31/05/2017, 12:31

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 7

Đáng quan ngại nhất, theo các chuyên gia, là nguy cơ vỡ đập. Ông Nguyễn Hữu Thiện, trưởng nhóm tư vấn đánh giá môi trường chiến lược các đập dòng chính Mê Công cho rằng nếu vỡ một đập thì hàng loạt đập khác sẽ vỡ dây chuyền. Câu 1. Trong bài Đập thuỷ điện thượng nguồn sông ...

Đáng quan ngại nhất, theo các chuyên gia, là nguy cơ vỡ đập. Ông Nguyễn Hữu Thiện, trưởng nhóm tư vấn đánh giá môi trường chiến lược các đập dòng chính Mê Công cho rằng nếu vỡ một đập thì hàng loạt đập khác sẽ vỡ dây chuyền.

Câu 1.

Trong bài Đập thuỷ điện thượng nguồn sông MêCông: Những quả bom nước đăng trên báo điện tử Tuổi trẻ ngày 24 - 9 - 2014 có đoạn:

Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, nếu ở phía thượng lưu 15 công trình thuỷ điện thuộc địa phận Trung Quốc và 11 đập thuỷ điện trên địa phận Lào, Thái Lan, Campuchia được xây dựng thì tổng dung tích điều tiết của toàn hệ thống bậc thang này ước hon 30 tỉ m3nước.

Trong điều kiện vận hành bình thường, lượng nước điều tiết xuống hạ lưu chắc chắn làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông.

Trong đó, đập Sambo do một công ti Trung Quốc xây dựng ở Campuchia (bề ngang hơn 18km, cao 56m) nếu xảy ra sự cố, lượng nước được tích trữ ở độ cao 40m trên mực nước biển sẽ biến thành quả bom nước khổng lồ tống xuống san phẳng cả đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhà khoa học, nhà quản lí nhận định lợi ích từ thuỷ điện trên dòng chính Mê Công đem lại cho các nước không đáng kể, mỗi đập thuỷ điện chỉ vài chục triệu USD / năm,nhưng tổn thất là vĩnh viễn không thể phục hồi lại được. Cả cộng đồng 60 triệu dân sống bên lưu vực dòng sông này gánh chịu lâu dài.

“Biến đổi khí hậu đã khó đối phó, hệ thống thuỷ lợi và canh tác hiện nay chưa thể thích nghi được, nay làm thêm các đập ở thượng lưu thì phải nói là không có cách nào, biện pháp nào để đối phó, cứu vãn” - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Trường Đại học cần Thơ, cánh báo.

(Dẫn theo Đức Vịnh, http://www.tuoitre.vn)

1.   Đoạn văn bản tập trung nói về nguy cơ gì trong nhiều nguy cơ mà việc xây dựng tràn lan các đập thuỷ điện tại thượng nguồn sông Mê Công có thể gây ra?

2.   Việc dẫn ý kiến của nhiều nhà khoa học và quản lí trong đoạn văn có tác dụng gì? Thái độ của họ đối với sự việc được nêu?

3.   Phát biểu suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề họp tác quốc tế trong việc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên và bảo vệ môi trường sống chung của tất cả chúng ta.

Câu 2.

“Chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại để chăm lo riêng cho bộ da của mình” (Các Mác).

Anh (chị) hãy viết một bài văn khoảng 600 tù trình bày suy nghĩ của mình về câu nói trên.

Câu 3.

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, có lúc, Mị thổn thức thấy mình không bằng con trâu, con ngựa, lại có chỗ, Mị được ví như con rùa lùi lũi trong xó cửa.

Những hình ảnh ví von ấy có ý nghĩa gì? Chúng đã nói được tất cả mọi điều về nhân vật Mị hay chưa? Hãy luận giải về điều đó.

Hướng dẫn làm bài 

Câu 1.

1.  Đoạn văn tập trung nói về nguy cơ cả đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị san phẳng vì “những quả bom nước” ngầm ẩn trong hàng loạt con đập được xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Công, nếu chúng bị vỡ.

