23/05/2018, 15:20

Bệnh ký sinh trùng ở trâu bò 1

Bệnh tiêm mao trùng Là bệnh ký sinh trùng đường máu và trâu bò rất mẫn cảm với bệnh này. Tiêm mao trùng là đơn bào, có kích thước nhỏ, sống ký sinh và di chuyển được trong máu nhờ một roi tự do. Cách truyền bệnh Bệnh không lây trực tiếp từ con vật ốm sang con vật lành mà do các loài ruồi trâu ...

Bệnh tiêm mao trùng

Là bệnh ký sinh trùng đường máu và trâu bò rất mẫn cảm với bệnh này. Tiêm mao trùng là đơn bào, có kích thước nhỏ, sống ký sinh và di chuyển được trong máu nhờ một roi tự do.

Cách truyền bệnh

Bệnh không lây trực tiếp từ con vật ốm sang con vật lành mà do các loài ruồi trâu và mòng hút máu, truyền bệnh. Ruồi trâu và mòng chích hút máu trầu bò bệnh, cùng với máu chúng hút cả tiêm mao trùng, sau đó nếu chúng chích một con trâu bò lành thì chúng truyền sang cho trâu bò lành đó. Khoảng 1 tuần sau khi bị truyền bệnh trâu bò bắt đầu phát bệnh. Ngoài ra, đỉa, vắt cũng có thể là môi giới truyền bệnh.

Việc lây lan bệnh thường xảy ra vào các tháng nóng ẩm, từ tháng 4 đến tháng 9, khi ruồi, mòng phát triển mạnh, có nhiều, đặc biệt ở những vùng lầy lội, ẩm thấp.

Từ cuối mùa thu đến đầu mùa xuân trâu bò nhiễm bệnh tiêm mao trùng thưòng phải làm việc năng nhọc trong điều kiện thiếu thốn thức ăn và thời tiết khắc nghiệt (lạnh, rét) nên sức đề kháng giảm và bệnh phát nặng, dẫn đến đổ ngã hàng loạt. Hiện tượng này vẫn thường xảy ra hàng năm ở các tỉnh từ trung du đến đồng bằng.

Triệu chứng và bệnh tích

Tiêm mao trùng ký sinh trong cơ thể, chúng lấy các chất dinh dưỡng từ máu của vật chủ bằng phương thức thẩm thấu, làm cho vật chủ ngày càng gầy yếu, thiếu máu, giảm sức đề kháng và mất dần khả năng làm việc. Sống trong máu vật chủ chúng còn tiết ra độc tố. Độc tố này tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn trung khu điều nhiệt, gây cho con vật sốt cao và những cơn sốt gián đoạn. Độc tố tác động phá huỷ hổng cầu, ức chế cơ quan tạo máu, làm cho vật chủ thiếu máu và suy nhược dần. Ngoài ra, độc tố còn tác động lên hệ thống tiêu hoá, gây ra hội chứng ỉa chảy.

Trâu bò bị bệnh thể hiện các triệu chứng; sốt cao, lên tới 40 – 41 °C. Sốt 1 – 2 ngày liền, sau đó nhiệt độ hạ xuống mức bình thường. Sau 2 – 6 ngày, nhiệt độ lại tăng lên, cứ như thế lặp đi lặp lại nhiều đợt (sốt làn sóng). Khi sốt cao thường thể hiện hội chứng thần kinh: quay cuồng, đi vòng tròn, run rẩy… (Triệu chứng này thường có ở trâu bò bị bệnh cấp tính),

Trâu bò bị thiếu máu và suy nhược. Hồng cầu giảm xuống dưới 3 triệu/mm³ (ở trâu bò khoẻ = 5 – 6 triệu/mm³). Bệnh có thể kéo dài 1 – 2 tháng, con vật càng ngày càng gầy, da khô mốc. Sức khoẻ suy yếu dần, kém ăn, kém nhai lại, đi phân táo có lẫn máu hoặc đi tháo lỏng mùi thối khắm. C6 khi con vật đi ỉa ra cả màng ruột, nát từng đoạn.

