31/05/2017, 12:31

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 6

Để chữa bệnh thành tích, thực chất là bệnh nói dối, phải đề cao tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” mà Đảng đã đề xướng từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới; phải khuyến khích tinh thần phản biện xã hội; phải mở rộng dân chủ để việc thực hiện khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân ...

Để chữa bệnh thành tích, thực chất là bệnh nói dối, phải đề cao tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” mà Đảng đã đề xướng từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới; phải khuyến khích tinh thần phản biện xã hội; phải mở rộng dân chủ để việc thực hiện khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đạt được hiệu quả thực tế; phải tạo được dư luận mạnh mẽ để bài trừ thói "làm láo báo cáo hay”. Dĩ nhiên, công tác kiểm tra, giám sát phải được đẩy mạnh với sự chủ trì của những con người ...

Câu 1.

Phân tích giá trị của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai trường hợp sau:

a)   Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào.

(Nguyễn Tuân, Người lái đò Sông Đà)

b)  Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

(Xuân Diệu, Đây mùa thu tới)

Câu 2.

Liều thuốc cho bệnh thành tích.

Anh (chị) hãy thử làm bác sĩ kê đơn với “đơn thuốc” là một bài văn khoảng 600 từ.

Câu 3.

Ở truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, bên cạnh Huấn Cao có quản ngục; trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (trích kịch Vũ Như Tô) của Nguyễn Huy Tưởng, bên cạnh Vũ Như Tô có Đan Thiềm.

Anh (chị) suy nghĩ gì về ý nghĩa mối quan hệ giữa hai cặp nhân vật đó?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

a)   Đây là hai câu văn tả thế trận đá trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, thạch trận sông Đà vô cùng hiểm ác, muốn "ăn chết” những con thuyền. Để làm nổi rõ điều này, nhà văn đã sử dụng các phép tu từ một cách tài hoa.

“Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến.” là câu văn sử dụng phép so sánh kết hợp nhân hoá. Y như là từ ngữ chỉ quan hệ so sánh; hất hàm hỏi cái thuyền... là nhân hoá. Cũng vậy, ở câu tiếp đó, đá mà cũng biết lùi lại, thách thức như con người là biểu hiện của phép nhân hoá. Trong con mắt Nguyễn Tuân, những lính đá, tướng đá cũng hết sức ngang ngược, ngông nghênh, hiếu chiến. Trước khi vào trận quyết tử, chúng cũng biết tiến, biết lùi, thách thức, đòi đối phương xưng tên tuổi, không khác gì những dũng tướng trong các trang văn miêu tả chiến trận ngày xưa.

b)   Ở hai câu đầu trong bài thơ Đây mùa thu tới, Xuân Diệu đã dùng phép nhân hoá. Hình ảnh rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang, lệ liễu, tóc liễu từng hàng buông xuống đã khiến cây cối cũng mang đầy đủ dáng nét, tâm trạng của một thiếu phụ trong nỗi buồn tang tóc. Tuy nhiên, với cảm hứng của một nhà thơ lãng mạn thì đó là cái buồn đẹp.

Câu 2.

Để làm tốt câu hỏi này, người viết phải ý thức được chủ nghĩa thành tích là một căn bệnh đang phát tác ở quy mô toàn xã hội, rất khó chữa nhưng phải kiên quyết chữa trị để đất nước phát triển, cần biết đối lập bệnh thành tích với thái độ coi trọng thực chất, với tinh thần tôn trọng sự thực để “chẩn bệnh” và “kê đơn” đúng đắn.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong xã hội nhưng tên gọi của nó mới được xác định gần đây. Cội nguồn của bệnh này là thói chuộng hư danh, thích phô trương, sẵn sàng nói dối một cách không hề ngượng ngùng. Đây là “căn bệnh xã hội” có khả năng “lây nhiễm” cao khiến mọi đối tượng đều có thể mắc, từ cá nhân đến các tổ chức xã hội, tổ chức nhà nước. Hiện nay, việc tuyên chiến với bệnh thành tích đã trở thành một đòi hỏi bức thiết.

