31/05/2017, 12:31

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 8

Trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, nhân vật Hồn Trương Ba có hai cuộc đối thoại đáng chú ý, đầu tiên là với Xác hàng thịt và sau đó là với Đế Thích. Hãy chỉ ra mối liên hệ giữa hai cuộc đối thoại ấy và phát biểu điều anh (chị) thu nhận được về thông điệp tư tưởng toát ra từ đoạn ...

Trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, nhân vật Hồn Trương Ba có hai cuộc đối thoại đáng chú ý, đầu tiên là với Xác hàng thịt và sau đó là với Đế Thích. Hãy chỉ ra mối liên hệ giữa hai cuộc đối thoại ấy và phát biểu điều anh (chị) thu nhận được về thông điệp tư tưởng toát ra từ đoạn trích.

Câu 1.

Văn nghệ thuật là sản phẩm của trí tưởng tượng nghệ thuật của nhà văn, thấm nhuần tình cảm, cảm xúc thẩm mĩ. Loại văn này thuyết phục người đọc chủ yếu bằng hình tượng nghệ thuật. Còn văn nghị luận là sản phẩm của tư duy logic của lí trí tỉnh táo. Nó thuyết phục người đọc chủ yếu bằng lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắcbén, bằng chứng xác thực.

1.   Đoạn văn trên nói về vấn đề gì? Thuộc loại văn bản gì?

2.   Giải thích các khái niệm: văn nghệ thuật, văn nghị luận, cảm xúc thẩm mĩ, hình tượng nghệ thuật.

3.   Tại sao trong học tập môn Ngữ văn ở Trung học phổ thông, cần phân biệt văn nghệ thuật với văn nghị luận?

Câu 2.

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện trạng: nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử và ít hiểu biết về truyền thống dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Câu 3.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  Đoạn văn nói về sự khác nhau giữa văn nghệ thuật và văn nghị luận. Nó thuộc loại văn bản khoa học.

2. 

-    Văn nghệ thuật (còn được gọi là mĩ văn) là khái niệm quy ước, chỉ loại hình sáng tác, loại hình văn bản ngôn từ được viết ra nhằm mục đích thẩm mĩ, tác động trước hết vào tình cảm, cảm xúc, liên tưỏng, tưởng tượng của độc giả.

-     Văn nghị luận là khái niệm chỉ loại hình sáng tác, loại hình văn bản ngôn từ được xây dựng bằng lí lẽ, lập luận nhằm thuyết phục người đọc về một vấn đề nào đó của văn học hoặc của thực tiễn đời sống.

-     Cảm xúc thẩm mĩ là cảm xúc được dấy lên trước đối tượng thẩm mĩ, trước cái đẹp có trong văn học, trong thiên nhiên và trong đời sống. Cảm xúc thẩm mĩ khác cảm xúc thông thường ở sự quyện hoà giữa khả năng nhận biết cái đẹp, phản xạ trước cái đẹp và trí tưởng tượng phong phú về cái đẹp.

-     Hình tượng nghệ thuật là “bức tranh” cụ thể, sống động được tạo nên trong tác phẩm nghệ thuật, vừa phản ánh thực tế đời sống, tâm hồn con người, vừa phản ánh cảm xúc, cảm nhận, suy tư, đánh giá của tác giả về tất cả những điều đó. Hình tượng nghệ thuật luôn đa nghĩa mà việc giải thích nó đòi hỏi sự am hiểu thực sự về những quy ước của nghệ thuật, về cái “mã” của nghệ thuật.

3.   Trong học tập môn Ngữ văn ở Trung học phổ thông, rất cần phân biệt các loại văn bản, trong đó có văn nghệ thuật và văn nghị luận. Sở dĩ như vậy là bởi, thứ nhất, ở phần đọc - hiểu, học sinh được tiếp nhận cả văn nghệ thuật (thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch...) và văn nghị luận (nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Muốn đọc - hiểu có hiệu quả thì phải nắm vững đặc trưng của từng kiểu, loại văn bản. Thứ hai, trong tạo lập văn bản, các em phải thường xuyên viết các loại văn bản nghị luận (qua các đề kiểm tra, đề thi) đồng thời cũng có thể viết văn nghệ thuật (sáng tác thơ, truyện...). Nếu không hiểu rõ sự khác biệt giữa các loại văn bản thì bài viết khó có thể đạt yêu cầu.

Câu 2.

Với câu hỏi này, người làm bài phải nắm được một thực tế đã và đang diễn ra trong nhà trường phổ thông; có thái độ, có nhận thức riêng để trình bày chủ kiến của mình. Các ý kiến bình luận phải xuất phát từ góc nhìn của người trong cuộc (bản thân người học nói về việc học của chính mình).

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-     Hiện nay, việc học sinh phổ thông không thích học môn Lịch sử và hiểu biết hết sức sơ sài về truyền thống dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc là điều có thật và là một thực tế đáng buồn. Hiện trạng này đang diễn ra trong nhà trường với những biểu hiện khác nhau, khiến những người có trách nhiệm không thể không bận tâm, không thể không suy nghĩ. Hằng năm, kết quả thi môn Lịch sử (kể cả thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học) thấp một cách bất thường. Có những điểm chấm thi, hàng trăm bài thi môn này chỉ điểm 0. Đây là một thực tế đáng báo động.