2. Việc dẫn ý kiến của nhiều nhà khoa học và quản lí trong đoạn văn làm tăng độ tin cậy của những lời cảnh báo nguy cơ. Thái độ chung của những người được dẫn ý kiến là “quan ngại”, lo lắng, thậm chí phản đối việc các nước thiếu hợp tác với nhau một cách thật sự.

3.  Thời đại ngày nay, con người đang đứng trước nhiều vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có vấn đề ứng phó với các thảm hoạ thiên nhiên. Nếu không biết khai thác các nguồn lợi thiên nhiên một cách thông minh, con người sẽ bị báo thù. Bên cạnh đó, việc chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của quốc gia mình mà không tính đến lợi ích của các quốc gia khác cũng làm tổn hại đến môi trường sống chung. Rõ ràng, việc hợp tác quốc tế trên vấn đề này có một ý nghĩa sống còn. Mê Công là một con sông lớn chảy qua nhiều nước. Việc bảo vệ sông Mê Công là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta. Nếu quốc gia nào cũng tỏ thái độ ích kỉ và chỉ nghĩ đến những cái lợi nhỏ trước mắt cho mình thì con sông sẽ bị giết chết và cuộc sống của hàng chục triệu cư dân sống quanh lưu vực sông Mê Công cũng sẽ bị đe doạ.

Câu 2.

Nắm được cách trình bày quan niệm của Các Mác: chỉ đề cập đến một đặc điểm của súc vật, buộc người đọc phải suy luận để nhận thức ra đặc điểm đối lập (thuộc về con người). Có thể diễn giải câu nói trên cho đầy đủ bằng cách thêm quan hệ từ: Chỉ có súc vật mới quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại đế chăm lo riêng cho bộ da của mình, còn con người... Phần có thể thêm vào một cách hợp lí ấy chính là thông điệp mà Các Mác muốn gửi gắm trong câu nói của mình.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Trong câu nói này, nhà triết học của chủ nghĩa duy vật biện chứng đã nêu một thuộc tính bản năng của súc vật: không cần biết đến mọi vui buồn, sướng khổ của đồng loại, mà chỉ lo chăm chút cho riêng mình. Nói về một đặc điểm của loài vật, Các Mác ngầm khẳng định: không thể chấp nhận ở con người một lối sống ích kỉ, hẹp hòi.

Đã là con người thì phải có ý thức đoàn thể, phải biết quan tâm đến đồng loại, không làm ngơ trước nỗi bất hạnh, đau khổ của người khác.

-    Quan điểm này của Các Mác trước hết dựa trên tư tưởng về bản chất của con người. Con người, bên cạnh những thuộc tính tự nhiên, theo Mác, còn là “sự tổng hoà các quan hệ xã hội”. Nói cách khác, con người bao giờ cũng tồn tại trong một môi trường xã hội nhất định. Mỗi cá nhân vừa có tính độc lập tương đối, vừa có sự lệ thuộc vào người khác, từ những người ruột thịt trong gia đình, họ hàng, dòng tộc, đến mọi người trong cộng đồng xã hội. Vì thế, trên đời này, không ai có thể tự xây cho mình một ốc đảo, sống đơn độc khép kín, khước từ mọi mối quan hệ. Có ai dám khẳng định rằng cả đời tôi không cần biết đến bất cứ ai.

-    Câu nói của Các Mác còn xuất phát từ yêu cầu tối thiểu về đạo lí. Tạo hoá ban cho con người một bộ óc để nghĩ suy và một trái tim để biết rung cảm. Suy nghĩ để nhận ra phải trái trên đời; rung cảm, yêu thương để kết nối tâm hồn mình với tâm hồn người khác. Cho nên, con người không nên sống ích kỉ và khép kín, chỉ biết đến bản thân, chỉ biết thu vén cho riêng mình, bởi ích kỉ, hẹp hòi bao giờ cũng đồng nghĩa với ngạo mạn, kiêu căng, dễ dẫn đến hung hăng, tàn ác. Kẻ ích kỉ không bao giờ tự biết rằng, đắc ý hôm nay rồi cũng có thể sẽ thất thế ngày mai. Hôm nay mình quay lưng lại với nỗi đau của người khác thì ngày mai người ta cũng sẽ ngoảnh mặt làm ngơ trước bất hạnh của mình. Sự vay trả ở đời thường rất sòng phẳng.

