31/05/2017, 12:31

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 11

Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu như thế không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Vì chỉcó những người đã hiểu biết vững một nền văn hoá rồi mới có khả năng thưởng thức một nền văn hoá ngoại bang. Những kiểu kiến trúc và trang trí lai căng của những ngôi nhà thuộc về những người An Nam được hun đúc theo ...

Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu như thế không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Vì chỉcó những người đã hiểu biết vững một nền văn hoá rồi mới có khả năng thưởng thức một nền văn hoá ngoại bang. Những kiểu kiến trúc và trang trí lai căng của những ngôi nhà thuộc về những người An Nam được hun đúc theo cái mà những người ở Đông Dương gọi là văn minh Pháp, chứng tỏ rằng những người An Nam bị Tây hoá chẳng có được một thứ văn minh nào. Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người ...

Câu 1.

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Nhiều người An Nam thích bập bẹ năm ba tiếng Tây hơn là diễn tả ý tưởng cho mạch lạc bằng tiếng nước mình. Hình như đối với họ, việc sử dụng Pháp ngữ là một dấu hiệu thuộc giai cấp quý tộc, cũng như sử dụng nước suối Pe-ri-ê (Pérrier) và rượu khai vị biểu trưng cho nền văn minh châu Âu. Nhiều người An Nam bị Tây hoá hiện nay tưởng rằng khi cóp nhặt những cái tầm thường của phong hoá châu Âu họ sẽ làm cho đồng bào của mình tin là họ đã được đào tạo theo kiểu Tây phương.

Thái độ mù tịt về văn hoá châu Âu như thế không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Vì chỉ có những người đã hiểu biết vững một nền văn hoá rồi mới có khả năng thưởng thức một nền văn hoá ngoại bang. Những kiểu kiến trúc và trang trí lai căng của những ngôi nhà thuộc về những người An Nam được hun đúc theo cái mà những người ở Đông Dương gọi là văn minh Pháp, chứng tỏ rằng những người An Nam bị Tây hoá chẳng có được một thứ văn minh nào. Việc từ bỏ văn hoá cha ông và tiếng mẹ đẻ phải làm cho mọi người An Nam tha thiết với giống nòi lo lắng.

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ- nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức)

1.   Nêu những ý chính của đoạn văn.

2.   Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản chứa đoạn văn trên. Phân tích thủ pháp nghệ thuật của câu văn được in đậm.

3.   Viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của anh (chị) về việc học và sử dụng ngoại ngữ của thanh niên hiện nay.

Câu 2.

Trong bài viết Đón bắt thời cơ, phát huy sức mạnh của toàn dân, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, đưa đất nước tiếp tục tiến lên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có đoạn:

Giang sơn, xã tắc mấy nghìn năm ông cha ta truyền lại, thế hệ con cháu chúng ta hôm nay và mãi mãi sau này có nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng là phải giữ gìn, quyết không để tổn thất một li lai.

Dân tộc ta đã mấy nghìn năm nối đời dựng nước, giữ nước, đã đi qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống xâm lăng, ở mọi quy mô, với biết bao hi sinh, xương máu; trong những giờ phút hiểm nghèo, đã nêu cao ý chí “dù phải tát cạn biển Đông", “dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn” cũng quyết giành lại và giữ gìn vững chắc độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày nay, hơn 90 triệu đồng bào ta nguyện làm hết sức mình, nguyện đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải, sẵn sàng hiến dâng tới giọt máu cuối cùng vì những điều thiêng liêng vô giá đó.

(Dẫn theo http://www.thanhnien.com.vn, ngày 31-12-2014)

Hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của thanh niên ngày nay trong sự nghiệp “vì những điều thiêng liêng vô giá” mà Chủ tịch nước đã đề cập trong bài viết trên.

Câu 3.

Phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Chí Phèo từ sau đêm gặp thị Nở cho đến khi giết bá Kiến và tự sát. Diễn biến tâm lí đó cho thấy bi kịch gì của cuộc đời Chí Phèo?

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1. Các ý chính của đoạn văn:

-   Thói xấu của một số người An Nam đương thời: nói tiếng Pháp như một thứ trang sức để tỏ ra được đào tạo theo kiểu Tây phương chứ thực sự không hiểu sâu sắc văn hoá phương Tây.

-   Đằng sau hành động đó là sự lai căng văn hoá, không hiểu rõ bất cứ nền văn hoá nào, kể cả văn hoá bản địa lẫn văn hoá nước ngoài.