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người đọc, người nghe phải giật mình khi biết rằng vào cuối hăm học 2012 - 2013, học sinh một trường nọ đua nhau xé tài liệu và đề cương ôn thi môn Lịch sử rải trắng khắp trường khi nghe tin môn này không có trong danh sách các môn thi tốt nghiệp, số đông học sinh như trút được một gánh nặng khi thoát được môn Lịch sử. Họ mừng rỡ khi Lịch sử không còn là môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn. Kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2014, có những hội đồng thi chỉ duy nhất một thí sinh trong phòng thi môn Lịch sử.

Không chỉ trong nhà trường, ngay cả ở những cuộc thi thuộc mảng giáo dục trên truyền hình, nơi nhiều người được xem là học tốt, học giỏi tham dự, thật đáng buồn khi phải nghe những câu trả lời hết sức ngô nghê về kiến thức lịch sử. Hiện tượng nhầm lẫn các thời kì, các sự kiện và các nhân vật lịch sử đã trở nên phổ biến. Nhiều người lúng túng khi được hỏi về các nhân vật và sự kiện lịch sử nổi bật được lấy tên đặt cho các đường, các phố trong đô thị.

-     Việc học sinh xa rời môn Lịch sử rõ ràng có tác hại rất nghiêm trọng. Nó không chỉ tạo ra những lỗ hổng về tri thức, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách của học sinh. Một khi không có ý niệm gì về lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc thì sự mơ hồ, nhạt phai lí tưởng yêu nước, sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng, với quốc gia là điều dễ xảy ra.

-     Hiện trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân. Trước hết, phía nhà trường, như nhiều nhà khoa học đã khẳng định: chương trình, sách giáo khoa Lịch sử khô khan, thiếu sức hấp dẫn vì quá chú trọng vào các con số, các ngày tháng, niên đại, mà không tái hiện được một cách sống động các sự kiện, các nhân vật lịch sử. Với chương trình và sách giáo khoa như vậy, giáo viên khó mà có được những phương pháp dạy học tích cực, tiên tiến; khó mà truyền cho học sinh niềm đam mê lịch sử. Phía các kênh tuyên truyền thì nặng về cung cấp thông tin một chiều hoặc chưa lưu ý đến hậu quả xấu của việc cho chiếu quá nhiều phim cổ trang của Trung Quốc. Học sinh bị thu hút vào những trò giải trí hấp dẫn quanh mình, bị chi phối bởi quan niệm thực dụng về việc học và việc chọn nghề sau này, đọc quá ít các sách, các tài liệu về lịch sử.

-     Trước hiện trạng nêu trên, mỗi học sinh cần nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa của kiến thức lịch sử, biết tích luỹ kiến thức lịch sử một cách nghiêm túc, tìm thấy hứng thú ở những câu chuyện nói về truyền thống hào hùng của cha ông, qua đó, bồi đắp lòng tự hào dân tộc.

Câu 3.

Để thực hiện được yêu cầu của câu hỏi, phải phân tích và nắm được tinh thần cốt lõi của hai đoạn đối thoại, sau đó phải chỉ ra được mối liên hệ tất yếu giữa chúng. Không có cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt thì củng sẽ không có cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Đế Thích. Những điều nung nấu từ cuộc đối thoại với xác hàng thịt đòi hỏi được giải quyết trong cuộc đối thoại với Đế Thích. Việc nhìn ra mối liên hệ giữa hai cuộc đối thoại sẽ giúp chúng ta hiểu trọn vẹn hơn thông điệp tư tưởng của vở kịch. Con người cần được sống đúng mình - đó là một khao khát.

Nhưng làm thế nào để sống đúng mình? Để trả lời câu hỏi này, dứt khoát ta phải hành động, như Hồn Trương Ba đã hành động ở sự lựa chọn cuối cùng của ông.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một vở kịch có tầm vóc tư tưởng lớn của Lưu Quang Vũ, được tác giả hoàn thành vào năm 1981 và bắt đầu được dàn dựng, công diễn vào năm 1984. Qua việc soi tỏ những giằng xé bi kịch trong nhân vật Hồn Trương Ba, tác phẩm đưa đến một thông điệp giàu ý nghĩa: con người phải được sống đúng mình, phải được là chính mình.

-   Trong đoạn trích, tác giả triển khai nhiều cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại nào cũng có sự tham gia của Hồn Trương Ba. Tất cả các cuộc đối thoại đều liên đới với nhau để làm nên hành động kịch và thúc đẩy xung đột kịch phát triển lên đỉnh điểm. Trong số đó, hai cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba với Xác hàng thịt và Đế Thích có ý nghĩa đặc biệt. Qua đó, ta có thể nhận thấy Lưu Quang Vũ có khả năng nhìn thấu bi kịch con người và bao quát được những vấn đề lớn của tồn tại.