-    Cuộc sống vốn đầy những cảnh .ngộ bất hạnh, đau khổ, đáng thương. Đó là những người vốn đã nghèo lại mắc những căn bệnh nan y; những đứa trẻ bị bỏ rơi cầu bơ cầu bất, chìa bàn tay cầu xin sự thương cảm của người đời; là những người già cả đơn côi, không nơi nương tựa, những người gặp hoạn nạn, rơi vào tình thế tuyệt vọng, cùng đường... Trước những cảnh ngộ đó, thái độ đúng đắn là phải biết đồng cảm, sẻ chia bằng cả tinh thần và vật chất. Mọt con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Thương người như thể thương thân - những câu tục ngữ ấy của người Việt đã nêu một bài học đạo lí giản dị mà sâu sắc. Nó nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại. Thực tế, trong xã hội của chúng ta, có không ít tấm lòng cao cả, bằng tình thương chân tình, thiết thực, đã ra tay giúp đỡ những kẻ bất hạnh, xua bót đi nỗi đau khổ của những số phận đáng thương. (Lưu ý: nêu các biểu hiện cụ thể và phân tích dẫn chứng để chứng minh.)

-    Dẹp bỏ thói ích kỉ, không quay lưng lại với đồng loại củng có nghĩa con người phải có lí tưởng cống hiến, phải biết chung tay xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp. Khi lẽ sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người" được thực hiện là khi tất cả đều được hưởng hạnh phúc, trong đó có hạnh phúc của chính mình. (Lưu ý: nêu các biểu hiện cụ thể và phân tích dẫn chứng để chứng minh.)

-    Nhận thức được chân lí trong câu nói của Các Mác, ta phải soi vào đó để tự đánh giá cách sống của bản thân và định hướng phấn đấu nhằm trở thành con người chân chính.

Câu 3.

Người viết phải hiểu được ý nghĩa của những hình ảnh so sánh mà nhà văn lựa chọn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ để làm nổi bật những nỗi đau khổ của nhân vật Mị. Nếu con rùa gợi sự sợ hãi, thui thủi, luôn rụt đầu co mình lại - một hình ảnh rất đắt khiến người đọc nghĩ đến nỗi thống khổ về tinh thần của nhân vật - thì con trâu, con ngựa là biểu trưng của những đoạ đày về thể xác. Với hai hình ảnh so sánh này, Tô Hoài đã nói lên một cách thấm thìa bi kịch của một người phụ nữ miền núi Tây Bắc dưới chế độ phong kiến thực dân.

Tuy nhiên, đó chưa phải là toàn bộ những gì ở nhân vật Mị. Đọc tác phẩm, ta còn thấy Mị đã nhiều lần “nổi loạn”, phản ứng lại sự đè nén, áp bức bằng tất cả sức sống tiềm ẩn trong cái vẻ bề ngoài của một người nô lệ.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tô Hoài là nhà văn hiện thực. Sau Cách mạng, Tô Hoài sáng tác rất sung sức, trở thành một trong những trụ cột của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tô Hoài được xem là nhà văn rất thành công ở mảng đề tài viết về miền núi Tây Bắc. Vợ chồng A Phủ (1952) rút từ tập Truyện Tây Bắc và cũng là tác phẩm đặc sắc nhất của tập truyện này. Đoạn trích ở SGK Ngữ văn 12, tập hai là phần đầu của tác phẩm.

-   Mị là nhân vật chính của truyện Vợ chồng A Phủ. Với MỊ, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng người phụ nữ chịu nhiều đau khổ dưới chế độ thực dân phong kiến miền núi Tây Bắc trước khi ta giải phóng vùng đất này. Tô Hoài hoàn toàn có dụng ý khi ví Mị lúc thì như con rùa lùi lũi trong xó cửa, lúc thì không bằng con trâu, con ngựa. Với hai hình ảnh so sánh đó, nhà văn muốn làm nổi bật nỗi đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần của MỊ.

