Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Bình Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736)
Mừng nay nước nhà yên ổn, văn vận hanh thông. Kính vâng: Hoàng thượng nối cơ nghiệp lớn, làm sáng mệnh trời. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương] 1 noi theo lệ lớn tuyển chọn hiền tài. Mùa xuân tháng 3 năm Bính Thìn, chuẩn lời tâu của Bộ Lễ xin mở khoa thi ...
Mừng nay nước nhà yên ổn, văn vận hanh thông.
Kính vâng: Hoàng thượng nối cơ nghiệp lớn, làm sáng mệnh trời. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Uy vương]1 noi theo lệ lớn tuyển chọn hiền tài. Mùa xuân tháng 3 năm Bính Thìn, chuẩn lời tâu của Bộ Lễ xin mở khoa thi Hội. Đặc sai Phó tướng Tả Đô đốc Cảnh Quận công Trịnh Diễn làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư Huy Lâm hầu Ngô Đình Thạc làm Tri Cống cử, Bồi tụng Lại bộ Hữu Thị lang Gia Lạc bá Dương Lệ, Hộ bộ Hữu Thị lang Đông Thọ bá Phạm Minh làm Giám thí. Qua trường bốn lấy bọn Nhữ Đình Toản 15 người trúng cách. Qua tháng sau Điện thí, cho bọn Trịnh Huệ đỗ Cập đệ, Xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc tên vào đá để lưu truyền mãi mãi.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 2 người:
Đệ nhất danhTRỊNH HUỆ 鄭橞2 người hương Sóc Sơn huyện Vĩnh Phúc, trú quán xã Bất Quần huyện Quảng Xương, Lang trung.
Đệ tam danhNGUYỄN QUỐC HIỆU 阮國傚3 người xã Phú Thứ huyện Duy Tiên, Giám sinh.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:
LÊ SĨ BÀNG 黎仕滂4 người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc, Giám sinh.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 12 người:
LÊ SĨ TRIÊM 黎仕霑5 người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc, Huấn đạo.
VŨ PHƯƠNG ĐỀ 武方王是6 người xã Mộ Trạch huyện Đường An, Tri huyện.
ĐỒNG DOÃN KHUÊ 同允珪7 người xã Hùng Sơn huyện Đại Từ, Giám sinh.
ĐÀO XUÂN LAN 陶春蘭8 người xã Hà Mi huyện Nông Cống, Giám sinh.
TRẦN BÁ TÂN 陳伯賓9 người xã An Hoạch huyện Đông Sơn, sau đổi tên là Huy Bật.
NHỮ ĐÌNH TOẢN 汝廷瓚10 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An, Tự thừa.
VŨ ĐÌNH QUYỀN 武廷權11 người phường Yên Thái huyện Quảng Đức, Nho sinh trúng thức.
TRẦN DANH TÂN 陳名賓12 người xã Bồng Trì huyện Gia Định, thi đỗ năm 18 tuổi.
NGUYỄN BÁ TUÂN 阮伯珣13 người xã Đa Hòa huyện Đông Yên, Giám sinh.
MAI TRỌNG TƯƠNG 梅仲襄14 người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh. Nho sinh trúng thức.
NGUYỄN THẾ GIAI 阮世楷15 người xã Nhân Lý huyện Thanh Lâm, Nho sinh trúng thức.
NGUYỄN TÔNG MẠI 阮宗勱16 người xã Yên Đổ huyện Bình Lục, Giám sinh.
Bia dựng tháng 3 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 (1738) Hoàng Lê.
Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Bồi tụng Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Đông các Hiệu thư Kiều Quận công Nguyễn Đình Thái17 vâng sắc soạn.
Chú thích:
1. Tước hiệu của Trịnh Giang.
2.Trịnh Huệ (1704-?) người hương Sơn Biện Thượng huyện Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa), trú quán xã Bất Quần huyện Quảng Xương (nay thuộc huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tham tụng Thượng thư Bộ Hình, do theo phe đảng của Hoàng Công Phụ liền bị bắt giam, rồi được tha và giáng xuống Thừa chỉ, sau thăng đến chức Tế tửu Quốc tử giám. Sau khi mất, ông được tặng hàm Hữu Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Trịnh Tuệ.
3. Nguyễn Quốc Hiệu (1696-?) người xã Phú Thứ huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Tiên Hiệp huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Hiến sát sứ.
4. Lê Sĩ Bàng (1705-?) người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc (nay là xã Thuần Thiện huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là em của Lê Sĩ Triêm và làm quan Đông các Học sĩ, quyền tham chính Kinh Bắc.
5. Lê Sĩ Triêm (1693-?) người xã Nội Thiên Lộc huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thuần Thiên huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông là anh của Lê Sĩ Bàng, làm quan Đông các Học sĩ và Đốc thị Nghệ An. Có tài liệu ghi ông là Lê Nguyễn Triêm.
6. Vũ Phương Đề (1698-?) tự là Thuần Phủ, người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đông các Học sĩ.
7. Đồng Doãn Khuê (1701-?) người xã Hùng Sơn huyện Đại Từ (nay thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo, sau giữ chức Đốc đồng Lạng Sơn. Có tài liệu ghi là Đồng Doãn Giai.
8. Đào Xuân Lan (1711-?) người xã Hà My huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Công, tước bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
9. Trần Bá Tân (1710-?) người xã An Hoạch huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Tân huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại, tước hầu, rồi bị giáng xuống Thượng thư Bộ Công. Sau ông đổi tên là Trần Huy Bật.
10. Nhữ Đình Toản (1703-1774) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cháu nội Nhữ Đình Dụng, con của Nhữ Tiến Hiền và là cha của Nhữ Công Chân. Ông làm quan đến Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, sau đổi sang chức võ và được ban quốc lão.
11. Vũ Đình Quyền (1710-?) người phường Yên Thái huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tự khanh, về trí sĩ.
12. Trần Danh Tân (1708-?) người xã Bồng Trì huyện Gia Định (nay thuộc xã Bình Dương huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thừa chính sứ. Sau ông đổi tên là Trần Trọng Đống.
13. Nguyễn Bá Tuân (1699-?) người xã Đa Hòa huyện Đông Yên (nay thuộc xã Bình Minh huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế.
14. Mai Trọng Tương (1701-?) người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh (nay thuộc xã Cao Thành huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây). Ông là em của Mai Danh Tông và làm quan Hàn lâm Hiệu lý. Khi đi thi ông tên là Mai Nghĩa Chính, sau đổi là Mai Trọng Tương.
15. Nguyễn Thế Giai (1709-?) người xã Nhân Lý huyện Thanh Lâm (nay thuộc thị trấn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Hình, Hiệp thống lĩnh, Hàn lâm Hiệu lý, tước hầu và được cử làm Trấn thủ Thanh Hoa, nhưng bị mất trên đường đi. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Thế Khải.
16. Nguyễn Tông Mại (1708-?) người xã Yên Đổ huyện Bình Lục (nay thuộc xã Trung Lương huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam). Ông làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế.
17. Nguyễn Đình Thái (1684-1758) người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Kim quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông 32 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi Vĩnh Thịnh 11 (1715), sau lại đỗ khoa Đông các năm Bảo Thái Mậu Thân (1728), làm quan Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Lại, tước Kiều Quận công. Có tài liệu ghi là Nguyễn Công Thái.