18/06/2018, 11:35

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 5 (1667)

Kính nghĩ: Quốc triều nhân nghĩa dựng nước, văn hiến nức danh. Khoa thi Tiến sĩ đặt ra đã từ lâu, khắc đá đề danh quy mô to lớn. Huyền Tông Mục hoàng đế kế thừa mưu lược tốt đẹp mở đường cho hậu thế, noi theo đức lớn của tiên vương. Bấy giờ thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư ...

Kính nghĩ: Quốc triều nhân nghĩa dựng nước, văn hiến nức danh. Khoa thi Tiến sĩ đặt ra đã từ lâu, khắc đá đề danh quy mô to lớn. Huyền Tông Mục hoàng đế kế thừa mưu lược tốt đẹp mở đường cho hậu thế, noi theo đức lớn của tiên vương. Bấy giờ thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tây vương] một lòng sửa đức, trăm việc mở mang, chính sự tốt đẹp của nước nhà đổi thay rạng rỡ, hiền tài trong thiên hạ nườm nượp kéo về. Tháng 2 mùa xuân năm Đinh Mùi thi Hội các cống sĩ trong nước. Đặc sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí cùng quan hữu ty chia giữ các việc, bàn chọn hạng ưu tú được bọn Nguyễn Hữu Đăng 3 người, việc lựa chọn thực là kỹ lưỡng.

Qua ngày tháng 4 vào Điện thí, cho bọn Nguyễn Quán Nho đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Treo bảng vàng trước cửa nhà Thái học, phàm lễ nghi đặc biệt biểu dương, lòng sủng ái ban ơn chẳng kém gì các khoa trước. Duy có lệ khắc đá đề đanh chưa được cử hành. Các khoa trước từ năm Bính Thân đến nay chưa cho dựng bia, có lẽ là muốn chờ thời làm luôn một thể vậy.

Đến nay, Hoàng thượng vẻ vang kế thừa ngôi báu, hết sức xây đắp cơ đồ, nắm giữ quyền bàn bạc nghi lễ, theo thể thức tôn quý người hiền. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] tuân theo mối trước, giúp đỡ công trời, phụ nắm quyền hành, phát dương công lao sự nghiệp đời trước, nhưng vẫn mến chuộng lệ cũ, lưu ý tư văn. Bèn tới nhà Quốc học làm lễ tế thánh hiền rồi ra xem bia Tiến sĩ, thấy cả thảy 21 khoa chưa khắc bia, xuống chỉ cho làm, sai các từ thần chia nhau soạn bài ký. Thần cũng được dự trong số ấy. Ngước trông Thánh thượng, ý đẹp trọng đạo sùng Nho, lòng hiếu kính theo tiên vương gói ghém việc võ, chấn hưng việc văn, cổ vũ sĩ khí, thật là việc tốt đẹp của đời thái bình vậy. Thế thì kẻ sĩ sinh ở đời này, đối với ân tình cá nhảy diều bay, phải làm thế nào cho xứng đáng?

Những người đỗ khoa này nay muốn tìm họ thì họ đã trở thành người thiên cổ cả rồi. Hãy tạm kê cứu sự nghiệp lúc bình sinh của họ: có người giữ chức tham mưu ở đài, viện; có người giữ ấn triện chấp chính ở quận ngoài; có người giữ chức Cấp đô khoa mà có dịp tiêu dao sơn thủy, dừng tiến tùy thời, đều theo sở đắc cả. Còn như nói về việc làm, được mất đúng sai, xét kỹ tiết hạnh của họ thì họ có phải người tốt hay xấu, thì miệng thế còn đó, khen chê thật rất rõ ràng. Nay tấm bia này dựng lên, dù không kịp khuyên răn những người được ghi tên vào đá, song cũng đủ răn đe lớp hậu học chăm chú xem bia.

Như vậy đủ biết sự chế tác của thánh triều có quan hệ đến phong hoá, sẽ nêu gương sáng để lại cho đời sau, há chỉ làm vẻ vang nhất thời mà thôi đâu? Phàm những ai tới xem bia khá nên hiểu rõ ý sâu xa ấy!

Bề tôi kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Kiều1 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

NGUYỄN QUÁN NHO 阮冠儒2 người xã Vãn Hà huyện Thụy Nguyên.

NGUYỄN HỮU ĐĂNG 阮有登3 người xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc.

NGUYỄN QUANG TRẠCH 阮光宅4 người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh.

Thư tả Công văn phiên người xã Hạ Thanh Oai huyện Thanh Oai là Trịnh Thế Khoa vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Chú thích:

1. Nguyễn Kiều (1695-1752) hiệu Hạo Hiên , người xã Phú Xá huyện Từ Liêm (nay thuộc Phú Thượng quận Tây Hồ Tp. Hà Nội). Ông là chồng của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, 21 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, làm quan Tả Thị lang Bộ Binh và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Ông là tác giả của 4 bài văn bia Tiến sĩ, khoa 1667, khoa 1683, khoa 1697 và khoa 1713.

2. Nguyễn Quán Nho (1638-1709) người xã Vân Hà huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Hưng huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, Tri Trung thư giám, tước Hương Giang bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lại, tước Quận công.

3. Nguyễn Hữu Đăng (1631-?) người xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), trú quán xã Bình Vọng huyện Thượng Phúc (nay là xã Bạch Đằng huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đề hình Giám sát Ngự sử.

4. Nguyễn Quang Trạch (1624-?) người xã Kiệt Đặc huyện Chí Linh (nay thuộc Nhân Huệ huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương). Ông là cha của Nguyễn Quang Đạo và Nguyễn Quang Trường. Ông làm quan Hình khoa Đô Cấp sự trung.

0