Niêm mạc mắt tụ máu màu đỏ tía, đôi khi có chấm máu, chảy nước mắt và mắt có nhiều dử đặc như keo. Có khi mắt sưng húp, sau 2 – 7 ngày mắt đỡ sưng. Niêm mạc mắt trở nên vàng nhạt hay sẫm. Các niêm mạc miệng, âm đạo cũng vàng.

Thường thấy có thủy thũng ở hầu, ức, nách, chân, háng. Tim mạch yếu, chân sau bị tê liệt hoặc nửa thân sau bị liệt, con vật đứng không vững.

Khi gần chết tim đập rất nhanh và rất yếu. Trước khi chết, nhiệt độ thân thể xuống thấp hoặc có một cơn sốt ngắn.

Trường hợp bệnh rất nặng, con vật đột ngột sốt cao, bụng trướng to rồi lăn ra chết.

Khi mổ khám con vật, thấy: máu rất loãng, màu hồng. Trong lòng ngực, xoang bụng, bao tim có nước màu vàng da cam. Những chỗ thuỷ thũng chứa chất nhầy như keo. Thịt nhão, mỡ lầy nhầy màu vàng thẫm. Tim, phổi, lách đều sưng và tụ máu. Dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, ruột non và ruột già đều bị xuất huyết, tím bầm.

Chẩn đoán

Có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh:

– Căn cứ vào nhũng biểu hiện lâm sàng như mô tả trên: sốt cao và cách từng đợt, niêm mạc mắt vàng, thuỷ thũng chứa chất keo, ỉa chảy, suy nhược, thân sau liệt…

– Lấy máu xem tươi dưới kính hiển vi (đặc biệt lúc con vật đang sốt) sẽ thấy ký sinh trùng còn sống, bơi giữa các hồng huyết cầu chuyển động.

– Lấy máu, nhuộm Gỉemsa và quan sát dưới kính hiển vi cũng phát hiện ra ký sinh trùng.

– Lấy máu trâu bò bệnh và tiêm truyền cho động vật thí nghiệm (thỏ, chuột bạch, chuột lang), sau 2 – 6 ngày có nhiều ký sinh trùng trong máu những động vật này.

– Phương pháp ngưng kết trực tiếp trên phiến kính.

– Phương pháp chẩn đoán miễn dịch ELISA.

Điều trị

Chú ý phát hiện bệnh sớm và chữa bệnh kịp thời, kết hợp ba biện pháp sau đây:

+ Dùng thuốc diệt ký sinh trùng như phenoltridiniam, suramin, phenidium clorit, protidium, metamidium, berenin, antryxit.

Nhìn chung, tất cả các thuốc ưên đều có hai tác dụng: điều trị bệnh và phòng bệnh. Trong một số trường hợp, tác dụng phòng bệnh có thể kéo dài 4 – 6 tháng. Ở nước ta thường dùng naganin để điểu trị bệnh tiêm mao trùng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, naganin có tác dụng chống tiêm mao trùng cảm nhiễm trên trâu bò trong vòng 3 tháng. Do vậy, có thể dùng naganin với các mức độ khác nhau:

– Nơi nhiễm tiêm mao trùng nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng thì trong một năm chỉ nên phòng trị một đợt bằng naganin, với liều 0, 01g/kg khối lượng cơ thể vào dịp tháng 9 – 10 dương lịch, trước vụ đông giá rét.

– Nơi có bệnh xảy ra, có trâu bò ốm, chết: năm đầu tiên phòng trị bằng naganin 2 đợt (tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10 dương lịch). Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm chỉ cần phòng trị một đợt vào tháng 9 – 10 dương lịch. Nếu dùng liên tục trong nhiều năm nhu vậy có thể thanh toán được bệnh tiêm mao trùng trong từng khu vực nhất định.

– Liều điều trị: 0,015/kg khối lượng cơ thể, pha dung dịch 10% nước cất. Tiêm tinh mạch hay tiêm bắp thịt. Tiêm hai ngày nghỉ một ngày, rồi lại tiêm lần thứ ba.

Tiêm trợ lực: Nước sinh lý mặn 10%: 150 – 250ml, tiêm tĩnh mạch.