-   Bệnh thành tích có các biểu hiện đặc thù như: sẵn sàng che giấu thực chất yếu kém để được vinh danh; “có ít xuýt ra nhiều” mong nhận được các danh hiệu, phần thưởng; ganh đua hơn kém quyết liệt mà bỏ qua việc nhìn lại mình, chấn chỉnh mình...

-   Bệnh thành tích gây tác hại rất lớn. Nó có thể làm suy đồi nhân cách con người, phá huỷ những nền tảng văn hoá tốt đẹp được xây đắp từ lâu. Nó có thể đưa một xã hội, một đất nước tụt dốc không phanh do sự ngộ nhận về mình, và vì ngộ nhận về mình mà ngộ nhận về phần còn lại của thế giới. Nó còn có thể dẫn đến việc đánh lộn sóng các giá trị và cách định danh chúng.

-   Đã có nhiều nỗ lực khắc phục bệnh thành tích, nhưng do cách làm không triệt để, chúng ta đã để phát sinh ra một “chủng bệnh” mới là thi đua lập thành tích để xoá bỏ bệnh thành tích, đưa cuộc đấu tranh vốn rất chính đáng sa vào một vòng luẩn quẩn.

-   Để chữa bệnh thành tích, thực chất là bệnh nói dối, phải đề cao tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” mà Đảng đã đề xướng từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới; phải khuyến khích tinh thần phản biện xã hội; phải mở rộng dân chủ để việc thực hiện khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đạt được hiệu quả thực tế; phải tạo được dư luận mạnh mẽ để bài trừ thói "làm láo báo cáo hay”. Dĩ nhiên, công tác kiểm tra, giám sát phải được đẩy mạnh với sự chủ trì của những con người thật sự liêm chính...

-   Ở môi trường học đường, công tác đánh giá có thể phải đi trước một bước với những cải cách mạnh mẽ, trên cơ sở áp dụng những thang chuẩn đánh giá được quốc tế chừa nhận; khắc phục thói học vẹt; khuyến khích việc bộc lộ thẳng thắn ý kiến cá nhân của người học. Bệnh thành tích sẽ dần được khắc phục khi mỗi con người được bồi dưỡng thường xuyên về lòng tự trọng, về ý thức phẩm giá, về khả năng đánh giá đúng mình. Xã hội sẽ tốt đẹp khi từng cá nhân biết đâu là điều thực sự tốt đẹp để hướng tới, và ngược lại, từng cá nhân sẽ trở thành những con người công chính nếu xã hội biết nhìn nhận, đánh giá họ một cách đúng thực chất.

Câu 3.

Đây là kiểu câu hỏi có tính chất tổng hợp, đối sánh. Để làm được câu hỏi này, người viết phải hiểu sâu sắc bản thân từng nhân vật, đồng thời, phải thấy được dụng ý của các tác giả khi xây dựng các cặp nhân vật “đồng thanh đồng khí” với nhau. Bên cạnh những nét chung, mối quan hệ giữa mỗi cập nhân vật ở từng tác phẩm cũng có những nét riêng biệt, được quy định bởi đặc điểm thể loại, nội dung và tư tưởng của tác phẩm.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

- Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng đều là những nhà văn tài năng và có những sáng tác thành công trước năm 1945. Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là hai tác phẩm xuất sắc của văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, đánh dấu thành tựu chín muồi của thể loại truyện ngắn và thể loại kịch. Ở hai tác phẩm, các cặp nhân vật Huấn Cao - quản ngục và Vũ Như Tô - Đan Thiềm gây được ấn tượng sâu đậm. Có thể xem đó là những cặp tri kỉ hiếm có.

- Trong Chữ người tử tù, giữa Huấn Cao và quản ngục tồn tại một mối quan hệ éo le: hai người thuộc hai phía đối lập nhau trong quan hệ xã hội, lại ở hai tình thế trái ngược. Một người là kẻ phản loạn chống lại triều đình, bị bắt, bị kết án tử hình, chờ ngày ra pháp trường để chịu chém. Một người là quan coi ngục, đại diện cho quyền lực nhà nước ở chốn nhà lao, cầm trong tay sinh mệnh của kẻ tử tù. Hai con người đó bỗng dưng gặp nhau nơi ngục thất, sạu những nghi kị ban đầu đã trở thành những kẻ tâm giao.

