23/05/2018, 15:20

Phương pháp ấp trứng gia cầm đa kỳ – đa giống

Trước đây, ngay từ năm một 1992 – 1997 chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp đa kỳ – đa giống áp dụng trên máy ấp nở công nghiệp. Trong những năm gần đây, việc chăn nuôi gia cầm đã được người chăn nuôi rất quan tâm vì sản phẩm của nó rất đa dạng như: thịt, trứng, lông… đồng thời ...

Trước đây, ngay từ năm một 1992 – 1997 chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp đa kỳ – đa giống áp dụng trên máy ấp nở công nghiệp.

Trong những năm gần đây, việc chăn nuôi gia cầm đã được người chăn nuôi rất quan tâm vì sản phẩm của nó rất đa dạng như: thịt, trứng, lông… đồng thời trong quá trình chăn nuôi quay vòng vốn nhanh và cũng đem lại lợi nhuận thực sự cho người chăn nuôi.

Trong nhiều gia đình dã đa dạng hoá , nuôi nhiều loại gia cầm sinh sản khác nhau như gà, ngan, vịt chuyên thịt, vịt chuyên trứng… Hoặc một số trang trại trong chăn nuôi kết hợp giữa cá với gia cầm…

Như vậy, việc ấp nở đối với trứng của các loại gia cầm, đó là vấn đề phải quan tâm, một phần người chăn nuôi chưa đủ điều kiện để mua sắm những máy ấp công nghiệp, hơn thế nữa không thể có điều kiện ấp nhau. Trước đây, ngay từ năm một 1992 – 1997 chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra phương pháp ấp trứng đa kỳ – đa giống áp dụng trên máy ấp nở công nghiệp. Từ năm 1997 đến nay chúng tôi đã nghiên cứu và sản xuất ra tủ ấp nở thủ công cải tiến và cũng đưa ra phương pháp ấp nở nhiều loại trứng gia cầm trong cùng một tủ ấp nở loại này (đa kỳ – đa giống) để phục vụ cho những người chăn nuôi cung cấp sản phẩm tại chỗ với giá thành hạ, sử dụng được cả khi có điện và khi không có diện.

Cấu tạo của tủ ấp nở

Công suất của tủ ấp nở

Đối với công suất của tủ từ 2000 – 5000 quả, tủ nở 500 – 800 quả. Nhưng công suất của tủ ấp 5000 quả, tủ nở 800 quả là phù hợp nhất để đáp ứng cho tổng đàn gia cầm sinh sản các loại từ 300 – 350 con mái sinh sản và cùng phù hợp với các thông số kỹ thuật để tủ hoạt động đạt kết quả cao và loại tủ ấp nở này có tên NĐT 5000 – 800.

Tủ được thiết kế khi có điện thì sử dụng điện cho ấp nở còn khi không có điện thì sử dụng bếp than, bếp dầu để ấp nở.

Tủ được cấu tạo một bên là ấp và một bên là nở được ngăn cách bởi một vách ngăn. Bốn mặt xung quanh của tủ và mặt trên của tủ được làm bằng khung gỗ, mặt trong và mặt ngoài của thành tủ làm bằng cót ép, gỗ dán hoặc tôn, giữa 2 lớp là lớp cách nhiệt bằng xốp hoặc trấu. Bề dày của thành tủ 3 – 5cm. Thành tủ sau ở phía dưới có các lỗ hút và mặt trên có cửa thoát.

Phán đáy của tủ ấp là một két đựng nước có cấu tạo bằng tôn, mục đích khi không có điện thì sử dụng bếp để đốt két nước cung cấp nhiệt cho tủ ấp.

Phần đáy của tù nở là kín không cần két nước.

Hệ thống thông thoáng của tủ ấp

Sử dụng một quạt trần đặt ở phía thành của tủ ấp.

Bên tủ nở cũng mắc một quạt trần ở phía thành sau.

Dàn khay tủ ấp nở

Tủ ấp dàn khay được làm bằng sắt chữ L, dàn khay thiết kế nghiêng 45º và góc đảo là 90º, khay ấp làm bằng gỗ có dây thép ngăn cách các hàng trứng và giữ trứng không bị đổ (sử dụng gỗ không cong vênh). Tủ nở có các thanh trượt bằng sắt chữ L và các khay nhựa được để trên các thanh đó.

Hệ thống đảo

Sử dụng cần đổ nâng lên, hạ xuống một cách đơn giản.

Hệ thống cung cấp nhiệt

Sử dụng bằng may so điện 400W hoặc 2 bóng đèn điện có công suất tương đương cho mỗi bên tủ nở và tủ ấp, hệ thống điều khiển nhiệt khi có điện là tự động và có hệ thống báo động khi nhiệt độ cao.

Hệ thống cung cấp ẩm

Là những đĩa hoặc khay đựng nước ở phía dưới quạt gió.

Tủ được đạt trên một bệ xây gạch có nhồi cát và có chỗ để đưa bếp than hoặc bếp dầu vào đốt két nước khi không có điện.

