18/06/2018, 11:35

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Tân Mùi niên hiệu Chính Hòa năm thứ 12 (1691)

Kính nghĩ: Quốc triều vận hội hanh thông, nhân văn sáng rỡ. Hy Tông Chương hoàng đế thiên tư thông tuệ, kế nghiệp tiên đế. Lúc mới lên ngôi, thực nhờ Hoằng Tổ Dương vương tôn phù kính giúp, tác thành công lao cho bậc thánh vương, thận trọng lo toan mọi việc. Lại nhờ Chiêu Tổ Khang vương ...

Kính nghĩ: Quốc triều vận hội hanh thông, nhân văn sáng rỡ.

Hy Tông Chương hoàng đế thiên tư thông tuệ, kế nghiệp tiên đế. Lúc mới lên ngôi, thực nhờ Hoằng Tổ Dương vương tôn phù kính giúp, tác thành công lao cho bậc thánh vương, thận trọng lo toan mọi việc. Lại nhờ Chiêu Tổ Khang vương gắng sức sửa sang, đứng một bên mà giúp mở cuộc thái bình thịnh trị. Phép xưa lệ cũ tiếp nối không quên.

Bèn vào tháng 3 mùa xuân năm Tân Mùi mở khoa thi Hội. Đặc sai Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí và các quan hữu ty chia giữ các việc. Bấy giờ các cống sĩ trong nước tới tranh đua tài nghệ đông đến 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc 11 người.

Đến ngày mồng 3 tháng 5 vào Điện thí, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Ngô Vi Thực 3 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Đào Hiển 8 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ngày mồng 6 gọi loa xướng tên người đỗ. Bộ Lễ rước bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học. Ơn vinh ban cấp theo thứ bậc đúng theo lệ cũ. Chỉ còn việc dựng đá đề danh thì chưa kịp cử hành, đó là có ý chờ thời để khuếch trương chăng?

Kính nghĩ: Hoàng thượng nối giữ cơ đồ lớn lao, noi theo nghiệp cả, chỉnh đốn sửa sang mọi việc, thanh giáo vang xa bốn cõi. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư thượng An vương] vua tôi đồng lòng, muôn việc thứ lớp chỉnh đốn, chế độ rõ ràng, văn vật sáng tỏ. Đến như việc sùng Nho trọng đạo lại càng lưu tâm. Chúa thượng đến bái yết trường giám, xem hết bia Tiến sĩ các triều trước, cảm khái tấm tắc ca ngợi. Thấy các khoa thi Tiến sĩ từ năm Bính Thân về sau chưa có bia, bèn sai khắc dựng để chấn hưng quy chế cũ. Lại sai từ thần chia nhau soạn bài ký để ghi sự thực.

Thần kính vâng lời ngọc, chúc mừng cho hàng Nho, đâu dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Khoa mục là cách của quốc gia kén chọn kẻ sĩ, mà khoa Tiến sĩ là quan trọng nhất. Từng khảo cứu thấy tên Tiến sĩ bắt đầu có từ đời Thành Chu, mà khoa thi Tiến sĩ thì bắt đầu mở ra từ đời Tùy, thịnh hành ở đời Đường, Tống. Ơn thưởng đãi ngộ, nghi lễ đủ đầy, thực là vẻ vang hết mức cho hạng khoa giáp. Nhưng để tỏ ý khích lệ ngợi khen, cả lễ văn đều chu đáo thì còn việc khắc bia, truyền lại tiếng thơm cho muôn đời thì quả thật chưa từng thấy vậy.

Kính nghĩ: Quốc triều ta như ngọc sáng giữa ban trưa, được mệnh trời ban ngọc lịch, mở nghiệp lớn giữ gìn thành pháp, kế thừa mưu lược hiển hách của liệt thánh, lấy đức nhân hậu mà vun đắp mệnh mạch quốc gia, lấy học thuật Nho gia mà tô điểm nền thái bình. Nuôi dưỡng tác thành nhân tài, kiếm tìm hiền sĩ. Sáu năm mở một khoa bắt đầu từ khoa Đại Bảo (1442) mà việc kén chọn hiền tài có phép cách. Ba năm một khoa thì bắt đầu từ đời Quang Thuận mà nhân tài theo gió đến thêm đông. Đến đời Hồng Đức cho tạc đá khắc bia trước nhà Quốc học, cả nghi thức và lễ văn thật là đầy đủ. Rạng rỡ tinh hoa văn trị, chấn tác chí khí học trò, bồi đắp phong hóa ức muôn năm, còn gì có thể hơn thế nữa!

Từ đời Trung hưng về sau, gói buộc việc võ, mở rộng việc văn, kế thừa quy tắc chế độ cũ, khoa mục công cụ kén chọn hiền tài càng được khuếch trương, lệ khắc đá đề danh càng thêm đầy đủ, quy mô to lớn càng được lưu truyền đến vô cùng.

