18/06/2018, 11:34

Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa năm thứ 21 (1700)

Trời mở vận trung hưng, sao Khuê sáng điềm trị. Hy Tông Chương hoàng đế kế nối cơ đồ châu ngọc mà dựng ngôi chí tôn, nắm gương trời để giữ quyền trị nước. Thực nhờ Chiêu Tổ Khang vương 1 dốc ý tôn phù, một lòng giúp sáng. Phàm quy mô trị bình đều thi hành theo trật tự, mà quy chế kén ...

Trời mở vận trung hưng, sao Khuê sáng điềm trị.

Hy Tông Chương hoàng đế kế nối cơ đồ châu ngọc mà dựng ngôi chí tôn, nắm gương trời để giữ quyền trị nước. Thực nhờ Chiêu Tổ Khang vương1 dốc ý tôn phù, một lòng giúp sáng. Phàm quy mô trị bình đều thi hành theo trật tự, mà quy chế kén chọn kẻ sĩ lại càng được lưu tâm. Năm Canh Thìn rồng bay, đúng kỳ mở khoa đại tỉ. Mùa xuân tháng ba xuống chiếu thi Hội cho các Cử nhân trong nước. Đặc sai Hậu hoà quân doanh Phó đốc tướng Thái bảo Tuyên Quận công Trịnh Quán làm Đề điệu, Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Hương Giang tử Nguyễn Quán Nho làm Tri Cống cử, Bồi tụng Hình bộ Tả Thị lang Khánh Sơn nam Nguyễn Thế Bá và Bồi tụng Lễ bộ Hữu Thị lang Thi Khánh nam Hoàng Công Chí làm Giám thí, cùng các quan Khảo thí, Tuần xước và các ty trong ngoài chia giữ các việc.

Bấy giờ người dự thi đông đến trên 2.000 người, chọn được hạng xuất sắc là bọn Nguyễn Hiệu 19 người. Ngày tháng 5 triệu vào Điện thí, ban cho Nguyễn Đình Ức đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Tạ Đăng Huân 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Trần Toàn 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Ngày 22 xướng loa gọi tên người thi đỗ, quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa nhà Thái học. Sau đó lại ban cho áo mũ phẩm phục, hoa bạc yến Quỳnh, cưỡi ngựa đi xem phố phường, rồi vinh quy quê nhà. Đãi ngộ ưu thưởng, ơn vinh thật rất mực long trọng vậy. Duy việc khắc đá đề danh thì chưa kịp dựng, bởi vì các khoa trước cũng có khoa còn chưa khắc bia.

Đến nay, Hoàng thượng bệ hạ kế thừa đại thống, chấn hưng nền văn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương]2 cùng chung một đức, kính giúp xử lý muôn việc, theo quy chế cũ đến thăm nhà Thái học, nghĩ muốn khôi phục lệ xưa, đối với các khoa chưa khắc bia bèn sai nhất tề khắc dựng. Về khoa Canh Thìn thì sai thần soạn bài ký.

Xét thần văn chương kém cỏi, sao đủ phô trương việc lớn. Nhưng soạn thuật là chức trách của thần, thần đâu dám đến cùng từ chối. Kính cẩn cúi đầu rập dầu dâng lời rằng:

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, được hiền tài thì nước nhà thịnh sáng. Các bậc đế vương xưa nay lựa chọn hiền tài chẳng phải riêng theo một mối. Từ thời trung về sau, tuỳ thời châm chước cho thích nghi, thế rồi bắt đầu đặt ra phép khoa cử. Nhưng phép ấy mà thi hành rất lâu dài, được người nhiều nhất thì không gì bằng khoa thi Tiến sĩ vậy. Nhờ đó nhà nước mới chọn lựa cất dùng hiền tài, kẻ sĩ có bậc thang để bước lên đường công danh sự nghiệp, không ai không do con đường ấy. Vì thế cho nên triều ta đời trước làm đời sau tiếp nối, lúc đầu thì mở ra, về sau bồi đắp, chỉ có khoa thi Tiến sĩ là đầy đủ ý nghĩa. Đó là do đối với khoa cử các triều đều chú ý quan tâm, đặt định lễ nghi chu đáo, có quy chế đề phòng mọi khuất tất mà lại được coi là công việc lớn lao nhất và cần cấp nhất nên mới được như thế chăng?