Phương pháp ấp nhiều loại trứng gia cầm trong cùng một máy

Công tác chọn trứng, vệ sinh trứng, bảo quản trứng được thực hiện bình thường cho từng giống.

Cách đưa trứng vào khay ấp: Trứng ngan, trứng vịt chuyên thịt, trứng vịt chuyên trứng CV2000 phải xếp nghiêng. Trứng gà, trứng vịt chuyên trứng khác có thể xếp nghiêng hoặc xếp đứng đều được. Vì ra vào luân phiên cho nên muốn cho các loại gia cầm xuất cùng một ngày thì trứng gà, trứng vịt vào cùng một ngày còn trứng ngan vào sau một ngày, trứng ngan lai vịt vào trước 3 ngày.

Cách xếp trứng trong tủ ấp: vì ấp đa kỳ do vậy trứng mới vào ấp xếp trên cùng, rồi càng xuống phía dưới thì trứng tăng theo ngày ấp của trứng (tức là càng phía dưới thì trứng càng già ngày ấp).

Đồng thời vì ấp nhiều loại trứng gia cầm khác nhau trong cùng một tủ ấp (ấp đa giống) do vậy cần phải lưu ý xếp các loại trứng cho phù hợp.

+ Tuần ấp đầu: Trứng ngan được xếp trên cùng và từ trên xuống dưới thứ tự là trứng gà – trứng vịt chuyên thịt – trứng vịt chuyên trứng CV2000 – trứng vịt chuyên trứng khác.

+ Từ tuần ấp thứ 2 trở đi: Thứ tự từ trên xuống dưới: Trứng gà – trứng ngan – trứng vịt chuyên thịt – trứng vịt chuyên trứng CV2000 – trứng vịt chuyên trứng khác.

+ Ra tủ nở: Thứ tự từ trên xuống dưới: Trứng gà – trứng vịt chuyên thịt – trứng vịt chuyên trứng CV2000 – trứng vịt chuyên trứng khác – trứng ngan.

Chế độ ấp

Vì ấp đa kỳ – đa giống do đó nhiệt và ẩm đặt cố định:

+ ở tủ ấp: Nhiệt độ 37,5 – 37,6ºC; ẩm độ: 52 – 54%

+ ở tủ nở: Nhiệt độ 37,2 – 37,4ºC; ẩm độ: 68 – 72%

Lưu ý khi mất điện sử dụng bếp than hoặc bếp dầu để đốt két nước thì chỉ cung cấp nhiệt đến khi nhiệt kế trong tủ ấp nở báo 36, 5ºC là vừa thì sau đó nhiệt trong tủ sẽ đạt đến mức yêu cầu và két nước để giữ nhiệt cho tủ ấp duy trì được từ 3 – 5 giờ.

Đảo trứng và làm mát

Mỗi giờ đảo trứng toàn bộ trong tủ ấp 1 lần bằng cách nâng và hạ cành đảo. Nhưng riêng đối với trứng ngan, trứng vịt chuyên thịt và vịt CV phải tiến hành đảo trứng và làm mát ngoài tủ ấp theo quy trình của từng giống như phần trên.

Trứng trong tủ nở

Sau thời gian ở trong tú ấp thì trứng được chuyển sang tủ nở tuỳ theo trứng của các giống khác nhau. Ví dụ: Trứng vịt là 25 ngày, trứng gà là 18 ngày, trứng ngan là 31 ngày, trứng ngan lai vịt 28 ngày…

Kết quả và phạm vi áp dụng

Loại tủ ấp nở thủ công cải tiến nói trên được áp dụng có hiệu quá đối với các điều kiện sinh thái khác nhau. Sử dụng tốt cho việc chăn nuôi gia đình với quy mô tổng đàn gia cầm sinh sản các loại khoảng 300 – 350 con mái/tủ ấp nở đồng thời áp dụng tốt cho các trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng trọt và thuỷ sản, các dịch vụ ấp trứng gia cầm để cung cấp con giống tại chỗ.

Việc ấp nhiều loại trứng gia cầm trong cùng một máy nở công nghiệp chúng tôi đã nghiên cứu và áp dụng từ năm 1992 đến nay phổ biến, đào tạo và chuyển giao trực tiếp qua 25 tỉnh thành và từ đây áp dụng ra phạm vi cả nước. Còn việc chế tạo tủ ấp nở thủ công cải tiến và áp dụng phương pháp ấp nở trứng đa kỳ – đa giống trên loại tủ ấp nở này được nghiên cứu áp dụng từ năm 1997 đến nay và đạt được hiệu quả cao, đạt tỷ lệ nở 80% và phù hợp với điều kiện chăn nuôi hiện tại của Việt Nam. Đến nay đã được áp dụng và chuyển giao cho nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Hà Tây, Hà Nam, Hà Nội, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Thái Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Nam Định, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Cạn, Cao Bằng… và từ đó được phát triển ra nhiều tỉnh trong nước.

0