+ Mối quan hệ giữa Huấn Cao và quản ngục chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa. Trước hết là sức hấp dẫn và khả năng cảm hoá của cái đẹp, hay cũng có thể nói là sự chiến thắng của cái đẹp. Nó làm bật nổi thiên lương trong sáng và khí phách của Huấn Cao - người nghệ sĩ dũng cảm đương đầu với bạo quyền; tình yêu cái đẹp và ý chí phục thiện của quản ngục - người từng trót đặt mình vào chốn nhem nhuốc, xô bồ. Tác phẩm kết thúc ở thái độ đặc biệt của quản ngục khi lãnh nhận lời khuyên của Huấn Cao, song người đọc có thể tin tưởng con người ấy không làm “nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi” như người tri kỉ đã kì vọng.

+ Từ mối quan hệ giữa Huấn Cao và quản ngục, người đọc có thể hiểu thêm rằng, trong các tiêu chuẩn đánh giá con người, tiêu chuẩn biết yêu cái đẹp, yêu khí phách có một ý nghĩa đặc biệt. Sự thay đổi thái độ của Huấn Cao đối với quản ngục có vẻ đột ngột, bất ngờ nhưng không hề khó hiểu. Một người đam mê chữ đẹp, quý trọng nghệ thuật và biết tiếc kẻ có tài như quản ngục không thể là người xấu.

- Trong Vĩnh biệt Cứu Trùng Đài (trích kịch Vũ Như Tô), giữa Vũ Như Tô và Đan Thiềm cũng tồn tại một mối quan hệ khác thường: khác nhau về hoàn cảnh sống, về công việc nhưng họ đã gặp nhau ở mối quan tâm chung, liên quan đến việc xây dựng Cửu Trùng Đài, lại cùng gặp một kết cục bi đát. Mối quan hệ giữa hai nhân vật này đã gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm. Đó là tình thế bi kịch của một người nghệ sĩ không xử lí hài hoà mối quan hệ giữa khát vọng sáng tạo và việc quan tâm đến đời sống dân sinh. Đó là niềm đam mê tự nhiên nhưng khó hiểu của người nghệ sĩ trước con mắt người đời (Vũ Như Tô không biết gì đến xung quanh, tâm trí chỉ nghĩ về Cửu Trùng Đài - sự giục giã, lo lắng của Đan Thiềm cho thấy điều đó). Đó là nhu cầu được chia sẻ và đồng cảm ở người nghệ sĩ chỉ biết dấn thân vì cái đẹp (một người như Vũ Như Tô rất cần được thấu hiểu và đánh giá đúng đắn, rất cần có một tấm lòng như của Đan Thiềm).

- Không hẹn mà gặp, hai tác phẩm Chữ người tử tù và Vũ Như Tô đều thể hiện những trăn trở của tác giả về cái đẹp, về nghệ thuật, về tài năng và số phận của người nghệ sĩ, về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ có thiên chức sáng tạo ra cái đẹp và người biết thưởng thức, quý trọng cái đẹp.

- Các nhân vật được nói tới ở hai tác phẩm đều có những nét riêng về vị thế xã hội, về giới tính, về tính cách. Mặt khác, hai tác phẩm khắc hoạ hai cặp nhân vật thuộc các thể loại khác nhau: Chữ người tử tù là truyện ngắn lãng mạn, Vũ Như Tô là kịch lịch sử. Hon nửa, cặp nhân vật Huấn Cao - quản ngục được thể hiện trọn vẹn trong chỉnh thể

 

tác phẩm, ngược lại, cặp nhân vật Vũ Như Tô - Đan Thiềm ở đây chỉ được biết đến qua đoạn trích thuộc phần cuối tác phẩm. Nếu đọc toàn bộ vở kịch, ta sẽ nhận thấy nhiều vấn đề phong phú hơn.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0