23/05/2018, 15:20

Bệnh ký sinh trùng ở trâu bò 2

Bệnh giun đũa ở bê, nghé Bệnh do một loài giun đũa sống ký sinh trong tá tràng của bê, nghé gây nên. Bệnh chỉ phát ra ở nghé và bê, đặc biệt là nghé giống sữa, phổ biến ở lứa tuổi 20 – 25 ngày sau khi đẻ. Bệnh phân bố khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta, bệnh thường phát vào mùa rét, tại các ...

Bệnh giun đũa ở bê, nghé

Bệnh do một loài giun đũa sống ký sinh trong tá tràng  của bê, nghé gây nên. Bệnh chỉ phát ra ở nghé và bê, đặc biệt là nghé giống sữa, phổ biến ở lứa tuổi 20 – 25 ngày sau khi đẻ.

Bệnh phân bố khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta, bệnh thường phát vào mùa rét, tại các vùng nuôi trâu bò thuộc đồng bằng, trung du, miền núi. Bệnh phổ biến hơn ở miền núi vì bê, nghé thường thả rông theo mẹ đi ăn.

Triệu chứng và bệnh tích

Trong thời kỳ ấu trùng, giun đũa di hành và gây tổn thương các cơ quan như gan, phổi. Khi giun trưởng thành, chúng sống ký sinh tại ruột non và với số lượng lớn có thể vít chặt ruột, làm tắc ruột, có khi làm thủng ruột hoặc giun chui vào ống mật. Giun hút các chất dinh dưỡng của vật chủ, đồng thời tiết ra các độc tố làm cho bê, nghé bị trúng độc, ỉa chảy và gầy sút rất nhanh.

Bệnh kéo dài ít nhất là 5 ngày và dài nhất là 48 ngày, thường là 11 – 30 ngày. Bê, nghé thường chết 7 – 16 ngày sau khi phát bệnh.

Khi bị bệnh, bê, nghé có dáng điệu lù đù, châm chạp, đầu cúi, lưng cong, đuôi cụp, bụng to, lông xù. Đới lúc con vật không muốn bú, không muốn ăn và thường nằm một chỗ.

Trong trường hợp bệnh nặng, con vật bỏ ăn, nằm một chỗ, gầy rạc, thở yếu, hơi thở hôi thối. Mắt lờ đờ, chảy nước mắt có nhử. Mũi khô, thân nhiệt có thể lên đến 40 – 41°C. Có con đau bụng, nằm ngửa dãy dụa. Lúc mới nhiễm bệnh phân bê, nghé lổn nhổn, hơi táo, từ màu đen chuyển sang màu vàng sẫm có lẫn máu. Về sau phần chuyển sang vàng xám, đặc sền sệt, rồi ngả sang màu trắng và lỏng dần, mùi tanh khẳm và rất thối. Con vật ỉa vọt cần câu, phân dính ở khuỷu chân, xung quanh hậu môn. Với triệu chứng điển hình phân màu trắng và rất thối người ta có thể chẩn đoán được bệnh. Con vật gầy sút rất nhanh và có thể chết. Khi gần chết, nhiệt độ thân thể có khi hạ xuống dưới mức bình thường (35 – 36°C ).

Nếu bê, nghé khỏi bệnh thì phân từ màu trắng chuyển lại màu vàng rồi vàng sẫm, đen và đặc lại, mùi bớt tanh dần.

Mổ khám bê, nghé chủ yếu thấy có nhiều giun đũa trong tá tràng, đôi khi thấy giun trong ống dẫn mật và trong túi mật, dạ múi khế, dạ cỏ. Có khi giun quấn thành búi 200 – 300 con, làm tắc ruột hay thủng ruột. Trường hợp giun làm thủng ống mật thi dịch mật thấm ra ngoài, gan màu vàng. Niêm mạc ruột tụ máu, lấm chấm đỏ. Ở dạ múi khế, sữa vón lại thành cục trắng.

Chẩn đoán

– Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng (chú ý đến biến đổi của phân: phân trắng, lòng, mùi thối khẳm) kết hợp với đặc điểm dịch tễ: bệnh thấy ở bê, nghé mà không thấy ở trâu bò trưởng thành.

– Dùng phương pháp phù nổi để kiểm tra trứng giun trong phân.

– Mổ khám tìm giun trưởng thành ở ruột.