Nay thánh đế thánh vương tương ngộ, chăm lo trị nước, quý trọng Nho gia, tô điểm nhân văn, chạnh nhớ công lao của bề tôi đời trước, muốn nêu tên họ để biểu dương, bèn sai khắc bia những khoa còn thiếu để rạng tỏ sự tốt đẹp của đời, khuyến khích lớp hậu học hăng hái vươn lên, thật là một sự kiện rất trọng đại.

Từ chỗ hàn vi đạt tới vinh hạnh này, kẻ sĩ phải nên báo đáp thế nào? Hoặc lặng lẽ mà dâng mưu hay như ngọc báu, hoặc khảng khái bày tỏ tâm can; theo hầu trong cung phải giúp đức cho vua, giúp ơn cho dân; trấn nhậm một phương phải làm bình phong phên dậu. Người giữ chức cao phải đem khả năng bàn nói để hết chức phận can gián của mình, ngõ hầu trên không phụ ơn vua, dưới không thẹn với hàng khoa mục mà công danh sự nghiệp đời đời không mất vậy.

Nếu không được thế thì ngọc xước khó mài, vết nhơ khôn giấu, người đời sau chỉ trích chê cười, há chẳng nên thận trọng sao? Như thế thì bia đá này dựng lên không phải để xem cho đẹp, phô trương thịnh sự mà thôi, mà còn bồi đắp thế đạo đến vô cùng, công dụng há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Dương Bật Trạc1 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày mồng 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

NGÔ VI THỰC 吳為實2 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.

NGUYỄN MẠI 阮邁3 người xã Ninh Xá huyện Chí Linh.

NGUYỄN HỮU ĐẠO 阮有道4 người xã Quỳ Lăng huyện Đông Thành.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

ĐÀO QUỐC HIỂN 陶國顯5 người xã Phù Ninh huyện Đông Ngàn.

LÊ KHẢ TÔNG 黎珂琮6 người xã Trân Táo huyện Gia Lâm.

TRẦN DANH ĐỐNG 陳名棟7 người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn.

ĐỒNG BỈNH DO 同秉猶8 người xã Triền Dương huyện Chí Linh.

NGUYỄN MẬU THỊNH 阮茂盛9 người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm.

VŨ CÔNG ĐẠT 武公達10 người xã Thì Cử huyện Đường An.

MAI THỤY 梅瑞11 người xã Lạc Sơn huyện Chí Linh.

NGUYỄN QUANG HẠO 阮光皓12 người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh.

Thư tả Công văn phiên, người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai là Trịnh Thế Khoa vâng sắc viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Chú thích:

1. Dương Bật Trạc: Xem chú thích 1, Bia số 42.

2. Ngô Vi Thực (1663-?) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông làm quan Lễ khoa Cấp sự trung, được cử đi đốc chiến ở Cao Bằng và chết trận. Sau khi mất, ông được tặng chức Lễ khoa Đô Cấp sự trung.

3. Nguyễn Mại (1655-?) người xã Ninh Xá huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lễ, sau vâng mệnh trấn thủ Sơn Tây, ban tước nam và được cử đi sứ. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lễ, tước Quận công. Sau này cháu nội là Nguyễn Cứ, Nguyễn Tuyển làm phản nên bị tru di.

4. Nguyễn Hữu Đạo (1659-?) người xã Qùy Lăng huyện Đông Thành (nay thuộc xã Lãng Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An). Trước đỗ khoa Sĩ vọng, sự nghiệp của ông hiện chưa rõ.

5. Đào Quốc Hiển (1657-?) người xã Phù Ninh huyện Đông Ngàn (nay là xã Ninh Hiệp huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình, tước tử và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng tước bá. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Quốc Hiển.

6. Lê Khả Tông (1659-?) người xã Trân Tảo huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Hình, tước tử và được cử đi sứ. Khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Công, tước bá.

7. Trần Danh Đống (1656-?) người xã Hoa Lâm huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Mai Lâm huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Lại khoa Cấp sự trung. Có tài liệu ghi ông là Trần Văn Lương.

8. Đồng Bỉnh Do (1647-?) người xã Triền Dương huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là con Đồng Tôn Trạch, làm quan Tham chính.

9. Nguyễn Mậu Thịnh (1668-?) người xã Kim Sơn huyện Gia Lâm (nay là xã Kim Sơn huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là cháu nội Nguyễn Mậu Tài và là anh Nguyễn Khiêm Ích. Ông làm quan Phó Đô Ngự sử, tước nam và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Hộ.

10. Vũ Công Đạt (1663-?) người xã Thì Cử huyện Đường An (nay thuộc huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm đến Tham chính.

11. Mai Thụy (1667-?) người xã Lạc Sơn huyện Chí Linh (nay thuộc xã An Lạc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính.

12. Nguyễn Quang Hạo (1661-?) người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh (nay thuộc xã Văn An huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là con của Nguyễn Quang Hoàn và là anh Nguyễn Quang Dương. Ông làm quan Tham chính. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Nguyễn Công Hạo.

0