Nước sinh lý ngọt 30%: 200 – 300ml, tiêm tĩnh mạch.

Cafein 20%: 11-20ml hoặc long não nước 10%, liều lượng 40 – 50ml.

Clorua canxi 10%: 70-100ml, tiêm tĩnh mạch.

+ Bồi dưỡng, chăm sóc: cho ăn đầy đủ cỏ tươi, hỗn hợp tinh, bổ sung khoáng và vitamin.

+ Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh, tiêu diệt ruồi trâu và mòng.

Bệnh sán lá gan

chu trinh trau bo bi san la ganchu trinh trau bo bi san la gan

Bệnh sán lá gan là bệnh ký sinh do một sán lá (hình bầu dục, dẹt như một chiếc lá, màu nâu xám) sống trong gan loài nhai lại gây ra. Trên thế giới, cũng như ở nước ta, bệnh sán lá gan được xem là một trong những bệnh quan trọng nhất của trâu bò.

Chu trình phát triển của sán lá diễn ra như sau:

Sán lá trưởng thành ký sinh trong gan, chúng đẻ ra trứng, trứng theo đường mật vào ống tiêu hoá để rồi được thải ra ngoài theo phân.

Khi rơi vào môi trường nước, và khi nhiệt độ tương đối cao, trứng sẽ phát triển thành một ấu trùng có lông. Các ấu trùng này nhiễm vào ốc theo cách chủ động; tức là chúng tự chui vào ốc. Sau khi chui vào ốc, các ấu trùng chuyển thành bào ấu, trong đó có các “redie” được phát triển bằng hiện tượng sinh sản đa phôi vô tính. Sau khi rời khỏi bào ấu, các “redie” chuyển thành vĩ ấu – một giai đoạn ấu trùng khác. Các vĩ ấu này rời khỏi ký chủ trung gian (rời khỏi ốc) và lại có mặt trong môi trường nước. Chúng có một chiếc đuôi và rất linh động, chúng chuyển thành thể nang rất nhanh chóng (trong vòng một vài giờ) và hình thành thể gây nhiễm: gọi là vĩ ấu bọc kén, thể này bám lên các cây sống trong nước hoặc lên cỏ ngập nước.

Ký chủ cuối cùng (trâu bò) bị nhiễm do ăn phải các vĩ ấu bọc kén bám trên cỏ hoặc các loại cây khác. Sau khi được ăn vào, các vĩ ấu bọc kén chuyển thành các sán lá gan dạng non và di chuyển qua thành một và tấn công các nhu mô gan. Trong gan, sau khoảng 6 đến 10 tuần chúng đạt đến độ tuổi trưởng thành và đẻ trứng vào ống mật.

Những gia súc (trâu bò) bị nhiễm với sán lá gan tại những nơi uống nước, trên bãi chăn ngập nước, sình lầy hoặc do ăn cỏ bị nhiễm được thu cắt từ những nơi này. Việc lây nhiễm tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Thông thường những năm mưa nhiều hoặc sau những vụ lụt, ốc phát triển mạnh thì sau đó có những đợt phát bệnh nặng.

Bệnh lý và triệu chứng

Những sán lá gan sống ký sinh trong gan gây ra những tổn thương ít nhiều trầm trọng cho nhu mô gan. Những tổn thương này tuỳ thuộc vào cường độ nhiễm. Khi bị nhiễm nặng có thể dẫn đến từ vong. Sán lá gan hút máu trong ống mật, gây ra hiện tượng viêm các ống dẫn mật và các ống này có thể bị can-xi hoá, chức năng của gan bị hỏng. Trong một số trường hợp, người ta ghi nhận có hiện tượng xơ gan.

Khi bênh tiến triển thấy niêm mạc nhợt nhạt, vàng da, con vật gầy rạc, các mô mỡ và bắp thịt teo đi. Hồng cầu giảm xuống chỉ còn dưới 1 triệu/mm³.

Ở bò và trâu thường thấy dạng bệnh mãn tính. Bệnh tiến triển theo ba thời kỳ:

Thời kỳ đầu: thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt.