Điều trị

Có thể dùng một trong các bài thuốc sau đây :

– Trộn chung 20g bột hạt cau và 25g bột diêm sinh sau đó hoà với 1/3 lít nước hơi ấm. Cho bê, nghé uống vào mỗi buổi sáng trong ba ngày liền.

– Giã nhỏ 50g vỏ xoan (một nắm), sau đó trộn với 2g muối (một thìa cà phê) và hoà vào 1/3 lít nước ấm. Để lắng và gạn lấy nước cho bê, nghé uống vào các buổi sáng trong ba ngày liền.

– Dùng hai hoặc ba lá non giã nhỏ, hoà với 1/3 lít nước cho uống vào buổi sáng trong ba ngày liền.

– Cho uống phenolthiazin, liều 0,05g/kg thể trọng, hai lần trong ngày và trong hai ngày liền.

– Sử dụng piperazin, thuốc đặc trị giun đũa bê, nghé. Thuốc này có hiệu lực cao, ít độc, sử dụng dễ dàng. Liều phòng và trị là 0,25g/kg khối lượng cơ thể, hoà vào nước, cho uống một lần, không cần nhịn đói và tẩy. Cũng có thể trộn thuốc với thức ăn. Trong trường hợp bê, nghé bị nặng, có thể điều trị lặp lại sau 5 ngày.

– Hexachlorethan: liều 0, 2ml /kg thể ưọng, cho uống hai lần cách nhau 10 ngày.

– Menbevet: liều 0,5g/kg thể trọng, cho uống vào hai buổi sáng.

Phòng bệnh

– Để chủ động phòng bệnh, sau khi bê, nghé đẻ 7 – 10 ngày, cần cho bê, nghé uống một trong những bài thuốc nêu trên. Uống một lần trong một buổi sáng. Khi uống, bắt bê, nghé nhịn đói (đặc biệt là những vùng có bệnh).

– Cho trâu bò mẹ ăn uống tốt để có đủ sữa cho con bú, kết hợp vệ sinh chuồng trại, môi trường. Cho uống nước sạch. Giữ chuồng ấm và khô ráo. Tập trung phân ủ để diệt trứng giun.

Bệnh giun phổi ở bê, nghé

Bệnh do một loài giun sống ở phế quản và khí quản gây nên. Bệnh phân bố rất rộng: miền núi, trung du, đồng bằng.

Giun phổi không cần ký chủ trung gian. Con cái đẻ trứng ở khí quản. Trong trứng có ấu trùng. Khi ho thì trứng theo đờm từ khí quản về miệng, rồi xuống dạ dày, ruột. Tới đường tiêu hoá thì ấu trùng nở và theo phân ra ngoài. Gặp điều kiện thuận lợi (nhiệt độ 25°C) thì ấu trùng lột xác lần một. Sau đó 4 – 6 ngày lột xác lần hai và thành ấu trùng lây nhiễm cho bê, nghé qua đường tiêu hoá. Tới ruột, ấu trùng mất màng bọc ngoài, chui vào niêm mạc ruột theo hệ thống lâm ba và tuần hoàn về phổi. Nếu con vật khoẻ mạnh, được nuôi dưỡng tốt và có sức đề kháng cao thì ấu trùng giun phổi không phát triển bình thường được. Chúng bị bao vây ở hạch lâm ba màng treo ruột, có thể tới 5 – 6 tháng. Khi gặp điều kiện thuận lợi (sức đề kháng của cơ thể kém) chúng mới có thể di hành tới các nhánh khí quản. Thời gian giun sống ở phổi có thể từ 2 tháng đến trên 1 năm và dài hay ngắn còn phụ thuộc vào điều kiện dinh dưỡng của vật chủ. Nếu dinh dưỡng tốt thì thời gian ngắn và ngược lại.

Triệu chứng

Giun ký sinh trong khí quản, gây kích thích niêm mạc, chất nhầy tiết ra nhiều hoặc có thể làm viêm thành phế quản, thậm chí lan ra cả tổ chức xung quanh. Chất nhầy đôi khi có lẫn máu và là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm phế quản và phổi.

Bệnh phát sinh chủ yếu vào mùa đông. Bệnh biểu hiện các triệu chứng của bệnh viêm phế quản: thở khó, ho, chảy nước mũi, đôi khi có cơn ngạt.