Sĩ đại phu xuất thân từ khoa cử, được tin dùng long trọng, đãi ngộ đã ưu hậu, lại được khắc họ tên trên đá tốt dựng ở nhà Quốc học, khiến cho mọi người thấy được sự vẻ vang ái mộ, lưu tiếng khen đến vô cùng. Ơn khích lệ khen thưởng như thế có lẽ khó nói hết bằng lời. Vậy thì kẻ sĩ được đề danh vào bia đá này, sự đền đáp phải nên thế nào? Cố nhiên là phải khắc ghi ơn sâu, trau dồi đức hạnh, rèn giũa tiết tháo như giữ ngọc gìn vàng. Khí phách phải trong suốt như băng tuyết, tấu bẩm phải như thuốc đắng đá châm, không xuê xoa dễ dãi; nói bàn phải chắc chắn thẳng ngay, không a dua dựa dẫm, suy nghĩ thì phải lo làm sáng pháp độ hoàng gia. Làm trụ đá cho miếu đường, đặt quốc gia vào chốn vững yên như Thái Sơn bàn thạch, cùng vui với nước cho đến khi sông cạn đá mòn. Như thế thì danh tiếng cùng với bia đá này sẽ thơm truyền mãi mãi không nát vậy. Thảng hoặc có kẻ ngoài cứng trong giòn, trước trinh chính mà sau vẩn đục, danh thực không hợp, lời nói trái ngược việc làm, thì cũng như viên ngọc bị xơ xước, không thể che giấu được, chỉ làm vết nhơ cho bia đá này, há chẳng nên thận trọng hay sao? Há chẳng đáng lấy làm răn hay sao!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm3 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 1 người:

NGUYỄN ĐÌNH ỨC 阮廷檍4 người xã NguyệtÁng huyện Thanh Trì.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 3 người:

TẠ ĐĂNG HUÂN 謝登勳5 người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng.

HỒ PHI TÍCH 胡丕績6 người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu.

ĐINH NHO HOÀN 丁儒完7 người xã An p huyện Hương Sơn.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 15 người:

TRẦN TOÀN 陳璿8 người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm.

NGUYỄN HIỆU 阮傚9 người xã Lan Khê huyện Nông Cống. Hội nguyên.

NGUYỄN QUỐC BẢO 阮國寶10 người xã Chi Nê huyện Chương Đức.

ĐẶNG QUỐC ĐỈNH 鄧國鼎11 người xã Cát Xuyên huyện Hoằng Hóa.

BÙI HỮU NHẪM 裴有恁12 người xã Thanh Tuyền huyện Nam Đường.

NGUYỄN TRUNG QUÁN 阮忠貫13 người xã Cổ Hiền huyện Thượng Phúc.

LÊ HỮU HỶ 黎有喜14 người xã Liêu Xá huyện Đường Hào.

NGUYỄN Y 阮伊15 người xã Chương Tuyền huyện Gia Phúc.

LẠI DUY CHÍ 賴惟志16 người xã Cổ Loa huyện Đông Ngàn.

TRƯƠNG MINH LƯỢNG 張明亮17 người xã Nguyễn Xá huyện Duy Tiên.

NGUYỄN ĐÌNH TƯỚNG 阮廷相18 người xã Sơn Vi huyện Sơn Vi.

NGUYỄN QUỐC QUANG 阮國光19 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.

NGUYỄN CÔNG HÃNG 阮公沆20 người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn.

NGÔ ĐÌNH THẠC 吳廷碩21 người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai.

NGUYỄN PHẤN 阮奮22 người xã Các Sa huyện Yên Lạc.

Thị nội tuyển Thị nội Thư tả Hộ phiên Tiến công Thứ lang sở sứ, người xã Bái Giao huyện Đông Sơn là Nguyễn Đình Hoàn vâng viết chữ (chân).

Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái hàm Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng viết chữ triện.

Chú thích:

1. Miếu hiệu của Trịnh Căn.

2. Tước phong của Trịnh Cương năm 1714.

3. Bùi Sĩ Tiêm: Xem chú thích 3, Bia số 40.

4. Nguyễn Đình Ức (1676-?) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông là con của Nguyễn Đình Trụ và là em Nguyễn Đình Bách. Trước đỗ khoa Sĩ vọng, làm quan Tham chính.

5. Tạ Đăng Huân (1672-1741) người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Đan Phượng huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông là con của Tạ Đăng Vọng và là cha Tạ Đăng Đạo. Ông giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Lễ, kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Tả Thị lang.