-  A Sử lừa bắt Mị về làm vợ trừ nợ, nhưng thực chất, trong nhà chồng, Mị chỉ là một người lao động khổ sai. Quanh năm suốt tháng công việc hết sức nặng nhọc, cật lực cả ngày lẫn đêm. Sự lao khổ khiến Mị cũng như những người đàn bà con gái trong nhà này “mới ngoài ba mươi tuổi mà lưng đã còng xuống như một bà già”. Mị bị chồng coi như một đứa ở, thậm chí như một vật vô tri. Bất cứ lúc nào, hễ muốn là A sử sẵn sàng đạp vào mật Mị. Hình phạt khủng khiếp mà Mị phải chịu là bị chồng trói vào cột trong xó nhà đến mức có thể chết đứng ở đó.

-   Là một người con gái xinh đẹp, tài hoa, nhiều khát vọng, có mối tình đầu đẹp đẽ, hứa hẹn một tổ ấm hạnh phúc, nhưng mối tình ấy đã tan vỡ khi MỊ bị A Sử lừa bắt về làm vợ trừ nợ. Làm vợ A Sử nhưng chưa bao giờ Mị nhận được sự yêu thương. Đối với A Sử, Mị chỉ là một kẻ tôi đòi, một kẻ nô lệ phải làm việc cật lực ngày đêm để trả món nợ truyền kiếp. Chỗ ở của Mị chỉ là một cái buồng nhỏ, với cái cửa sổ bằng bàn tay, không khác gì nấm mồ chôn vùi tuổi xuân. Cuộc sống bị đày ải đã biến Mị từ một người con gái xinh đẹp, trẻ trung dần dần thành một người câm lặng, nhẫn nhịn, buồn bã. Thậm chí, Mị bị lẫn vào thế giới những vật vô tri. Những bài hát trữ tình ngày xưa Mị từng thổi sáo rất hay, giờ đây như bị xoá sạch khỏi tâm trí Mị. Chỉ một lần Mị sống lại với cái tươi trẻ của tuổi thanh xuân, muốn một lần được đi chơi trong đêm tình mùa xuân, nhưng khát khao đó của cô liền bị chồng vùi dập phũ phàng.

-   Tuy nhiên, những nỗi khổ cực tận cùng ấy mới là một phần của cuộc đời Mị. Tô Hoài còn muốn cho người đọc hiểu thêm một phương diện khác ở Mị: đó là vẻ đẹp về thể chất và tinh thần, là sức sống tiềm tàng, là sự phản kháng trước áp bức, bất công.

-   Nhìn một cô Mị mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, lẫn vào những vật vô tri trong cái địa ngục trần gian là nhà thống lí Pá Tra, có ai ngờ, người con gái ấy từng rất xinh đẹp, có tài thổi sáo, là niềm ao ước của bao nhiêu chàng trai trong bản. Mị cũng đã từng yêu và được yêu, từng mơ về hạnh phúc lứa đôi, không chấp nhận thân phận tôi đòi trong nhà thống lí, dù phải đánh đổi bằng những nương ngô mà hằng năm cô phải cuốc để trả món nợ truyền kiếp. Bị lừa bắt về làm con dâu trừ nợ,. Mị không cam chịu một bề, sẵn sàng ăn lá ngón để kết thúc tuổi xuân còn hơn làm kiếp tôi đòi trong nhà thống lí. Bị đày ải về thể xác và đoạ đày về tinh thần, nhưng sức sống trong tâm hồn Mị vẫn không tắt. Trước những kích thích mạnh mẽ của ngoại cảnh, Mị như hồi sinh, chuẩn bị tinh thần đi chơi trong đêm tình mùa xuân để được sống lại thời trẻ trung, sôi nổi, đẹp đẽ. Rồi cũng chính Mị, ngay giữa lúc tưởng trái tim đã hoá đá, đã dám cắt dây giải thoát cho A Phủ rồi cùng A Phủ trốn chạy khỏi Hồng Ngài.

 

-   Như vậy, nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ mang trong mình những đối nghịch: vừa là hiện thân của nỗi khổ đau, vừa như một biểu tượng của sức sống mãnh liệt. Hai mặt đối lập đó được nhà văn thể hiện hết sức biện chứng trong tâm lí, tính cách nhân vật.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0