sóng gió của những ngày biển động. Chị thản nhiên chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của đời mình. Càng theo dõi những lời kể của người đàn bà về gia cảnh riêng, ta càng thấy cái điều tưởng không thể hiểu nổi ở chị ta hoá ra lại không phải là chuyện hoàn toàn phi lí. Tại sao chị không bỏ quách chồng đi cho rảnh nợ? Thì chị có bao giờ xem người đàn ông này là của nợ đâu! Chị không thể hình dung trên chiếc chuyền vó lênh đênh lại có thể thiếu vắng một người đàn ông, dù cho đó là người đàn ông “man rợ, tàn bạo”.
- Nguồn sức mạnh giúp chị nhẫn nhục, cam chịu những trận đòn dữ dằn của chồng chính là đàn con. Bỏ chồng, nghĩa là một gia đình đổ vỡ, bầy con nheo nhóc không nơi nương tựa. Đó là điều khủng khiếp nhất mà người đàn bà khốn khổ này không bao giờ dám nghĩ tới. “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Cái nụ cười bất giác ửng sáng lên trên khuôn mặt xấu xí của chị ta khi nói những câu này dường như đã soi rõ tất cả. “Sống cho con chứ không thể sống cho mình", mọi căn nguyên, mọi bí ẩn chẳng phải đã trở nên sáng rõ từ lời bộc bạch thành thực đó hay sao?
- Giờ đây, ta mới hiểu vì sao đời người đàn bà tận khổ ấy vẫn có lúc chắt chiu được những niềm vui. Ấy là những lúc “ngồi nhìn nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no...”. Và khi đàn con đã lớn, chị xin chồng cho được chịu đòn trên bờ, bởi chị biết những lằn roi đánh vào thân thể người mẹ sẽ mãi mãi in những vết thương trong lòng con trẻ. Rồi chị tìm cách thu xếp để thằng Phác - đứa con trai lớn - đến ở với ông ngoại “vì sợ thằng bé có thể làm điều gì dại dột đối với bố nó”. Mọi toan tính của chị lặng lẽ âm thầm, được dẫn dắt bởi sự tỉnh táo chắt ra từ nỗi đau và tình thương. Chỉ có điều, tất cả đều thái quá, vượt ngưỡng, đến mức bất bình thường, khó hiểu đối với người đời.
- Không bỏ chồng, không trút tất cả trách nhiệm cho chồng, vì người đàn bà ấy hiểu sâu sắc rằng, tất cả chỉ vì cái đói, cái cùng quẫn. Sinh kế duy nhất của gia đình chục đứa con là cái thuyền lưới vó. Mọi được mất phó mặc cho trời. “Động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối...”. Thật hiếm khi được nhìn đàn con ăn no, vì thực tế là triền miên đói khát. Đói khát mà bất lực, cùng đường, chẳng biết phải làm gì.
Như vậy, sự lựa chọn của người đàn bà làng chài thoạt nhìn tưởng rất phi lí, khó hiểu, song nếu ta đặt mình vào hoàn cảnh của chị, ta mới thấy sự nhẫn nhục trước những trận đòn, sự cam chịu sống chung trên một con thuyền để giữ vẹn nguyên gia đình... là những điều tất yếu. Cái lí của nhân vật - nếu có thể nói như vậy - là cái lí của trái tim. Đấy là trái tim của một người mẹ quên mình vì con.