-   Đó là một thái độ khiến cho những người “tha thiết với giống nòi” lo lắng.

2. 

-    Phong cách ngôn ngữ của văn bản là phong cách chính luận kết hợp với phong cách báo chí.

-   Câu văn được in đậm sử dụng phép tu từ so sánh, thể hiện nhận thức nông cạn và hòi hợt của một số người An Nam thời đó: coi việc nói tiếng Pháp như một trang sức, như nước suối Pe-ri-ê và rượu khai vị.

3.  Đoạn văn cần thể hiện một cách nghiêm túc thái độ của người học về việc vừa cần phải hiểu biết sâu sắc, sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ đồng thời với việc làm chủ tiếng nước ngoài (một hoặc nhiều thứ tiếng), cần thấy được ích lợi thực sự của việc học ngoại ngữ chứ không chỉ coi việc học ngoại ngữ như một trò đua đòi. Đặc biệt, cần tránh sự lai căng vô lối, hời hợt.

Câu 2.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Giải thích ý kiến:

+ Qua đoạn trích từ bài viết của Chủ tịch nước, có thể thấy, trước hết, giá trị của sự toàn vẹn lãnh thổ mà người Việt Nam được thừa hưởng ngày hôm nay là thành quả của quá trình đấu tranh vô cùng gian khổ, của sự hi sinh to lớn của biết bao thế hệ người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Được thừa hưởng gia tài vô giá đó, chúng ta phải có trách nhiệm hi sinh hết sức mình để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập của đất nước.

+ Tất nhiên, mỗi con người, mỗi cá nhân cần phải có những cách thức riêng để cống hiến cho đất nước.

-   Suy nghĩ về trách nhiệm của người thanh niên hiện nay đối với sự nghiệp “vì những điều thiêng liêng vô giá”:

+ Hoàn cảnh đất nước hiện nay đã có nhiều thay đổi:

•    So với trước đây, đất nước không còn trong tình trạng chiến tranh, không còn những thế lực xâm lược, chia cắt đất nước.

•    Tuy nhiên, những âm mưu của các thế lực thù địch vẫn còn, từ việc phá vỡ sự hoà bình, ổn định của đất nước, biến nước ta thành một nước phụ thuộc đến việc đe doạ xâm lấn lãnh thổ.

•    Hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước không phải chỉ diễn ra trên mặt trận quân sự mà diễn ra trên tất cả các mặt trận như kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao... Việc xây dựng đất nước giàu mạnh, ổn định chính trị chính là cơ sở để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

+ Thanh niên là lớp người trẻ, họ chính là tương lai của đất nước. Có nhiều cách thức khác nhau để thanh niên đóng góp, cống hiến cho đất nước, không nhất thiết là cứ phài tham gia quân đội, chiến đấu ngoài mặt trận mới là hi sinh cho đất nước.

•    Tích luỹ kiến thức để lập nghiệp và giúp ích cho đất nước.

•    Tu dưỡng đạo đức, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lối sống ích kỉ, hưởng thụ.

•    Không quản ngại gian khó để cống hiến, đóng góp cho xã hội, cho cái chung, dù là những việc nhỏ, việc giản dị. Luôn nhớ rằng nhiều giọt nước sẽ làm nên biển cả.

•    Khống để bị cái xấu, tư tưởng xấu, lối sống xấu lôi kéo.

-   Liên hệ với bản thân:

+ Không ngừng tu dưỡng đạo đức và ý thức tự lập.

+ Có ý thức học tập và lập thân. Mỗi cá nhân tốt sẽ góp phần làm cho cả xã hội tốt lên.

Câu 3.

-   Vài nét về tác giả, tác phẩm:

+ Nam Cao là một trong những nhà văn thuộc khuynh hướng hiện thực tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam những năm bốn mươi của thế kỉ XX. Sự nghiệp sáng tác của ông kéo dài đến nam 1951, khi ông hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Trước Cách mạng, Nam Cao nổi tiếng với các truyện ngắn viết về sự tha hoá, lưu manh hoá của người nông dân và sự bế tắc về lẽ sống của người trí thức tiểu tư sản. Truyện ngắn Nam Cao chủ yếu đi vào phân tích thế giới nội tâm của con người.

+ Chí Phèo là một trong những truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng và cũng là truyện ngắn tiêu biểu cho mảng đề tài về người nông dân tha hoá, lưu manh hoá và bị tước đoạt quyền sống lương thiện.