-   Cuộc đối thoại thứ nhất được mệnh danh là cuộc đối thoại giữa hồn và xác, biểu hiện những giằng xé kịch liệt trong Hồn Trương Ba. Hồn Trương Ba bứt rứt, khổ tâm vô cùng vì phải sống chung với Xác hàng thịt - kẻ được “ông” gọi là “xác thịt âm u đui mù”, “chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!”, “ti tiện”... Trong khi đó, Hồn Trương Ba, qua việc tự nhận xét, cho rằng tâm hồn “có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn...”. Tất cả những lời Hồn Trương Ba thốt lên đều bị Xác hàng thịt phản bác một cách mạnh mẽ, với tinh thần áp đảo. Điều này có thể thấy rõ trong liều lượng phần lời của “y”. Xác hàng thịt khi thì nghi ngờ (“Có thật thế không?”), khi thì mỉa mai (“Chẳng lẽ ông không xao xuyến chút gì? Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi, và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lâng lâng cảm xúc sao?”), khi thì truy vấn (“Để thoả mãn tôi, chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào, hãy thành thật trả lời!”), khi thì đắc thắng (“Thôi, đừng cãi cọ nhau nữa! Chẳng còn cách nào khác đâu! Phải sống hoà thuận với nhau thôi! Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!”)... Xem ra, phần thua trong cuộc đối thoại thuộc về Hồn Trương Ba. Chính sự thua cuộc này tạo ra cái căng thẳng, dồn nén của xung đột kịch. Riêng đối với Hồn Trương Ba, chắc chắn âm vang của cuộc đối thoại sẽ khiến tâm tư “ông" thêm phần nặng nề, u uất.

-   Sau cuộc đối thoại với Xác hàng thịt, Hồn Trương Ba còn có các cuộc đối thoại ngắn nữa với vợ Trương Ba, cái Gái, chị con dâu. Những cuộc đối thoại này dường như đã đẩy Hồn Trương Ba đến cảnh cùng đường, vì “ông” hiểu sự tồn tại “tréo ngoe” của mình trong vỏ bọc phàm tục của Xác hàng thịt đã đem tới bao phiền phức cho cuộc sống của những người thân. Thấy người khác khổ và hiểu nguồn cơn nỗi khổ ấy là do mình gây ra, Hồn Trương Ba hết sức đau lòng. Sự xa lánh của người thân đã thúc đẩy “ông” đi đến một quyết định: cần phải gặp Đế Thích.

-    Cuộc gập gỡ - đối thoại với Đế Thích là cuộc gặp gỡ - đối thoại mà Hồn Trương Ba đóng vai trò chủ động. Chủ động gọi, chủ động nêu nguyện vọng, chủ động bác bỏ lần lượt các cách giải quyết sự việc mà Đế Thích đưa ra nhằm đi đến quyết định hệ trọng: giã từ cuộc sống để giữ trọn sự cao khiết của tâm hồn, để cu Tị được tái sinh, để những người thân thôi phải dằn vặt, đau khổ. Những điều không nói được với Xác hàng thịt, Hồn Trương Ba đem chia sẻ với Đế Thích: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Sau cuộc đối thoại với Xác hàng thịt, cái nhìn của Hồn Trương Ba cũng đã trở nên nhân ái hơn. Ông nói với Đế Thích về hồn anh hàng thịt: “Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hoà thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau”. Thì ra, điều mà Hồn Trương Ba muốn chỉ ra là ai cũng cần được sống đúng với chính mình. Hồn Trương Ba không phải là kẻ cao ngạo coi khinh những tồn tại khác. Hồn Trương Ba còn phê phán Đế Thích không “tự tồn tại” mà phải sống dựa vào người khác (muốn chứng tỏ mình là tiên cờ thì phải để Hồn Trương Ba sống vì chỉ Hồn Trương Ba mói biết được Đế Thích cao cờ như thế nào).

-    Đối chiếu hai cuộc đối thoại quan trọng trên với nhau, ta thấy lộ ra thông điệp mà nhà soạn kịch muốn phát biểu: Mỗi người phải được là chính mình. Và muốn đạt được điều đó, tự ta chứ không ai khác phải đưa ra quyết định, với một tinh thần kiên quyết, rằng mình phải làm gì. Khi đó, nguyên tắc không thể bỏ qua là phải biết người, biết mình và phải có tinh thần vị tha, hỉ xả. Từ cuộc đối thoại thứ nhất đến cuộc đối thoại thứ hai, ta thấy rõ sự nhọc nhằn của cuộc hành trình đi từ đấu tranh với bản thân đến những lựa chọn đúng đắn, cao cả. Cái trước làm tiền đề cho cái sau và cái sau hiện diện như để chứng minh cho sự cần thiết của cái trước.

-           Thông điệp mà vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt đưa lại là thông điệp đầy tính triết lí và thấm đẫm tinh thần nhân văn. Mọi độc giả, khán giả đều có thể thấy câu chuyện được “kể” trong tác phẩm không hề xa lạ với mình. Đây có thể xem là những điều kiện thiết yếu đảm bảo cho vở kịch có sức sống lâu bền trong đời sống văn học, đời sống tinh thần của chúng ta.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0