18/06/2018, 11:35

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 20 (1769)

Năm Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng, Hoàng thượng lên ngôi năm thứ 30, đức lớn vĩnh hằng đã định, thánh đạo sáng ngời. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương]1 mọi lúc mọi nơi nêu cao thánh đức, theo lệ xưa mở khoa thi Hội. Sai Phó Đô tướng Tả hoà quân doanh Thự phủ sự Đô ...

Năm Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng, Hoàng thượng lên ngôi năm thứ 30, đức lớn vĩnh hằng đã định, thánh đạo sáng ngời. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương]1mọi lúc mọi nơi nêu cao thánh đức, theo lệ xưa mở khoa thi Hội. Sai Phó Đô tướng Tả hoà quân doanh Thự phủ sự Đô đốc phủ Đô đốc đồng tri Nghiêm Quận công Trịnh Miên làm Đề điệu, Nhập thị Kinh diên Bồi tụng Binh bộ Thượng thư Bái Xuyên hầu Trần Huy Bật làm Tri Cống cử, Thự Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Hàn lâm viện Thị độc Trần Tiến làm Giám thí. Qua trường bốn lấy trúng cách bọn Ngô Duy Viên 9 người. Qua tháng sau Điện thí, lấy bọn Bùi Huy Bích đỗ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai khắc đá đề danh để lưu truyền mãi mãi.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

BÙI HUY BÍCH 裴輝璧2 người xã Định Công huyện Thanh Trì, trú quán xã Thịnh Liệt, Nho sinh trúng thức.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

PHẠM CÔNG CHÍ 范公志3 người xã Khương Đình huyện Thanh Trì. Thị nội văn chức.

NGUYỄN ĐÌNH GIẢN 阮廷簡4 người xã Vĩnh Trị huyện Hoằng Hóa, Giám sinh.

LÝ TRẦN THẢN 李陳坦5 người xã Lê Xá, huyện Duy Tiên, Nhật giảng, Thiêm tri Hộ phiên Chiếu khám.

LÝ TRẦN DỰ 李陳6 người xã Vân Canh huyện Từ Liêm, Nho sinh trúng thức, nguyên họ Đặng.

NGUYỄN HUY TRẠC 阮輝濯7 người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang, Giám sinh.

NGUYỄN ĐÌNH TỐ 阮廷傃8 người xã Bình Dân huyện Đông Yên, Huấn đạo.

NGÔ DUY VIÊN 吳維垣9 người xã La Khê huyện Từ Liêm, Giám sinh.

NGUYỄN TRỌNG ĐƯƠNG 阮仲鐺10 người xã Trung Cần huyện Thanh Chương, Thiêm tri Hình phiên, Tri phủ.

Bia dựng tháng 10 tiết giữa đông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769) Hoàng Lê.

Tiến sĩ cập đệ khoa Nhâm Thân, Hàn lâm viện Thừa chỉ Quốc tử giám Tư nghiệp Dĩnh Thành bá Lê Quý Đôn11 vâng sắc soạn.

Tiến sĩ khoa Tân Hợi, Nhập thị Bồi tụng Công bộ Thượng thư Tri Quốc tử giám Trung thư giám Thái tử Thái phó Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm vâng sắc nhuận.

Chú thích:

1. Tước phong của Trịnh Sâm.

2. Bùi Huy Bích (1744-1802) hiệu là Tồn Ông, Tồn Amvà tự là Hy Chương, Ảm Chương, người xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Định Công quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Đốc đồng Nghệ An, Hành tham tụng, Tả Thị lang Bộ Hộ, sau thăng đến Đồng bình chương sự kiêm Tham tụng, tước Kế Liệt hầu. Ông còn có tên là Bùi Bích.

3. Phạm Công Chí (1734-?) người xã Khương Đình huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Khương Đình quận Thanh Xuân Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu lý, Đốc đồng Hưng Hoá.

4. Nguyễn Đình Giản (1734-?) người xã Vĩnh Trị huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan và được ban tước Triệu Phong bá.

5. Lý Trần Thản (1721-?) người xã Lê Xá huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Châu Sơn huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Thị độc, Hữu Tư giảng, Trấn thủ Hưng Hoá. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Hình, tước hầu.

6. Lý Trần Dự (1764-?) người xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay là xã Vân Canh huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông là em của Lý Trần Quán và làm quan Đô Cấp sự trung, Đốc đồng Lạng Sơn. Ông nguyên họ Đặng.

7. Nguyễn Huy Trạc (1733-1788) người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông giữ chức quan Tham tri chính sự, sau không theo nhà Tây Sơn và ông uống thuốc độc tự tử.

8. Nguyễn Đình Tố (1738-?) người xã Bình Dân huyện Đông Yên (nay thuộc xã Tân Dân huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên). Ông là con của Nguyễn Đình Bá và giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Thị độc, Khu mật viện, tước Ngọ Khê tử. Có tài liệu ghi sau ông đổi tên là Nguyễn Lạc Thiện.

9. Ngô Duy Viên (1744-?) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay là xã La Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Đô Cấp sự trung, Nhập bồi tụng, Hàn lâm Thị giảng, Bồi tụng, Hữu Thị lang Bộ Lễ, tước Cảo Phong bá. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Ngô Trọng Khuê.

10. Nguyễn Trọng Đương (1724-1786) người xã Trung Cần huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Thanh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm Hiệu lý, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Lạp Sơn bá và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau ông được điều vào trấn Thuận Quảng, khi quân Tây Sơn vây đánh thành Phú Xuân, ông tử trận. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang, tước hầu.

11. Lê Quý Đôn: Xem chú thích 3, Bia số 72.

0