Khi số lượng ký sinh trùng ít thì các triệu chứng không rõ, sức khoẻ con vật ít bị ảnh hưởng. Nhưng nếu nhiều ký sinh trùng và nhất là điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng kém thì con vật lờ đờ, uống ít nước, nhịp thở tăng, gầy rạc và chết sau vài tháng.

Chẩn đoán

– Lấy các chất tiết ở mũi chảy ra và soi kính sẽ thấy nhiều ấu trùng.

– Xét nghiệm phân để tìm ấu trùng.

– Mổ khám gia súc và quan sát các biến đổi cơ quan hô hấp: phổi sưng, các cạnh phổi màu trắng xám, cắt ngang phổi nhớt và ít máu, phế quản phình rộng, thành phế quản dày, niêm mạc khí quản, phế quản có những lấm chấm xuất huyết. Có thể quan sát thấy giun bằng mắt thường trong khí quản và phế quản, chủ yếu là trong phế quản trung bình.

Trong chẩn đoán cần phân biệt với các bệnh khác như viêm phổi và lao phổi.

Điều trị

– Dùng teiramisol do Hungari sản xuất, liều 10 – 15mg/kg thể trọng (thuốc nguyên chất) để điều trị mang lại hiệu quả rất cao (100%) và an toàn.

– Mebenvet: liều 80 – 100mg/ml thể trọng, đạt hiệu lực 70 – 80%.

Bệnh cầu trùng

Bệnh cầu trùng phân bố ở hầu khắp các nước trên thế giới. Trâu bò nhà và trâu bò rừng đều có thể bị nhiễm bệnh. Các giống trâu bò nuôi thịt và lấy sữa đều bị bệnh, nhưng các giống bò sữa Holstein Friesian và giống trâu sữa Murrah thường bị bệnh nhiều hơn.

Ở Việt Nam, bệnh cầu trùng đã được phát hiện tại nhiều địa phương. Bê nghé bị nhiễm cầu trùng với tỷ lệ cao hơn trâu bò trưởng thành.

Trâu, bò, bê, nghé nhiễm bệnh do ăn cỏ tươi hay uống nước ao tù có chứa noãn nang cầu trùng. Bệnh thường phát vào mùa hè, những tháng nóng ẩm, ở những đồng cỏ ẩm thấp, đặc biệt vào những năm mưa nhiều. Thời tiết nóng ẩm làm cho noãn nang dễ dàng phát triển đến giai đoạn cảm nhiễm.

Cầu trùng là những bào tử trùng có hình trứng hoặc hình cầu, thông thường sống ký sinh trong các tế bào biểu bì của con vật. Cầu trùng có thể sinh sản vừa vô tính vừa hữu tính.

Các loài cầu trùng đều có hai giai đoạn phát triển:

– Giai đoạn phát triển ngoài tự nhiên: noãn nang được bài xuất ra ngoài theo phân, là dạng trưởng thành của cầu trùng, bên trong gồm có 4 bào nang. Ngoài tự nhiên, gặp các điều kiện thuận lợi, mỗi bào nang phát triển thành hai bào tử thể. Đây là dạng noãn nang cảm nhiễm.

– Giai đoạn ký sinh trong cơ thể bê, nghé: bê, nghé ăn phải noãn nang cảm nhiễm, vào trong cơ thể vật chủ, noãn nang vỡ ra, giải phóng ra các bào tử thể, rồi phát triển thành các bào tử đực và cái. Các bào tử này kết hợp với nhau thành hợp tử. Hợp tử sẽ vỡ ra, giải phóng ra các noãn nang và noãn nang theo phân ra ngoài.

Triệu chứng và bệnh tích

Trong quá trình ký sinh và phát triển ở ruột bê, nghé, cầu trùng gây tổn thương lớp nhung mao và lớp cơ thành ruột, làm tróc niêm mạc ruột và xuất huyết. Cầu trùng tiết ra các enzym và độc tố phá hoại mô ruột, Những tổn thương của ruột tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh có sẵn ở trong ruột xâm nhập vào và gây viêm ruột kế phát.

 

Thời kỳ nung bệnh khoảng 1 – 2 tuần. Sau thời kỳ này, con vật có thể bị dạng bệnh cấp tính hoặc mãn tính. Trường hợp bệnh cấp tính, con vật bị sốt, run rẩy, đi tả nhiều nước và có máu, hình thành màng giả. Mối lần ỉa con vật cong lưng rặn, nhưng phân ra rất ít. Tình trạng chung của con vật ốm yếu, kém ăn, gầy sút, khát nước dữ, uống nhiều nước. Bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 3 tuần lễ và khỏi rất chậm. Trường hợp vật bị bệnh rất nặng có thể chết trong 48 giờ giữa những cơn co giật.