+ Nếu như nhà tù là bước đầu tiên đánh dấu sự tha hoá của Chí Phèo từ một anh canh điền lương thiện trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại thì cuộc gặp gỡ định mệnh với thị Nở lại là bước đầu tiên đánh dấu sự thức tỉnh của Chí Phèo.

-   Sự thay đổi của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở:

+ Lần đầu tiên sau quãng đời dài dằng dặc, Chí Phèo tỉnh dậy trong trạng thái tỉnh rượu và không những thế, hắn sợ rượu.

+ Nhờ tỉnh rượu mà lần đầu tiên sau nhiều năm, Chí Phèo nghe thấy những âm thanh của cuộc sống bình thường vang lên quanh căn lều của hắn.

+ Những âm thanh đó đánh thức kí ức về quá khứ lương thiện và ước mơ giản dị mà tươi đẹp một thời của hắn: có một gia đình, một cuộc sống lao động lương thiện.

+ Không chỉ nhớ rõ quá khứ, Chí Phèo chợt hiểu ra hiện tại của mình: tuổi già và sự cô độc.

+ Hắn cũng nhìn thấy được tương lai đáng sợ của mình.

-   Bát cháo hành của thị Nở, sự sám hối và ước mơ quay về làm người lương thiện:

+ Bát cháo hành của thị Nở làm cho Chí Phèo vừa xúc động, vừa hạnh phúc và ăn năn.

+ Bát cháo hành của thị Nở làm Chí Phèo nhớ lại kí ức với vợ ba bá Kiến, nhớ lại hắn đã từng là một người lương thiện, biết nhục khi bị kẻ khác lợi dụng.

+ Sự chăm sóc của thị Nở cũng khiến hắn muốn được trở lại, sống với những người lương thiện và sống như một người lương thiện. “Hắn muốn làm hoà với mọi người” và thị Nở là cây cầu duy nhất nối hắn với thế giới của những người lương thiện. Nếu thị sống được với hắn thì những người khác cũng có thể sống được với hắn.

-   Sự đoạn tuyệt của thị Nở và sự tuyệt vọng của Chí Phèo:

+ Việc thị Nở đoạn tuyệt Chí Phèo chứng tỏ cây cầu duy nhất nối hắn với thế giới của những người lương thiện đã bị phá huỷ. Ước mơ quay trở lại làm người lương thiện của hắn không thể thực hiện được.

+ Sự tuyệt vọng đã đánh thức trong Chí Phèo những bản năng tội lỗi vốn đã ăn sâu vào con người hắn: đập đầu, ăn vạ, uống rượu, toan tính đến ăn vạ và giết bà cô thị Nở.

+ Trong con người Chí Phèo khi đó có một cuộc đấu tranh nội tâm mãnh liệt: hắn uống rượu để say, để gây tội ác nhưng càng uống càng tỉnh và hơi rượu chỉ làm hắn thấy nhớ hơi cháo hành, nhớ lại sự chăm sóc của thị Nở. Điều đó cho thấy sự chăm sóc tử tế và đầy tình người của thị Nở đã níu kéo hắn, khiến hắn không thể nào quay trở lại con đường cũ.

-   Không ai có thể biết điều gì đã khiến Chí Phèo đến nhà bá Kiến thay vì đến nhà thị Nở. Chỉ biết, hắn đã giết bá Kiến và sau đó tự sát trong một tư thế đàng hoàng với những lời lẽ tỉnh táo. Đó là một hành động trả thù. Sự tự sát chứng tỏ sự tuyệt vọng, bế tắc nhưng cũng có thể coi là sự tự trừng phạt chính mình, hành vi lương thiện cuối cùng của Chí Phèo.

 

-   Diễn biến tâm lí của Chí Phèo từ sau đêm gặp thị Nở cho thấy trong con người này, sự lương thiện vẫn tồn tại. Chỉ cần gặp một hành động tử tế, gặp tình người (điều mà từ nhỏ Chí Phèo chưa được nhận bao giờ) là sự lương thiện sẽ thức tỉnh. Tuy nhiên, đó cũng chính là bi kịch của cuộc đời Chí Phèo: một khi đã bước chân vào con đường tội lỗi, đã mang trên mình những dấu vết của tội ác thì khi đó, vĩnh viễn hắn không thể nào quay trở lại làm một người lương thiện, dù có khao khát đến mấy.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0