6. Hồ Phi Tích (1675-1744) người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Quỳnh Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo.

7. Đinh Nho Hoàn (1671-?) hiệu Mặc Ông,người xã An Ấp huyện Hương Sơn (nay thuộc xã Sơn Thịnh huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Đinh Nho Công, giữ các chức quan, như Hữu Thị lang Bộ Lại, Thượng bảo Tự khanh và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Nhưng dọc đường đi, không may bị lâm bệnh, ông bị mất, được tặng chức Tả Thị lang.

8. Trần Toàn (1663-?) người xã Nghĩa Đô huyện Từ Liêm (nay là Nghĩa Đô quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông làm quan Tham chính.

9. Nguyễn Hiệu (1774-1735) người xã Lan Khê huyện Nông Cống (nay thuộc xã Nông Trường huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông là cha của Nguyễn Hoản và giữ các chức quan, như Tá lý công thần, Thượng thư Bộ Lại, Thái phó, tước Nông Quận công.

10. Nguyễn Quốc Bảo (1680-?) người xã Chi Nê huyện Chương Đức (nay thuộc xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.

11. Đặng Quốc Đỉnh (1669-?) người xã Cát Xuyên huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Cát huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sát sứ.

12. Bùi Hữu Nhẫm (1676-1740) người xã Thanh Tuyền huyện Nam Đường (nay thuộc xã Nam Thanh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Cấp sự trung. Sau khi mất, ông được tặng Tham chính.

13. Nguyễn Trung Quán (?-?) người xã Cổ Hiền huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Hiền Giang huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hình, tước Tín Trạch bá. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Lễ, tước hầu.

14. Lê Hữu Hỷ (1674-?) người xã Liêu Xá huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là con Lê Hữu Danh, là anh Lê Hữu Mưu và Lê Hữu Kiều. Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

15. Nguyễn Y (1673-?) người xã Chương Tuyền huyện Gia Phúc (nay thuộc xã Gia Tân huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa chỉ, tước bá.

16. Lại Duy Chí (1673-?) người xã Cổ Loa huyện Đông Ngàn (nay là xã Cổ Loa huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử. Có tài liệu ghi ông là Lê Duy Chí.

17. Trương Minh Lượng (1636-?) người xã Nguyễn Xá huyện Duy Tiên (nay thuộc xã Tiên Nội huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Tự khanh.

18. Nguyễn Đình Tướng (1632-?) người xã Sơn Vi huyện Sơn Vi (nay thuộc xã Sơn Vi huyện Lam Thao tỉnh Phú Thọ). Ông giữ các chức quan, như chức Giám sát, Đốc đồng xứ Tuyên Quang, nhưng sau bị bãi chức.

19. Nguyễn Quốc Quang (1676-?) người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tự khanh, Thự Tham chính Nghệ An. Có tài liệu ghi ông đổi tên là Nguyễn Quốc Ánh.

20. Nguyễn Công Hãng (1680-1732) hiệu Tĩnh Amvà tự Thái Thanh , người xã Phù Chẩn huyện Đông Ngàn (nay là xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Đề hình, Thiêm Đô Ngự sử, Đốc trấn Cao Bằng, Tả Thị lang Bộ Binh, Nhập thị Bồi tụng, Thượng thư, tước Sóc Quận công, sau thăng Thiếu bảo, kiêm chức Ngự sử đài Chánh chưởng, Thượng thư Bộ Lại, hàm Thái tử Thái phó, sau lại thăng Thái bảo, xếp vào hạng Tá lý công thần và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau do Trịnh Giang nghe lời dèm pha bèn giáng chức điều ông đi làm Thừa chính sứ Tuyên Quang và bắt ép ông phải tự tử.

21. Ngô Đình Thạc (1678-1740) người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai (nay là xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Binh, Nhập thị Kinh diên, Tham tụng, Thượng thư Bộ Hộ, tước Quận công và được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) để báo tang vua Lê Dụ Tông. Sau ông được phái làm Trấn thủ xứ Lạng Sơn. Năm 1740, tù trưởng người địa phương là Toản Cơ làm phản, đem quân đến vây đánh Đoàn Thành (trấn thành Lạng Sơn), ông cố giữ thành không chịu khuất phục, bị bọn Toản Cơ bắt và giết. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo.

22. Nguyễn Phấn (1643-?) người xã Các Sa huyện Yên Lạc (nay thuộc xã Trung Kiên huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.

0