Thời kỳ thứ hai: trâu bò có biểu hiện thiếu máu, gầy, khát nước, hơi sốt và thuỷ thũng nhẹ ở phúc mạc. Kết mạc mắt sưng và nhợt nhạt, mí mắt phù.

Thời kỳ thứ ba: trâu bò gầy rạc, những con có thai thường bị xảy hoặc đẻ non yếu ớt, nhẹ cân. Trâu bò bỏ ăn, tiêu hoá kém, ỉa lỏng. Triệu chứng đặc hiệu là thuỷ thũng dưới hàm.

Thời gian tiến triển của bệnh rất thay đổi, nhưng ít khi kéo dài quá 6 tháng. Con vật chết do kiệt sức, không đau đớn gì và không co giật.

Chẩn đoán

+ Chẩn đoán lâm sàng:

Chẩn đoán lâm sàng bệnh sán lá gan luôn luôn khó khăn. Trường hợp bệnh mãn tính cần phải nghi ngờ trong những vùng, những nơi có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt là ở gia súc non. Một loạt triệu chứng có thể quan sát được theo trình tự thời gian như: hiện tượng thiếu máu đi cùng với tính vô cảm, ăn kém ngon miệng, gầy, da hơi vàng; xuất hiện ỉa chảy và cuối cùng, trong những trường hợp trầm trọng, phát triển phù thũng và gia súc suy mòn dần. Sờ vào sườn bên phải gây ra cảm giác đau rõ ràng.

+ Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm:

Việc chẩn đoán trong phòng thí nghiệm tiến hành chủ yếu bằng việc kiểm tra phân, nhưng gần đây người ta đã đưa vào các xét nghiệm huyết thanh học để chẩn đoán bệnh.

Kiểm tra phân: nhằm phát hiện những trứng đặc trưng của sán lá gan trong phân với việc sử dụng kỹ thuật làm giàu bằng lắng cặn hoặc phù nổi để tập trung một số lượng lớn nhất tế bào trứng từ một lượng phân nhỏ nhất có thể.

Tuy vậy, việc kiểm tra phân chỉ có ích trong trường hợp bệnh sán lá gan mãn tính. Một bất lợi khác cũng cần phải đề cập đến, đó là việc sản sinh ra trứng ngắt quãng, không liên tục, tuỳ thuộc vào việc thải dịch từ túi mật và sinh học của ký sinh trùng. Do đó, người ta khuyên là nên lặp lại kiểm tra để chẩn đoán bệnh theo cách này và lấy mẫu dại diện một số gia súc trong cùng một đàn.

Kiểm tra huyết thanh học: gần đây những kỹ thuật huyết thanh học đã được phát triển và áp dụng để chẩn đoán, nghiên cứu dịch tễ bệnh sán lá gan. Chủ yếu là xét nghiệm ELISA để phát hiện các kháng thể lưu hành. Những lợi ích lớn nhất của xét nghiệm ELISA là khả năng phát hiện được việc nhiễm bệnh trong thời kỳ trước khi sán trưởng thành, trước khi trứng được bài tiết ra, và khả năng kiểm tra một số lượng mẫu lớn. Những vấn đề tồn tại của xét nghiệm này là giá thành, thiết bị cần thiết, việc thiếu độ mẫn cảm và đặc thù cũng như sự tồn lưu kháng thể sau khi điều trị.

+ Chẩn đoán qua việc mổ khám:

Sự có mặt của các sán lá gan trong ống mật, việc can-xi hoá các ống dẫn và các tổn thương do các sán lá non di chuyển gây ra là những tổn thương đặc trưng của bệnh sán lá gan.

Điều trị

Trong một thời gian dài, người ta thường dùng những dần xuất hydrocarbon có halogen để điều trị bệnh sán lá gan. Những sản phẩm này lương đối độc hại và chúng chỉ tác động lên các sán lá trưởng thành. Những sản phẩm được sử dụng gần đây là bithionol và bithionol-sulphoxide, oxyclozanide, rafoxanide, nitroxynil, diamphenelide…có tác dụng đối với sán lá trưởng thành và một phần đối với các sán lá còn non.