Niêm mạc ruột đỏ và thuỷ thũng, có khi phủ đầy mủ và màng giả, thường có xuất huyết.

Khi bê, nghé có sức đề kháng cao, bệnh chuyển sang thể mãn tính, khi ỉa chảy, khi táo bón, phân thường có dịch nhầy và dính máu. Con vật gầy còm, suy nhược và thường dễ bị nhiễm các bệnh khác.

Tiên lượng của bệnh nghiêm trọng, tỷ lệ chết có thể lên tới 50%.

Chẩn đoán

– Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng điển hình của bê, nghé non: ỉa lỏng, phân nhầy, có máu tươi (lỵ đỏ) và căn cứ vào khu vực có lưu hành bệnh.

– Kiểm tra phân của bê, nghé và trâu bò bị bệnh để tìm noãn nang cầu trùng bằng phương pháp phù nổi: hoà phân vào cốc nước muối bão hoà, sau 20 – 30 phút, các noãn nang có tỷ trọng nhẹ hơn và nổi lên trên. Hớt lớp bên trên và đặt lên lam kính, kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện noãn nang.

Điều trị

Có nhiều loại thuốc điều trị bệnh cầu trùng bê, nghé. Chúng ta có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây:

– Dùng thymol cho uống, đây là loại thuốc tốt nhất: dùng 2 – 3 viên (mỗi viên 7g) trong một ngày, trong thời gian từ 3 đến 5 ngày.

– Dùng phenolthiazin: 30mg cho 1kg khối lượng cơ thể, dùng làm hai lần cách nhau 24 giờ.

– Furaxiiin: 3g mỗi ngày cho 100kg khối lượng cơ thể, dùng uống trong 5 ngày, có tác dụng rất tốt trong phòng và trị bệnh cầu trùng trâu bò.

– Furazolidon hoặc nitrofuran, liều 0,03 – 0,04g cho một kilôgam khối lượng cơ thể, dùng trong 4 – 5 ngày liên tục. Có thể trộn thuốc với thức ăn hoặc pha vào nước uống.

Nên kết hợp:

– Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn đường tiêu hoá như oxytetracyclin (30 – 50mg/kg thể trọng) hoặc chloramphenicol (30 – 50mg/kg thể trọng) trong 5 – 6 ngày liền.

– Dùng thuốc trợ sức và chống chảy máu: vitamin B1, vitamin C, vitamin K, cafein, long não nước. Truyền huyết thanh mặn, ngọt 1000ml/100kg thể trọng/ngày, trong trường hợp mất nhiều nước.

– Chữa chứng viêm ruột bằng cách dùng các loại thuốc làm xe niêm mạc, sát trùng đường ruột, thụt rửa, kết hợp hộ lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.

Phòng bệnh

– Không chăn thả trâu bò ở những nơi bị nhiễm trùng, cho uống nước sạch. Tháo khô nước các bãi chăn bị ngập nước, trừ rêu, rắc vôi hay sunphat (300 – 500kg sunphát sắt cho một ha). Cách ly những con vật ốm, tiêu độc phân, ổ lót, cũi nuôi bê, nghé bằng axit sunphuric pha loãng 3%. Hàng ngày dọn phân và ổ lót, vệ sinh, tẩy uế nền chuồng bằng nước vôi crezin mỗi tuần hai lần trong hai tuần lễ. Vô trùng, tiêu độc các dụng cụ đựng sữa và cho bê, nghé ăn. Đối với bê, nghé bú mẹ trực tiếp thì phải rửa sạch vú trâu bò mẹ, hạn chế bê, nghé la liếm bằng cách dùng rọ mõm.

– Các khu vực có lưu hành bệnh cầu trùng cần định kỳ hàng tháng sử dụng thuốc phòng nhiễm, hoặc sử dụng phòng nhiễm khi trong đàn có một số bê, nghé bị bệnh với một trong các hoá dược sau:

Sulfamerazin: 0,05g/kg thể trọng, dùng trong 3 – 4 ngày liền.

Furazolidon: 0,05g/kg thể trọng, dùng trong 2 – 3 ngày liền.

Nuôi dưỡng tốt đàn bê, nghé để nâng cao sức đề kháng với bệnh.

0