Hiện nay người ta sử dụng những sản phẩm sau đây:

Triclobendazole (Fasmex®) là một sản phẩm tuyệt hảo, có tác dụng chống lại các sán lá rát tốt ngay cả ở những giai đoạn còn rất non. Tuy nhiên liều dùng cho bò (12 mg/kg) hình như không có tác dụng cho trâu !

Closantel: là một sản phẩm tuyệt hảo chống lại các sán lá trưởng thành và các sán non bắt đầu từ tuần thứ 6, nó giữ được hoạt tính trong vòng nhiều tuần lễ, có hoạt tính chống lại loài giun tròn hút máu và một số loài chân đốt.

Clorsulon: hoạt tính rất manh chống lại các sán lá trường thành và các sán lá còn non bắt đầu từ tuần thứ 6.

Những phác đồ điều trị cho trâu ở Việt Nam mang lại những kết quả rất tốt là:

+ Tiêm CCL4, liều 5ml cho 100kg thể trọng, trộn với một lượng tương tự dầu parafin. Tiêm bắp vai hay vùng dưới cổ. Không tiêm quá 20ml vào một chỗ.

+ Dùng viên Dertil B, mỗi viên chứa 300mg hoạt chất để phòng và trị bệnh cho trâu rất tốt. Thuốc này do Hungari sản xuất từ năm 1974 và thực tế sử dụng trên đàn trâu cày kéo và trâu sữa cho kết quả 100%. Mặt khác, thuốc rất an toàn, không gây phản ứng phụ và dễ sử dụng.

Liều dùng đối với trâu là 8 – 9 mg/kg khối lượng cơ thể. Có thể dùng cỏ hay giấy bọc viên thuốc và nhét vào miệng trâu, không cần bắt trâu nhịn đói trước khi tẩy.

+ Có thể dùng Fasciolaniza ở dạng bột màu trắng, tác dụng tương tự như Dertil B, nhưng không tiện sử dụng, vì mỗi lần sử dụng phải cân thuốc cẩn thận.

Kiểm soát và khống chế bệnh

Cuộc đấu tranh tổng thể chống lại bệnh sán lá gan bao gồm ba khía cạnh chính sau đây:

– Sử dụng các loại thuốc diệt sán lá gan:

Cho phép giảm đáng kể khả năng nhiễm bệnh tiềm tàng, trong khi tiêu diệt sán lá trưởng thành ở ký chủ cuối cùng: việc điều trị theo phương pháp bắt buộc phải dựa trên các hiểu biết về dịch tễ học. Trong các vùng có các mùa khô và mùa mưa, thông thường áp dụng hai lần điều trị, lần đầu vào cuối mùa mưa để loại các sán lá trưởng thành và để cho gia súc bước vào mùa khô trong trạng thái sức khoẻ tốt và cũng để ngăn cản việc nhiễm các nguồn nước; lần điều trị thứ hai vào cuối mùa khô, khi mà các sán lá non di chuyển trong nhu mô gan. Lần điều trị thứ hai này cần sử dụng một chế phẩm có tác dụng chống lại giai đoạn ấu trùng.

– Tác động lên ốc – ký chủ trung gian:

Bằng đấu tranh hoá học và đấu tranh sinh học: sử dụng các loại thuốc diệt ốc; thoát nước cho những bãi chăn sình lầy; đưa vào nuôi và bảo vệ các loài chim ăn ốc (ví dụ như vịt); đưa vào các loại ốc không phải là ký chủ trung gian của sán lá nhưng lại cạnh tranh với các loài ốc ký chủ trung gian; đưa các loài ốc ăn mồi vào. Thông thường thì các biện pháp này có hiệu quả hạn chế, nhưng có thể bổ sung với những hoạt động khác.

– Phòng bằng các biện pháp vệ sinh:

Giảm hoặc hạn chế tiếp xúc giữa trâu bò với các vĩ ấu bọc kén và giữa phân với ốc. Những biện pháp này liên quan đến điểu khiển, quản lý đàn và quản lý bãi chăn; xây dựng những điểm nước uống bảo đảm vệ sinh.

 

0